logo

TỤC NGỮ LƯỢC GIẢI 2

Tham khảo tài liệu 'tục ngữ lược giải 2', tài liệu phổ thông, ngữ văn - tiếng việt phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và làm việc hiệu quả
TỤC NGỮ LƯỢC GIẢI Vần B 1. Ba chân bốn cẳng: Đi rất vội, rất nhanh, hình như đi bằng ba chân bốn cẳng vậy. Ý nói đi mau gấp hai ba lúc đi thường ngày. 2. Ba keo thì mèo mở mắt: Ba keo là ba trận vật nhau. Ba keo đây là nói vật thua ba keo. Ba keo thì mèo mở mắt là vật thua ba keo thì trợn tròn mắt ra như mắt mèo; mở to mắt trợn tròn là tỏ sự sợ, sự tiếc. Ý câu này nói vật thua luôn ba keo thì bấy giờ mới biết thân mình là yếu và mới biết sợ người khoẻ hơn. Người ta thường dùng câu này để nói: có thua lỗ thất bại vài ba phen thì rồi mới biết thân. 3. Ba mặt một nhời: Hai người giao ước với nhau và người làm chứng cho lời ước ấy, vị chi là ba người. Ba người cùng biết chuyện nói một lời như nhau tức và việc có thật, đủ tang chứng, không còn ai nuốt lời được. 4. Ba mươi được ăn, mồng một tìm đến: Ngày ba mươi là ngày cuối tháng. Ngày mồng một là ngày đầu tháng. Ba mươi với mồng một là ngày hôm trước và hôm sau. Ngày hôm trước được ăn thì ngày hôm sau lại đến chực ăn. Đại ý câu này muốn nói được ăn một lần, hay được lợi một lần thì lần sau cứ mong ngóng mãi. 5. Ba tháng trồng cây một ngày trông quả: Trồng trọt, bón tưới cây (đây là cây lúa) trong ba tháng trời, đến khi cây có quả thì chỉ một ngày là gặt xong. Đại ý câu này nói hưởng kết quả thì dễ, thì chóng, làm nên cái kết quả đó thì khó và lâu. 6. Bà con vì tổ tiên, không phải vì tiền vì gạo : Bà con là có họ hàng với nhau. Bà con vì tổ tiên là họ hàng với nhau thì chung một tổ tiên. Không phải vì tiền vì gạo nghĩa là không phải vì thấy người giầu có, lắm tiền nhiều gạo mà nhận bà con với nhau. Đại ý câu này muốn nói: nhận bà con với nhau là muốn nhớ đến tổ tiên chung, chứ không phải vì nhận họ hàng để cầu lợi. Câu này ngụ ý chê những người hay lợi dụng họ hàng để mưu ích lợi riêng. 7. Bà khen con bà tốt, tháng mười tháng một bà biết con bà: Tháng mười tháng một khí trời thường khô, se, ta gọi là trời hanh. Dưới sức áp lực của khí trời, da người ta thường bị căng thẳng, và nứt ra, gọi là nẻ. Da đẹp trắng đến đâu gặp trời hanh cũng khó tránh được nẻ. Bà vẫn khen con bà đẹp nhưng đến tháng mười tháng một bà sẽ biết da dẻ con bà đẹp hay không? Câu này nêu cái ảnh hưởng của thời tiết đối với vẻ đẹp con người. 8. Bắc cầu mà noi, ai bắc cầu mà lội: Ai cũng bắc cầu để mình đi lên cầu mà khỏi phải lội, chứ ai bắc cầu để rồi lại lội nước qua bao giờ. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này có ý nói kẻ làm mẹ làm cha, hoặc người trên đối đãi với người trên mình như thế nào, thì con cái hay người dưới mình cũng sẽ đối đãi với mình như thế. Vì làm như thế tức cũng là mình bắc cầu để sau mình noi qua. Thí dụ: mình đối đãi với cha mẹ chẳng ra gì, thì sau này con cái cũng sẽ đối đãi với mình không ra gì. 9. Bách nhân, bách khẩu: Trăm người trăm miệng, tức là mỗi người một lời nói, nhiều người thì nhiều ý kiến, mỗi người nghĩ một khác, nói một khác. Câu này tả sự ồn ào náo nhiệt của đám hội họp đông người. 10. Bán anh em xa mua láng giềng gần: Anh em ở xa thì quên đi để mua chuộc tình thân mật của người láng giềng gần cận nhà mình, phòng những khi “tắt lửa tối đèn” tức là lúc đêm hôm, gặp việc khẩn cấp, thì nhờ láng giềng giúp đỡ. 11. Bán chỗ nằm mua chỗ ngồi: Ngày xưa ở làng xóm, người ta quí chuộng cái chỗ ngồi ở góc chiếu đình trung, cho là một danh dự lớn. Cho nên người ta thường lo lắng, bỏ tiền bạc ra mua nhiêu, mua xã, làm khao làm tiệc để được một chỗ ngồi ở ngoài đình làng; có người vì thế mà phải bán cả nhà, đất. Cho nên có câu: “bán chỗ nằm mua chỗ ngồi”; chỗ nằm tức là nơi nhà ở. Chỗ ngồi tức là góc chiếu nơi đình trung. 12. Bán gia tài mua danh phận: Theo Sử thì vào cuối đời Trần và cuối đời Lê, có lệ bán phậm hàm; người có tiền mua được hư danh cho là vinh dự. Đến đời Lê Mạc, chúa Trịnh Cương đặt lệ quan từ tứ phẩm trở xuống ai nộp 600 quan thì được thăng lên một trật. Những người chân trắng ai nộp 2.800 quan thì được bổ làm tri phủ, 1.800 quan thì được bổ nhiệm tri huyện. Danh phận có thể mua như thế, nên nhiều người bán cả cơ nghiệp để mua lấy chức quan. Vì vậy có câu tục ngữ trên. Gần tại các thôn quê, người ta cũng đua nhau bỏ tiền ra mua xã, dành góc chiếu chốn đình trung. Câu tục ngữ ghi một tình trạng xã hội và nêu thói chuộng hư danh của nhiều người. Người ta thường mượn câu này để bênh vực cho cái thói ham danh phận. 13. Bảo một đàng quàng một nẻo: Bảo đây dùng theo nghĩa cổ, nghĩa là dậy. Quàng là đâm quàng, đi quàng, tức là đi bừa không xét xem là đúng hay không, đường quang hay đường có chông gai. Nẻo là lối đi. Bảo một đàng quàng một nẻo là dậy đi đường này không đi lại đâm quàng đi nẻo khác; ý nói làm trái với lời dậy bảo của người trên. Ý nghĩa cũng gần như câu “bảo một đường sểnh một nẻo”. 14. Bảo một đường sểnh một nẻo: Bảo dùng theo nghĩa cổ, là dậy bảo (Dậy học xưa kia gọi là bảo học). Sểnh là đi xa xa, đi trệch ra. Nẻo là lối đi, hẹp hơn đường. Ngụ ý câu trên nói việc dậy đi một đường lại đi trệch ra một lẻo khác. Câu này thường dùng để quở trách con cái, học trò, hay người dưới không theo đúng lời dậy bảo của cha mẹ, anh, thầy học hoặc người trên. Ý nghĩa cũng giống ý nghĩa câu “bảo một đàng quàng một nẻo”. 15. Bát mồ hôi đổi bát cơm: Muốn được bát cơm ăn phải đem bát mồ hôi ra mà đổi. Ý nói phải làm lụng vất vả khó nhọc lắm mới có miếng ăn. Câu này nêu sự làm ăn vất vả của nhà nông nước ta. 16. Bảy mươi học bảy mốt: Người bảy mươi tuổi phải học kinh nghiệm của người bảy mươi mốt tuổi, vì hơn một tuổi là có thêm kinh nghiệm một năm. Câu này đại ý nói người nhiều tuổi thì biết việc đời nhiều hơn, người ít tuổi bao giờ cũng thua kém. Cũng có nghĩa nữa là người ta tuổi nào cũng cần phải học để biết thêm, chớ không nên tự phụ là mình biết hết cả, không cần phải học ai nữa. 17. Bảy mươi chưa đui què, chớ khoe rằng lành: Bảy mươi là bảy mươi tuổi. Đui là mù. Lành là nguyên lành, thân thể không tàn tật. Khi người ta tuổi đã bảy mươi rồi mà chưa mù mắt què chân, thì cũng chớ nên khoe rằng mình nguyên lành không bị tàn tật. Đại ý câu này khuyên người ta chớ nên tự phụ rằng mình nguyên lành mà khinh bỉ người đui mù què quặt; đến người già 70 tuổi cũng chưa chắc đã khỏi bị tàn tật vì việc đời xẩy ra bất thình lình, có khi chỉ trong một chớp mắt mà người lành bỗng hóa ra người què, vì trong một tai nạn rủi ro chi đó. 18. Bắt bò cày triều: Triều đây là ruộng triều. Ruộng triều nguyên nghĩa là ruộng có nước thuỷ triều lên xuống, ra vào, sau dùng để trở những ruộng nước bùn lầy. Ruộng triều có khi bùn lầy đến thắt lưng, trâu cũng không cày bừa được. Thế mà bắt bò cày triều, thật là bắt nó làm một việc quá khả năng của nó. Câu này thường được dùng để chê sự cắt đặt công việc không sát khả năng, xếp đặt công việc không hợp lý. 19. Bắt cá hai tay: Hai tay đều thò xuống bắt cá; không phải là hai tay định bắt một mà mỗi tay định bắt một con. Câu này thường dùng để chê người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc nọ thì được việc kia. 20. Bất học vô thuật: Câu này toàn chữ Hán, nghĩa là: không học thì không có trí thuật, không học thì không biết cách làm việc. Đại ý câu này khuyên người ta phải học thì mới biết đường làm việc ( Học ở sách vở, học ở người xưa, học ở người xung quanh mình, coi người ta làm, bắt chước người ta làm, đều là học). 21. Bầu dục chấm nước cáy: Bầu dục là món ăn ngon và bổ nhất trong thân thể con lợn. Nước cáy là thứ nước mắm làm bằng con cáy ( một thứ cua bể chân có lông tơ). Nước cáy nặng mùi sắc đen, là thứ nước mắm xấu, không ngon. Bầu dục mà đem chấm nước cáy thì làm phí mất cả chất của bầu dục. Đại ý câu này nói người thô kệch không biết đường ăn. Người ta thường nói lầm ra là: dùi đục chấm nước cáy. 22. Bé không vin, cả gẫy cành: Vin là vin cành cây xuống mà uốn nắn thành hình thù gì (xưa người ta thường hay uốn cây thành hình rồng, hình phượng để làm cảnh). Cho nên phải uốn nắn từ lúc cây còn bé, còn non. Để khi cây lớn lên mới vin thì gẫy cành, không thể uốn nắn được. Đại ý câu này khuyên người ta nên dậy con cái từ lúc chúng còn nhỏ tuổi, để chúng lớn rồi mới dậy thì không dậy được nữa. 23. Bẻ hành, bẻ tỏi: Hành tỏi có nhiều nhánh bé. Bẻ hành, bẻ tỏi là bẻ hành, tỏi ra những nhánh bé nhỏ. Nghĩa bóng câu này muốn nói: bắt bẻ những điều vụn vặt, không đáng bắt bẻ. 24. Bẻ què cho thuốc: Chính mình bẻ què chân nó (vật hay người) rồi chính mình lại cho nó thuốc để rịt cho nó khỏi què. Câu này tả cái mánh lới xảo quyệt của bọn cường hào thường kiếm truyện cho người ta bị tai vạ rồi lại đứng ra lo liệu chạy chọt để lấy ăn. 25. Bĩ cực thái lai: Bĩ cực là khốn khổ, suy bĩ đến cực độ thái lai là vận may, vận đỏ đến. Bĩ cực thái lai là hễ người ta gặp cảnh khốn khổ cùng cực quá thì là sắp sang hồi vận đỏ; không biết lẽ trời có đúng thế không? (Khổ quá tất sắp sướng, nghèo quá tất sắp giầu, tối quá tất sắp sáng…) Hay là câu này chỉ nêu lên để an ủi suông những người cơ cực? 26. Bích trung hữu nhĩ: Bích trung là trong vách. Vách tức là tường mỏng ngăn cách phòng. Hữu nhĩ là có tai nghe. Bích trung hữu nhĩ là trong vách có tai nghe, ý nói ở phía bên kia vách có người lắng nghe hình như là cái vách có tai vậy. Câu này khuyên răn người đời nên giữ mồm miệng cho cẩn thận, kẻo lời nói trong buồng kín có thể lọt ra ngoài. Câu này đã được dịch nôm: rừng có mạch, vách có tai. 27. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe: Thưa thốt là nói năng, một cách lễ phép. Thốt là thuyết (chữ Tàu) nói trạch ra. Câu này nghĩa là: điều gì mình biết thì mình hãy nói, điều gì mình không biết thì cứ im lặng (dựa cột = im lặng) mà nghe, đại ý khuyên người ta không nên nói bậy bạ những điều gì mình không hiểu rõ. 28. Bịt mắt bắt chim: Bắt chim là việc khó. Bịt mắt mà đòi bắt chim là một việc bất khả. Người ta thường mượn câu này để tỏ ý chê người chủ quan, không lượng sức mình, định làm những việc khó khăn không ai làm nổi. 29. Bọ nẹt có giẻ nùi: Bọ nẹt là một thứ sâu sắc xanh như lá, rất độc, hễ ai mó phải thì sưng tay: bọ nẹt lẫn vào nước uống có thể làm chết người. Một thứ sâu độc như vậy, tưởng rằng không có gì trị nổi, thế mà bọ nẹt lại là thức ăn thích nhất của chim giẻ nùi. Theo nghĩa bóng câu này muốn nói: kẻ bạc ác bạo ngược đến đâu cũng có người trị nổi. Ý nghĩa tương tự ý nghĩa câu “vỏ quít dầy có móng tay nhọn” hay “bệnh quỉ có thuốc tiên”. 30. Bóc ngắn cắn dài: Bóc đây là bóc bánh, bóc chuối. – Bóc ngắn cắn dài là bóc lá, bóc vỏ thì ngắn mà ăn thì cắn miếng dài hơn, quá cả chỗ bóc, tức là không đủ ăn. Người ta thường dùng câu này để nói sự kiếm được ít mà tiêu thì nhiều, luôn luôn thiếu thốn. 31. Bốc mũi bỏ lái: Bốc thóc gạo, đồ đạc hay củi đuốc ở đằng mũi thuyền (tức là phía trước) bỏ sang đằng lái thuyền (tức là phía sau thuyền). Ý nói xoay xở mà không thêm được kết quả. Đàng mũi nhẹ thì đàng lái nặng, đàng lái nhẹ thì đàng mũi nặng, kết cục thuyền cũng không nặng hay nhẹ thêm. 32. Bụng làm dạ chịu: Bụng với dạ cũng là một. Bụng làm dạ chịu nghĩa là mình làm thì mình chịu, câu này đại ý nói làm việc gì thì mình phải chịu trách nhiệm việc ấy, không còn đổ tội cho ai được. 33. Bụng tỉnh mình gầy: Bụng nghĩ ngợi việc gì ra việc ấy, rất sáng suốt, tỉnh táo, nhưng vì mình gầy yếu, nên không đủ sức làm việc đó. Câu này đại ý nói: biết điều hay việc phải, nhưng không làm được, vì thiếu phương tiện; hay là lòng muốn làm việc hay, nhưng sức không làm nổi (lực bất tòng tâm). 34. Bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy: Bụng bò cũng giống bụng trâu, vì trâu bò thuộc cùng một loại. Người ta thường mượn câu này để nói người ta bụng dạ ai cũng như nhau, cũng có những nguyện vọng mong muốn như nhau, cũng có những ý tốt ý xấu như nhau. 35. Bụt nhà không thiêng (đi cầu Thích Ca ngoài đường): Nước ta cũng có Bụt như các ông Khổng Minh, Khổng Tử đạo hạnh… Nhưng người ta không sùng bái bằng Phật Thích Ca ở bên Ấn Độ cho nên có câu đó. Cũng có người giảng: Bụt nhà đây tức là cha mẹ ở nhà, cha mẹ sinh ra con, nuôi nấng dạy dỗ, gầy dựng, làm nên hạnh phúc cho con không khác gì Bụt sống. Vậy mà kẻ làm con thường không thờ cha mẹ cho hết lòng, lại đi tin sùng lễ bái Bụt ở đâu đâu (ngoài đường). Đại ý câu này chê những kẻ không biết tin lễ bái để cầu phúc. 36. Bút sa gà chết: Ngày xưa ở nhà quê, động có việc làm giấy tờ gì như: văn tự, văn khế, khai báo… là người ta phải giết gà để khoản đãi người làm giúp giấy tờ. Cho nên có câu: “Bút sa gà chết”. Bút sa là bút rỏ mực xuống giấy, tức là viết giấy tờ. Cũng có người cho nói thế là sai và bảo phải nói thế này: Bút sa là chết, nghĩa là: hễ ai hạ bút xuống ký tên vào giấy tờ là chết, không gỡ tội được nữa. Hiểu như thế có vẻ cầu kỳ và không hợp lý, vì có phải hạ bút ký tên là bao giờ cũng chết đâu? 37. Buôn chung với Đức Ông: Đức Ông là tiếng nôm tôn xưng các ông Hoàng (tức là anh em bà con nhà Vua). Thời xưa Đức Ông là bà con thân thích với nhà Vua, thế lực dĩ nhiên to tát lắm, nhân dân ai cũng kính sợ. Bỏ vốn buôn chung với Đức Ông thì được tiếng là giao thiệp đi lại với người quyền quí, nhưng chẳng được lợi lộc gì, chỉ bị thiệt thòi, vì bao giờ chả phải nhường Đức Ông phần hơn, mình chịu phần lép. Câu này đại ý khuyên người ta về việc giao thiệp buôn bán cần phải suy tính lợi hại thiết thực, không nên chuộng cái danh giá hão. 38. Buôn tàu buôn bè không bằng dè miệng: Buôn tàu là buôn bán phải dùng tàu thủy chở hàng, tức là buôn to, buôn bè là buôn gỗ, chở thành từng bè, cũng có nghĩa là buôn to. Dè miệng là ăn dè sẻn, hà tiện. Câu này nghĩa là buôn to, bán lớn cũng không bằng bớt sự ăn tiêu. Nếu ăn tiêu hoang phí, xa xỉ quá thì buôn bán lớn đến mấy cũng không thể làm giầu. Đại ý khuyên người ta nên tiết kiệm, nhất là sự ăn uống. 39. Buôn tàu buôn vã chẳng đã hà tiện: Buôn tàu là buôn bằng tàu thủy, ý nói buôn to. Buôn vã là buôn bằng đường bộ. Chẳng đã là chẳng đỡ. Câu này nghĩa là buôn to bán lớn cũng không đỡ túng nghèo được bằng hà tiện, đại ý khuyên người ta không nên hoang phí. 40. Buôn thất nghiệp, lãi quan viên: Buôn bỏ ra ít vốn như kẻ thất nghiệp, thế mà được nhiều lãi. Lãi quan viên là lãi to (quan viên là người sang trọng; thất nghiệp là người bơ vơ). Ý nói buôn nhỏ mà lãi to.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net