logo

Thị trường không hoàn hảo và sự chọn lựa các hệ thống nông lâm kết hợp

Thị trường không hoàn hảo, sự chọn lựa các hệ thống nông lâm kết hợp không dựa trên lợi thế so sánh của vùng hay mỗi trang trại, mỗi hộ nông dân.
THỊ TRƯỜNG KHÔNG HOÀN HẢO VÀ SỰ CHỌN LỰA CÁC HỆ THỐNG NÔNG LÂM KẾT HỢP TS. Trần Chí Thiện, Đại học Nông lâm Thái Nguyên TÓM TẮT Thị trường ở miền núi thường không hoàn hảo nhưng tính hoàn hảo của thị trường lại là một nhân tố chủ yếu quyết định các hệ thống nông lâm kết hợp. Thị trường càng hoàn hảo các hệ thống nông lâm kết hợp càng hoàn hảo, các hệ thống nông lâm kết hợp càng được lựa chọn tốt hơn. Khi thị trường là không hoàn hảo, sự lựa chọn hệ thống nông lâm kết hợp không dựa trên lợi thế so sánh của vùng hay của mỗi trang trại, mỗi hộ nông dân. Điều đó làm cho các hệ thống nông lâm kết hợp được lựa chọn sẽ không đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế, tính bền vững về môi trường. Các giải pháp để có thể lựa chọn và phát triển các hệ thống nông lâm kết hợp tốt-hiệu quả và bền vững, do đó, chính là các giải pháp để tăng cường tính hoàn hảo của thị trường. 1. Tầm quan trọng của việc lựa chọn các hệ thống nông lâm kết hợp và vai trò của thị trường hoàn hảo Nông lâm kết hợp là hình thức canh tác trong đó cây nông nghiệp được trồng xen canh với cây rừng về mặt không gian hoặc luân canh về mặt thời gian. Các hệ thống nông lâm kết hợp bao gồm các loại cây trồng có khả năng cải tạo độ phì cho đất, giúp quản lý tốt hơn vùng đầu nguồn và tăng cường tính đa dạng về cây trồng trong khu vực. Phát triển các hệ thống nông lâm kết hợp sẽ cho phép bảo tồn tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi vẫn có thể đáp ứng một cách có hiệu quả các nhu cầu của người dân. Sự hoàn hảo của thị trường là một yếu tố quyết định trong việc lựa chọn áp dụng các hệ thống nông lâm kết hợp. Thị trường càng hoàn hảo càng đảm bảo lựa chọn được các hệ thống nông lâm kết hợp vừa có hiệu quả cao về kinh tế vừa bền vững về mặt môi trường sinh thái. Vì thế, các giải pháp phát triển các hệ thống này hiệu quả về mặt kinh tế và bền vững về mặt môi trường, chính là các giải pháp tăng cường tính hoàn hảo của thị trường, nâng cao sự công bằng trong việc tiếp cận hàng hoá và các thị trường yếu tố đầu vào (đất đai, lao động, vốn và vật tư), cũng như tiếp cận về kỹ thuật sản xuất và khuyến nông. 2. Các hệ thống nông lâm kết hợp được lựa chọn như thế nào trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo? 1.1. Các đặc điểm chính của thị trường cạnh tranh hoàn hảo Thị trường cạnh tranh hoàn hảo là một thị trường lý tưởng và công bằng đối với bất kì ai. Thứ nhất, cơ chế giá cả trong thị trường này rất trung lập, ảnh hưởng đến tất cả các quyết định về kinh tế trong đó người mua và người bán đều tham gia vào quá trình xác định giá. Không một ai có khả năng làm thay đổi giá cả. Thứ hai, mọi người đều biết rõ giá cả và số lượng của các yếu tố đầu vào và đầu ra được trao đổi trên thị trường. Thứ ba, mọi người đều có thể tự do tham gia thị trường nếu họ muốn, vì các nguồn lực về vốn, tín dụng, kĩ thuật và 1 nguyên liệu đầu vào, và các thông tin về thị trường đều lưu động và công bằng đối với mọi người. 2.2. Lợi thế so sánh là cơ sở cho việc lựa chọn các hệ thống nông lâm kết hợp Lý thuyết về kinh tế cho rằng với các điều kiện về thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các loại hình sử dụng đất dựa trên các lợi thế so sánh, và việc trao đổi thương mại giữa các vùng và giữa các nông hộ sẽ phát sinh lợi ích lớn nhất đối với cả nước. Các vùng đồng bằng châu thổ có lợi thế trong việc sản xuất lúa gạo, các cây trồng hàng năm sẽ được chuyên môn hoá sản xuất để trao đổi với các sản phẩm khác trên thị trường. Ngược lại, vùng trung du và miền núi (hay gọi chung là vùng cao) với lợi thế so sánh về trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây bụi khác được trao đổi trên thị trường để lấy gạo và các sản phẩm khác ở những vùng đồng bằng. Do những hoạt động sản xuất này dựa trên lợi thế so sánh, tổng chi phí ở mức thấp nhất, và vì thế tổng lợi ích của toàn xã hội thu được sẽ đạt mức cao nhất. Đối với mỗi nhà sản xuất, nhờ lợi thế so sánh, chi phí sản xuất tư nhân nhỏ hơn chi phí xã hội, và vì vậy anh ta sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn lợi nhuận thông thường của xã hội. Vì lí do trên, trong các điều kiện của thị trường canh tranh hoàn hảo, nông dân vùng cao sẽ tận dụng tối đa lợi thế so sánh của họ trong việc trồng các loại cây trồng lâu năm và các loại cây trồng cạn khác. Các hệ thống nông lâm kết hợp gồm các loại cây trồng có lợi thế so sánh do vậy, sẽ được lựa chọn và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, không có thị trường cạnh tranh một cách hoàn hảo, và người nông dân vùng núi và trung du vẫn phải sản xuất các loại cây lương thực trên đất dốc (chứ không phải là các loại cây trồng mà họ có lợi thế so sánh) để duy trì cuộc sống của họ. 3. Các hệ thống nông lâm kết hợp được lựa chọn hình thức nông lâm kết hợp trong điều kiện thị trường cạnh tranh không hoàn hảo? 1.1. Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo có thể có một hoặc nhiều hơn, hoặc thậm chí tất cả các khía cạnh sau: • Tiếp cận không hoàn hảo thị trường hàng hoá Thị trường hàng hoá ở vùng cao, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa không hoàn hảo do cơ sở hạ tầng không phát triển, trình độ giáo dục thấp và truyền thống tự cung tự cấp. Giao thông và cơ sở hạ tầng tiêu thụ sản phẩm ở vùng cao thường kém phát triển. Ở nhiều xã như Nà Ớt, Phiêng Pằn, Tà Hộc ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, không có điện lưới hoặc điện thoại. Thậm chí ở Nà Ớt không có chợ. Ở rất nhiều bản như Huổi Khẹt ở xã Nà Ớt, ở huyện Mai Sơn, Bản Khẹt ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn không có đường nối từ các bản đến xã. Người dân phải đi bộ trên những con đường mòn xuyên qua núi rừng. Nhiều trường hợp, người dân phải đi bộ mất một ngày đường để đến được chợ gần nhất. Vì vậy, nông dân rất khó khăn, vất vả để có thể mua được nguyên liệu đầu vào sản xuất và bán nông sản của họ. Ở những vùng ít hẻo lánh hơn, các tư thương có thể đến tận bản để bán các nguyên liệu đầu vào sản xuất và sản phẩm thương mại và mua nông sản. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về giá cả, chất lượng và cách sử dụng các liệu đầu vào nên nông dân thường phải bán nông sản với giá rẻ và mua các nguyên liệu đầu vào đắt hơn so với giá thực tế. 2 Đặng và các cộng sự (2003) đă kết luận trình độ giáo dục của người dân vùng cao thấp, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa. Điều này đã hạn chế khả năng hiểu biết, nhận thức về tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng các công nghệ nông lâm mới. Frank Elis (1993) nhấn mạnh thị trường không hoàn hảo là do truyền thống tự cung tự cấp và lượng lao động và đất đai sẵn có. Nông dân phụ thuộc vào thị truờng để đáp ứng nhu cầu của họ về phân bón, thuốc trừ sâu, và để bán một phần sản phẩm của họ. Ngược lại, những trang trại lớn phải thuê và/hoặc mua hầu hết lao động, nguyên liệu đầu vào, và bán hầu hết các sản phẩm của họ. Vì thế, họ tham gia thị trường nhiều hơn. • Tiếp cận không hoàn hảo về tín dụng: Frank Elis (1993) chỉ rõ thiếu tài sản thế chấp và diện tích đất đai nhỏ đã hạn chế nông dân tiếp cận với các khoản vay ngắn hạn. Họ phải phụ thuộc vào hệ thống tín dụng không chính thống như tư thương hoặc chủ đất để vay vốn với lãi xuất dựa vào các đặc điểm cụ thể của thoả thuận giữa người vay và người đi vay mà không dựa vào các điều kiện thị trường. Ở Việt Nam, Ngân hàng Người nghèo là một hệ thống ngân hàng đặc biệt phục vụ người nghèo với mức lãi xuất thấp nhất. Tuy nhiên, không phải người nghèo nào cũng dễ dàng vay được vốn và lượng vốn tối đa được vay thường nhỏ. Ngược lại, những nông dân khá giả thể dễ dàng tiếp cận với các tổ chức tín dụng và có nhiều lợi thế trong việc vay vốn. Họ có tài sản thế chấp lớn và dự án đầu tư của họ thường lớn hơn, tiềm năng hơn và thuyết phục hơn. • Tiếp cận không hoàn hảo về công nghệ: Thông tin về các công nghệ canh tác nông lâm tiên tiến cũng cần thiết đối với việc sản xuất nông nghiệp ở vùng cao. Tuy nhiên, nhiều trang trại đã không tiếp cận với các công nghệ này vì ở nhiều nơi những công nghệ tiên tiến không có sẵn ngay cả ở dạng các mô hình trình diễn. Thậm chí nhiều nông dân không có báo, tạp chí, ti vi hoặc đài để tiếp cận các thông tin về công nghệ sản xuất. Nguyệt, N.B (2003) cho rằng chuyển giao công nghệ thông qua hệ thống khuyến nông ở Việt nam gần đây gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ khuyến nông và các nguồn lực khác. Năm 2000, chỉ có 70% các huyện trên cả nước có các trung tâm khuyến nông, và chỉ có 30% tổng số xã có các trung tâm khuyến nông. Chỉ có 2800 cán bộ khuyến nông phục vụ khoảng 10 triệu nông hộ. Ngân sách dành cho các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 0,2% GDP hàng năm của khu vực này. Tuy nhiên, nông dân những người được hưởng lợi ích từ các dự án phát triển nông thôn và những người dân sống gần các trục đường chính hoặc thị trấn huyện và các thành phố của tỉnh, thường tiếp cận tốt hơn về các dịch vụ khuyến nông và công nghệ. • Tiếp cận không hoàn hảo về đất đai: Thị trường đất đai cũng không hoàn hảo. Ở nhiều vùng khác nhau, do áp lực gia tăng dân số, nông dân có thể có diện tích đất đai khác nhau. Thậm chí trong cùng một vùng, các trang trại cũng có diện tích đất thừa kế khác nhau. Những trang trại lớn có xu hướng được thừa kế nhiều hơn và mua đất đai. Tiếp cận tốt hơn các khoản vay ngắn hạn lớn cũng cho phép các trang trại lớn mua nhiều đất đai hơn, trong khi các trang trại nhỏ phải bán đất với giá rẻ do các khoản vay nợ lớn. Đất đai có xu hướng tích tụ dần về phía các trang trại lớn. Vì thế, ở nhiều vùng nông thôn, nhiều nông dân (thường là người giàu và khá giả) tích tụ ruộng đất nhiều trong khi nhiều nông dân khác không có hoặc có ít đất canh tác (Chung, 2000). 3 2.2. Thị trường không hoàn hảo quyết định việc lựa chọn các mô hình nông lâm kết hợp như thế nào? 3.2.1. Lựa chọn hệ thống nông lâm kết hợp ở mỗi vùng phụ thuộc vào sức ép dân số và khả năng tiếp cận thị trường. Tiếp cận thị trường là một trong những yếu tố chính quyết định đặc điểm của các hệ thống sản xuất nông nghiệp (Boseyup, 1981). Thứ nhất, cây thương phẩm cho nhiều lợi nhuận/đơn vị diện tích hơn cây lương thực nên sản xuất cây hoa màu tăng có thể tăng lợi nhuận của đất đai và khuyến khích áp dụng canh tác nông lâm kết hợp. Thu nhập từ cây hoa màu sẽ giúp làm giảm khó khăn về khả năng thanh toán, khó khăn này có thể hạn chế đầu tư. Thứ hai, tiếp cận thị trường sẽ tăng chi phí cơ hội của lao động bằng việc tạo ra các cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Điều này làm cho canh tác nông lâm kết hợp sử dụng nhiều lao động tốn nhiều chi phí, vì vậy cần thúc đẩy phương thức canh tác sử dụng ít lao động, đặc biệt khi mật độ dân số thấp (Pandey, 2001). Trong điều kiện tiếp cận thị trường tốt, do cơ sở hạ tầng cho giao thông và tiêu thụ sản phẩm tốt, chi phí tiêu thụ sản phẩm sẽ giảm đi. Do đó, các hệ thống nông lâm kết hợp có nhiều cây thương phẩm, có ít cây lương thực sẽ được khuyến khích. Người nông dân có thể thấy các khoản đầu tư vào nông lâm kết hợp sẽ hấp dẫn hơn về mặt kinh tế nếu trồng cây hàng hoá (theo Clarke, 1992). Ở Philipin, khoảng cách đến chợ-là một biến số rất quan trọng giải thích tại sao nông dân áp dụng hay không áp dụng mô hình trồng hàng rào xanh (theo Pandey và Lapar, 1998). Thêm vào đó, đối với các tác động trực tiếp, chi phí tiếp cận các kiến thức và thông tin về kĩ thuật ở các vùng có sự tiếp cận tốt hơn sẽ ít hơn so với các vùng sâu vùng xa. Vì thế nó góp phần thúc đẩy việc sản xuất cây hàng hoá phát triển (theo Pandey, 2001). Tương tự, ở Thái Lan, nhờ có hệ thống đường xá mà việc tiếp cận thị trường được cải thiện và vì thế giúp đa dạng hoá các hệ thống canh tác vùng cao (theo Shinawatra, 1985). Đa dạng hoá cây trồng có thể cho phép cây trồng có lợi thế so sánh phát triển, giúp giải quyết rào cản về khả năng thanh toán cũng như nâng cao an ninh lương thực vì các loại hình sử dụng đất phụ thuộc vào các lợi thế so sánh (Pandey, 2001). Ở những nơi mật độ dân số thấp dẫn đến áp dụng các mô hình nông lâm kết hợp sử dụng ít lao động hay thâm canh không cao. Trong các hệ thống nông lâm kết hợp này, lao động là yếu tố hạn chế nhất. Vì thế, các công nghệ sản xuất tiết kiệm lao động trong nông lâm kết hợp sẽ được sử dụng để tối đa hoá năng suất lao động. Các hệ thống này có tính về vững về mặt sinh thái. Ngược lại, những nơi có mật độ dân số cao sẽ thường áp dụng các hệ thống nông lâm kết hợp sử dụng nhiều lao động. Trong các hệ thống này, nguồn lao động dồi dào nhưng đất đai lại là yếu tố bị hạn chế. Vì thế, công nghệ sử dụng tiết kiệm lao động sẽ được lựa chọn để tối năng suất của đất. Hệ thống nông lâm kết hợp sử dụng nhiều lao động để tận dụng tối đa sức sản xuất của đất sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, các hệ thống này không bền vững về mặt sinh thái nếu mật độ dân số cao, không có công nghệ canh tác phù hợp. Trong điều kiện tiếp cận thị trường kém, người nông dân buộc phải sản xuất các sản phẩm tự cung tự cấp. Họ sẽ ít lựa chọn các hệ thống nông lâm kết hợp vì trong các hệ thống này thường có nhiều cây trồng thương phẩm. Các loại cây lương thực, thực phẩm sẽ được trồng chủ yếu. Các hệ thống nông lâm kết hợp được lựa chọn sẽ bền vững về mặt sinh thái nếu mật độ dân số thấp. Ngược lại, nếu mật độ dân số cao chúng không thể bền vững về mặt sinh thái vì đất sẽ bị bóc lột và thoái hoá. 4 3.2.2. Việc lựa chọn hệ thống nông lâm kết hợp của các hộ gia đình phụ thuộc vào các điều kiện không hoàn hảo của thị trường Thị trường của các nước đang phát triển thường không hoàn hảo và chính sự không hoàn hảo này đã dẫn đến sự khác biệt về giá tương đối giữa các yếu tố sản xuất (Elis 1993). Sự khác biệt về giá tương đối này ảnh hưởng đến quyết định áp dụng mô hình nông lâm kết hợp không chỉ của các trang trại nhỏ/hộ nghèo mà còn cả của các trang trại lớn/hộ giàu. Tổng diện tích đất giữ nguyên trong khi nhu cầu về đất đang tăng lên, do đó giá đất tiếp tục tăng lên. Các trang trại lớn/hộ giàu thường có diện tích đất lớn do được thừa kế hoặc mua lại trước đây với giá rẻ so với giá hiện tại. Thậm chí hiện giờ nếu họ cần phải mua đất họ có thể vay được vốn với lãi xuất thấp để mua. Do đó, họ luôn ước lượng giá đất của mình rẻ hơn so với những trang trại nhỏ/hộ nghèo. Cùng một thời điểm, người giàu thường mua nguyên vật liệu đầu vào và trang thiết bị phục vụ cho sản xuất với giá rẻ hơn nhiều do mua với số lượng lớn và do giá vốn (lãi tiền vay) thấp hơn. Hộ nghèo cũng được thừa kế đất nhưng không đủ để thành lập trang trại một cách tối ưu. Họ không có đủ khả năng để mua thêm đất do khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Nhiều nông dân nghèo phải thuê đất của các trang trại lớn với chi phí cao. Tương tự như vậy, những trang trại nhỏ không có khả năng mua nguyên vật liệu đầu vào với số lượng lớn và họ thường phải chấp nhận giá cao. Họ không thể mua trang thiết bị phục vụ cho sản xuất do chúng quá đắt và đôi khi những máy móc thiết bị đó quá lớn so với quy mô của các trang trại nhỏ. Khi cần dùng đến, họ phải thuê từ các trang trại lớn với giá thuê đắt đỏ. Do đó giá tương đối về đất của các trang trại nhỏ cao hơn giá tương đối về lao động và vật tư. Điều này giải thích tại sao các trang trại lớn thường chọn kỹ thuật nông lâm kết hợp sử dụng nhiều vốn và ít lao động nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất trong khi đó trang trại nhỏ thường chọn kỹ thuật nông lâm kết hợp sử dụng ít vốn và nhiều lao động nhằm đạt được năng suất đất và hiệu quả sử vốn cao nhất. 3.2.3. Các trang trại/các nông hộ lựa chọn hệ thống nông lâm kết hợp phụ thuộc vào nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng: Sự thiết yếu của hỗ trợ tài chính. Một trong những đặc điểm của thị trường không hoàn hảo đó là sự khác nhau về nguồn vốn đầu tư giữa các trang trại/nông hộ cũng như khả năng tiếp cận tín dụng của họ. Những trang trại nhỏ/hộ nghèo thường khó đứng vững trên thị trường. Bất kỳ sự thay đổi về giá cả thị trường nào cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của họ trong khi đó lại ít ảnh hưởng đến các trang trại lớn/hộ giàu. Do đó, các trang trại nhỏ/hộ nghèo có xu hướng gắn chặt với hệ thống canh tác hiện tại. Họ thường sợ rủi ro và không mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới. Tuy nhiên, các trang trại lớn/hộ giàu lại không sợ rủi ro và sẵn sàng chấp nhận chúng. Mặt khác, khả năng tiếp cận vốn của các trang trại nhỏ/hộ nghèo còn hạn chế do các tổ chức tín dụng thường đòi hỏi tài sản thế chấp lớn. Điều này có thể cản trở các hộ áp dụng mô hình nông lâm kết hợp. Hình 1 cho thấy rằng để xây dựng một hệ thống nông lâm kết hợp có hiệu quả theo hình thức ruộng bậc thang hoặc theo đường đồng mức, cần phải đầu tư một khoản vốn lớn trong những năm kiến thiết cơ bản khi cây trồng chưa cho thu hoạch. Để trang trại nhỏ/hộ nghèo có thể áp dụng được mô hình nông lâm kết hợp, cần tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn và trợ cấp. Nguồn trợ cấp từ nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi là rất cần thiết cho các trang trại nhỏ/hộ nghèo trong những năm bắt đầu 5 thiết lập các hệ thống nông lâm kết hợp, khi cây lâu năm trong hệ thống đó còn chưa cho thu hoạch. USD$ Giai đoạn kiến thiết cơ bản cần hỗ trợ tài Lãi thuần 0 Năm Hình 1. Lãi thuần đạt được từ hệ thống nông lâm kết hợp với cây lâu năm hoặc cây bảo vệ đất 4. Giải pháp phát triển hệ thống nông lâm kết hợp tại Việt Nam Để phát triển hệ thống nông lâm kết hợp có hiệu quả, cần thiết phải xây dựng một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Đối với vùng cao Việt Nam, cần phải thực hiện các giải pháp sau: a) Cần phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và thị trường, các thông tin thị trường cần được phổ biến kịp thời đến cho các hộ gia đình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo, tivi v.v. b) Cần phát triển dịch vụ khuyến nông nhằm chuyển giao kỹ thuật đến cho người dân và phải đảm bảo rằng hệ thống nông lâm kết hợp khả thi về mặt kỹ thuật. c) Cần phát triển hệ thống tín dụng nhằm đảm bảo rằng hệ thống nông lâm kết hợp khả thi về mặt tài chính. d) Các dự án thuỷ lợi nhỏ cũng như các kỹ thuật canh tác lúa nước phù hợp với từng địa phương cần được chú trọng phát triển nhằm giảm sức ép về an ninh lương thực lên hoạt động canh tác nương rẫy. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chung, D.K.2000. Thị trường chuyển nhượng và cho thuê đất đai trong nông nghiệp ở Việt Nam- Thực trạng và các định hướng chính sách. Trong Kinh tế và Chính sách đất đai ở Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học-Thái Nguyên 17-18/12/1999). Hội Khoa học Kinh tế nông lâm nghiệp. NXBNN. Hà Nội. 2. Đặng và các cộng sự, 2003. Đất đồi núi Việt Nam. NXB Nông nghiệp. Hà Nội. 3. Nguyet, N.B. 2003. Tạp chí Kinh tế và Phát triển. ĐH KTQD. Tháng 2 năm 2003. 6 4. Frank Ellis. 1993. Kinh tế hộ gia đình nông dân và phát triển nông nghiệp. NXBNN. Bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Peasant Economics: farm households and agrarian development". Cambridge University. 5. Pandey, S. 2001. Adoption of soil conservation practices in developing countries: Policy and institutional factors. In "Response to land" edited by E. M. Bridges, et.al.. Oxford & IBH Publishing Co. Pvt. Ltd. 2001. 6. Thien, T.C., 2002. Food security and environmental sustainability in upland rice production systems in Maison district, Northern Uplands of Vietnam. Unpublished Ph.D. Dissertation. University of the Philippines Los Banos. 7
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net