MỘT KỊCH SỸ CHUYÊN VÀO VAI… PHỤ NỮ
Họa sỹ Lê Năng Hiển
Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng khi nhắc đến Lê Năng Hiển, rất
nhiều người sống cùng thời với ông lại nhớ ngay đến một kịch sĩ tài ba chuyên vào
vai phụ nữ, một tài tử với những mối tình dang dở. Đã có lần người nghệ sĩ đa tài
này "độc diễn" 8 vai trong một vở chèo.
Với niềm đam mê hội họa cháy bỏng và khiếu hài hước bẩm sinh, Lê Năng
Hiển vừa đi học vừa vẽ cho mục Vui Cười của Báo Phong Hóa. Năm 15 tuổi, sau khi
tốt nghiệp tiểu học, ông đòi gia đình cho đi học vẽ nhưng do điều kiện kinh tế không
đáp ứng được nên ông đành học theo lớp vẽ bằng thư qua bên Pháp.
Đang học dở ban Thành Chung, vì hoàn cảnh mà ông phải bỏ dở để đi làm ở Sở
Máy nước Hà Nội. Lương ít, công việc nhàn nên ông dồn hết thời gian rảnh rỗi vào
việc "ngốn" sách thư viện.
Cách mạng tháng Tám thành công, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Lê Năng Hiển tình nguyện tham gia dạy học lớp bình dân học vụ buổi tối. Để cho các
buổi học đỡ buồn tẻ, ông nảy ra sáng kiến làm bài hát vui để cho mọi người cùng hát.
Không biết nhạc, Lê Năng Hiển mượn các điệu nhạc cách mạng đang thịnh hành để
chuyển lời sang bài hát "Bình dân học vụ".
Dù là họa sỹ nhưng Lê Năng Hiển rất mê kịch nói. Sau lần cùng lớp bình dân
học vụ diễn vở kịch thơ "Diêm Vương và Thần Dốt" đoạt giải nhất toàn thành phố, Lê
Năng Hiển được theo xem ban kịch Hoa Lan, do Bộ Văn hóa Việt Nam tổ chức, tập vở
"Lôi Vũ" đã được công diễn tại Nhà hát Lớn thành công rực rỡ nhưng vẻn vẹn chỉ
được 2 tối vì bọn Tây mũi đỏ gây ra vụ thảm sát phố Hàng Bún, dẫn đến ngày
19/12/1946 toàn quốc kháng chiến.
Trong thời gian đi tản cư ở Phú Thị, Lê Năng Hiển đã lập nên ban kịch Ngàn
Phương do ông là Trưởng đoàn, kiêm đạo diễn, biên kịch, diễn viên và họa sĩ vẽ tranh
Bác Hồ để bán đấu giá thay vì bán vé.
Không được bao lâu thì ban kịch tan rã, Lê Năng Hiển về làm họa sĩ của Ty
Thông tin Hưng Yên. Thời gian này, nhiều bức tranh biếm họa của ông được phóng to
trên các bức tường lớn ở nhiều nơi trong tỉnh Hưng Yên.
Ngoài thời gian làm việc, rỗi rãi, máu kịch nổi lên, Lê Năng Hiển lại tổ chức
diễn kịch cho bà con xem. Không có đủ diễn viên, đạo cụ, ông tự hóa trang và một
mình độc diễn 8 vai "Lôi Vũ"... Sau vai diễn thành công ấy, ông còn vào các vai nữ
khác như vai cô đầm Nora trong kịch câm "Lang vườn", bà Thôn trong kịch "Cái
Võng"...
Là một người nghệ sĩ đa tài, vẽ tranh, đóng kịch, viết văn nên Năng Hiển cũng
rất đa tình. Theo như ông "thống kê" thì cuộc đời ông ít nhất cũng trải qua 9 mối tình
dang dở cho đến khi ông gặp bà Lê Thị Ngoạn, vợ ông sau này.
Bước vào tuổi 85, bóng dáng những người đàn bà đó vẫn in đậm trong tâm trí
ông và tập tự truyện "Chín mối tình dang dở của một đời tài tử" đã được "thai nghén"
từ những hình ảnh đó.
Ngoài ra ông cũng đã xuất bản một số đầu sách lịch sử có tranh minh họa như
"Ba chiến thắng Bạch Đằng giang", "Lý Thái Tổ và vương triều Lý", "Bảy mỹ nhân
nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam"...