logo

Tái định giá để đo lường

Tại Hội thảo “Quản trị rủi ro trong các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP)” (diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua), Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Xuân Nghĩa, nhấn mạnh, sang năm 2007, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Việt Nam. Như vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt, hệ thống ngân hàng TMCP trong nước sẽ bị sáp nhập và mua lại. Tuy nhiên, ngân hàng không nên hy vọng sẽ bán được cổ phần với giá cao......
Tái định giá để đo lường Tại Hội thảo “Quản trị rủi ro trong các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP)” (diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua), Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Xuân Nghĩa, nhấn mạnh, sang năm 2007, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Việt Nam. Như vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt, hệ thống ngân hàng TMCP trong nước sẽ bị sáp nhập và mua lại. Tuy nhiên, ngân hàng không nên hy vọng sẽ bán được cổ phần với giá cao như hiện nay, bởi giá cổ phần ngân hàng giao dịch trên thị trường tự do (OTC) không sát với giá trị thực của nó. “Cổ phần của các ngân hàng thương mại hiện rất mờ ảo, bởi chỉ giao dịch ở sàn OTC. Giới đầu tư cho rằng, giá cổ phần của ngân hàng thương mại sẽ tăng khi chúng được niêm yết trên sàn, nên ráo riết săn lùng, khiến giá tăng. Tuy nhiên, khi lên sàn, chưa hẳn cổ phiếu ngân hàng đã đắt giá. Một minh chứng điển hình là cổ phiếu Sacombank, sau khi lên sàn, giá đã liên tục giảm”, ông Nghĩa lý luận. Bởi thế, theo ông Nghĩa, ngay từ lúc này, nếu ngân hàng TMCP không sớm trang bị những công cụ cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì sẽ rất khó khăn để tồn tại. Tăng vốn, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị rủi ro là những mắt xích quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam hiện nay vẫn còn yếu. Thời gian qua, mặc dù đã đưa ra nhiều phương pháp đo lường rủi ro trước khi tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, nhưng nhiều ngân hàng vẫn bị thua lỗ. Chưa có cách phòng ngừa hậu quả khi thị trường biến động mạnh, nhưng các ngân hàng vẫn đua nhau “bơm vốn” vào thị trường cổ phiếu. Ông Nghĩa cho biết, các ngân hàng TMCP cũng được phép triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán, do luật pháp Việt Nam không cấm điều này. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng phải xây dựng quy chế kiểm soát chặt chẽ, khống chế tỷ trọng cho vay cầm cố chứng khoán ở mức thấp. Cũng theo ông Nghĩa, rủi ro về tín dụng tại các ngân hàng TMCP của Việt Nam hiện chiếm đến 70% tổng số các loại rủi ro, trong khi các nước trên thế giới chỉ ở mức 52%. Nguyên nhân một phần do các ngân hàng trên thế giới đã xây dựng được một hệ thống quản lý rủi ro hiện đại. Còn các ngân hàng TMCP Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến điều này. Các khoản lỗ của ngân hàng thường có nguồn gốc từ việc cho vay, bởi khách hàng không trả nợ đúng hạn, hoặc mất khả năng về tài chính. Bên cạnh đó, rủi ro về sự biến động của tỷ giá cũng rất lớn. Ngay cả những giao dịch giao ngay và có kỳ hạn của từng ngoại tệ cũng có thể gây ra chênh lệch. Để hạn chế những rủi ro trên, theo ông Nghĩa, ở cấp độ cơ bản nhất, các ngân hàng cần sử dụng phương pháp tái định giá để đo lường, đồng thời phân đoạn thị trường và cho vay có chọn lọc tới khách hàng tiềm năng. Trước khi cho vay, ngân hàng nên đánh giá kỹ số tiền, tính toán thời gian dòng tiền và xác định khả năng tài chính của đối tác, bởi việc nhìn nhận đúng các khoản cho vay là vấn đề quan trọng nhất đối với ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cần có định kỳ đánh giá lại giá trị của vật thế chấp, bởi giá trị của vật thế chấp có thể suy giảm đối với những khoản vay không đảm bảo. Gần một năm trở lại đây, các ngân hàng trong nước, đặc biệt là ngân hàng cổ phần đang chạy đua tăng năng lực tài chính. Vốn điều lệ của nhiều ngân hàng đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP.HCM, ông Trần Ngọc Minh cho biết, nhìn chung vốn điều lệ của ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các ngân hàng khác trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư công nghệ của ngân hàng chưa đạt hiệu quả. Những năm gần đây, các ngân hàng TMCP đã từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế vào hoạt động kinh doanh. Một số đơn vị còn có sự tham gia góp vốn của ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, do mới bắt đầu áp dụng, nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Điều này đang được xem là báo động đỏ của các ngân hàng hiện nay khi mạng lưới hoạt động ngày một phình to. “Đối với lĩnh vực ngân hàng, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi. Vấn đề quan trọng là các ngân hàng làm sao biến được những thách thức đó thành cơ hội”, ông Minh nhấn mạnh. Theo Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, hiện Việt Nam có trên 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động, với số vốn tối thiểu 15 triệu USD/chi nhánh và chiếm khoảng 10% thị phần. Đặc biệt, ngân hàng nước ngoài vẫn đi theo chiều hướng chất lượng, hiệu quả nhiều hơn là bành trướng mạng lưới hoạt động. Vì vậy, để hội nhập thành công, các ngân hàng cần tăng vốn tự có để mở rộng quy mô kinh doanh, bởi lợi thế của ngân hàng Việt Nam là có mạng lưới giao dịch rộng. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô kinh doanh, các ngân hàng cần nâng cao quản trị điều hành và công nghệ để hạn chế rủi ro. Admin (Theo www.vir.com.vn)
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net