logo

Một công ty hai thương hiệu

Chuyện sáp nhập và mua trọn - bán đứt không là sự kiện mới lạ trong thế giới kinh doanh nhưng đã mang một sắc thái mới. Đó là sự hình thành của một đại công ty nhưng sở hữu đến hai thương hiệu nổi tiếng.
Một công ty hai thương hiệu Cuộc hôn nhân giữa Air France và KLM đã tạo ra một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới. Chuyện sáp nhập và mua trọn - bán đứt không là sự kiện mới lạ trong thế giới kinh doanh nhưng đã mang một sắc thái mới. Đó là sự hình thành của một đại công ty nhưng sở hữu đến hai thương hiệu nổi tiếng. "Về mặt pháp lý cũng như về mặt tài chính, chúng tôi đã trở thành một công ty lớn có hai thương hiệu", ông Joel Routier, tổng giám đốc Air France ở 6 thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Thái Lan và Myanmar cho biết trong cuộc họp báo diễn ra hồi cuối tuần qua tại Tp.HCM. "Đó là thương hiệu trắng (tức Air France) và thương hiệu xanh da trời (KLM, hàng không Hà Lan) và như vậy các cổ đông cũng có trong tay vốn, lãi của hai thương hiệu này". Chuyện một công ty có hai thương hiệu đã trở thành xu thế nổi bật trong thời kỳ mới, chẳng hạn như Daimler Chrysler là hôn nhân giữa hai hãng xe lớn của Đức và của Mỹ; PSA Peugoet - Citroen là sự sáp nhập giữa hai nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng của Pháp và đối thủ của họ là một nhà khổng lồ Pháp thành hôn với một nhà khổng lồ Nhật để trở thành Renault - Nissan. Gần đây hơn thì có sự việc tập đoàn khổng lồ của Mỹ Procter & Gamble mua Gillette để trở thành một đại tập đoàn với hai thương hiệu sáng giá Procter - Gillette. Ngoài ra nếu không vì phải đối đầu với Nokia, Samsung, Motorola thì nay chắc đã không có điện thoại di động Sony - Ericsson. Điều đáng chú ý là trong các thương vụ khổng lồ này, dù là sáp nhập hay bên này mua đứt bên kia nhưng vẫn tồn tại hai thương hiệu chính trong thực thể mới hình thành. "Tuy hai mà một nhưng trong cái một này thì AF và KLM vẫn giữ sắc thái, màu sắc và tôn chỉ mục đích của riêng mình", ông Routier nói tiếp. Gộp chung lại, AF - KLM đã được Air World Transport, một tạp chí chuyên ngành vận tải hàng không rất có uy tín bầu chọn là hãng hàng không xuất sắc nhất thế giới năm 2005. Còn khi sáp thành một, Procter - Gillette trở thành một gã khổng lồ sở hữu 21 thương hiệu sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng toàn thế giới với doanh thu hàng năm vượt qua cột mốc 1 tỉ USD. Trong danh sách 100 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới hàng năm vẫn được Interbrand bình chọn, Gillette xếp hạng 15 còn Duracell, hạng 24. Nhưng cộng chung trị giá hai thương hiệu này lại, người ta có con số 20 tỉ USD, tức bằng 40% tổng số tiền mà P&G chi ra để mua Gillette (57 tỉ USD). Mà Procter - Gillette nào chỉ có hai thương hiệu sản phẩm này là nổi tiếng, trong kho tàng của họ còn là Hugo Boss, Pampers, Tampax, Pantene, Patou, Rochas, Gucci, Dunhill, Escada, Trussardi, Max Mara,… Sáp nhập với nhau, Renault - Nissan nay có khả năng sản xuất mỗi năm hơn 6 triệu chiếc xe, lãi ròng năm 2004 đạt 3,5 tỉ euro và thuê dụng 250.000 người. Còn Peugeot - Citroen dự kiến năm 2005 sẽ sản xuất được 3,5 triệu chiếc xe sau khi đã xuất xưởng được 3,2 triệu chiếc trong năm qua, tổng doanh thu đạt 54,2 tỉ euro, lãi ròng 2,2 tỉ euro và thuê dụng 200.000 người. Nhưng không phải sự sáp nhập, mua trọn nào cũng trở thành những cuộc hôn nhân hạnh phúc. Daimler Chrysler đã không hề làm cho các cổ đông của họ được vui vì mấy năm vừa qua "danh thơm" của thương hiệu này lấn thương hiệu kia, khâu nghiên cứu - phát triển không phát huy hết tiềm năng mạnh. Vì như mỗi cô dâu và mỗi chú rể, mỗi công ty còn có nền móng văn hoá, tôn chỉ mục đích và thói quen riêng. Không phải đã không có những công ty nay tiếc nuối thời độc thân của mình. Chờ xem kết quả sẽ ra sao với dự định sáp nhập Satra (chuyên ngành phân phối thực phẩm và kinh doanh siêu thị) với Saigon Co-opmart thành một thương hiệu siêu thị mạnh cạnh tranh được với các tập đoàn siêu thị nước ngoài sắp ập vào Việt Nam. Ở bên trời Tây, sự kiện đang được giới chuyên ngành chú ý là Lufthansa vừa mua trọn Swiss Airlines (còn non trẻ do mới hình thành vào năm 2002, sau khi hãng Swissair của Thụy Sĩ phá sản hồi năm 2001). Ở Trung Quốc đã có dự án Air China sáp nhập với Cathay Pacific (của Hongkong). Điều có nghĩa là sẽ hình thành một "gia đình" ba thành viên vì hiện nay Cathay Pacific còn là hãng sở hữu nhiều cổ phần của hãng Dragon Air, hãng hàng không lớn thứ hai của Hongkong. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net