logo

Thông tư số 49/2009/TT-BTC

Thông tư số 49/2009/TT-BTC về việc hướng dẫn kế toán áp dụng đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương do Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ---------- Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------- Số: 49/2009/TT-BTC Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2009 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG - Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003; - Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; - Căn cứ Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương như sau: I. QUY ĐỊNH CHUNG 1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các Quỹ đầu tư phát triển địa phương. 2. Thông tư này hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số tài khoản, mẫu báo cáo tài chính áp dụng cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Những nội dung không hướng dẫn trong Thông tư này, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán, Thông tư hướng dẫn sửa đổi bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính. II. HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo qui định tại Quyết định 15/2006/QĐ-BTC và các sửa đổi, bổ sung sau: 1. Sửa đổi tên tài khoản kế toán 1.1. Đổi tên Tài khoản 511- “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” thành “Doanh thu” Tài khoản 511 có 8 TK cấp 2: + TK 5111 – Doanh thu từ hoạt động đầu tư trực tiếp; + TK 5112 – Doanh thu lãi tiền cho vay; + TK 5113 - Thu từ hoạt động đầu tư góp vốn; + TK 5114 – Doanh thu lãi tiền gửi; + TK 5115 – Thu phí hoạt động nhận uỷ thác; + TK 5116 – Thu phí nhận uỷ quyền phát hành trái phiếu địa phương; + TK 5117 – Doanh thu cho thuê tài sản; + TK 5118 – Doanh thu khác. 1.2. Đổi tên Tài khoản 532 - “Giảm giá hàng bán” thành “Các khoản giảm trừ doanh thu”. 1.3. Đổi tên Tài khoản 631 - “Giá thành sản xuất” thành “Chi phí hoạt động”. Tài khoản 631 có 7 TK cấp 2: + TK 6311 - Giá vốn hàng bán hoạt động đầu tư trực tiếp; + TK 6312 - Chi phí lãi tiền vay; + TK 6313 - Chi phí hoạt động đầu tư góp vốn; + TK 6315 - Chi phí dịch vụ uỷ thác; + TK 6316 - Chi phí dự phòng rủi ro cho vay; + TK 6317 - Chi phí cho thuê tài sản; + TK 6318 - Chi phí khác. 1.4 Chuyển Tài khoản 431 – “Quỹ khen thưởng phúc lợi” ở loại 4 - “Vốn chủ sở hữu”, thành Tài khoản loại 3 – “Nợ phải trả” ký hiệu là TK 353 - “Quỹ khen thưởng phúc lợi” để phản ánh đúng bản chất của tài khoản là những khoản khen thưởng, phúc lợi phải trả cho người lao động. 2. Bổ sung Tài khoản 2.1. Tài khoản cấp 1 (Tài khoản trong Bảng Cân đối kế toán) - Tài khoản 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác; - Tài khoản 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ; - Tài khoản 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay; - Tài khoản 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình; - Tài khoản 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động; - Tài khoản 252 - Cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh; - Tài khoản 259 - Dự phòng rủi ro cho vay; - Tài khoản 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương; - Tài khoản 262 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro; - Tài khoản 263 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro; - Tài khoản 265 - Cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; - Tài khoản 332 - Phải trả lãi vốn huy động; - Tài khoản 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của NS địa phương; - Tài khoản 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay đầu tư; - Tài khoản 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay; - Tài khoản 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; - Tài khoản 637 - Chi phí trực tiếp chung. 2.2. Tài khoản ngoài Bảng - Tài khoản 005 - Mức vốn cho vay; - Tài khoản 006 - Mức vốn đầu tư; - Tài khoản 009 - Tài sản nhận thế chấp; - Tài khoản 010 - Lãi chưa thu cho vay vốn nhận uỷ thác; - Tài khoản 011 - Lãi chưa thu cho vay khác; - Tài khoản 012 - Các cam kết bảo lãnh cho khách hàng. 3. Không dùng một số tài khoản kế toán 3.1. Không dùng các tài khoản trong Bảng cân đối kế toán sau: + TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; + TK 155 - Thành phẩm; + TK 156 - Hàng hoá; + TK 157 - Hàng gửi đi bán; + TK 158 - Hàng hóa kho bảo thuế; + TK 161 - Chi sự nghiệp; + TK 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả; + TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng; + TK 418 - Vốn khác của chủ sở hữu; + TK 419 - Cổ phiếu quỹ; + TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB; + TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp; + TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ; + TK 512 - Doanh thu bán hàng nội bộ; + TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính; + TK 521 - Chiết khấu thương mại; + TK 531 - Hàng bán bị trả lại; + TK 611 - Mua hàng; + TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp; + TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp; + TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công; + TK 627 - Chi phí sản xuất chung; + TK 632 - Giá vốn hàng bán; + TK 635 - Chi phí tài chính; + TK 641 - Chi phí bán hàng. 3.2. Không dùng tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán sau: TK 008 - Dự toán chi sự nghiệp dự án. 4. Hướng dẫn một số nội dung kế toán đặc thù của Quỹ đầu tư phát triển địa phương 4.1. Tài khoản 116 – Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình biến động tiền gửi vốn nhận uỷ thác tại ngân hàng (Bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ). NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Tài khoản này chỉ phản ánh số tiền gửi tại ngân hàng mà Quỹ nhận uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương, vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư và uỷ thác khác. Tài khoản này không phản ánh tiền gửi vốn của Quỹ. 2. Căn cứ để hạch toán trên TK 116 - “Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác” là các giấy báo Có, báo Nợ hoặc Bảng sao kê của ngân hàng kèm theo các chứng từ gốc. 3. Kế toán phải tổ chức thực hiện việc theo dõi riêng từng loại tiền gửi tại ngân hàng theo từng loại tiền như: Tiền gửi vốn nhận uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương, tiền gửi ngân hàng vốn uỷ thác cho vay đầu tư. Định kỳ phải kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo số liệu tiền gửi vào, lấy ra và tồn cuối kỳ khớp đúng với số liệu của ngân hàng. Nếu có chênh lệch phải báo ngay cho ngân hàng nơi mở tài khoản để xác nhận và điều chỉnh kịp thời. 4. Kế toán tiền gửi phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý, lưu thông tiền tệ và những qui định khác có liên quan. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 116 - TIỀN GỬI NGÂN HÀNG VỐN NHẬN UỶ THÁC Bên Nợ : - Các loại tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ vốn nhận uỷ thác gửi vào ngân hàng. - Giá trị ngoại tệ tăng khi đánh giá lại ngoại tệ cuối kỳ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng). Bên Có : - Các khoản tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ vốn nhận uỷ thác rút từ tiền gửi Ngân hàng. - Giá trị ngoại tệ giảm khi đánh giá lại ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm). Số dư bên Nợ : Các khoản tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ còn gửi ở ngân hàng. Tài khoản 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận ủy thác có 3 tài khoản cấp 2: - Tài khoản 1161 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động các khoản tiền vốn nhận uỷ thác cấp phát đầu tư của NSĐP của Quỹ gửi tại ngân hàng. - Tài khoản 1162 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động của tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư. - Tài khoản 1163 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác khác: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác khác ngoài uỷ thác cấp phát và uỷ thác cho vay đầu tư. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận được giấy báo có của ngân hàng về số tiền nhận uỷ thác đã nhập vào tài khoản tiền gửi, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có các TK 361,362,364 2. Khi thu được các khoản tiền lãi cho vay từ vốn nhận uỷ thác cho vay chưa thanh toán cho bên uỷ thác, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận ủy thác Có các TK 362, 364 3. Khi nhận tiền từ NSĐP để thực hiện cấp phát đầu tư của NSĐP, ghi : Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161) Có TK 361- Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của NSĐP 4. Khi quyết toán với ngân sách số tiền đã cấp phát, căn cứ vào hồ sơ quyết toán, ghi: Nợ TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của NSĐP Có TK 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của NSĐP 5. Trường hợp khoản cho vay uỷ thác Quỹ không chịu rủi ro, bên uỷ thác đồng ý xoá nợ, ghi: Nợ TK 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay đầu tư Có TK 263 – Cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro 6. Khi trả lại tiền nhận uỷ thác cho các bên uỷ thác cấp phát cho vay, đầu tư, ghi: Nợ các TK 361, 362, 364 Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận ủy thác. 4.2. Tài khoản 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Tài khoản này dùng để phản ánh số phải thu và tình hình thu nợ của Quỹ phát sinh từ các hoạt động nghiệp vụ của Quỹ, gồm: hoạt động đầu tư trực tiếp, lãi tiền cho vay, lãi tiền gửi, các khoản phí,…. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Nợ phải thu cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải thu, cho từng nội dung phải thu và ghi chép theo từng lần thanh toán. Đối tượng phải thu là các chủ dự án vay nợ, các tổ chức uỷ thác cho vay, đầu tư, các khách hàng đã nhận các tiện ích mà chưa thanh toán. 2. Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ cung cấp các tiện ích đã thanh toán tiền ngay. 3. Kế toán phải tiến hành phân loại các khoản nợ trả đúng hạn, khoản khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi để có căn cứ xác định số trích lập dự phòng phải thu khó đòi hoặc có biện pháp xử lý đối với khoản nợ phải thu không đòi được. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH TÀI KHOẢN 132 - PHẢI THU HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA QUỸ Bên Nợ: Số tiền phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ phát sinh Bên Có: Số tiền đã thu các khoản phải thu hoạt động nghiệp vụ Số dư bên Nợ: Số tiền còn phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ. Tài khoản 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ, có 8 tài khoản cấp 2 - Tài khoản 1321 - Phải thu từ hoạt động đầu tư trực tiếp: Phản ánh các khoản phải thu từ bán, chuyển nhượng các khoản đầu tư trực tiếp của Quỹ. - Tài khoản 1322 - Phải thu lãi tiền cho vay: Phản ánh các khoản tiền lãi cho vay đã đến kỳ hạn trả mà chưa thu được. - Tài khoản 1323 - Phải thu hoạt động đầu tư góp vốn: Phản ánh các khoản lợi nhuận được chia, cổ tức được nhận từ hoạt động đầu tư góp vốn và giá trị các khoản đầu tư, góp vốn bán mà chưa thu được tiền. - Tài khoản 1324 - Phải thu lãi tiền gửi: Phản ánh các khoản lãi tiền gửi Quỹ chưa thu được. - Tài khoản 1325 - Phải thu phí hoạt động nhận uỷ thác: Phản ánh các khoản phí phải thu từ hoạt động nhận uỷ thác. - Tài khoản 1326 - Phải thu phí nhận uỷ quyền phát hành trái phiếu địa phương: Phản ánh các khoản phí phải thu từ hoạt động nhận uỷ quyền phát hành trái phiếu địa phương. - Tài khoản 1327 - Phải thu cho thuê tài sản: Phản ánh các khoản phải thu cho thuê tài sản của Quỹ. - Tài khoản 1328 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ khác: Phản ánh các khoản phải thu nghiệp vụ ngoài các khoản phải thu phản ánh ở các TK 1321, 1322, 1323, 1324, 1325, 1326, 1327. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi bán, chuyển nhượng các khoản đầu tư trực tiếp chưa thu được tiền, ghi: TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Có TK 511 - Doanh thu (5111) Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có) 2. Khi đến hạn thu lãi tiền cho vay, lãi tiền gửi nhưng chưa thu được, căn cứ vào các chứng từ kế toán có liên quan, ghi: Nợ TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ (1322, 1324) Có TK 511 - Doanh thu Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có) 3. Kế toán phản ánh doanh thu nhượng bán dự án đầu tư chưa thu được tiền, ghi: Nợ TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Có TK 511 - Doanh thu Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có) 4. Khi phát sinh doanh thu phí nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương, thu phí về nhận vốn uỷ thác cho vay đầu tư, thu phí nhận uỷ quyền phát hành trái phiếu địa phương,…, chưa thu được tiền, ghi: Nợ TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Có TK 511 - Doanh thu Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có) 5. Khi phát sinh doanh thu cho thuê tài sản và doanh thu khác chưa thu được tiền, ghi: Nợ TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Có TK 511 - Doanh thu Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có) 6. Khi thu được tiền, ghi: Nợ các TK 111, 112 Có TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ 7. Khi có quyết định xoá nợ các khoản phải thu, ghi: Nợ TK 139 - Dự phòng phải thu khó đòi Nợ TK 631 – Chi phí hoạt động (Số chênh lệch chưa lập dự phòng) Có TK 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Đồng thời ghi đơn bên Nợ TK 004 - Nợ khó đòi đã xử lý (Tài khoản ngoài Bảng CĐKT). 4.3. Tài khoản 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay Tài khoản này dùng để phản ánh số vốn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đưa đi uỷ thác cho các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức có chức năng cho vay vốn đầu tư và thu hồi các khoản vốn uỷ thác cho vay đó. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH TÀI KHOẢN 134 - PHẢI THU VỐN ĐƯA ĐI UỶ THÁC CHO VAY Bên Nợ: Số vốn Quỹ uỷ thác cho các tổ chức cho vay Bên Có: Số vốn đưa đi uỷ thác cho vay đã thu Số dư bên Nợ: Số vốn uỷ thác cho các tổ chức cho vay chưa đến hạn thu hoặc đã đến hạn thu, quá hạn nhưng chưa thu được. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi Quỹ xuất tiền uỷ thác cho các tổ chức cho vay, ghi: Nợ TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay Có các TK 111, 112 2. Khi bên nhận uỷ thác đã cho vay và Quỹ nhận được hồ sơ cho vay vốn của bên uỷ thác chuyển cho Quỹ, ghi: Nợ TK 251 – Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động Có TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay 3. Khi nhận được thông báo của bên nhận uỷ thác về việc thu hộ tiền lãi khoản cho vay, ghi: Nợ TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay Có TK 511 – Doanh thu (5112) 4. Khi nhận được tiền bên nhận uỷ thác cho vay chuyển trả do không cho vay được, ghi: Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng Có TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay 5. Khi đến hạn thu nợ vay, nếu thu được tiền nợ vay, ghi: Nợ các TK 111, 112 Có TK 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động 6. Nếu đến hạn thu nợ mà không thu được, được Hội đồng quản lý đồng ý cho xoá nợ và dùng dự phòng để bù đắp, ghi: Nợ TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (Số chênh lệch dự phòng nhỏ hơn số nợ vay xoá) Có TK 251 – Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động 7. Trường hợp Quỹ uỷ thác cho vay toàn bộ cho bên nhận uỷ thác theo phương thức Quỹ không chịu rủi ro. 7.1. Khi xuất tiền cho bên nhận uỷ thác cho vay, ghi: Nợ TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay Có các TK 111, 112 7.2. Khi hết thời hạn uỷ thác cho vay nhận lại tiền, ghi: Nợ các TK 111, 112 Có TK 134 - Phải thu vốn đưa đi uỷ thác cho vay (Gốc đưa đi uỷ thác) Có TK 511 – Doanh thu (5112) (Tiền lãi) 4.4. Tài khoản 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị khoản đầu tư trực tiếp của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (sau đây gọi tắt là Quỹ) vào các dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW thông qua. và tình hình biến động tăng, giảm giá trị khoản đầu tư vào các dự án, công trình đó. Các dự án đầu tư trực tiếp, gồm: - Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; - Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án phụ trợ bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; - Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và các dự án phát triển khu đô thị mới; - Các dự án bảo vệ và cải tạo môi trường; - Các dự án đầu tư trọng điểm khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Khoản đầu tư được hạch toán vào TK 245 – “Đầu tư xây dựng dự án, công trình” khi Quỹ được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình là đối tượng đầu tư trực tiếp. 2. Giá trị của khoản đầu tư phản ánh trên TK 245 – “Đầu tư xây dựng dự án, công trình” được xác định là toàn bộ chi phí phát sinh để hình thành dự án, công trình 3. Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi giá trị khoản đầu tư vào từng dự án, công trình theo các khoản mục chi phí hình thành nên dự án, công trình, gồm: - Chi phí xây lắp; - Chi phí thiết bị; - Chi phí khác. Tài khoản 245 – “Đầu tư xây dựng dự án, công trình” được mở chi tiết theo từng dự án, công trình và phải được hạch toán chi tiết từng nội dung chi phí và luỹ kế từ khi chuẩn bị dự án đến khi dự án, công trình hoàn thành chuyển giao. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH TÀI KHOẢN 245 - ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, DỰ ÁN CÔNG TRÌNH Bên Nợ: Chi phí đầu tư dự án, công trình phát sinh. Bên Có: Giá trị dự án, công trình hoàn thành đã bán. Số dư bên Nợ: Giá trị dự án, công trình đang dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng chưa có quyết định bàn giao. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi chi tiền đầu tư vào các dự án, công trình, căn cứ vào các chứng từ chi tiền, ghi: Nợ TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) Có các TK 111, 112, 331... Đồng thời, kế toán ghi sổ, theo dõi từng khoản đầu tư vào từng dự án, từng công trình. 2. Khi nhận khối lượng đầu tư dự án, công trình bên nhận thầu bàn giao, ghi: Nợ TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) Có TK 331 - Phải trả cho người bán. 3. Khi Quỹ chuyển dự án, công trình hoàn thành để đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết hoặc công ty liên doanh, ghi: Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con Nợ TK 222 - Vốn góp liên doanh Nợ TK 223 - Đầu tư vào công ty liên kết Nợ TK 811 - Chi phí khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ của khoản đầu tư xây dựng dự án, công trình) Có TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình Có TK 711 - Thu nhập khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của khoản đầu tư xây dựng dự án, công trình) 4. Khi công trình đầu tư theo hình thức BOT hoặc BTO, BT bàn giao cho Quỹ dùng công trình đó để cho thuê hoạt động hoặc chờ tăng giá để bán, ghi: Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư Có TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình. 5. Khi Quỹ bán, chuyển nhượng công trình, dự án đầu tư cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân: 5.1. Ghi nhận giá vốn, ghi: Nợ TK 631 – Chi phí hoạt động Có TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình. 5.2. Ghi nhận doanh thu, ghi: Nợ các TK 111, 112, 132 Có TK 511 – Doanh thu Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) 4.5. Tài khoản 251 – Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền Quỹ cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và tình hình thu hồi khoản nợ cho vay đó. Các dự án cho vay, gồm: - Các dự án về: Giao thông, cấp nước, nhà ở khu đô thị, khu dân cư, di chuyển sắp xếp các cơ sở sản xuất, xử lý rác thải của các đô thị. - Các dự án quan trọng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Tài khoản này chỉ phản ánh số nợ cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động của Quỹ các dự án đầu tư có phương án thu hồi vốn trực tiếp đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. 2. Thực hiện cho vay phải đúng đối tượng cho vay và thời hạn cho vay theo quy định của pháp luật và chỉ cho vay khi chủ đầu tư bảo đảm có đủ các điều kiện theo quy định hiện hành. 3. Kế toán phải mở sổ theo dõi tách bạch các khoản cho vay và thu hồi nợ vay theo từng đối tượng vay, nội dung cho vay. Trong từng khoản nợ vay của từng đối tượng vay phải hạch toán được thời hạn vay, thời hạn trả nợ, lãi suất phải trả, số đã trả. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH TÀI KHOẢN 251 - CHO VAY ĐẦU TƯ BẰNG VỐN HOẠT ĐỘNG Bên Nợ: Số tiền cho vay bằng vốn hoạt động. Bên Có: Số tiền thu nợ cho vay bằng vốn hoạt động. Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền cho vay dư nợ cuối kỳ. Tài khoản 251- Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động, có 3 tài khoản cấp 2: - Tài khoản 2511 - Cho vay ngắn hạn: Phản ánh số tiền cho vay ngắn hạn và tình hình thu nợ các khoản cho vay ngắn hạn. Cho vay ngắn hạn là khoản cho vay có thời hạn cho vay dưới 1 năm. - Tài khoản 2512- Cho vay trung hạn: Phản ánh số tiền cho vay trung hạn và tình hình thu nợ các khoản cho vay trung hạn đó. Khoản vay trung hạn là khoản cho vay có thời hạn cho vay từ 1 năm đến 3 năm. - Tài khoản 2513 - Cho vay dài hạn: Phản ánh số tiền cho vay dài hạn có thời hạn cho vay trên 3 năm và tình hình thu nợ khoản cho vay đó. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi quỹ chi tiền cho các chủ đầu tư vay, căn cứ vào hồ sơ cho vay và các chứng từ chi tiền, ghi: Nợ TK 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động (2511, 2512, 2513) Có các TK 111, 112 (Nếu cho vay bằng ngoại tệ thì ghi đơn bên Có TK 007 - Ngoại tệ các loại - TK ngoài Bảng CĐKT). 2. Khi thu hồi nợ cho vay bằng VND, ghi: Nợ các TK 111, 112 Có TK 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động (2511, 2512, 2513) 3. Khi thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ 3.1. Nếu khi thu hồi nợ vay có tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá BQ LNH lớn hơn tỷ giá ghi sổ cho vay, ghi: Nợ các TK 111, 112 (Tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá BQ LNH) Có TK 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động (Tỷ giá trên sổ TK 251) Có TK 511 - Doanh thu (5118) (Lãi chênh lệch tỷ giá) Đồng thời ghi Nợ TK 007-Ngoại tệ-TK ngoài Bảng CĐKT, số ngoại tệ vừa thu nợ. 3.2. Nếu khi thu hồi nợ vay có tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá BQ LNH nhỏ hơn tỷ giá ghi sổ cho vay, ghi: Nợ các TK 111, 112 (Tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá BQ LNH) Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6318) (Lỗ chênh lệch tỷ giá) Có TK 251 - Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động (Tỷ giá trên sổ TK 251) 4. Khi có quyết định về việc sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro bù đắp một phần hoặc toàn bộ khoản vay của các chủ đầu tư không trả được nợ căn cứ vào quyết định xoá nợ, ghi: Nợ TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay Có TK 251 – Cho vay đầu tư bằng vốn hoạt động Đồng thời ghi đơn bên Nợ TK 004 - Nợ khó đòi đã xử lý – TK ngoài Bảng CĐKT. 4.6. Tài khoản 252 – Cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền Quỹ ĐTPTĐP chi ra trả nợ thay khách hàng theo hợp đồng bảo lãnh giữa quỹ và khách hàng trong trường hợp khách hàng được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thanh toán. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Đối tượng bảo lãnh là các chủ đầu tư có dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu theo chiến lược kế hoạch được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. 2. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương không được bảo lãnh vượt quá tổng mức vốn cho vay theo quy định. 3. Việc thực hiện bảo lãnh Quỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo lãnh của Nhà nước. 4. Khoản tiền trả thay này đơn vị phải chịu mức lãi suất theo quy định hiện hành, chủ đầu tư, các tổ chức phải ký hợp đồng vay vốn và nhận nợ vay với đơn vị Quỹ. Quỹ ĐTPTĐP phải đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản nợ này. Nếu đơn vị không có khả năng trả, Quỹ ĐTPTĐP phải tiến hành phát mại tài sản thế chấp theo pháp luật quy định để bù đắp số nợ. 5. Kế toán phải mở sổ theo dõi chi tiết từng đơn vị, cá nhân được bảo lãnh theo các chỉ tiêu: Số tiền được bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 252 - CHO VAY THỰC HIỆN CAM KẾT BẢO LÃNH Bên Nợ: Số tiền Quỹ ĐTPTĐP trả nợ thay cho các chủ đầu tư, các tổ chức khi đến hạn trả nợ mà các chủ đầu tư tổ chức không trả được nợ. Bên Có: Số tiền thu hồi được khoản cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh. Số dư bên Nợ: Số tiền Quỹ trả nợ thay cho các chủ đầu tư chưa thu hồi. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi hợp đồng bảo lãnh được ký giữa Quỹ và chủ đầu tư, kế toán ghi đơn bên Nợ TK 012 - Các cam kết bảo lãnh (chi tiết phù hợp) - TK ngoài Bảng CĐKT. 2. Khi đơn vị được bảo lãnh đến hạn trả nợ không trả được, Quỹ ĐTPTĐP bảo lãnh trả nợ thay đơn vị, ghi: Nợ TK 252 - Cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh Có TK 112- Tiền gửi ngân hàng. Đồng thời ghi đơn bên Có TK 012 - Các cam kết bảo lãnh - TK ngoài bảng CĐKT. 3. Khi Quỹ ĐTPTĐP thu được khoản cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh, ghi: Nợ TK 112- Tiền gửi ngân hàng Có TK 252 - Cho vay thực hiện cam kết bảo lãnh. 4.7. Tài khoản 259 - Dự phòng rủi ro cho vay Tài khoản này dùng để phản ánh số dự phòng đã lập và tình hình biến động của số dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Số dự phòng rủi ro được hình thành để bù đắp những tổn thất, thiệt hại do nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện cho vay của Quỹ. Dự phòng rủi ro cho vay được tính vào chi phí nghiệp vụ hàng năm theo một tỷ lệ quy định theo từng khoản vay, chất lượng khoản vay. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Việc sử dụng dự phòng rủi ro phải được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đúng các mục đích sử dụng đã được quy định trong điều lệ và Quy chế quản lý tài chính Quỹ. Trường hợp xoá nợ các khoản cho vay lớn hơn số dự phòng đã lập thì chỉ được bù đắp bằng khoản dự phòng đã lập, số còn lại ghi nhận vào chi phí hoạt động. 2. Cuối năm trước khi khoá sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, Quỹ tiến hành kiểm kê phân loại nợ vay xác định khả năng xảy ra tổn thất để tiến hành lập dự phòng cho các khoản cho vay. Nếu số dự phòng phải lập năm nay lớn hơn số đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì lập bổ sung số chênh lệch và ghi nhận vào chi phí nghiệp vụ trong kỳ. Nếu số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã lập đang ghi sổ kế toán thì số chênh lệch đó phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí nghiệp vụ. 3. Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi rõ ràng các khoản trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro cho vay. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 259 - DỰ PHÒNG RỦI RO CHO VAY Bên Nợ: - Phản ánh số giảm dự phòng rủi ro cho vay do việc sử dụng bù đắp rủi ro (xoá một phần hay toàn bộ nợ hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho các chủ đầu tư vay vốn của Quỹ) - Hoàn nhập số dự phòng rủi ro cho vay phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập năm trước chưa sử dụng. Bên Có: Phản ánh số trích lập dự phòng rủi ro cho vay tính vào chi hoạt động theo tỷ lệ quy định trong năm. Số dư bên Có: Phản ánh số dự phòng rủi ro cho vay hiện có cuối năm. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi lập quỹ dự phòng rủi ro tính vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ quy định, ghi: Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6316) Có TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay 2. Khi có quyết định của Hội đồng quản lý về việc sử dụng dự phòng rủi ro cho vay bù đắp một phần hoặc toàn bộ nợ vay của các chủ đầu tư, ghi: Nợ TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (Số chênh lệch nợ cho vay được xoá nợ lớn hơn số dự phòng đã lập) Có các TK 251, 252, 262 3. Khi lập dự phòng, nếu số dự phòng rủi ro cho vay phải lập năm nay nhỏ hơn số đã trích lập năm trước chưa sử dụng hết, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập, ghi: Nợ TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay Có TK 631 - Chi phí hoạt động 4.8. Tài khoản 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương Tài khoản 261 dùng để phản ánh tình hình cấp phát hộ ngân sách địa phương cho các đơn vị dự án từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo đúng đối tượng và quy định hiện hành. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Việc cấp thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành bằng các nguồn vốn của ngân sách theo đúng quy định hiện hành. 2. Kế toán phải mở sổ theo dõi riêng rẽ từng công trình, hạng mục công trình và từng chủ đầu tư theo từng lần cấp phát và luỹ kế từ khi cấp phát tạm ứng cho đến khi công trình hoàn thành. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 261 - CẤP PHÁT VỐN UỶ THÁC CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG Bên Nợ : Số vốn đã cấp phát thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành. Bên Có : - Kết chuyển số đã cấp phát khi công trình XDCB hoàn thành đưa vào sử dụng. - Số thoái chi vốn cấp phát. - Số ghi giảm vốn cấp phát. Số dư bên Nợ : Số vốn đã cấp phát chưa được quyết toán. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận tiền từ ngân sách địa phương để cấp phát hộ, ghi : Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161) Có TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương. 2. Khi xuất tiền cấp phát khối lượng XDCB hoàn thành đủ điều kiện thanh toán, ghi: Nợ TK 261- Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161). 3. Khi công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán, ghi : Nợ TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương Có TK 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương. 4. Trường hợp thoái chi vốn cấp phát chi sai mục đích, khi nhận báo Có của KBNN, NH, kế toán phản ánh số tiền nhận được, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161) Có TK 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương. 4.9. Tài khoản 262 – Cho vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền Quỹ cho các tổ chức, đơn vị vay bằng nguồn vốn uỷ thác chịu rủi ro và tình hình thanhh toán các khoản cho vay đó. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 262 – CHO VAY TỪ VỐN NHẬN UỶ THÁC CHỊU RỦI RO Bên Nợ: Số tiền cho các tổ chức, đơn vị vay bằng vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro. Bên Có: Số tiền đơn vị vay đã trả Số dư bên Nợ: Số tiền dư nợ vay cuối kỳ. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận tiền vốn uỷ thác cho vay đầu tư chịu rủi ro, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162) Có TK 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay đầu tư. 2. Khi xuất tiền cho vay từ vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư chịu rủi ro, ghi Nợ TK 262 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162). 3. Khi nhận được khoản tiền chủ đầu tư trả nợ vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có TK 262 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro. 4. Khi có quyết định xoá khoản nợ cho vay từ vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư chịu rủi ro cho chủ dự án đầu tư, ghi: Nợ TK 259 - Dự phòng rủi ro cho vay (Số được bù đắp bằng Quỹ dự phòng) Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6316) (Số dự phòng còn thiếu) Có TK 262 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác chịu rủi ro. 4.10. Tài khoản 263 – Cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền (tiền đồng Việt nam hay ngoại tệ) Quỹ ĐTPTĐP cho các đơn vị trong nước vay bằng nguồn vốn uỷ thác của các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác không chịu rủi ro và tình hình thanh toán các khoản cho vay đó. Khoản cho vay này Quỹ không chịu rủi ro bởi vậy không được lập dự phòng rủi ro cho vay. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 263 - CHO VAY TỪ VỐN NHẬN UỶ THÁC KHÔNG CHỊU RỦI RO Bên Nợ: Số tiền cho vay từ vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư không chịu rủi ro. Bên Có: Số tiền đơn vị vay đã trả. Số dư bên Nợ: Số tiền đơn vị vay còn nợ Quỹ ĐTPTĐP. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi xuất tiền cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro, ghi: Nợ TK 263 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162). 2. Định kỳ thu lãi tiền cho vay từ vốn nhận uỷ thác cho vay đầu tư không chịu rủi ro (nếu có), ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có TK 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay, đầu tư (Chi tiết tiền lãi). 3. Khi xuất tiền trả lãi tiền cho vay cho bên uỷ thác, ghi: Nợ TK 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay, đầu tư Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác. 4. Khi hết thời hạn hợp đồng uỷ thác hoặc bên ký hợp đồng uỷ thác rút lại vốn, Quỹ tiến hành quyết toán và trả tiền cho bên uỷ thác, ghi: Nợ TK 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay, đầu tư Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có TK 263 - Cho vay từ vốn nhận uỷ thác không chịu rủi ro (Số cho vay không có khả năng đòi được đồng ý xoá nợ). 4.11. Tài khoản 265 - Cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền Quỹ ĐTPTĐP cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo qui định từ nguồn vốn Ngân sách địa phương. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Chủ đầu tư chỉ được nhận hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay đầu tư trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án. 2. Dự án chưa được vay đầu tư, hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. 3. Được Quỹ ĐTPTĐP chấp thuận và ký hợp đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. 4. Chủ đầu tư được nhận một năm một lần vào cuối năm trên cơ sở số nợ gốc chủ đầu tư đã trả cho tổ chức tín dụng. 5. Quỹ ĐTPTĐP phải mở sổ chi tiết theo dõi số cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho từng dự án được cấp từ khi bắt đầu được cấp hỗ trợ lãi suất luỹ kế cho đến khi chủ đầu tư hết hạn trả nợ khoản vay được cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 265 - CẤP HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ Bên Nợ: Số tiền cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Bên Có: Số tiền đã quyết toán cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Số dư bên Nợ: Số tiền cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư chưa được quyết toán. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận được tiền từ nguồn vốn cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của ngân sách, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. 2. Khi chi tiền cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án, ghi: Nợ TK 265 - Cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác 3. Khi quyết toán số tiền cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với các chủ dự án và ngân sách, ghi: Nợ TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Có TK 265 - Cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. 4.12. Tài khoản 332 - Phải trả lãi vốn huy động Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản lãi huy động vốn mà Quỹ phải trả cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân gồm: Phải trả lãi tiền vay, phải trả lãi trái phiếu và tình hình thanh toán các khoản lãi đó. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Tài khoản này phải được hạch toán chi tiết theo từng loại tiền lãi tiền vay, lãi trái phiếu, tín phiếu và từng đối tượng phải trả lãi. 2. Phải theo dõi chặt chẽ các khoản phải trả lãi cho từng khách hàng để lập kế hoạch trả lãi kịp thời, đúng hạn cho các đối tượng cho vay, mua trái phiếu. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 332 - PHẢI TRẢ LÃI VỐN HUY ĐỘNG Bên Nợ: Số lãi tiền vay, lãi trái phiếu, tín phiếu đã trả Bên Có: Số lãi tiền vay, lãi trái phiếu, tín phiếu phải trả Số dư bên Có: Số lãi tiền vay, lãi trái phiếu còn phải trả PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Cuối kỳ, xác định số lãi tiền vay, lãi trái phiếu phải trả cho khách hàng, ghi: Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6312) hoặc Nợ TK 241, 245 - Nếu chi phí đi vay được vốn hoá Có TK 332 - Phải trả lãi huy động vốn 2. Khi xuất tiền để trả lãi vay, lãi trái phiếu, ghi: Nợ TK 332 - Phải trả lãi huy động vốn Có các TK 111, 112 3. Trường hợp nhập lãi vào khoản gốc vay, ghi: Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6312) hoặc Nợ các TK 241, 245 (Nếu chi phí đi vay được vốn hoá) Có các TK 341, 343. 4. Trường hợp phát hành trái phiếu trả lãi trước 4.1. Khi phát hành trái phiếu, ghi: Nợ TK 111, 112 (Số tiền thực thu) Nợ TK 242 - Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước) Có TK 343 - Trái phiếu phát hành (3431) 4.2. Định kỳ phân bổ lãi trái phiếu trả trước vào chi phí trong kỳ, ghi: Nợ TK 631 - Chi phí hoạt động (6312) hoặc Nợ các TK 241, 245 (nếu chi phí đi vay được vốn hoá) Có TK 242 - Chi phí trả trước dài hạn. 4.13. Tài khoản 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền luỹ kế đã nhận uỷ thác cấp phát, đã cấp phát và tình hình quyết toán số vốn uỷ thác đã cấp với Ngân sách địa phương. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 361 - NHẬN VỐN UỶ THÁC CẤP PHÁT ĐẦU TƯ CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG Bên Nợ: Số vốn uỷ thác đã cấp được quyết toán. Bên Có: Số vốn uỷ thác cấp phát đầu tư đã nhận của ngân sách địa phương. Số dư bên Có: Số vốn uỷ thác cấp phát đầu tư đã nhận của ngân sách địa phương chưa được quyết toán. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương chuyển cho Quỹ, căn cứ vào các chứng từ liên quan, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161) Có TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương. 2. Khi chủ đầu tư hoàn thành khối lượng công việc, Quỹ tiến hành quyết toán số tiền đã cấp phát với ngân sách địa phương, căn cứ vào hồ sơ quyết toán, ghi: Nợ TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương Có TK 261 - Cấp phát vốn uỷ thác của ngân sách địa phương. 3. Khi xuất tiền trả lại cho ngân sách địa phương về số tiền không cấp phát hết do các dự án không đủ điều kiện được cấp phát, ghi: Nợ TK 361 - Nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1161). 4.14. Tài khoản 362 - Nhận vốn uỷ thác cho vay, đầu tư Tài khoản này dùng để phản ánh số vốn nhận của các tổ chức, đơn vị uỷ thác cho Quỹ ĐTPTĐP để cho vay, đầu tư và tình hình thanh quyết toán khoản vốn nhận uỷ thác đó. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 362 - NHẬN VỐN UỶ THÁC CHO VAY, ĐẦU TƯ Bên Nợ: Hoàn trả tiền vốn nhận uỷ thác cho vay, đầu tư. Bên Có: Số tiền vốn nhận uỷ thác cho vay, đầu tư. Số dư bên Có: Số vốn nhận uỷ thác cho vay, đầu tư chưa hoàn trả cho bên uỷ thác. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận được tiền vốn uỷ thác cho vay, đầu tư ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác Có TK 362 - Nhận vốn ủy thác cho vay, đầu tư Nếu nhận bằng ngoại tệ thì ghi đơn bên Nợ TK 007-Ngoại tệ - TK ngoài Bảng CĐKT. 2. Khi xuất tiền cho vay uỷ thác đầu tư, ghi: Nợ các TK 245, 262, 263... Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162). 3. Khi thu hồi nợ gốc cho vay bằng vốn uỷ thác, ghi: Nợ TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162) Có các TK 262, 263. 4. Khi xuất tiền hoàn trả vốn cho đơn vị có vốn uỷ thác cho vay, ghi: Nợ TK 362 - Nhận vốn ủy thác cho vay, đầu tư Có TK 116 - Tiền gửi ngân hàng vốn nhận uỷ thác (1162). Nếu trả bằng ngoại tệ thì ghi đơn bên Có TK 007-Ngoại tệ - TK ngoài Bảng CĐKT. 4.15.Tài khoản 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền Quỹ đã nhận được của các tổ chức, đơn vị để đầu tư, cho vay với mức tiền đã thoả thuận thông qua hợp đồng đầu tư, cho vay đã ký kết giữa các bên trên cơ sở dự án đầu tư và khách hàng cho vay đã xác định. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 364 - NHẬN HỢP VỐN ĐẦU TƯ, CHO VAY Bên Nợ: - Số tiền đã thanh quyết toán với bên hợp vốn đầu tư, cho vay khi đã đầu tư, cho vay; - Số tiền đã trả lại cho bên hợp vốn do không đầu tư, cho vay được Bên Có: Số tiền hợp vốn đầu tư, cho vay Quỹ đã nhận của các tổ chức, đơn vị. Số dư bên Có: Số tiền hợp vốn đầu tư, cho vay hiện có cuối năm. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận được tiền của các bên hợp vốn để đầu tư, cho vay, ghi: Nợ các TK 111, 112 Có TK 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay 2. Khi chuyển tiền nhận hợp vốn để đầu tư để thực hiện đầu tư trực tiếp do Quỹ làm chủ dự án, ghi: Nợ TK 245 - Đầu tư xây dựng dự án, công trình Có các TK 111,112 hoặc Có TK 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay (trường hợp nhận và chuyển thẳng tiền từ bên hợp vốn) 3. Khi chuyển tiền nhận hợp vốn cho các đối tác vay theo hợp đồng đã ký kết, ghi: Nợ TK 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay Có các TK 111,112. 4. Khi chuyển tiền nhận hợp vốn thực hiện dự án đầu tư do bên hợp vốn cùng đồng chủ dự án, ghi: Nợ TK 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay Có các TK 111, 112. 5. Khi Quỹ chuyển tiền trả lại cho bên hợp vốn, ghi: Nợ TK 364 - Nhận hợp vốn đầu tư, cho vay Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng. 4.16. Tài khoản 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động nguồn vốn nhận hỗ trợ lãi suất sau đầu tư do ngân sách địa phương uỷ thác cho Quỹ cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án của địa phương. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Nguồn vốn nhận hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được hình thành do Ngân sách địa phương chuyển cho Quỹ theo kế hoạch để hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư dự án sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 2. Quỹ chỉ được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định được cơ quan Nhà nước địa phương có thẩm quyền cho phép, dự án đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã hoàn trả được vốn vay. 3. Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi chặt chẽ số tiền hỗ trợ lãi suất của từng đối tượng được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 365 - NHẬN VỐN UỶ THÁC HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ Bên Nợ: - Số tiền thực tế Quỹ đã chi hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án; - Số tiền phải trả hoặc đã trả lại cho Ngân sách do không cấp bù hoặc cấp bù còn thừa. Bên Có: Số tiền được Ngân sách địa phương chuyển cho Quỹ để hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án. Số dư bên Có: Số hiện còn của nguồn vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU 1. Khi nhận được tiền Ngân sách địa phương chuyển cho nguồn vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ghi: Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng Có TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. 2. Khi quyết toán số tiền đã chi hỗ trợ cho các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ghi: Nợ TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Có TK 265 - Cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. 3. Sau khi quyết toán, xác định số tiền thừa và nộp trả lại Ngân sách địa phương do cấp cho các dự án còn thừa: - Khi xác định được số tiền thừa phải nộp ngân sách, ghi: Nợ TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339). - Khi xuất tiền để nộp trả ngân sách, ghi: Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (Nếu đã ghi phải trả), hoặc Nợ TK 365 - Nhận vốn uỷ thác hỗ trợ lãi suất sau đầu tư Có các TK 111, 112. 4.17. Tài khoản 511 - Doanh thu Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu từ các hoạt động đầu tư trực tiếp, doanh thu lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay, doanh thu từ hoạt động đầu tư góp vốn, doanh thu chuyển nhượng dự án, thu phí hoạt động nhận uỷ thác, doanh thu cho thuê tài sản, lãi chênh lệch tỷ giá, doanh thu khác. NGUYÊN TẮC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI KHOẢN NÀY 1. Tài khoản 511 phải được hạch toán chi tiết theo từng loại doanh thu; 2. Doanh thu được hạch toán vào Tài khoản 511 khi thoả mãn các điều kiện ghi nhận doanh thu đã được quy định trong các Chuẩn mực kế toán Việt Nam; 3. Không phản ánh vào Tài khoản này những khoản thu nhập khác đã được phản ánh vào Tài khoản 711 “Thu nhập khác”. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 511 - DOANH THU Bên Nợ: - Các khoản giảm trừ doanh thu; - Kết chuyển doanh thu thuần sang Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”. Bên Có: - Doanh thu từ hoạt động đầu tư trực tiếp; - Doanh thu lãi tiền cho vay; - Thu từ hoạt động đầu tư góp vốn; - Doanh thu lãi tiền gửi; - Thu phí hoạt động nhận uỷ thác; - Thu phí nhận uỷ quyền phát hành trái phiếu địa phương; - Doanh thu cho thuê tài sản; - Doanh thu khác. Tài khoản này không có số dư cuối kỳ. Tài khoản 511 - Doanh thu, có 8 tài khoản cấp 2, gồm: - Tài khoản 5111 - Doanh thu từ hoạt động đầu tư trực tiếp: Phản ánh doanh thu từ chuyển nhượng các dự án đầu tư, bán các tài sản do đầu tư trực tiếp như: nhà cửa, cơ sở hạ tầng, bất động sản đầu tư,... - Tài khoản 5112 - Doanh thu lãi tiền cho vay: Phản ánh doanh thu lãi tiền cho vay; - Tài khoản 5113 - Thu từ hoạt động đầu tư góp vốn: Phản ánh số tiền cổ tức và lợi nhuận được chia do góp vốn vào đơn vị khác, số tiền lãi bán, chuyển nhượng lại các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác; - Tài khoản 5114 - Doanh thu lãi tiền gửi: Phản ánh doanh thu về lãi tiền gửi - Tài khoản 5115 - Thu phí hoạt động nhận uỷ thác: Phản ánh doanh thu phí nhận vốn uỷ thác cấp phát đầu tư của ngân sách địa phương, thu phí về nhận vốn uỷ thác cho vay đầu tư, thu phí nhận uỷ thác khác;
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net