logo

Nợ xấu chưa được xử lý từ gốc?

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay không phải là điều đáng lo ngại nữa, khi mà tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn một nửa, từ mức 7% hồi giữa năm 2005 xuống còn 3,2% hồi cuối năm 2005
Nợ xấu chưa được xử lý từ gốc? Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay không phải là điều đáng lo ngại nữa, khi mà tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn một nửa, từ mức 7% hồi giữa năm 2005 xuống còn 3,2% hồi cuối năm 2005 Về vấn đề này, chúng tôi xin có một vài suy nghĩ cá nhân. Nếu tra lại về vấn đề nợ xấu, sẽ thấy còn khác biệt trong số liệu được cung cấp từ cùng một nguồn là Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, cũng vẫn là ông Thúy khi cho biết tỷ lệ nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam cho đến cuối năm 2005 là 4,4% (VnEconomy hay Vnexpress, 17/1/2006). Con số này dù sao cũng khá gần với con số do ông Lê Thanh Sơn (Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng), cung cấp (VnEconomy, 6/7/2006), theo đó tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần là dưới 2%, của các ngân hàng quốc doanh bình quân là 5,4% (nếu tính theo tỷ trọng của các ngân hàng thương mại quốc doanh trong tổng dư nợ cho vay thì ta sẽ có được tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này vào khoảng 4,8%). Tất nhiên, tỷ lệ nợ khó đòi do bản thân các ngân hàng thương mại quốc doanh cung cấp thì thấp hơn con số do Ngân hàng Nhà nước công bố nhiều, và càng thấp hơn rất nhiều so với con số do các đối thủ hoặc của các tổ chức quốc tế cung cấp. Hãy giả sử rằng số liệu nợ xấu hiện nay chỉ còn 3,2%. Nếu vậy, phải nói rằng thành tích giảm nợ xấu đi hơn một nửa chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm (năm 2005) nói trên quả là rất ấn tượng. Thành tích này đạt được bằng cách nào? Vẫn theo ông Thúy, kết quả này có được là do các ngân hàng đã sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý. Qua nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy trong số vốn trích dự phòng rủi ro nêu trên của các ngân hàng thương mại quốc doanh, có lẽ đại đa số (nếu không muốn nói là tất cả) là vốn của Ngân hàng Nhà nước rót bổ sung cho các ngân hàng này. Bản thân các ngân hàng thương mại quốc doanh đang rất thiếu vốn để nâng tỷ lệ an toàn vốn lên 8% vào năm 2010, và vì vậy khó mà có khả năng trích quỹ dự phòng trong khi vẫn có tốc độ tăng trưởng cho vay chóng mặt như mấy năm qua. Theo ước tính thì 4 ngân hàng quốc doanh lớn cần đến 117 nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần vốn nhà nước cấp bổ sung cho chúng trong giai đoạn 2001-2004 (Vietnam Net, 1/10/2004). Quan trọng hơn, mặc dù tỷ lệ trích lập dự phòng đã được nâng lên gấp ba lần, bằng 0,75% tổng dư nợ, trong Quyết định 493 so với mức cho phép trước đó, và mặc dù cứ cho là nguồn trích lập dự phòng không phải là vốn cấp phát của nhà nước, con số này chẳng thấm tháp gì với khối lượng nợ xấu có ở các ngân hàng. Cần khách quan nói thêm rằng một tỷ trọng nhỏ nợ xấu được giải quyết thông qua các công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại quốc doanh và của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC). Nhưng bản thân vốn cấp cho DATC là vốn của nhà nước và phần lỗ trong hoạt động nghiệp vụ của nó cũng sẽ được nhà nước bù. Tất nhiên, cũng không được quên rằng góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh còn có yếu tố khách quan là tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã tăng rất nhanh trong mấy năm qua, khoảng trên 20%/năm, và do đó làm giảm tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng này. Rõ ràng, vấn đề nợ xấu có lẽ chưa được xử lý từ gốc. Về vấn đề xử lý dứt điểm nguồn gốc nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có đề cập lướt qua, khi nói rằng Ngân hàng Nhà nước chưa làm được việc ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tín dụng (chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh) với chất lượng hoạt động (cho vay) của mình. Như chúng tôi đã phân tích trong bài: “Nguyên nhân của vấn đề nợ xấu có quy mô lớn ở Việt Nam”, chừng nào vẫn còn rủi ro đạo đức trong quan hệ tay ba giữa chính phủ, các ngân hàng quốc doanh và các doanh nghiệp nhà nước (tức là vẫn còn kỳ vọng giữa người cho vay (ngân hàng) và người đi vay (các doanh nghiệp nhà nước) về sự cứu vớt của chính phủ trong tương lai, và do đó ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn tiếp tục ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước vay) thì chừng đó vấn đề nợ xấu vẫn sẽ không được giải quyết triệt để và luôn có xu hướng nảy sinh trở lại. Nói cách khác, những con số thống kê về nợ xấu hiện nay của Ngân hàng Nhà nước công bố, cho dù có chính xác chăng nữa, chỉ mới là bề nổi của tảng băng lớn, mà cái phần chìm dưới nước mới là phần cần quan tâm giải quyết. TS. Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản) Admin (Theo www.vneconomy.com.vn)
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net