logo

KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ MỸ


KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ MỸ Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 1998 Chương 1 : CÁC CHỦ ĐỀ CỦA KHU VỰC Cuốn sách này viết về địa lý của Hoa Kỳ. Mặc dù chúng ta xem xét địa lý tự nhiên của đất nước này, nhưng mối quan tâm chủ yếu của chúng ta không phải là những đặc trưng bề mặt, khí hậu, đất đai hay thực vật, mà là dấu ấn của con người lên cảnh quan thiên nhiên. Điều đó không có nghĩa là môi trường tự nhiên bị bỏ qua. Trên thực tế có rất nhiều minh chứng cho thấy môi trường tự nhiên có ý nghĩa trung tâm vì nó đóng vai trò quan trọng trong các mô hình hoạt động của con người. Một yếu tố tạo nên tầm quan trọng của thành phố New York chắc chắn là do nó nằm trên một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất thế giới. Mùa trồng trọt kéo dài và mùa đông ấm áp của miền Nam Florida đã cho phép vùng này dẫn đầu về các sản phẩm cam, chanh và mía đường. Tuy vậy, khí hậu ôn hòa của Florida không tự nó trở thành nơi cung cấp cam, và cũng như vậy cảng biển của thành phố New York cũng chỉ là một trong nhiều lý do quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Môi trường tự nhiên giúp cho việc xác định các cơ hội của con người nhưng bản thân nó không quyết định các hoạt động của con người. Nhìn chung, trình độ công nghệ càng tiên tiến, khả năng của con người trong việc chế ngự đất đai càng lớn. Rõ ràng là không thể đề cập tới tất cả mọi khía cạnh thích hợp trong khuôn khổ địa lý của Hoa Kỳ. Do vậy chúng tôi đã chọn phương án chia đất nước thành một số vùng, mỗi vùng có những nét đặc trưng riêng, được phát triển từ một số yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng tôi sử dụng những yếu tố này để xác định những chủ đề mà mỗi chương theo khu vực được cấu trúc xoay quanh nó. Các chủ đề cơ bản Một số mô hình văn hóa chung đã vượt qua biên giới khu vực và chính trị và trong một số trường hợp nó bỏ qua cả những khác biệt chủ yếu về môi trường tự nhiên. Những chủ đề này đặc trưng cho cách thức người Mỹ tổ chức đất nước của họ. Đô thị hoá: Hàng triệu người Mỹ, đa số là dân thành thị, thường thích coi đất nước họ về căn bản như là một vùng nông thôn, và họ dường như tin rằng tính chất nông thôn đó đã tạo cho đất nước này một sức sống quốc gia cơ bản. Nhưng đến nay cách nhìn nhận về tính ưu thế của nông thôn không còn chứng tỏ là đúng nữa. Khoảng 70% dân Mỹ sống ở thành thị và hơn 40% sống ở những vùng có số dân 1 triệu hoặc hơn. Năm 1990, dân số nông nghiệp Mỹ vào khoảng 5 triệu (chiếm 2% dân số), con số này đã liên tục giảm kể từ cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên của Mỹ năm 1790, khi đó hơn 90% dân Mỹ là nông dân. Một số yếu tố về đô thị hóa sẽ được làm nổi bật hơn trong sự bàn luận của chúng ta. Các thành phố có một hình thái riêng, có một sự bố trí đặc biệt. Hầu hết các thành phố của Mỹ đều có dạng ô chữ nhật, một phần là kết quả của những quan điểm văn hóa của mỗi vùng, một phần là do mong muốn về việc giao thông vận tải hiệu quả trước khi xuất hiện ô tô, và một phần là do hình dạng này là cách dễ nhất để đo đạc đất đai. Trong các thành phố là một tổ hợp các trung tâm công nghiệp và thương mại, các khu dân cư, các kho tàng v.v... Các thành phố này tồn tại với nhiều lý do khác nhau. Chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận tải. Hoặc chúng có thể cung cấp một chức năng hành chính quan trọng. Có lẽ chúng là một trung tâm vui chơi giải trí hoặc chế tạo. Phần lớn các thành phố, và chắc chắn là tất cả các thành phố lớn, mang trong nó nhiều chức năng đô thị khác nhau. Tuy nhiên, nhiều thành phố được đặc trưng bởi những chức năng nổi bật nhất định, là lý do cho sự phát triển của chúng và cho phần lớn sự tăng trưởng ban đầu của chúng, và ngày nay vẫn tiếp tục, tạo cho chúng những đặc trưng riêng biệt. Khuôn mẫu tăng trưởng đô thị không ngừng và thường là nhanh chóng ở Mỹ trong suốt 100 năm qua, đi đôi với việc gia tăng tính lưu động của dân chúng đô thị đã khuyến khích một mô thức đô thị hóa được mở rộng mạnh mẽ. ở một số khu vực, kết quả của sự lan rộng của đô thị là hình thành nên một nhóm đô thị, với các khu vực ngoại vi của các đô thị gặp nhau và hội nhập. Công nghiệp hoá: Một phần quan trọng của vấn đề sử dụng nhân lực ở Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới sản xuất. Đa số các thành phố đã hình thành và trải qua những giai đoạn tăng trưởng chính của chúng, khi mà sản xuất là yếu tố chủ yếu trong sự phát triển đô thị. Ngày nay, có sự chuyên môn hóa đáng kể theo khu vực trong sản xuất, một phần là kết quả của tính đa dạng của sự sẵn có các nguyên liệu thô cho công nghiệp, và một phần là do những mối liên kết công nghiệp; tổ hợp sản xuất chế tạo ra các bộ phận của một thành phẩm nào đó được bố trí ở gần nhau và gần khu lắp ráp cuối cùng để tối thiểu hóa tổng chi phí vận chuyển. Những nguồn quan trọng khác của tính đa dạng bao gồm sự khác biệt về tính sẵn có của lao động hay các kỹ năng của lao động, về chất lượng của các phương tiện giao thông vận tải, và về những quan điểm chính trị của địa phương. Các khu vực có xu hướng chuyên môn hóa sản xuất những gì mà nó có thể sản xuất tốt nhất. Và với sự chuyên môn hóa theo khu vực này, sự phụ thuộc lẫn nhau của các khu vực đã xuất hiện; rất ít khu vực của nước Mỹ thực sự độc lập trong sản xuất, mặc cho niềm kiêu hãnh địa phương có khiến chúng ta tin vào điều gì đi nữa. Nhu cầu đi lại nhiều: Mạng lưới giao thông rộng khắp của Mỹ là một yếu tố quan trọng tạo ra sự tương tác kinh tế cao độ của nước này. Hàng hóa và con người có thể lưu chuyển tự do trong khu vực và giữa các khu vực trong nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực là rất lớn, nó là kết quả của các dòng lưu chuyển liên khu vực này. Sự biệt lập tương đối không phổ biến, nhưng vẫn tồn tại. Gần 20% trong tổng số dân Mỹ thay đổi nơi cư trú trong mỗi năm. Mặc dù về thực chất thì phần lớn sự di trú này là mang tính địa phương, nhưng nó đã thực sự gây nên sự lưu chuyển dân số liên khu vực đáng kể. Đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, đã có một sự dịch chuyển mạnh dân số về phía tây hướng tới những vùng đất nông nghiệp ở biên giới. Sau đó, nơi tập trung các cơ hội thay đổi, và dòng di cư đã chuyển hướng tới các vùng đô thị. Gần đây hơn, nền kinh tế Hoa Kỳ đã bước vào cái mà một số người gọi là giai đoạn hậu công nghiệp; tăng trưởng về công ăn việc làm chủ yếu lại là trong các nghề chuyên môn và các dịch vụ chứ không phải trong khu vực sơ cấp (khai thác) hay thứ cấp (chế tạo). Loại việc làm như thế linh hoạt hơn nhiều xét về mặt phân bố, và nó tăng nhanh hơn trong những lĩnh vực có độ hấp dẫn cao hơn. Tài nguyên: Khoảng 25% đất trồng trọt quanh năm của Hoa Kỳ được dùng để trồng cây phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, đất nước này có khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu khổng lồ về nguyên liệu thô cho công nghiệp trong nước. Hoa Kỳ có tiềm năng trở thành nhà cung cấp chủ yếu về một số nguyên liệu thô phi nông nghiệp và là nhà xuất khẩu than hàng đầu trên thế giới. Mặc dù dân số Hoa Kỳ chủ yếu sống ở thành thị, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên từ trữ lượng dồi dào của đất nước đòi hỏi một lực lượng lớn lao động phi thành thị. Hơn nữa, đặc biệt đối với nông nghiệp, sự khai thác các nguồn tài nguyên này thường liên quan tới một vùng đất đai rộng lớn. Kết quả là mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và sự thích ứng của con người với môi trường đó có thể trông thấy rõ ràng. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ này bằng việc thiết lập sự kiểm soát đối với việc sử dụng đất đai và với sản xuất nông nghiệp, và bằng việc quản lý khai thác nhiều nguồn tài nguyên. Một phần, chính là do các quá trình vốn có của đô thị hóa và công nghiệp hóa đã dẫn tới nhu cầu cao về nguyên liệu thô mà Hoa Kỳ đã trở nên bị phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu, cho dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước là vô cùng to lớn. Thu nhập và tiêu dùng cao: Thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ cao đạt được là nhờ năng suất lao động cao, mà điều đó lại đòi hỏi phải sử dụng nhiều máy móc. Máy móc hiện đại lại được chạy bằng các nguồn năng lượng phi con người. Nhu cầu đi lại nhiều cũng dẫn đến việc sử dụng rất nhiều năng lượng. Thu nhập cao khá đồng đều trong một bộ phận lớn của dân số sẽ tạo ra nhu cầu lớn về sản phẩm. Tất cả những điều này làm gia tăng mức tiêu thụ năng lượng. Người Mỹ tiêu dùng khoảng 25% tổng sản lượng năng lượng của thế giới. Hoa Kỳ nhập khẩu một nửa lượng dầu lửa cho tiêu thụ, một tỷ lệ ngày càng lớn quặng sắt và khí đốt tự nhiên được sử dụng, gần như toàn bộ thiếc và nhôm, và những khối lượng lớn của nhiều loại quặng khoáng sản khác. Thu nhập cao cũng tác động tới chế độ ăn uống. Người Mỹ ăn nhiều thịt hơn và có chế độ ăn uống đa dạng hơn nhiều so với hầu hết dân số của thế giới. Vì thế, thịt bò và các sản phẩm từ sữa là đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Ảnh hưởng của môi trường: Một hậu quả của mức tiêu dùng cao kết hợp với tài nguyên dồi dào và sự phụ thuộc vào tài nguyên là sự tàn phá nặng nề môi trường tự nhiên. Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường ít nhiều để lại một tác hại nào đó, và việc chế tạo và sử dụng các nguồn tài nguyên này thường gây hại cho không khí và nước. Tính chất ngày càng nghiêm trọng của những ảnh hưởng về môi trường như thế đã khiến cho cuộc tranh luận giữa khai thác và bảo vệ môi trường trở nên sôi sục - một cuộc tranh luận đã khuyến khích sự can thiệp mạnh hơn nữa của chính phủ vào cả hai quá trình, trong một nỗ lực nhằm thiết lập một giải pháp trung hoà. Do các nguồn tài nguyên trong nước ngày càng khan hiếm và chi phí khai thác và sản xuất tăng lên, nên tầm quan trọng của sự xung đột này cũng lớn lên theo. Phức tạp về chính trị: Hoa Kỳ có một cấu trúc chính trị phức tạp, với quyền phán xét đối với một hoạt động hay một bang được chia cho nhiều cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khác nhau, một số cơ quan được bầu ra, một số là do chỉ định. Bên dưới cấp bang, tính chất phức tạp của cấu trúc chính trị có thể thể hiện một vấn đề lớn trong sự phân phối có hiệu lực và hiệu quả các dịch vụ của chính phủ. Các phân khu, thị trấn, thành phố và thị xã đều do các quan chức được bầu ra điều hành. Nhiều đơn vị hành chính đặc biệt giám sát việc bảo đảm những dịch vụ cụ thể như giáo dục, giao thông công cộng, cung cấp nước. Mô thức chính quyền tạo ra từ đó thường gần như không thể hiểu nổi bởi nhiều nền tài phán chồng chéo có thể cung cấp một dịch vụ này hoặc một dịch vụ khác trong một lĩnh vực. Những khởi nguồn văn hoá: Hoa Kỳ phát triển từ một nền tảng văn hóa đa dạng. Người Mỹ gốc Phi đã góp phần quan trọng vào nền văn hóa quốc gia. Một khu vực văn hóa đặc thù đã phát triển ở miền Tây Nam, với sự pha trộn của người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc châu Âu. Người Hoa góp phần vào cuộc sống của những thành phố như San Francisco và New York. Tính đa dạng văn hóa này là một yếu tố quan trọng trong tính chất đặc thù của đất nước. Các khu vực Các nhà địa lý sử dụng khu vực như là một hệ thống phân loại giản tiện, một cách thức để tổ chức một tổ hợp phức tạp những thực trạng về vị trí trở thành một tổ hợp thông tin súc tích và đầy đủ ý nghĩa hơn. Cũng như bất kỳ cách phân loại nào, các khu vực sẽ làm đáp ứng được yêu cầu nếu chúng xác nhận những hình mẫu có thể hiểu được trong các thực trạng, và nếu chúng giúp cho việc làm rõ những hình mẫu phức tạp này. Đối với các nhà địa lý, một khu vực có thể mang tính hỗn hợp hay đồng nhất, có một hoặc nhiều nét đặc trưng. Một khu vực hỗn hợp được đặc trưng bởi một tập hợp các vị trí được kết nối với một vị trí khác nhờ các tuyến liên lạc hay lưu thông. Những vị trí trong tập hợp này được gắn với nhau vì chúng có một điểm chung, dẫu rằng từng vị trí có thể hoàn toàn khác nhau. Để so sánh, khu vực đồng nhất là một lãnh thổ có một hoặc nhiều đặc điểm hiện diện trên toàn bộ, những đặc điểm mà ở nơi khác thì không có hoặc không quan trọng. Một khu vực đồng nhất có thể mang đặc trưng nào đó của môi trường tổng thể của cả vùng, bao gồm cả những đặc điểm tự nhiên và văn hoá. Loại hình khu vực này được chúng ta sử dụng cho cấu trúc chung của cuốn sách này. Nhận thức của chúng ta về bản chất của một khu vực, về những cái cùng tạo nên đặc tính của nó, là dựa trên cơ sở một nhóm tương đối nhỏ các tiêu chí. Trong từng phần lớn của Hoa Kỳ, chúng ta cố gắng nhận diện một hay hai chủ đề nền tảng phản ánh cách thức mà theo đó dân chúng tác động qua lại (với nhau hay với môi trường tự nhiên) để tạo ra một khu vực đặc thù. Những chủ đề quan trọng nhất để nhận biết một khu vực có thể khác biệt rất nhiều giữa các khu vực. Không thể nói về miền Tây Nam Mỹ mà không tập trung vào tính chất cằn cỗi và sự khô cạn nguồn nước, về miền Bắc mà không đề cập tới mùa đông lạnh lẽo, hay về miền Đông Bắc mà lại bỏ qua các thành phố và khu chế xuất. Yếu tố then chốt tạo nên một khu vực đồng nhất tổng thể không phải là việc vùng này so với các vùng khác thì như thế nào theo một tập hợp các biến số đã được xác định trước, mà là việc một tập hợp xác định các điều kiện được pha trộn ở đó như thế nào. Dự kiến này đã đưa đến việc chúng ta phân chia Hoa Kỳ thành 14 khu vực (bản đồ 1), mỗi khu vực được đề cập tới trong một chương riêng. Đó là: Siêu đô thị (Megalopolis), Trọng điểm Chế tạo (Manufacturing Core), Miền Đông bị quên lãng (Bypassed East), Vùng cực Nam (Appalachia và Ozarks, Deep South), Vùng đất ven biển phía Nam (Southern Coastlands), Trọng điểm Nông nghiệp (Agricultural Core), Đồng bằng và thảo nguyên lớn (Great Plains and Prairies), Vùng trống nội địa (Empty Interior), Vùng biên giới Tây Nam (Southwest Border Area), California, Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương (North Pacific Coast), Vùng đất phía Bắc (Northlands) và Hawaii. Trong khuôn khổ cuốn sách này, các vùng khác nhau, ở một mức độ lớn, sẽ được trình bày như thể chúng rất tách biệt về mặt lãnh thổ, mặc dù không phải như vậy. Cái “cảm nhận” về một khu vực mà chúng tôi mong muốn được thể hiện là một chức năng vị trí, nhưng nó cũng là một chức năng của chủ đề đã lựa chọn. Vì thế, ví dụ như đặc trưng đô thị rất đậm nét của Megalopolis được trình bày ở chương 4, nhưng những khía cạnh của chế tạo tác động đến New York, Philadelphia, Boston và các thành phố hạt nhân chế tạo khác gồm cả Megalopolis lại được trình bày ở chương 5. Có hai khía cạnh quan trọng của cảm nhận khu vực về khu vực thường được gọi là "Midwest" (Trung Tây) - đô thị-công nghiệp và nông thôn-nông nghiệp. Cả hai đều đủ quan trọng để chúng ta xem xét từng khía cạnh một cách riêng biệt ở một số chi tiết. Các đường ranh giới vùng có dạng đường thẳng là không thích hợp với cảnh quan của Hoa Kỳ. Mỗi vùng nào đó của nước Mỹ có thể mang trong đó các phần của hai hoặc nhiều khu vực, nhưng những đường ranh giới của nhiều khu vực cũng có thể là những vùng chuyển tiếp khá rộng chứa đựng nhiều đặc trưng của một khu vực. Đôi khi những vùng chuyển tiếp này đánh dấu một diện tích mà ở đó sự hỗn hợp các đặc trưng quá tinh tế hoặc phức tạp, đến mức khó mà xác định vùng đó thuộc về khu vực nào. Những phần ngoại biên giữa vùng Trọng điểm Nông nghiệp và vùng Đồng bằng lớn là những ví dụ, cũng như là về các vùng chuyển tiếp giữa Trọng điểm Nông nghiệp và Deep South. Các đường ranh giới khu vực và bản thân các khu vực không ở trạng thái tĩnh. Khi các mô hình định cư thay đổi, xã hội phát triển những năng lực công nghệ mới và có ý nghĩa, và các khuôn mẫu chính trị bị thay đổi thì các khu vực phản ánh những hình mẫu này có thể mở rộng, thu hẹp, xuất hiện hay biến mất. Sự phân chia khu vực của Hoa Kỳ vào năm mà nước này được phát hiện, năm 1492, sẽ hoàn toàn khác với sự phân chia của năm 1776, 1865 hay 1991. Không có lý do gì để tin rằng hình mẫu năm 2100 sẽ giống với hình mẫu năm 2000. Việc xem xét các khu vực mà chúng ta tạo ra ở đây cho thấy một sự chia nhỏ nữa mà nói chung là sẽ có thể được thừa nhận, mặc dù một số khu vực có thể thể hiện một sự kết hợp mà thông thường người ta không mong đợi. Ví dụ, hãy xem Bypassed East, một sự kết hợp của vùng Adirondacks của New York và phần Đông Bắc của Hoa Kỳ được gọi là New England. Đa số các nhà quan sát ngẫu nhiên đều gộp toàn bộ New England vào một khu vực, phản ánh sự đồng hóa lâu dài các bang của New England thành một khu vực tách biệt có sự cố kết vững chắc về văn hoá. Nhưng những thay đổi lớn đã diễn ra ở miền Nam New England trong những thập niên gần đây, do quá trình nhập cư và đô thị hóa mạnh mẽ. Một vài khu vực tương ứng chặt chẽ với các đường ranh giới chính trị. Lý do của điều này có thể nhận thấy rõ ràng ở Hawaii. California bị tách rời khỏi phần lớn cảnh quan kề cận nó là do vai trò lãnh đạo của nó trong sự thay đổi nền văn hóa của nước Mỹ và “những giải pháp” chính trị trên toàn bang này đối với các vấn đề về nguồn lực địa phương. Megalopolis theo truyền thống vẫn được xác định theo các đường ranh giới phân chia. Như chúng tôi đã đề cập, mỗi chương về khu vực sẽ được phát triển xoay quanh một hay một vài chủ đề cơ bản. Đa số các chủ đề này được rút ra ít nhất là một cách gián tiếp từ các chủ đề cơ bản của toàn bộ cuốn sách. Với một số khu vực nhất định, việc thể hiện một số chủ đề sẽ đậm nét hơn hoặc rõ ràng hơn chủ đề khác. Các chủ đề được hướng vào mục đích cung cấp một cơ sở rõ ràng cho việc xử lý các thông tin về khu vực, mặc dù trong nhiều chương, việc nhận diện những yếu tố của địa lý quốc gia hay lục địa sẽ không phải là khó khăn. CHƯƠNG 2 : Môi trường tự nhiên Những nét đặc trưng nổi bật về địa hình của Hoa Kỳ có xu hướng phát triển theo hướng Bắc-Nam xuyên qua đất nước (bản đồ 2). Sâu trong nội địa là một vùng đất trũng rộng lớn và kéo dài, trải từ Vịnh Mexico cho tới biên giới Canada rồi đến tận Alaska. Các nhà địa lý quan tâm tới sự phát triển của địa mạo sẽ xếp sự nối dài của vùng đất bằng phẳng và những ngọn đồi nhấp nhô này vào ba khu vực địa vật lý khác nhau - vùng đồng bằng ven biển Đại Tây Dương và Vịnh, vùng đất trũng nội địa (một phần tách ra thành Vùng Đồng bằng lớn và những đồng bằng sâu trong nội địa), và vùng Canadian Shield (Lá chắn Canada). Các đồng bằng ven biển Đại Tây Dương và Vịnh phát triển dọc theo bờ biển phía đông của Hoa Kỳ lên phía bắc, tới tận mép phía nam của New England. Bên dưới vùng đất này là những nền đá trẻ, mềm và dễ bị xói mòn được hình thành vào thời kỳ địa chất gần đây, do những con sóng nhỏ êm đềm vỗ vào bờ đất. Những đồng bằng thấp này vươn xa dưới mặt nước biển, tạo nên một thềm lục địa, có chỗ kéo ra xa bờ biển tới 400 km. Về phía bắc, vùng đất trũng nội địa, mặc dù dễ nhận thấy là cao hơn các đồng bằng ven biển, vẫn hầu như không có địa hình gồ ghề. Khu vực này giống như một cái đĩa, bị bẻ lên ở phần vành đĩa và được che phủ bởi một loạt tầng đá trầm tích chồng lên nhau. Những tầng trầm tích này nói chung là khá bằng phẳng; tính đa dạng về địa hình chủ yếu là kết quả của sự xói mòn mang tính địa phương hay như ở miền Bắc, là kết quả của những tảng băng vỡ trong Kỷ Băng hà. Cấu trúc địa chất của Great Plains không khác bao nhiêu so với cấu trúc của đồng bằng ven biển. Những tầng đá trầm tích chiếm ưu thế, mặc dù ở phía bắc chúng bị phá vỡ bởi một số mái vòm bị xói mòn. Những tầng trầm tích này, mặc dù gần như nằm ngang, song thực ra chúng dốc thoai thoải về phía tây và cuối dốc là chân Núi đá (Rocky Mountains), nơi có những thành phố của bang Colorado là Denver và Colorado Springs. Đường phân chia giữa Great Plains và các đồng bằng nội địa được đánh dấu bằng một chuỗi núi ngăn cách, cho thấy mép phía đông của lớp trầm tích không chắc chắn, bị xói mòn từ Rocky Mountain, phủ lên các đồng bằng này. Đặc tính của vùng đất trũng nội địa rộng lớn này có một số ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử kinh tế và định cư của Hoa Kỳ. Ngoài tiềm năng nông nghiệp to lớn mà khu vực này đem lại, quá nửa phần đất có thể đi lại được dễ dàng mà không gặp phải một trở ngại đáng kể nào về địa lý. Điều này tạo thuận lợi cho cả khu vực này và miền Tây xa xôi có thể hội nhập với cơ cấu kinh tế của cả nước. Gần như toàn bộ vùng đất trũng nội địa được thông với dòng chảy của sông Mississippi hoặc những nhánh của nó. Điều này hỗ trợ cho sự hội nhập khu vực, qua việc cung cấp một tiêu điểm giao thông và kinh tế cho vùng đất phía tây của dãy Appalachia. Bắc và Đông Bắc của vùng đất trũng trung tâm là Canadian Shield mà bề mặt được phủ bằng đá cứng và trong, hình thành từ lâu đời. Xa hơn về phía nam trong vùng đất trũng, lớp đá tương tự lại bị chồng lên những tầng trầm tích được tích trữ bên dưới biển mà đã từng ngập tràn khu vực giữa của đất nước. Hiện tượng xói mòn đã phá hỏng bề mặt của Shield (vùng lá chắn), biến nó trở thành vùng đất trũng giữa một vùng nổi nhỏ ở địa phương. Hơn bất kỳ khu vực địa vật lý nào khác ở Bắc Mỹ, địa mạo của vùng Shield được tái thiết và hình thành bởi vô số núi băng lục địa trong hàng triệu năm gần đây. Những núi băng này phủ lên phần lớn miền đông Canada của dãy Rocky Mountains và Coast Ranges, và chúng tiến về phía nam, tới sát những thung lũng ngày nay của các sông Missouri và Ohio. Băng có thể đưa những khối đá nặng nhiều tấn ra khỏi bề mặt và mang chúng đi xa. Vô vàn những viên đá cuội trải khắp vùng thắng cảnh Shield, kết thúc tại nơi mà chúng đã bị những núi băng ném xuống. Băng tan ở những vùng mép của các núi băng, tạo nên những dòng sông lớn và cắt ngang những con đường mới, rộng để ra biển. Hiện tượng đóng băng đã bào mòn phần lớn bề mặt của Shield. Ngày nay, lớp đất bao phủ khu vực này chỉ còn rất mỏng hoặc không tồn tại nữa. Trạng thái tiêu thoát nước bị phá vỡ nghiêm trọng đã phong toả nhiều dòng chảy bằng những đống đổ vỡ và dẫn một số dòng khác vào hệ thống hồ chi chít trong vùng, chứ không đổ ra biển. Ví dụ vùng trung tâm và bắc Minnesota, được gọi là “vùng đất của 10000 hồ”, là một phần của thuỳ phía nam của tấm khiên bằng băng kéo dài đến tận các bang Minnesota, Michigan và Wisconsin. Về phía nam, nơi mà băng không còn dày nữa và sức mạnh của nó cũng giảm đi tương ứng, các núi băng bị đổi hướng hoặc được hướng dòng bởi những độ cao lớn hơn. Ví dụ, băng bị chặn lại ở trung tâm New York bởi những cao nguyên nằm về phía nam sông Mohawk. Tuy nhiên, vùng châu thổ của các phụ lưu của những dòng chảy đã thực sự bị đẩy lên tới Mohawk và dần dần làm cho những vùng châu thổ này rộng hơn và sâu hơn. Ngày nay, Hồ Ngón tay (Finger Lakes) hẹp và sâu thuộc bang New York đã lấp đầy những châu thổ từng được mở rộng nhờ các núi băng này và tạo thành một trong những khu thắng cảnh thực sự tươi đẹp của nước Mỹ. Dọc theo và vươn ra khỏi mép phía nam của các núi băng, bồi đắp đã thay thế cho xói mòn, như là kết quả chính của hiện tượng đóng băng. Những vùng rộng lớn thuộc khu đất trũng nội địa bị những lớp đất đá, do những núi băng ném xuống, phủ lên với những độ sâu thay đổi từ chưa đầy một mét cho tới hơn 100 mét. ở những nơi mà các núi băng không dịch chuyển trong một thời gian dài thì hình thành nên những quả đồi cao hơn, được gọi là trầm tích. Về phía đông, Staten Island, Long Island, Martha’s Vineyard, Nantucket, và Cape Cod là những đồi trầm tích cuối cùng đánh dấu sự phát triển mạnh nhất của các núi băng về phía đông. Phong cảnh phía nam của Hồ Lớn (Great Lakes) được bổ sung bằng những đỉnh trầm tích dài, thấp, hình bán nguyệt và những khối đất đá khác do băng để lại. Một bộ phận của khu đất trũng nội địa đã tránh được hiện tượng đóng băng. Góc tây nam của Wisconsin và phần kéo dài 400 km liền đó của châu thổ sông Mississippi rõ ràng đã được tha bổng nhờ hiệu ứng rào cản lên dòng băng trôi của vùng đất cao Superior về phía bắc và nhờ tác động hướng dòng cho khối băng này của những châu thổ của các hồ Michigan và Superior. Kết quả tạo ra là “vùng sạch đất sỏi”, một phong cảnh địa phương nhiều góc cạnh hơn, với những kết cấu bằng đá mong manh giống như những chiếc cầu hay những mái vòm tự nhiên. Do băng tan, vô số hồ được tạo thành dọc theo rìa các núi băng. Tại phần bắc của Great Plains, hai hồ lớn là Agassiz và Regina choán một diện tích còn lớn hơn cả diện tích của Great Lakes ngày nay. Với hiện tượng băng tan kéo dài, những hồ này hầu như đã biến mất. Dấu tích về sự tồn tại của chúng ngày nay được nhận biết qua đáy hồ trước kia, một vùng bằng phẳng bao trùm những phần đất thuộc bắc Dakota và Minnesota. Trong thời gian nhiều khu vực bị đóng băng, mực nước biển bị thấp đi đáng kể. Điều đó đã hạ thấp đáy của nhiều con sông và do đó làm tăng thêm sức xói mòn của các dòng chảy này. Hơn nữa, nhiều thung lũng sông này đã tiến xa ra phía biển ngày nay. Cùng với nhiều con sông khác, các sông Susquehanna và Hudson đã tạo nên những thung lũng sâu hơn nhiều trong giai đoạn này. Do băng tan và mực nước biển dâng lên, đại dương đã lấp đầy những thung lũng sau này. Hai khu vực cảng tốt nhất của thế giới đã được tạo thành theo cách này: Vịnh New York, với dòng sông sâu Hudson và những rào chắn bảo vệ tạo ra bởi các đảo Staten Island và Long Island; Vịnh Chesapeake, vùng châu thổ ngập nước của sông Susquehanna và một số nhánh lớn trước đây của nó, như các sông Potomac và James. Ở phía Đông, các đồng bằng ven biển dần dần bị thu hẹp về phía bờ biển, hướng lên phía bắc dọc theo đại dương, do Cao nguyên Appalachia, cho tới khi vùng đất trũng hoàn toàn biến mất tại Cape Cod. Từ nơi này trở sang phía đông bắc, cảnh quan ven biển là một phần của sự bành trướng theo hướng bắc của hệ thống dãy Appalachia. Những núi thuộc Appalachia - vết tích bị mai một của những rặng núi đã từng cao hơn nhiều - đã tách vùng ven biển này ra khỏi các khu đất trũng nội địa dọc theo phần lớn phần phía đông của Hoa Kỳ. Phần lớn các vùng thuộc khu vực này có lớp đất nông và những sườn dốc, rất khó khăn cho việc canh tác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và hoàn toàn không thích hợp với những kỹ thuật nông nghiệp hiện đại chú trọng tới phương tiện cơ giới. Đô thị quy mô lớn hay sự tăng trưởng của công nghiệp bị cản trở bởi những vùng đất trũng nhỏ của địa phương. Những người định cư sớm đã nhận thấy các núi Appalachia từ sông Mohawk thuộc New York trở xuống phía nam tới phía bắc Alabama là những rào cản hữu hiệu đến mức kinh ngạc đối với sự di chuyển về phía tây, có rất ít khoảng dừng trong sự liên tục của những trái núi. Vùng tây của Hoa Kỳ là một miền đất của núi non và của những thay đổi lớn và đột ngột về độ cao địa chất tự nhiên lại được bố trí theo một chuỗi gồm ba tuyến chạy dọc bắc - nam, với Rocky Mountains ở phía đông bị ngăn cách với các núi và thung lũng của vùng ven biển Thái Bình Dương bởi một loạt cao nguyên cao, bị chia cắt nghiêm trọng. Bắt đầu từ phía đông, nhìn tổng thể, Rocky Mountains đối diện với Great Plains, thỉnh thoảng có những đỉnh núi cao tới 2 kilômet hoặc hơn nữa. ở những nơi khác, như phần nam - trung tâm Wyoming, các Núi Đá dường như không hề tồn tại. Trong phần phía bắc của những Núi đá thuộc Idaho, đặc tính chạy theo đường thẳng bắc - nam của đa số các núi trong khu vực được thay thế bằng vô số vòm tạo thành từ nham thạch, bị xói mòn không đều trở thành một chuỗi các dải núi gồ ghề kéo dài, nơi mang theo những vùng hoang dã còn lại lớn nhất của Hoa Kỳ nằm ngoài Alaska. Các cao nguyên của vùng lục địa phía tây cũng rất đa dạng về nguồn gốc và diện mạo. Tiểu vùng ở Cực Nam, Cao nguyên Colorado, là một loạt tầng đá trầm tích dày, vươn lên trên độ cao của những vùng đất trũng tới hơn 1000 mét và nghiêng dần về phía đông bắc. Cao nguyên này có những hẻm núi sâu, những đỉnh núi lửa và những sa mạc cát ngoạn mục. Xa hơn về phía bắc, vùng Lòng chảo Columbia-Snake đã bị lấp đầy bởi nhiều dòng nham thạch với độ sâu hơn 1000 mét. Những con sông, cả trong quá khứ và hiện tại, đã ăn mòn đá. Cảnh vật tạo thành rất giống với vùng Cao nguyên Colorado, mặc dù ở đây không có diện mạo bậc thang có nguồn gốc từ sức chịu đựng không đều trước sự thay hình đổi dạng của các khối đá trầm tích bị ăn mòn của Cao nguyên Colorado. Những núi lửa dạng hình nón cũng điểm vào các vùng trong khu vực, đặc biệt là băng qua phần nam - trung tâm Oregen và trong Thung lũng sông Snake thuộc Idaho. Các cao nguyên rộng dần về phía bắc, bao trùm cả thung lũng của sông Yukon thuộc Alaska. Trong khi đó, phần lớn vùng trung tâm của Alaska là một vùng đất trũng rộng và bằng phẳng, rất kém thông thoát. Ở vùng nội biên của Hoa Kỳ (không kể Alaska và Hawaii), vùng Ven biển Thái Bình Dương (Pacific Coast) dường như bao gồm chủ yếu là hai dãy núi chạy theo hướng bắc-nam được phân tách bởi một vùng đất trũng không liên tục. ở Nam California, Dải núi ven biển (Coast Range) khá đồ sộ, có những đỉnh núi cao tới 3000 mét. Từ đó tới ranh giới Oregen, các núi thấp và thẳng, hiếm khi cao hơn 1000 mét. Đây còn là vùng đất bị rạn nứt chủ yếu của bang và là khu vực thường xuyên có động đất. Dọc theo đường ranh giới California-Oregon, Klamath Mountains cao hơn, dài hơn, và lởm chởm, thất thường hơn rất nhiều. Trừ Olympic Mountains ở Tây Bắc Washington, Coast Range trong phần còn lại của bang Oregon và bang Washington thấp và mang tính chất đồi nhiều hơn là núi. Những khu đất trũng nội địa dọc theo bờ biển - Thung lũng Trung tâm (Central Valley) của California, Willamette của Oregon và vùng đất thấp Puget Sound ở Washington - là những vùng đất trũng rộng lớn duy nhất kề cận với vùng Ven biển phía Tây (West Coast). Được lấp đầy bởi đất đai tương đối mầu mỡ, những khu đất trũng này đã làm nên phần lớn nền nông nghiệp của vùng Ven biển Thái Bình Dương. Phía đông của các khu đất trũng là Sierra Nevada và các rặng núi Cascade. Sierra Nevada hiện ra như thể một phần rộng lớn của trái đất bị nghiêng lên phía trên so với các khu vực ở phía đông và tây trong cái được gọi là một khối bị nứt, với phần cao nhất, dốc nhất quay về hướng đông. Mặc dù những hướng tiếp cận về phía tây tới Sierra Nevada khá thoải, một số nơi trên sườn đông của các núi cao tới hơn 3000 mét. Hoạt động núi lửa rất có ý nghĩa trong sự hình thành dải Cascade. Những núi lửa nổi tiếng nhất của Mỹ, như Mt. Rainier và Mt. St.Helens ở Washington cũng nằm ở vùng này. Khí hậu Khí hậu là tổng hợp của các trạng thái thời tiết ngày này qua ngày khác kéo dài trong nhiều năm. Nó là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhiệt độ và lượng mưa. Mô hình khí hậu là một kết quả của sự tác động qua lại giữa ba yếu tố ảnh hưởng địa lý. Trước hết là vĩ độ. Trái đất nghiêng trên trục của nó so với mặt phẳng quỹ đạo của nó xung quanh mặt trời. Do sự vận động hàng năm xoay quanh mặt trời, đầu tiên là Bán cầu Bắc sau đó là Bán cầu Nam đón nhận những tia sáng trực tiếp hơn từ mặt trời. Trong mùa hè của Bán cầu Bắc, những vị trí có vĩ độ cao hơn có ngày dài hơn, với những điểm xa ở phía bắc trải qua những thời kỳ liên tục có ánh mặt trời. Trong những tháng mùa đông ở những vĩ độ cao hơn ban ngày thường ngắn hơn, trong khi những vị trí nằm xa hơn về phía nam vừa có ngày dài hơn, lại vừa đón nhận những tia mặt trời trực tiếp hơn. Yếu tố ảnh hưởng thứ hai được đặt trên cơ sở là mối quan hệ giữa đất và nước. Đất có xu hướng nóng lên và nguội đi nhanh hơn nước. Trong một xu thế được gọi là tính chất lục địa, những vị trí ở xa các khối nước lớn thường có chênh lệch nhiệt độ theo mùa cao hơn so với những cộng đồng ven biển. Phần phía bắc của Great Plains có khoảng cách nhiệt độ hàng năm gần 650C; những khác biệt hàng năm tới 1000C (từ 500C tới - 500C) cũng đã được ghi nhận ở một số vùng. Tác động ngược lại diễn ra ở những khu vực biển, đặc biệt là bờ biển phía tây của các lục địa thuộc các vĩ độ giữa. Những vị trí này có chênh lệch nhiệt độ nhỏ hơn do kết quả của cái gọi là ảnh hưởng biển. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất của mùa đông và mùa hè trở nên ôn hòa nhờ chế độ gió tây thường xuyên thổi từ đại dương vào đất liền. Các dòng hải lưu ngang và dọc làm giảm thiểu những khác biệt theo mùa của nhiệt độ bề mặt của nước. Nhiệt độ nước vừa phải đã giúp thu hẹp chênh lệch nhiệt độ của khối không khí bên trên mặt nước. Sự ở gần các khối nước lớn cũng có xu hướng có tác động tích cực tới lượng mưa, các vùng ven biển nói chung nhận được những lượng mưa lớn hơn. Lý do của điều đó là hiển nhiên, các khối nước lớn đem lại mức độ bay hơi cao hơn và do đó tạo thành những khối hơi nước trong khí quyển. Đến lượt nó, những khối hơi nước đó làm tăng khả năng có mưa. Tuy nhiên có những ngoại lệ dễ nhận thấy đối với quy luật này, trong đó có bờ biển khô ráo của nam California và đường ven biển Bắc Băng Dương của Alaska. Ảnh hưởng địa lý quan trọng thứ ba đối với khí hậu là địa hình. Rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa độ cao và nhiệt độ, ở độ cao lớn hơn thì mát mẻ hơn độ cao thấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của địa hình có thể còn rộng hơn nữa do tác động của nó lên luồng gió. Nếu một dãy núi lớn nằm chắn ngang một hướng gió bình thường, thì những ngọn núi sẽ buộc không khí dâng lên và trở nên mát mẻ. Khi khối không khí lạnh đi, lượng hơi ẩm mà nó có thể mang theo giảm xuống. Lượng mưa sẽ được hình thành nếu sự trở lạnh này khiến cho độ ẩm lên tới 100%. Hơi nước rơi xuống ở phía có gió, nơi khuất gió thì khô ráo. Khu vực ẩm ướt nhất ở Bắc Mỹ là dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ Oregon tới phần nam Alaska, nơi những luồng gió nặng trĩu hơi nước đập vào các núi dọc bờ biển. Lượng mưa trung bình hàng năm là hơn 200 cm trên toàn vùng, và ở một vài nơi vượt quá 300 cm. Núi cũng có thể làm giảm bớt tác động điều hòa của những điều kiện biển đối với nhiệt độ, như đã diễn ra ở vùng nội địa của tây bắc Thái Bình Dương. Vùng tây Cordillera (khối núi) đã kiềm chế các điều kiện khí hậu biển Bờ biển phía Tây trong vùng bờ biển đó. Những khác biệt lớn nhất cả về lượng mưa và nhiệt độ mà người ta có thể nhận thấy ở một khoảng cách ngắn tại bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ, cũng tồn tại giữa hai mặt phía đông và phía tây của các vùng thuộc Coast Ranges. Tính chất khô cằn của vùng trung tâm và bắc lục địa phía Tây một phần lớn có nguyên nhân từ hiệu ứng "fơn" của các dải núi chạy theo hướng bắc-nam của miền Tây. Phía đông của Rockies, ảnh hưởng của địa hình đối với lượng mưa hầu như đã biến mất, một phần vì các núi ở phía đông thường thấp hơn và do đó ít cản trở sự di chuyển của không khí hơn và một phần do thời tiết trong nội địa chủ yếu là một kết quả của sự va chạm giữa hai khối không khí khổng lồ đều không bị cản trở, một di chuyển về phía bắc từ Vịnh Mexico và một từ Canada di chuyển về phía nam. Sự tiếp xúc của hai khối không khí này thường tạo ra những diễn biến khốc liệt của thời tiết trong khu vực. Điều này minh họa cho một ảnh hưởng chủ yếu và phức tạp thứ tư đối với khí hậu, đó là tác động của các đặc trưng về khối không khí và của các hệ thống gió. Thời tiết của nước Mỹ chịu ảnh hưởng không nhỏ của sự đối kháng giữa những khối không khí lục địa cực (thường lạnh, khô và ổn định) và những khối không khí hải dương nhiệt đới (ấm, ẩm, và không ổn định). Loại đầu chuyển xa nhất về phía nam vào mùa đông, trong khi loại sau tiến xa nhất về phía bắc trong mùa hè. Đa số các vùng của nước Mỹ nói chung là có gió tây, có xu hướng chuyển dịch các hệ thống thời tiết sang hướng đông. Khí hậu lục địa của vùng nội địa vì thế bị đẩy tới Bờ biển phía Đông. Tác động tương hỗ giữa những yếu tố ảnh hưởng khí hậu này tạo ra một khuôn mẫu khu vực hóa thời tiết. ở phía Đông, yếu tố chủ yếu của sự thay đổi khí hậu là nhiệt độ; ở phía Tây yếu tố đó là lượng mưa. ở phía Đông, sự phân chia giữa các vùng khí hậu ở một mức độ lớn là dựa trên độ dài của mùa sinh trưởng - thời kỳ từ thời điểm trung bình của lần cuối cùng có sương giá vào mùa xuân cho tới lần đầu tiên có sương giá vào mùa thu - và dựa trên nhiệt độ cao nhất trung bình vào mùa hè hay nhiệt độ thấp nhất trung bình vào mùa đông. ở phía Tây, lượng mưa hàng năm trung bình là yếu tố chính, mặc dù nhiệt độ vừa phải là một khía cạnh quan trọng của khí hậu hải dương Bờ biển phía Tây. ở phía Đông, những vùng xa hơn về phía Bắc nói chung là khô hơn, còn ở phía Tây chúng lại lạnh hơn. Phía Đông, vĩ tuyến có ảnh hưởng lớn lên sự biến đổi khí hậu còn ở phía Tây, đó là địa hình. Thực vật Các nhà thực vật học nói về một loại thực vật có tính thích nghi cao, được định nghĩa là một quần thể có khả năng sinh trưởng và tái tạo vô tận ở những nơi có khí hậu và những điều kiện trung bình về đất trồng và tiêu thoát ổn định. Ngày nay, ở những vùng của nước Mỹ có cư dân sinh sống, khái niệm đó hầu như không có ý nghĩa. Thực vật “tự nhiên”, nếu đã từng tồn tại, thì cũng đã bị dời chuyển, bố trí lại và thay thế, với một mức độ lớn đến nỗi giờ đây khó có thể tìm ra nữa. Ví dụ, ở vùng Đông Nam, những cánh rừng hỗn hợp cây lá to và lá kim nguyên sinh đã bị chặt đốn và thay thế bằng rừng lá kim có ý nghĩa hơn về mặt kinh tế. Cỏ trên những đồng bằng và các cánh đồng cỏ hầu hết là nhập từ châu Âu. Tổ tiên gốc Mỹ của chúng đã biến mất bởi không thích hợp để làm thức ăn cho súc vật nuôi, hoặc không trụ nổi trước sự tấn công dữ dội của loài người hiện đại và của những giống cỏ mà họ nhập khẩu. Phần lớn những gì còn lại của thực vật thích nghi cao đều ở phần Tây và Bắc của nước Mỹ. Có nhiều cách phân chia các vùng thực vật. Có lẽ cách đơn giản nhất là phân chia Hoa Kỳ thành ba loại lớn: vùng rừng, vùng đồng cỏ và vùng cây bụi. Rừng đã từng che phủ phần lớn miền Đông, vùng trung tâm và bắc bờ biển Thái Bình Dương, những vùng có độ cao cao hơn miền tây và một tuyến rộng băng qua vùng nội địa phía bắc. Những cánh rừng của vùng ven biển Thái Bình Dương, miền nội địa phía tây và miền bắc, và một vành đai hẹp ở Deep South đều là những rừng lá kim và có nhiều loại cây khác nhau. Phần lớn bang Ohio và thung lũng sông Mississippi cùng khu vực giữa của Hồ Lớn (Great Lakes) được che phủ bởi rừng cây lá rộng thay lá hàng năm. Vùng đồng cỏ bao trùm lên những khu đất trũng nội địa, bao gồm gần như toàn bộ vùng Đồng bằng lớn (Great Plains) từ Texas và New Mexico tới biên giới Canada. Vùng này có khí hậu nói chung ít ẩm ướt hơn, khối lượng mưa không đủ để cung cấp cho sự sinh trưởng của cây cối. Phần mở rộng về phía tây của vùng đồng cỏ, Prarie Wedge, đã vượt qua Illinois đến rìa phía tây của Indiana, nơi có lượng mưa đủ dồi dào để cho cây cối phát triển. Các vùng cây bụi phát triển trong điều kiện khô ráo. Chúng tập trung ở các khu đất thấp thuộc vùng nội địa phía tây. Cây cối ở vùng này rất đa dạng, từ cây xương rồng của miền tây nam cho tới cây bụi chaparral dầy đặc ở nam California và cây mesquite của Texas. Vùng đất lạnh của cực Bắc là kết quả của một khí hậu quá lạnh và quá khô đối với sự sinh trưởng của những thực vật khác ngoài cỏ, rêu và các loại dây leo nhỏ. Đất lạnh còn tồn tại trong những khu vực nhỏ xa về phía nam của Hoa Kỳ, nơi mà những điều kiện khí hậu những độ cao lớn hoàn toàn không thích hợp cho sự phát triển của loại cây gỗ. Về phía bắc, người ta thấy những tuyến cây cao ở những độ cao thấp hơn. Đất trồng Đất ở một nơi nào đó có được những đặc trưng của nó là do những yếu tố như chất liệu đá gốc, khí hậu, địa hình và các loại động thực vật bị phân huỷ. Hàng trăm loại đất khác nhau sinh ra từ sự tác động qua lại của những yếu tố này. Tính chất độc đáo của mỗi loại đất bất kỳ là do sự hỗn hợp của các thuộc tính (như màu sắc, kết cấu) và thành phần (bao gồm hàm lượng chất hữu cơ và tác động của các colloid trong đất.) Colloid là những mẩu đất nhỏ. Các thuộc tính và ảnh hưởng của chúng lên đất rất phức tạp và thường là quan trọng. Ví dụ, tính axít của đất (hay tính kiềm) là kết quả của sự thay đổi và kết hợp của các colloid trong đất. Đất có axít là kết quả của của các loại khí hậu ẩm và lạnh, đất kiềm điển hình thường thấy ở những vùng khô. Phần lớn đất trong các vùng nông nghiệp trọng điểm của miền đông Hoa Kỳ là có độ axít từ trung bình đến cao. Vì thế, người ta phải định kỳ bổ sung thêm vôi để trung hòa lượng axít đó trước khi sử dụng đất này vào trồng trọt. Màu sắc có lẽ là thuộc tính rõ rệt nhất của đất. Màu sẫm thường cho biết đất giàu chất hữu cơ, màu đỏ là dấu hiệu của những hợp chất chứa sắt. Nhưng nói chung, màu sắc là kết quả của các quá trình hình thành nên đất. Ví dụ, đất màu xám nhạt của rừng lá kim miền bắc là kết quả của việc lọc các chất hữu cơ và khoáng chất từ lớp đất trên bề mặt. Kết cấu của đất, yếu tố quy định khả năng giữ nước và vận chuyển nước, là tỷ lệ các mẩu đất có kích thước rất khác nhau. Cát là thước đo đơn giản nhất về kết cấu đất, bùn là thước đo ở mức trung bình, còn đất sét là thước đo tinh vi nhất. Đất mà được gọi là “mùn” chứa tỷ lệ cao của mỗi một trong ba thành phần này và được coi là đất tốt nhất. Loại đất này đủ mịn để giữ được độ ẩm, song cũng không quá mịn để không thể giữ nước được dễ dàng. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã xây dựng một hệ thống phân loại đất, trong đó định rõ những loại đất quan trọng nhất cho một vùng của đất nước. Đất khô cằn chủ yếu có ở tây nam, do khô cằn nên được đặt cho tên gọi đó. Loại đất của khí hậu khô này chứa rất ít chất hữu cơ và hầu như không có giá trị về mặt nông nghiệp. Đất spodosols phát triển trong miền khí hậu mát, ẩm, mặc dù nó được thấy ở bắc Florida. Loại này cũng nhiều axít và ít chất dinh dưỡng và chỉ có giá trị nông nghiệp đối với những cây trồng ưa axít. Đất lạnh cũng hầu như không có giá trị về nông nghiệp, gắn với khí hậu lạnh và ẩm như ở Alaska. Loại đất này nông, thường xuyên bão hòa nước và có lớp đất kề với lớp bề mặt bị đóng băng quanh năm. Đất cao nguyên có ở tây Virginia, Utah và Alaska, hầu như không phát triển và không có giá trị nông nghiệp. Mollisols là đất đồng cỏ của khí hậu nửa khô và nửa ẩm thuộc trung tâm, bắc trung tâm, và Tây Bắc Thái Bình Dương nước Mỹ. Loại đất này rất dày, màu sẫm từ nâu tới đen, và có kết cấu lỏng với hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Nó nằm trong số những loại đất trồng trọt tự nhiên phì nhiêu nhất của thế giới và sản xuất ra hầu hết ngũ cốc của nước Mỹ. Alfisols là loại đất đứng thứ hai chỉ sau mollisols về mặt giá trị nông nghiệp. Nó là đất của những khu rừng ở vĩ độ giữa và nằm trên đường phân chia giữa vùng đất rừng và vùng đồng cỏ. Nó thật sự là đất “trung gian” theo nghĩa khí hậu. Loại đất này có ở những khu vực đủ ẩm ướt để cho phép tích luỹ phần đất sét nhưng không quá ẩm để tạo nên một thứ đất đã bị lọc hoặc bị biến dạng. Alfisols được chia thành ba loại, mỗi loại có đặc trưng khí hậu riêng biệt đi kèm. Udalfs là đất của những cánh rừng thay lá hàng năm của vùng Middle West. Dù có một chút axít, loại đất này có năng suất rất cao nếu được bón vôi để giảm bớt lượng axít đó. Ustalfs được thấy ở những vùng ấm áp hơn với những khác biệt lớn về lượng mưa theo mùa, là loại đất phổ biến nhất ở Texas và Oklahoma. Nếu có thủy lợi thì đây là loại đất cho năng suất rất cao. Xeralfs là đất của mùa đông lạnh và ẩm, còn mùa hè thì nóng và khô. Nó có nhiều ở trung và nam California và cũng có năng suất rất cao. Ultisols thể hiện giai đoạn cuối cùng của sự biến dạng và kiến tạo đất trồng ở Hoa Kỳ. Nó phát triển ở những vùng có lượng mưa dồi dào và có những thời kỳ dài không bị sương giá, như miền nam. Kích thước các mẩu đất nhỏ, và phần lớn những
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net