logo

Từ tốt đến vĩ đại (Phần III)


Từ tốt đến vĩ đại (Phần III) ...Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 hướng cái tôi khỏi cá nhân họ, đi vào mục đích lớn hơn là xây dựng công ty vĩ đại. Không phải những người lãnh đạo này không có cái tôi, hay không biết quan tâm đến bản thân mình. Thực tế, họ cực kỳ tham vọng – nhưng tham vọng của họ trước hết là vì công ty, chứ không vì bản thân... CHƯƠNG HAI KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO CẤP ĐỘ 5 Bạn có thể làm được bất cứ điều gì trong cuộc sống, với điều kiện bạn đừng để ý ai là người hưởng công. Harry S. Truman[1] Năm 1971, một người đàn ông có vẻ rất bình thường tên là Darwin E. Smith lên nắm chức Tổng giám đốc công ty Kimberly – Clark, một công ty giấy già nua và nặng nề. Giá cổ phiếu của công ty lúc này đã tụt xuống 36% dưới mức thị trường chung trong vòng 20 năm. Smith là một luật sư, tính tình điềm đạm, đang làm việc trong công ty. Bản thân ông cũng không chắc việc Hội đồng quản trị chọn mình là một quyết định đúng đắn. Cảm giác này càng tăng lên khi một vị giám đốc trong công ty kéo ông ra ngoài và nói nhỏ rằng ông không có trình độ chuyên môn cần thiết để đảm nhiệm chức vụ này[2]. Nhưng ông vẫn nhận chức Tổng giám đốc, và giữ vững cương vị này trong suốt 20 năm sau đó. Và đó là 20 năm tuyệt vời. Trong giai đoạn này, Smith đã tạo ra một bước chuyển biến đáng kinh ngạc, đưa công ty Kimberly - Clark thành công ty giấy tiêu dùng hàng đầu trên thế giới. Dưới quyền lãnh đạo của ông, lợi nhuận cổ phiếu tích lũy của Kimberly - Clark đã đạt gấp 4,1 lần thị trường chung, vượt qua cả những đối thủ trực tiếp như công ty giấy Scott hay Procter & Gamble, hay những “đại gia” như Coca-Cola, Hewlett-Packard, 3M, General Electric. Đây là một thành quả ấn tượng, một ví dụ tiêu biểu trong thế kỷ hai mươi về việc đưa một công ty từ tốt đến vĩ đại. Vậy mà có rất ít người biết về Darwin Smith, ngay cả những sinh viên chuyên ngành quản trị hay lịch sử kinh doanh. Có lẽ Smith cũng muốn thế. Là một người không lúc nào tỏ ra quan trọng, Smith thích làm bạn với những người thợ điện, thợ ống nước và mỗi kỳ nghỉ hè ông lại đến trang trại của mình ở Winconsin, chạy lòng vòng trên chiếc xe chuyên dụng, trồng cây, dọn đá[3]. Ông không bao giờ cố tạo dựng hình ảnh người anh hùng hay một người điều hành nổi tiếng[4]. Một lần, một nhà báo yêu cầu ông hãy miêu tả phong cách lãnh đạo của mình, Smith, lúc đó đang ăn mặc hết sức lỗi mốt như một cậu bé nhà quê lần đầu mua được bộ cánh ở siêu thị, không nói gì mà chỉ nhìn chằm chặp qua cặp mắt kính có gọng đen lỗi thời. Phải sau một lúc lâu, ông mới trả lời đơn giản: “Kỳ quặc, lập dị!”[5] Tay phóng viên Wall Street Journal hôm đó chịu thua không thể viết được một bài báo đình đám nào về Darwin Smith! Nhưng nếu bạn nghĩ Darwin Smith là một người nhu mì, dịu dàng, thì bạn lầm to. Đằng sau sự nhút nhát và khiêm nhường ấy là một quyết tâm mãnh liệt, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ trong cuộc sống. Smith sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo ở Indiana , phải đi làm thêm vào ban ngày tại International Harvester để có tiền theo học vào ban đêm tại Đại học Indiana . Một ngày nọ, ông bị đứt mất một phần ngón tay khi đang làm việc. Theo như mọi người kể lại thì ông vẫn cứ đi học tối hôm đó, và đi làm lại vào sáng hôm sau. Câu chuyện có vẻ hơi phóng đại, nhưng rõ ràng ông không để chuyện mất một ngón tay ngăn cản con đường học vấn của mình. Ông vẫn đi làm ban ngày, đi học ban đêm, và cuối cùng đã được nhận vào trường luật Harvard ( Harvard Law School )[6]. Sau này, khoảng hai tháng sau khi nhận chức Tổng giám đốc, các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh ung thư mũi và họng, và dự đoán ông chỉ sống được tối đa thêm một năm. Ông báo tin này với Hội đồng quản trị, nhưng đồng thời cũng nói thêm là ông chưa chết, cũng như không định chết ngay. Ông vẫn tiếp tục giữ đúng lịch trình làm việc căng thẳng, mỗi tuần lại đi từ Winconsin đến Houston để xạ trị, và tiếp tục sống thêm hai mươi lăm năm, và giữ chức Tổng giám đốc trong phần lớn thời gian này [7]. Smith đã thực hiện việc cải tổ Kimberly - Clark cũng với một quyết tâm sắt đá như vậy, nhất là khi ông đưa ra quyết định đặc biệt quan trọng trong lịch sử công ty: Bán tất cả các nhà máy sản xuất bột giấy [8]. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi nhận chức Tổng giám đốc, Smith và những cộng sự của ông đã đi đến kết luận rằng ngành kinh doanh trọng điểm trước nay của Kimberly - Clark – giấy láng – chỉ có thể đạt mức tầm thường. Thực trạng kinh tế ngành này rất yếu và khả năng cạnh tranh thấp [9]. Ngoài ra, họ lý luận rằng, nếu Kimberly - Clark bắt đầu bước chân vào ngành giấy tiêu dùng, thì việc cạnh tranh với những công ty đẳng cấp quốc tế như Procter & Gamble sẽ buộc họ phải chiến đấu hay là chết. Vậy là, như một nhà cầm quân ra lệnh qua sông phá cầu, chỉ chừa một con đường (thành công hay là chết), Smith đã tuyên bố quyết định bán những nhà máy sản xuất bột giấy. Một thành viên Hội đồng quản trị cho biết đây là một quyết định liều lĩnh nhất mà ông từng thấy ở một vị Tổng giám đốc. Ngay cả nhà máy tại Kimberly, Winconsin, ông cũng không giữ lại. Toàn bộ số tiền thu được đưa vào kinh doanh hàng tiêu dùng, đầu tư cho những nhãn hiệu như Huggies và Kleenex [10]. Cấp độ 5 Nhà điều hành Cấp độ 5 Xây dựng sự vĩ đại bền vững thông qua sự kết hợp đầy nghịch lý giữa bản tính khiêm nhường và quyết tâm trong công việc. Cấp độ 4 Nhà lãnh đạo hiệu quả Thúc đẩy sự tận tuỵ và theo đuổi nhiệt tình một tầm nhìn rõ ràng và thuyết phục, tạo động lực cho những tiêu chuẩn hoạt động cao hơn Cấp độ 3 Giám đốc có năng lực Tổ chức con người và nguồn tài nguyên hướng đến việc theo đuổi một cách hiệu quả và hợp lý các mục tiêu đã định trước. Cấp độ 2 Thành viên trong nhóm có đóng góp Đóng góp năng lực bản thân vào việc đạt được những mục tiêu của nhóm và làm việc hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm. Cấp độ 1 Cá nhân có năng lực Đóng góp tích cực thông qua tài năng, kiến thức, kỹ năng, và thói quen làm việc tốt. Bậc thang 5 cấp độ Giới truyền thông trong ngành kinh doanh gọi đây là một quyết định ngu xuẩn và những nhà phân tích trên thị trường chứng khoán Wall Street đã hạ giá cổ phiếu của công ty [11]. Nhưng Smith không hề lay chuyển. Hai mươi lăm năm sau, Kimberly - Clark đã mua lại toàn bộ công ty giấy Scott, qua mặt Procter & Gamble trong sáu trên tổng số tám mặt hàng [12]. Khi đã về hưu, Smith nhắc lại giai đoạn thành công lẫy lừng của mình một cách đơn giản: “Tôi đã không ngừng cố gắng để có đủ khả năng làm việc.” [13] KHÔNG NHƯ MONG ĐỢI Darwin Smith là một thí dụ điển hình về điều mà chúng tôi gọi là Khả năng lãnh đạo cấp độ 5 – một cá nhân kết hợp được tính khiêm nhường tuyệt đối và quyết tâm cao trong công việc. Chúng tôi luôn tìm thấy những người lãnh đạo kiểu này đứng mũi chịu sào tại mọi công ty nhảy vọt trong giai đoạn chuyển đổi. Cũng như Smith, họ đều là những người khiêm nhường nhưng thể hiện quyết tâm mãnh liệt: quyết làm những gì cần làm để đưa công ty lên vĩ đại. Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 hướng cái tôi khỏi cá nhân họ, đi vào mục đích lớn hơn là xây dựng công ty vĩ đại. Không phải những người lãnh đạo này không có cái tôi, hay không biết quan tâm đến bản thân mình. Thực tế, họ cực kỳ tham vọng – nhưng tham vọng của họ trước hết là vì công ty, chứ không vì bản thân. Thuật ngữ ‘cấp độ 5’ ám chỉ cấp độ cao nhất trong thang khả năng lãnh đạo mà chúng tôi đã xác định trong quá trình nghiên cứu. (Xem sơ đồ Bậc thang 5 cấp độ). Mặc dù bạn không nhất thiết phải đi qua từng bước từ cấp độ 1 đến cấp độ 5, bạn có thể hoàn thiện những cấp độ dưới sau này, nhưng nhà lãnh đạo cấp độ 5 là tổng hợp tính chất của cả năm cấp độ của kim tự tháp. Tôi sẽ không đi sâu vào từng cấp độ ở đây, vì từ cấp độ 1 đến cấp độ 4 có vẻ như tự nó đã nói lên tất cả, và đã có rất nhiều tác giả khác đề cập đến. Chương này sẽ tập trung vào những đặc điểm khác biệt của những nhà lãnh đạo công ty nhảy vọt – tức là có khả năng lãnh đạo cấp độ 5 – với những lãnh đạo công ty đối trọng. Trước hết, cho phép tôi được bàn ra ngoài lề để tạo một bối cảnh quan trọng. Chúng tôi không đi tìm những người lãnh đạo cấp độ 5. Thực tế là tôi đã hướng dẫn đội ngũ nghiên cứu rất rõ ràng là phải hạ thấp vai trò của người lãnh đạo để tránh lối suy nghĩ đơn giản khá phổ biến hiện nay hoặc là đề cao người lãnh đạo, hoặc là đổ mọi lỗi cho người lãnh đạo. Nếu phải so sánh thì cách nhìn nhận “Người lãnh đạo là câu trả lời cho tất cả mọi việc” cũng giống như cách nhìn “Chúa là câu trả lời cho tất cả mọi việc” trong thời Trung cổ đã ngăn cản sự hiểu biết một cách khoa học về thế giới tự nhiên. Trong thế kỷ 16, người ta gán mọi hiện tượng họ không hiểu cho Chúa. Tại sau mùa màng thất bát? Ấy là Chúa muốn thế. Tại sao chúng ta có động đất? Chúa làm thế. Cái gì giữ trái đất không rơi? Là Chúa. Nhưng khi chúng ta bước vào kỷ nguyên Khai sáng, chúng ta bắt đầu tìm kiếm sự hiểu biết khoa học – và chúng ta có vật lý học, hoá học, sinh học v.v. Không phải vì thế mà chúng ta trở thành người vô thần, chúng ta chỉ là hiểu biết rõ ràng hơn về cấu tạo vũ trụ mà thôi. Tương tự như vậy, nếu chúng ta gán mọi thứ cho “Khả năng lãnh đạo”, chúng ta cũng sẽ đi vào con đường của người xưa trong thế kỷ 16. Chúng ta chỉ đơn giản là thừa nhận mình ngu dốt. Không phải chúng ta chối bỏ khả năng lãnh đạo (sự thật là khả năng lãnh đạo rất quan trọng), nhưng cứ mỗi lần chúng ta giơ tay đầu hàng và chọn cách giải thích “Câu trả lời chắc phải là do khả năng lãnh đạo” là chúng ta đã ngăn cản mình đi sâu vào tìm hiểu một cách khoa học điều gì đã làm nên những công ty vĩ đại. Vì vậy, ngay từ đầu dự án tôi đã phải liên tục nhắc nhở: “Đừng quan tâm đến những người điều hành.” Nhưng nhóm nghiên cứu vẫn liên tục phản đối: “Không được. Chúng ta không thể bỏ qua họ. Có một điểm chung gì đó rất khác thường về họ.” Tôi bẻ lại: “Những công ty đối chứng cũng có lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo vĩ đại nữa là đằng khác. Vậy thì điểm khác biệt nằm ở đâu?” Cứ thế cuộc tranh luận tiếp diễn. Cuối cùng, như thông lệ, dữ liệu luôn thắng. Những nhà lãnh đạo công ty nhảy vọt như được đúc cùng một khuôn. Không quan trọng công ty họ lãnh đạo hoạt động trong ngành công nghiệp hay hàng tiêu dùng, đang gặp khủng hoảng hay hoạt động bình thường, cung cấp sản phẩm hay dịch vụ. Không quan trọng bước chuyển đổi diễn ra lúc nào, công ty lớn hay nhỏ. Tất cả những công ty nhảy vọt đều có Khả năng lãnh đạo cấp độ 5 tại thời điểm chuyển đổi. Ngoài ra, những công ty đối chứng lại cho thấy họ thiếu khả năng này một cách nhất quán. Khả năng lãnh đạo cấp độ 5 là một khái niệm đi ngược hiểu biết thông thường, nhất là khi so với việc trước nay chúng ta tin rằng muốn chuyển đổi công ty cần phải có những người lãnh đạo tiếng tăm, có nhân cách lớn. Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng Cấp độ 5 là một kết luận từ thực tế, chứng không phải được ý tưởng hoá. KHIÊM NHƯỜNG + Ý CHÍ = CẤP ĐỘ 5 Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 luôn thể hiện hai mặt song song, khiêm nhường và ý chí, khiêm tốn và ngoan cường. Để cho dễ hiểu, hãy nghĩ về tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (một trong số ít vị tổng thống Mỹ có khả năng lãnh đạo cấp độ 5), người không bao giờ để cái tôi của mình xen vào tham vọng lớn của ông vì một sự nghiệp xây dựng đất nước hùng mạnh bền vững. Những ai nhìn thấy tính cách của Lincoln khiêm tốn, nhút nhát, cử chỉ vụng về mà cho rằng nó thể hiện con người yếu đuối đều lầm to, to đến mức như những con số kinh hãi sau đây: 250.000 sinh mạng của phe Liên bang và 360.000 sinh mạng của phe Liên đoàn (trong cuộc Nội chiến Mỹ 1861-1865), trong đó có cả chính tính mạng của Lincoln[14]. Mặc dù so sánh những vị tổng giám đốc công ty nhảy vọt với Abraham Lincoln cũng có hơi quá, nhưng rõ ràng họ đều có chung một trạng thái hai mặt song song. Ví dụ như Colman Mockler, Tổng giám đốc Gillette từ 1975 đến 1991. Dưới thời Mockler, Gillette phải đối mặt với ba cuộc tấn công lúc nào cũng đe doạ phá hủy cơ hội đi đến vĩ đại của công ty. Hai cuộc tấn công diễn ra dưới hình thức đề nghị mua lại (hostile takeover bids) công ty từ Revlon, khởi xướng bởi Ronald Perelman, một kẻ đột kích thích nhai xì gà, nổi tiếng chuyên cắt nhỏ công ty mà bán để lấy tiền chi trả cho trái phiếu cấp thấp và tiếp tục đầu tư vào những vụ mua bán thù nghịch khác[15]. Cuộc tấn công thứ ba đến từ Coniston Partners, một nhóm đầu tư đã nắm trong tay 5,9% cổ phần Gillette. Nhóm này đã khởi xướng một cuộc chiến trách nhiệm để nắm quyền điều hành trong hội đồng quản trị, với hy vọng sau đó sẽ bán công ty cho người nào trả tiền cao nhất và thu lợi nhuận nhanh chóng từ số cổ phần họ đang nắm giữ[16]. Nếu Gillette được sang tay cho Perelman với mức giá ông này đề nghị, các cổ đông sẽ được hưởng số lợi ngay lập tức bằng 44% giá trị cổ phiếu[17]. Nếu nhìn vào con số 2,3 tỉ USD lợi nhuận cổ phiếu ngắn hạn được chia đều cho 116 triệu cổ phiếu, đa số nhà lãnh đạo có lẽ đã đầu hàng, bỏ túi hàng triệu USD từ việc bán cổ phiếu của họ và số tiền bồi thường nghỉ việc[18]. Colman Mockler đã không đầu hàng, ông chọn con đường đấu tranh vì tương lai vĩ đại của Gillette, mặc dù ông đã có thể bỏ túi một khoản tiền lớn từ những cổ phiếu của mình. Mockler là một người lặng lẽ và kín đáo, luôn luôn lịch sự, nổi tiếng là người lịch thiệp, gần như là một quý ông dòng dõi. Những ai nhìn vào bản chất kín đáo của Mockler và cho đây là điểm yếu sẽ thấy mình lầm to. Trong “cuộc chiến ủy nhiệm”, các nhà điều hành cấp cao của Gillette đã gọi điện đến hàng ngàn nhà đầu tư, từng người một, và cuối cùng đã thắng. Đến đây, các bạn có thể nghĩ: “Nhưng điều này có vẻ như bộ phận lãnh đạo cũ đang đấu tranh vì quyền lợi của chính mình thay vì lợi ích của cổ đông.” Nhìn bề ngoài, mọi việc có vẻ đúng như vậy, nhưng hay xem xét hai sự kiện sau. Thứ nhất, Mockler và đồng sự của ông đã đặt cược tương lai công ty vào những khoản đầu tư kếch sù cho những hệ thống tiên tiến về mặt công nghệ và hoàn toàn mới (sau này được biết đến như Sensor và Mach 3). Nếu việc mua lại thành công, những dự án này chắc chắn đã bị dừng lại hoặc huỷ bỏ, và ngày nay chúng ta không ai được sử dụng dao cạo Sensor, Sensor for Women, hay Mach 3, và hàng trăm triệu người mỗi ngày phải vất vả với lông tóc[19]. Thứ hai, vào thời điểm diễn ra cuộc chiến thôn tính, Sensor đã cho thấy sẽ là nguồn lợi quan trọng trong tương lai nhưng chưa được thể hiện qua giá cổ phiếu vì quá trình nghiên cứu vẫn còn trong bí mật. Nhờ vào Sensor, Hội đồng quản trị và Mockler tin tưởng rằng giá trị tương lai của cổ phiếu sẽ vượt xa giá thời điểm hiện tại, ngay cả khi đã cộng cả tiền thưởng mà những kẻ muốn thôn tính đưa ra. Việc bán công ty lúc đó sẽ giúp những người kinh doanh cổ phiếu ngắn hạn vui sướng, nhưng lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm trầm trọng với những người nắm giữ cổ phiếu dài hạn. Sau cùng, Mockler và Hội đồng quản trị đã chứng minh rằng họ đúng một cách rất ấn tượng. Nếu một người kinh doanh cổ phiếu chấp nhận bán với giá thưởng 44% như đề nghị của Ronald Perelman vào ngày 31/10/1986, sau đó dùng toàn bộ số tiền đầu tư vào thị trường chung trong vòng 10 năm, đến cuối năm 1996, họ sẽ nghèo hơn một người vẫn tiếp tục ở lại với Mockler và Gillette là 3 lần[20]. Thật vậy, toàn bộ công ty, khách hàng và các cổ đông đều không được phục vụ tốt nếu như Mockler đầu hàng những Điều đáng buồn là Mockler đã không được tận hưởng thành quả của ông. Vào ngày 25/01/1991, đội ngũ lãnh đạo Gillette nhận được bản thảo trang bìa tạp chí Forbes, trên đó là một tác phẩm của một hoạ sĩ thể hiện Mocker đứng trên đỉnh núi, giơ cao qua đầu một lưỡi dao cạo vĩ đại một cách đắc thắng, trong khi những kẻ bại trận nằm la liệt trên sườn núi. Những vị lãnh đạo khác đã trêu chọc khi thấy Mockler được miêu tả như một phiên bản doanh nhân của nhân vật truyện tranh nổi tiếng Conan Vô Địch. Mockler là người rất ngại xuất hiện trước công chúng nên có lẽ đã từ chối những lời yêu cầu được chụp hình cho trang bìa. Chỉ vài phút sau khi chứng kiến sự công nhận công khai cuộc đấu tranh suốt 16 năm dài, Mockler quay về văn phòng và sụm xuống sàn, và một cơn đau tim nặng đã lấy đi cuộc sống của ông.[21] Tôi không biết phải chăng Mockler muốn chọn cái chết khi đang làm việc, nhưng tôi tin chắc ông không bao giờ muốn thay đổi cách tiếp cận trên cương vị Tổng giám đốc. Cá tính điềm tĩnh của ông che giấu một quyết tâm cao độ, sự cống hiến hết mình nhằm làm mọi thứ thành tuyệt vời đến mức cao nhất, không phải vì nghĩ đến những gì mình được nhận lại, mà đơn giản chỉ vì ông không thể nghĩ ra cách làm nào khác hơn. Trong hệ giá trị của Colman Mockler chắc chắn không có việc chọn con đường dễ đi và bán công ty cho những kẻ chỉ muốn vắt hết nguồn lợi, phá huỷ những tiềm năng trở nên vĩ đại; cũng như đối với Lincoln không có chuyện nộp đơn kiện đòi hoà bình và mãi mãi mất đi cơ hội xây dựng một đất nước vĩ đại và bền vững. (Còn nữa) [1] David McCullough, Truman (Nhà xuất bản Simon & Schuster, 1992) [2] Robert Spector, dựa trên nghiên cứu và bản thảo của William W. Wicks, Shared Values, A History of Kimberly – Clark (NXB Greenwich, 1997) [3] “Darwin Smith May Have Done Too Good a Job”, Business Week, 1988; “Rae Takes On the Paper Indsutry’s Tough Lone Wolf”, Globe and Mail, 1991; “Former CEO of K-C Dies,” Dallas Morning News, 1995 [4] Bản ghi chép cuộc phỏng vấn [5] Bản ghi chép cuộc phỏng vấn [6] “ Darwin Smith May Have Done Too Good a Job”, Business Week, 1988 [7] “Darwin Smith May Have Done Too Good a Job”, Business Week, 1988; “Kimberly – Clark Bets, Wins on Innovation,” Wall Street Journal, 1991; “Darwin E. Smith, 69, Executive Who Remade a Paper Company,” New York Times, 1995; Robert Spector, dựa trên nghiên cứu và bản thảo của William W. Wicks, Shared Values, A History of Kimberly – Clark (NXB Greenwich, 1997) [8] Robert Spector, dựa trên nghiên cứu và bản thảo của William W. Wicks, Shared Values, A History of Kimberly – Clark (NXB Greenwich, 1997) [9] International Directory of Company Histories, vol. 3 (NXB St. James, 1991); “Kimberly – Clark – Aiming for the Consumer,” Financial World, 1970 [10] Robert Spector, dựa trên nghiên cứu và bản thảo của William W. Wicks, Shared Values, A History of Kimberly – Clark (NXB Greenwich, 1997); ; “Darwin E. Smith, 69, Executive Who Remade a Paper Company,” New York Times, 1995; “Former CEO of K-C Dies,” Dallas Morning News, 1995; Bản ghi chép cuộc phỏng vấn; “Paper Tiger: How Kimberly – Clark Wraps Its Bottom Line in Disposable Huggies,” Wall Street Journal, 1987 [11] “The Battle of the Bottoms,” Forbes, 1997 [12] “The Battle of the Bottoms,” Forbes, 1997 [13] Robert Spector, dựa trên nghiên cứu và bản thảo của William W. Wicks, Shared Values, A History of Kimberly – Clark (NXB Greenwich, 1997) [14] Shelby Foote, The Civil War: A Narrative: Red River to Appomattox (NXB Random House, 1975); James M. McPherson, Battle Cry of Freedom: The Civil War Era (NXB Ballantine Books, 1989) [15] Gordon McKibben, Cutting Edge: Gillette’s Journey to Global Leadership (NXB Harvard, 1998) [16] Tài liệu đánh máy của Gillette, 1995; Gordon McKibben, Cutting Edge: Gillette’s Journey to Global Leadership (NXB Harvard, 1998); Rita Ricardo-Campell, Resisting Hostile Takeovers: The Case of Gillette (NXB Praeger, 1997) [17] Gordon McKibben, Cutting Edge: Gillette’s Journey to Global Leadership (NXB Harvard, 1998) [18] Rita Ricardo-Campell, Resisting Hostile Takeovers: The Case of Gillette (NXB Praeger, 1997) [19] Tác giả trao đổi với Tổng giám đốc Gillette, 2000 [20] David McCullough, Truman (Nhà xuất bản Simon & Schuster, 1992) [21] David McCullough, Truman (Nhà xuất bản Simon & Schuster, 1992)
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net