logo

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á 2008

Tăng trưởng trung bình và lạm phát gia tăng là những đặc điểm trong tám tháng đầu năm 2008 của nền kinh tế châu Á đang phát triển. Giá cả hàng hóa cao trên thị trường thế giới có khả năng sẽ còn kéo dài và làm tăng thêm áp lực lạm phát vốn bắt nguồn từ nội tại.
CẬP NHẬT TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á 2008 TÓM LƯỢC Ngân hàng Phát triển Châu Á Tóm lược Cập nhật ADO 2008 Tăng trưởng trung bình và lạm phát gia tăng là những đặc điểm trong tám tháng đầu năm 2008 của nền kinh tế châu Á đang phát triển. Giá cả hàng hóa cao trên thị trường thế giới có khả năng sẽ còn kéo dài và làm tăng thêm áp lực lạm phát vốn bắt nguồn từ nội tại. Song kiềm chế lạm phát trong tình hình nền kinh tế toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực trong năm 2008 và 2009 Sự hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn này là cần thiết vì lợi ích kinh tế xã hội và chính trị lâu dài. Nếu muốn khu vực châu Á đang phát triển vượt qua được cơn bão toàn cầu, thả neo và bẻ lái để tăng trưởng nhanh hơn trong trung hạn và lạm phát ở mức thấp nhất, quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng cùng với những cải cách nhằm giải quyết các nguyên nhân căn bản của cân đối hàng hóa thắt chặt là cần thiết. Thông điệp chính • Tăng trưởng 9% trong năm 2007 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á là mức tăng trưởng cao nhất trong gần hai thập niên vừa qua. Tuy nhiên, nhiều năm tăng trưởng mạnh với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ dễ dãi đã làm tăng tổng cầu, gây áp lực cao về giá cả. Sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu đã thổi bùng lên ngọn lửa lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng của khu vực châu Á đang phát triển do vậy đã tăng từ 4,3% trong năm 2007 lên 7,8% trong năm 2008 trước khi giảm dần xuống còn 6% vào năm 2009. Sự kết hợp giữa các yếu tố bên ngoài và nội tại này dự kiến sẽ làm tăng trưởng chậm lại còn 7,5% vào năm 2008 và 7,2% năm 2009. • Ở nhiều nước, các yếu tố cầu kéo giá cả tăng cao lên chứ không phải là chi phí đẩy giá cả tăng cao. Do vậy, chính sách tiền tệ đóng vai trò chính trong việc kiềm chế các áp lực giá cả này, và các nền kinh tế trong khu vực cần phải giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao bằng cách tăng trưởng chậm hơn trong ngắn hạn. Các ngân hàng trung ương cần áp dụng các biện pháp thắt chặt cần thiết để ngăn chặn lạm phát bám sâu vào nền kinh tế của mình. • Những rủi ro như sự đình trệ kéo dài trong các nền kinh tế công nghiệp lớn, giá dầu và giá lương thực thế giới tiếp tục leo thang, lạm phát dai dẳng và đáp ứng chính sách dè dặt – đều ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của khu vực theo chiều hướng đi xuống hơn so với thời điểm tháng Tư. • Huyền thoại về sự tăng trưởng độc lập đã đổ vỡ. Triển vọng xấu đi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tác động mạnh vào thị trường xuất khẩu, cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài của các nước đang phát triển châu Á. Khu vực này rõ ràng vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào các quốc gia phát triển để xuất khẩu hàng của mình và vẫn chưa thể tách rời ra khỏi chu kỳ kinh tế của các nước đó. Sự mất lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nước công nghiệp đã lan tỏa đến châu Á. Chênh lệch rủi ro của các trái phiếu có mệnh giá bằng đô-la Mỹ của các nhà phát hành châu Á đã tăng mạnh từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng dưới chuẩn của Mỹ. Nếu sự đình trệ của kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài sang năm 2009 thì ảnh hưởng của nó đối với châu Á có thể sẽ rất nặng nề. • Thị trường dầu thô thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng. Mặc dù giá dầu có vẻ dịu đi phần nào trong ngắn hạn, song sẽ vẫn ở mức cao và biến động. Do giá lương thực bị ảnh hưởng mạnh bởi giá dầu, nên có vẻ như thời kỳ của lương thực giá rẻ đã qua. • Khu vực châu Á đang phát triển sẽ phải học cách điều chỉnh theo môi trường giá hàng hóa toàn cầu tăng cao hiện nay và tiến hành những cải cách cơ cấu cần thiết. Song đầu tiên, khu vực này sẽ phải thiết lập lại sự ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa và tỉ giá đúng đắn. • Áp lực chính trị đang gia tăng ở một số nước, và có thể làm cho các cơ quan chức năng không muốn thông qua những cải cách cần thiết, và điều này đe dọa sẽ làm cho những mất cân đối vĩ mô càng trở nên trầm trọng hơn. Sự mất ổn định về chính trị kéo dài có thể ngăn trở đầu tư và ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong trung hạn. Triển vọng trong năm 2008 và 2009 • Những sự kiện xảy ra trong 8 tháng đầu năm 2008 cho thấy một số thay đổi lớn trong môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng đến những giả định đưa ra hồi tháng Tư khi Triển vọng Phát triển Châu Á 2008 được công bố. Đến nay đã thấy nhóm G3 (Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản) đang tiếp tục tăng trưởng chậm lại cho đến cuối năm 2009. Do vậy, khối lượng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng chậm. Sự tăng giá lương thực và nhiên liệu trong năm nay được dự báo là sẽ giảm xuống, song vẫn cao hơn so với năm 2007 trong những tháng cuối năm và cả năm sau. Với tình hình thị trường tài chính tiếp tục rối loạn, chi phí vốn mới sẽ cao hơn, và khó tiếp cận hơn đối với khu vực châu Á đang phát triển. • Bên cạnh sự sút giảm về tăng trưởng và tăng vọt về lạm phát của khu vực, mức thặng dư tài khoản vãng lai đang giảm sút và thâm hụt đang gia tăng. Các đồng tiền khu vực đều mất giá, tăng thêm áp lực lạm phát. Một nguy cơ khác là mặc dù các ngân hàng trung ương đều đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ song một số ngân hàng có lẽ đã để cho vị thần lạm phát thoát khỏi chiếc chai bằng cách hành động quá ít, quá chậm, vì tỉ lệ lãi suất ở hầu hết các nước vẫn đang thấp hơn tỉ lệ lạm phát. • Kiềm chế lạm phát sẽ phải mất một thời gian vì chính sách tiền tệ chỉ phát huy tác dụng sau một thời gian nhất định. Trong năm 2009 khi lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng khu vực sẽ chậm lại – đồng thời bị ảnh hưởng của việc giảm tăng trưởng xuất khẩu sang các nước G3. • Dự báo tốc độ tăng trưởng của Đông Á sẽ giảm xuống 8,0% trong năm 2008 và xuống 7,7% năm 2009, từ mức 9,6% năm 2007. Tốc độ tăng trưởng ở tất cả các quốc gia Đông Á được dự báo sẽ giảm sút. Tổng mức lạm phát trong tiểu vùng dự kiến sẽ tăng từ 3,9% năm 2007 lên 6,1% năm 2008 trước khi giảm xuống 4,8% năm 2009. Song nhìn chung, khu vực Đông Á được dự báo là sẽ hạ cánh nhẹ nhàng. • Nhu cầu bên ngoài giảm sút và tác động của việc thắt chặt chính sách đã làm tốc độ tăng trưởng GDP của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuống 10,4% trong nửa đầu năm 2008 – một mức tăng trưởng vẫn khá cao. Tiêu dùng cá nhân vẫn mạnh vì tăng trưởng thu nhập cao hơn so với lạm phát. Mức dự báo tăng trưởng 10,0% cho năm 2008 vẫn được duy trì, và dự báo cho năm 2009 giảm một chút xuống còn 9,5% với dự báo thặng dư thương mại sẽ giảm và đầu tư tăng trưởng chậm hơn. Sau khi tăng đến 7,0% năm 2008, lạm phát được dự báo sẽ giảm tốc xuống 5,5% vào năm 2009. • Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á dự báo giảm từ 6,5% năm 2007 xuống 5,4% năm 2008 và duy trì ở mức này trong năm sau. Lạm phát gia tăng nhìn chung đã làm giảm tăng trưởng tiêu dùng. Các nhà xuất khẩu các mặt hàng sơ cấp trong khu vực được lợi từ giá hàng hóa tăng cao trong nửa đầu năm 2008. Ví dụ, các nhà xuất khẩu Ma-lay-xi-a thu lợi từ giá dầu cọ và dầu thô tăng. Lạm phát ở Đông Nam Á được dự báo tăng gấp hơn hai lần từ 4,0% năm 2007 lên 9,4% năm 2008 trước khi giảm trở lại xuống 6,9% năm 2009. Lạm phát được dự báo ở mức hai con số trong năm nay đối với các nước Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, CHDCND Lào, Phi-líp-pin và Việt Nam. Giảm lạm phát là thách thức kinh tế vĩ mô quan trọng nhất đối với các nước Đông Nam Á. • Ở Việt Nam, những bất ổn về kinh tế vĩ mô mạnh thêm trong những tháng đầu năm 2008. Lạm phát tăng tốc nhanh chóng và nhập siêu tăng cao. Đáp lại, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi ưu tiên từ kích thích tăng trưởng sang chống lạm phát và giảm nhập siêu. Tăng trưởng được dự báo giảm từ 8,5% năm 2007 xuống 6,5% năm 2008 và 6,0% năm 2009. Tốc độ lạm phát tương ứng được dự báo ở mức 8,3% năm 2007, lên đến 25% trong năm nay và vẫn còn cao ở mức 17,5% năm 2009. Rủi ro đối với những dự báo này nghiêng theo chiều hướng xấu. • Tăng trưởng của khu vực Nam Á sẽ giảm tốc từ 8,6% năm 2007 xuống 7,1% năm 2008 và 6,7% năm 2009. Lạm phát được dự báo tăng hơn hai lần từ 5,5% lên 11,8%, sau đó giảm xuống 9,2% trong giai đoạn ba năm này. Thâm hụt tài khoản vãng lai được dự đoán sẽ tăng đáng kể. Tình trạng phát triển quá nóng do tổng cầu quá cao, cộng thêm ảnh hưởng của các yếu tố chi phí đẩy làm cho lạm phát trở thành mối quan ngại vĩ mô chính. Nam Á cần tăng cường quản lý vĩ mô tốt để ngăn chặn thâm hụt tài khóa và tránh phải hạ cánh khó khăn. • Ở Ấn Độ, tăng trưởng trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6 của năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3.2009) đã giảm xuống 7,9% từ 9,2% trong quý 1 năm tài chính 2007, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 2004. Lạm phát trong quý một 2008 là 9,5% so với 5,3% cùng kỳ năm ngoái. Chính sách tiền tệ của Ấn Độ đã được thắt chặt đáng kể. Dự báo lạm phát cho năm tài khóa này là 11,5% và năm sau là 7,5%. Tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm từ 7,4% năm tài chính 2008 xuống 7,0% năm tài chính 2009 khi vấn đề lạm phát được giải quyết. Một giai đoạn dừng tăng trưởng đi đôi với quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng và cải cách để nâng cao hiệu quả và năng suất sẽ tạo điều kiện theo đuổi quỹ đạo tăng trưởng cao hơn trong trung hạn. • Trung Á cũng đang tăng trưởng chậm lại. Từ mức 11,6% năm 2007, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống còn 7,6% trong năm 2008 trước khi tăng nhẹ lên 8,0% năm 2009. Lạm phát được dự báo tăng từ 11,3% năm 2007 lên 15,4% trong năm nay trước khi giảm xuống 11,4% trong năm sau. Giá dầu tăng đã đẩy mạnh cán cân tài khoản vãng lai của các nhà xuất khẩu hydrocarbon như A-rếc-bai-ran, Ka-rắc-tan, Tua-mê-nít-tan, và U-dơ-bê-kít-tan Cũng giống như các quốc gia ở Trung Đông, các nước này cần sử dụng nguồn thu nhập may mắn để đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế của mình. Các nhà nhập khẩu hydrocarbon như Cộng hòa Kiếc-ghi-dia và Ta-di-kít-tan chịu thiệt hại từ việc giá dầu tăng nhưng được hỗ trợ nhờ dòng kiều hối chảy về. Tuy nhiên, giá cả lương thực tăng cao đang có tác động xấu đến toàn bộ tiểu vùng này. • Tổng mức tăng trưởng ở tiểu vùng Thái Bình Dương được dự báo tăng gấp đôi lên 4,8% trong năm 2008 từ mức 2,4% năm 2007, chủ yếu là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của đất nước giàu tài nguyên Pa-pua-Niu-Ghi-nê, nền kinh tế lớn nhất. Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số 14 nền kinh tế ở đây dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, hoặc thu hẹp trong năm 2008. Năm sau, tổng mức tăng trưởng được dự báo giảm xuống 3,4%. Giá dầu và lương thực tăng cao trên toàn cầu cũng làm cho lạm phát tăng mạnh, hiện được dự báo ở mức 8,7% trong năm nay (từ 3,3% năm 2007) và 6,4% trong năm sau. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ ảnh hưởng nặng nề đến những nhóm dễ bị tổn thương như những người không có đất canh tác màu mỡ hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa. Cần có nhiều nỗ lực hơn để giảm mức độ sử dụng nhiều dầu của các nền kinh tế này, quay ngược chiều kim đồng hồ và sản xuất lương thực trong nước nhiều hơn. • Trong toàn bộ khu vực châu Á đang phát triển, tình trạng tăng trưởng chậm và các đồng tiền đều mất giá đòi hỏi phải đánh giá một cách đúng đắn những ưu tiên vĩ mô cho ngắn hạn và trung hạn, và thiết kế một chương trình cải cách lớn cho trung hạn và dài hạn. • Thách thức trước mắt là kiềm chế áp lực lạm phát. Lạm phát trong khu vực chủ yếu do những nguyên nhân nội tại và được giải thích bằng lý do tổng cầu tăng cao, tiếp nhiệt bởi nhiều năm chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Ở nhiều nước, mặc dù những cú sốc giá cả quốc tế cũng tiếp thêm dầu vào lửa, song nguyên nhân chính đốt lên ngọn lửa là tăng trưởng tống cầu quá mức. • Các cơ quan quản lý tiền tệ đang phải đối mặt với một tình hình hết sức khó khăn và phức tạp. Ở nhiều quốc gia, các cú sốc giá cả bên ngoài bắt đầu xuất hiện từ năm 2003 vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang những người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Song không có phương án nào thay thế cho trợ cấp để ngăn ngừa tình trạng mất cân đối tài khóa lớn. Thậm chí nếu như giá cả hàng hóa thế giới có giảm xuống trong thời gian tới, thì giai đoạn giá cao cũng sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Chính vì vậy, nhìn chung trong cả khu vực cần ưu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ. • Để đưa các nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đến dài hạn, hiệu quả và năng suất cần phải được cải thiện đáng kể để giải quyết được những thách thức của vấn đề nguồn lực hữu hạn, đặc biệt là đất đai (và theo đó là lương thực) và nhiên liệu. Việc thực hiện hiệu quả chương trình cải cách – tập trung vào người tiêu dùng đáp ứng với những tín hiệu giá cả của thị trường và nhà sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất – là nhu cầu cấp bách đối với các quốc gia để tăng cường tính cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra các cơ hội việc làm xứng đáng và có năng suất cao. • Những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng của châu Á đang phát triển hiện nay đã rõ ràng hơn so với thời điểm tháng Tư. Tình hình thế giới trở nên bất ổn hơn — cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa đi hết chặng đường của nó. Giá cả hàng hóa cao và sự bất ổn của chúng sẽ vẫn còn tiếp tục duy trì, và đằng sau đó vẫn luôn là những mối quan ngại về địa chính trị. • Tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao ở các nước đang phát triển châu Á đang đòi hỏi phải đưa ra những lựa chọn đánh đổi đau đớn. Thực tiễn chính trị ở một số nước làm cho việc ra quyết định trở nên khó khăn. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp chính sách sửa đổi cần thiết có thể bị trì hoãn, ảnh hưởng xấu đến những triển vọng cả ngắn hạn và trung hạn. Đối phó với các cú sốc giá cả hàng hóa • Tình hình giá cả hàng hóa leo thang và tình trạng bất ổn của chúng trên thị trường thế giới là những nét đặc trưng của tám tháng đầu năm 2008. Giá lương thực và giá dầu gắn bó rất mật thiết với nhau. Nếu như giá dầu tiếp tục ở mức cao thì giá lương thực cũng vậy. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến châu Á đang phát triển. Dầu: Thời kỳ giá dầu cao và bất ổn kéo dài • Mặc dù giá dầu đã giảm từ mức kỷ lục 147 đô-la/thùng vào tháng 7/2008, song về lâu dài sẽ vẫn ở mức cao. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, giá dầu được điều chỉnh theo lạm phát sẽ ở trên ngưỡng 100 đô-la/thùng cho đến khoảng năm 2020, • Tình trạng giá dầu tăng chủ yếu là do những yếu tố cơ bản liên quan đến cung cầu. Nhu cầu toàn cầu tăng vọt và nguồn cung toàn cầu không thể theo kịp với cầu đã tạo ra áp lực tăng giá không ngừng. • Công suất thặng dư ít ỏi làm cho sự bất ổn về giá cả càng gia tăng, khuếch đại thêm ảnh hưởng của những cú sốc cung cầu, cho dù là nhỏ nhất. Đầu cơ tài chính có thể đã tạo ra các đợt tăng giá đột biến. • Trong tương lai, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các yếu tố căn bản. Mức độ tăng trưởng cầu thế giới sẽ ngày càng bị chi phối bởi cầu từ khu vực châu Á đang phát triển và khu vực Trung Đông. Nhu cầu gia tăng đối với nhiên liệu dùng cho vận tải sẽ có tầm quan trọng đặc biệt. Về phía cung, sản lượng đạt mức đỉnh trong thời gian sắp tới của các nhà sản xuất không phải là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và những hạn chế về việc tăng sản lượng của các nước OPEC trong trung hạn sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho việc đáp ứng nhu cầu dầu lửa ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. • Việc thắt chặt cân đối cung cầu sẽ liên tục đẩy giá dầu lên cao, làm cho giá dầu luôn ở mức trên 100 đô-la/thùng. Thất bại của các nước châu Á trong việc đưa ra những điều chỉnh khó khăn, đau đớn nhưng cần thiết ngày hôm nay sẽ dẫn đến những tổn thất to lớn hơn vào ngày mai. Quỹ đạo giá dầu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô • Việc giá dầu tăng vọt cho đến nay hầu như chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế châu Á đang phát triển. Tuy nhiên, tình trạng giá dầu cao và bất ổn được dự báo sẽ kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của châu Á. • Tỉ lệ mậu dịch xấu đi do giá dầu nhập khẩu tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng trong khu vực. Chi phí vận tải cao hơn do giá nhiên liệu tăng cũng sẽ làm lạm phát trong khu vực gia tăng. Tương tự, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cũng làm ảnh hưởng đến thành tích xuất khẩu. • Các mô phỏng đều chỉ rõ cơn sốc giá dầu làm cản trở tăng trưởng trong toàn khu vực cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên, sự thụt lùi này sẽ không lớn, và không đủ để làm trật đường ray động lực tăng trưởng dài hạn của Châu Á đang phát triển. • Những mô phỏng này cũng chỉ ra rằng giá dầu tăng cao có tác động nhiều hơn đến tốc độ lạm phát của Châu Á đang phát triển, hơn là ảnh hưởng đến tăng trưởng, cả về ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, kiềm chế lạm phát là thách thức kinh tế vĩ mô lớn nhất của cả khu vực. • Tác động hạn chế của cú sốc giá dầu đối với tăng trưởng cho thấy chi phí căn bản của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm chống lạm phát – giảm tốc độ tăng trưởng – là có thể chịu đựng được. Giá lương thực duy trì ở mức cao • Giá gạo — lương thực chủ yếu của hàng tỉ người dân châu Á — đã giảm xuống từ mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, song vẫn còn cao hơn gấp đôi so với đầu năm 2008. Sự tăng vọt của giá gạo và các lương thực chính yếu khác đã đảo ngược xu hướng đi xuống của giá thực tế đã kéo dài một thập kỷ nay. • Nguyên nhân của tình trạng này rất phức tạp, song do bốn yếu tố chủ yếu. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế nhanh ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là CHND Trung Hoa và Ấn Độ đã gia tăng áp lực giá cả của hàng loạt mặt hàng, trong đó có lương thực. Đơn giản là cầu đã vượt quá cung. Thứ hai, xu hướng giảm giá của đồng đô-la kéo dài từ năm 2004 cũng làm gia tăng áp lực tăng giá đối với các mặt hàng được định giá bằng đồng đô la – đặc biệt là dầu thô – điều này đã tiếp nhiên liệu cho việc tìm kiếm biện pháp phòng ngừa rủi ro để đối phó với tình trạng đồng đô-la yếu. Thứ ba, giá dầu cao kết hợp với các nhiệm vụ pháp lệnh phải tăng sản xuất các sản phẩm nhiên liệu sinh học thay thế dầu lửa và dầu diesel đã thiết lập một quan hệ giá cả giữa thực phẩm nguyên liệu như dầu ngô và dầu thực vật với giá nhiên liệu. Thứ tư, ít nhất là ở một chừng mực nào đó, sự đầu cơ tài chính xuất phát từ tình trạng lãi suất thấp cũng là nguyên nhân làm cho giá hàng hóa thay đổi. • Biến động tăng giá trong năm vừa qua có một số nguyên nhân liên quan đến từng mặt hàng cụ thể. Thời tiết không thuận và sâu bệnh làm giảm lượng cung lúa mì năm 2007 trong khi nhu cầu lại gia tăng. Nhu cầu ngô không ngừng tăng mạnh để làm nguyên liệu sản xuất ethanol cũng giải thích cho hiện tượng tăng giá ngô, và việc chuyển diện tích trồng đỗ tương sang trồng ngô phần nào giải thích cho hiện tượng tăng giá dầu ăn. • Nguyên nhân tăng giá gạo lại khác. Đợt tăng giá đột biến năm 2008 được châm ngòi bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam (hai nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai và thứ ba thế giới), dẫn đến tâm lý hốt hoảng của cả người mua, người tiêu dùng, thương lái lẫn nông dân. Việc đột ngột rút cung ứng gạo trên thị trường thế giới vốn đang mong manh làm cho giá gạo tăng cao chưa từng thấy. • Một số yếu tố cơ bản khác cũng gây ra tác động và cần phải được giải quyết. Nguồn cung cấp ngũ cốc thế giới giảm mạnh so với cầu, và số lượng tính theo tỉ trọng sử dụng cũng xuống mức thấp lịch sử. Tình trạng giảm nguồn cung này diễn ra là do xu hướng giảm giá lâu dài làm mất động cơ cất trữ ngũ cốc với số lượng lớn. Thương mại quốc tế gia tăng giữa các nước có thặng dư và thiếu hụt cho phép chính phủ các nước có thể duy trì giá cả ổn định với lượng dự trữ thấp. • Có một xu hướng cơ bản là tăng cầu cao hơn so với tăng cung, đặc biệt đối với mặt hàng gạo. (Trong thập niên vừa qua, tốc độ tăng dân số và tăng thu nhập đã vượt xa tốc độ tăng năng suất tính bằng sản lượng gạo trên một héc-ta). Đây là kết quả trực tiếp của việc giảm đầu tư công vào hạ tầng, thể chế và đổi mới – những yếu tố thiết làm cơ sở cho việc tăng năng suất nông nghiệp. • Tình hình căng thẳng trên thị trường thế giới gây ra tính dễ bị tổn thương đối với các cú sốc cung. Thế giới chỉ cần một cú sốc cung là xảy ra một đợt tăng giá ngũ cốc đột biến mới. Sẽ phải mất một vài năm bội thu mới gây dựng lại được lượng dự trữ như trước. Để làm điều này, giá cả mà người nông dân thu được từ sản phẩm của mình phải ở mức cao, đặc biệt khi giá đầu vào đã tăng cùng với giá dầu. Chẳng hạn như giá phân bón đã tăng vọt, giá cước vận tải và các chi phí khác liên quan đến nhiên liệu dùng trong máy móc nông nghiệp cũng tăng lên. • Thế giới đã chứng kiến những xu hướng đảo ngược, với giá cả lương thực thực tế giảm suốt ba thập kỷ qua và triển vọng giá lương thực cao trong cả thập kỷ tới hoặc thậm chí còn lâu hơn. Châu Á phải tiến hành những cải cách cơ cấu để điều chỉnh cho thích ứng với môi trường mới, khi tài nguyên trở nên khan hiếm. Chính phủ các nước phải đầu tư vào các hàng hóa công cộng hỗ trợ cho tăng năng suất nông nghiệp và cho phép các tín hiệu giá cả rõ ràng được truyền đi đến nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chỉ bằng sự đáp ứng cung mạnh mẽ của những người nông dân châu Á mới có thể làm cho giá cả giảm xuống ở mức vừa phải như cũ. Lạm phát ở Châu Á đang phát triển: Cầu kéo hay chi phí đẩy? • Ngược lại với quan niệm phổ biến, tình hình lạm phát tăng cao hiện nay ở các nước châu Á đang phát triển chủ yếu là do các nguyên nhân nội tại, Khoảng 60% lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực là do hai yếu tố không liên quan gì đến các cú sốc bên ngoài, đó là tổng cầu quá cao và kỳ vọng lạm phát Nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng đã làm tổng cầu tăng vọt và dẫn đến kỳ vọng lạm phát lan rộng. • Các cú sốc bên ngoài như giá dầu và giá lương thực tăng cao đóng vai trò ít quan trọng hơn. Điều này một phần là do trợ cấp của chính phủ và những hạn chế thương mại đã làm hạn chế ảnh hưởng lan truyền sang giá cả trong nước ở nhiều nền kinh tế khu vực. • Tuy vậy, những chương trình trợ cấp này nhìn chung đang được cắt giảm, chủ yếu là do những chi phí không bền vững mà chúng gây ra cho ngân sách nhà nước trong một thế giới giá cả thị trường tăng cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng lan truyền của các cú sốc giá cả từ bên ngoài cho đến nay chủ yếu tác động đến giá thành sản xuất hơn là giá tiêu dùng, điều này có nghĩa là giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn trong những tháng tới. • Do vậy, cả việc giảm trợ cấp và ảnh hưởng mạnh hơn từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng đồng nghĩa với việc các áp lực lạm phát chi phí đẩy sẽ gia tăng trong tương lai gần. • Do lạm phát chủ yếu do nguyên nhân nội tại, nên thắt chặt tiền tệ vẫn tiếp tục là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát. Triển vọng tăng áp lực lạm phát do chi phí đẩy trong tương lai gần càng khẳng định cần phải kiểm soát được các kỳ vọng lạm phát một cách chủ động và quyết đoán. • Tuy nhiên, thắt chặt tiền tệ không phải không có những rủi ro đáng kể. Đặc biệt, sự đình trệ của nhóm G3 sẽ ảnh hưởng xấu đến thành tích xuất khẩu và tăng trưởng của khu vực. Do vậy người ta lo ngại rằng chính sách tiền tệ sẽ làm cho tăng trưởng càng thu hẹp hơn kể cả sau khi cầu đã bắt đầu thả lỏng. Tuy vậy, không nên phóng đại quá nguy cơ này. Ưu tiên cấp bách hơn cho các cơ quan quản lý tiền tệ là kiểm soát được các kỳ vọng lạm phát. • Triển vọng tăng trưởng của khu vực về cơ bản vẫn vững chắc, kể cả khi đã tính tới yếu tố tăng trưởng chậm lại của G3. Do vậy, những nguy cơ này không làm giảm đi thông điệp chính sách cơ bản ở đây là cần phải có sự chuyển hướng chính sách tiền tệ cơ bản, tiến đến thắt chặt tiền tệ trong toàn bộ khu vực châu Á đang phát triển.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net