logo

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Chuẩn mực số 330 Thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro

Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản về việc đưa ra và thực hiện các thủ tục kiểm toán
CHUẨN MỰC SỐ 330 THỦ TỤC KIỂM TOÁN TRÊN CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ RỦI RO (Ban hành theo Quyết định số 101/2005/QĐ-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) QUY ĐỊNH CHUNG Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và 1. hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản về việc đưa ra và thực hiện các thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính và các cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải có đủ hiểu biết về đơn vị 2. được kiểm toán cũng như môi trường kinh doanh của đơn vị, trong đó có hệ thống kiểm soát nội bộ để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu làm cơ sở đề ra các thủ tục kiểm toán. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và được vận dụng 3. cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ liên quan của công ty kiểm toán. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về những quy định trong chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán, cũng như xử lý các quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán. Các yêu cầu tổng quát của chuẩn mực này gồm: 4. Phương pháp tiếp cận tổng quát: Yêu cầu kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra phương pháp tiếp cận tổng quát để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính và hướng dẫn nội dung của các phương pháp tiếp cận tổng quát đó. Thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu: Yêu cầu kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung bao gồm thực hiện kiểm tra tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát liên quan hoặc theo yêu cầu và các thử nghiệm cơ bản mà nội dung, lịch trình và mức độ thử nghiệm phụ thuộc vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu. Yêu cầu này cũng đòi hỏi kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải cân nhắc khi xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán đó. Đánh giá mức độ đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được: Yêu cầu kiểm toán viên xác định xem việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu có còn phù hợp hay không và kết luận liệu các bằng chứng kiểm toán thích hợp đã được thu thập đầy đủ hay không. Hồ sơ kiểm toán: Yêu cầu nội dung và tài liệu trình bày trong hồ sơ kiểm toán phải đầy đủ các thông tin liên quan đến cơ sở đánh giá rủi ro. 5. Để giảm rủi ro kiểm toán xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đưa ra phương pháp tiếp cận tổng quát trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính; phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu. Phương pháp tiếp cận tổng quát, nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán bổ sung phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Bên cạnh các yêu cầu của chuẩn mực này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cũng cần phải tuân thủ các quy định trong Chuẩn mực kiểm toán số 240 “Gian lận và sai sót” để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận. NỘI DUNG CHUẨN MỰC Phương pháp tiếp cận tổng quát Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đưa ra phương pháp tiếp 6. cận tổng quát để xác định rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Phương pháp tiếp cận tổng quát đòi hỏi kiểm toán viên cần giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán, bổ nhiệm kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm hoặc có các kỹ năng chuyên môn đặc biệt, sử dụng các chuyên gia, giám sát nhiều hơn hoặc kết hợp các yếu tố bổ sung cho các vấn đề không thể dự đoán trước khi lựa chọn thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể thay đổi nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán. Ví dụ: Việc thực hiện các thử nghiệm cơ bản vào giai đoạn cuối kỳ thay vì vào giai đoạn giữa kỳ. Hiểu biết của kiểm toán viên về môi trường kiểm soát của đơn vị được 7. kiểm toán có ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Môi trường kiểm soát hiệu quả giúp kiểm toán viên tin tưởng hơn vào hệ thống kiểm soát nội bộ và độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán thu thập được trong nội bộ đơn vị được kiểm toán, từ đó cho phép kiểm toán viên tiến hành một số thủ tục kiểm toán ở giai đoạn giữa kỳ thay vì vào giai đoạn cuối kỳ. Nếu phát hiện thấy những điểm yếu trong môi trường kiểm soát của đơn vị, kiểm toán viên sẽ tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán vào giai đoạn cuối kỳ chứ không phải vào giai đoạn giữa kỳ. Kiểm toán viên cần thu thập thêm bằng chứng kiểm toán từ thử nghiệm cơ bản, thay đổi nội dung các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập thêm bằng chứng kiểm toán có sức thuyết phục cao, hoặc mở rộng phạm vi công việc kiểm toán. Những xem xét trên có ảnh hưởng quan trọng đến phương pháp kiểm toán 8. chung của kiểm toán viên. Ví dụ: Tập trung thực hiện thử nghiệm cơ bản (phương pháp cơ bản), hoặc kết hợp thử nghiệm kiểm soát với thử nghiệm cơ bản (phương pháp kết hợp). Thủ tục kiểm toán bổ sung áp dụng đối với rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thiết kế và thực hiện thêm 9. các thủ tục kiểm toán bổ sung mà nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục này phụ thuộc vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu nhằm thể hiện sự liên hệ rõ ràng giữa nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán với việc đánh giá rủi ro. Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc các vấn đề sau: a) Mức độ quan trọng của rủi ro; b) Khả năng có thể xảy ra sai sót trọng yếu; c) Đặc trưng của loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan; d) Nội dung hoạt động kiểm soát cụ thể mà đơn vị được kiểm toán sử dụng, đặc biệt là hoạt động kiểm soát này được thực hiện thủ công hay tự động; e) Kiểm toán viên có kỳ vọng thu thập được bằng chứng kiểm toán để xác định liệu các hoạt động kiểm soát của đơn vị có hiệu quả trong việc ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu hay không. 10. Đánh giá của kiểm toán viên về các rủi ro trong cơ sở dẫn liệu chỉ ra cơ sở để lựa chọn một phương pháp kiểm toán thích hợp khi thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể quyết định chỉ cần thực hiện các thử nghiệm kiểm soát là đủ để có thể đưa ra được ý kiến có hiệu quả đối với rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu nào đó. Trong những trường hợp khác, kiểm toán viên có thể chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản mới phù hợp với cơ sở dẫn liệu cụ thể và như vậy, kiểm toán viên bỏ qua ảnh hưởng của hoạt động kiểm soát khi đánh giá rủi ro liên quan. Điều này xảy ra khi các thủ tục đánh giá rủi ro của kiểm toán viên không xác định được bất kỳ hoạt động kiểm soát hiệu quả nào liên quan đến cơ sở dẫn liệu, hoặc việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, kiểm toán viên hiểu rằng chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với cơ sở dẫn liệu mới đạt được hiệu quả trong việc làm giảm rủi ro có sai sót trọng yếu xuống mức có thể chấp nhận được. Thông thường, kiểm toán viên có thể sử dụng phương pháp kết hợp cả kiểm tra tính hiệu quả của các thử nghiệm kiểm soát với các thử nghiệm cơ bản. Cho dù lựa chọn phương pháp nào thì kiểm toán viên vẫn phải thiết kế và thực hiện các thử nghiệm cơ bản với từng loại nghiệp vụ trọng yếu, số dư khoản mục hoặc các giải trình như quy định ở đoạn 51. 11. Trường hợp đơn vị được kiểm toán có quy mô hoạt động rất nhỏ, không có nhiều hoạt động kiểm soát để kiểm toán viên có thể kiểm tra thì các thủ tục kiểm toán mà kiểm toán viên đề ra chủ yếu sẽ là các thử nghiệm cơ bản. Trường hợp này, ngoài các vấn đề được quy định ở đoạn 10, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc xem trong trường hợp đơn vị không có nhiều hoạt động kiểm soát thì có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay không. Xem xét nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán bổ sung Nội dung 12. Nội dung các thủ tục kiểm toán phản ánh mục tiêu của các thủ tục đó (thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản) và phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, như kiểm tra, quan sát, điều tra, xác nhận, tính toán, quy trình phân tích. Một số thủ tục kiểm toán cụ thể có thể thích hợp đối với cơ sở dẫn liệu này hơn đối với cơ sở dẫn liệu khác. Ví dụ: Liên quan tới doanh thu, các thử nghiệm kiểm soát có thể thích hợp hơn để phát hiện rủi ro sai sót về tính đầy đủ, trong khi các thử nghiệm cơ bản lại thích hợp hơn để phát hiện rủi ro sai sót về sự phát sinh. 13. Việc lựa chọn các thủ tục kiểm toán của kiểm toán viên cần căn cứ vào việc đánh giá rủi ro. Kiểm toán viên đánh giá rủi ro càng cao thì bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản càng phải đáng tin cậy và phù hợp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả hai loại thủ tục kiểm toán sẽ được thực hiện và mức độ kết hợp của chúng. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể xác nhận mức độ đầy đủ về các điều khoản trong một hợp đồng với một bên thứ ba, bên cạnh việc kiểm tra tài liệu. 14. Khi xác định các thủ tục kiểm toán sẽ được thực hiện, kiểm toán viên cần cân nhắc cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu đối với từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan. Việc này bao gồm xem xét tính chất cụ thể của từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan (rủi ro tiềm tàng) và xem xét liệu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên có tính đến các hoạt động kiểm soát của đơn vị hay không (rủi ro kiểm soát). Ví dụ: Nếu kiểm toán viên xét thấy rủi ro có sai sót trọng yếu là thấp do đặc trưng riêng của loại nghiệp vụ này không cần hoạt động kiểm soát liên quan, thì kiểm toán viên có thể quyết định chỉ cần thực hiện thủ tục phân tích cơ bản cũng có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Nếu kiểm toán viên đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu là thấp vì đơn vị đã có hoạt động kiểm soát hiệu quả và kiểm toán viên dự định sẽ thiết kế các thử nghiệm cơ bản căn cứ vào hiệu quả của hoạt động kiểm soát này thì kiểm toán viên sẽ thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được các bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này. Ví dụ cho trường hợp này là các loại nghiệp vụ tương đối đồng nhất, không phức tạp, được xử lý thường xuyên và được kiểm soát bởi hệ thống thông tin của đơn vị. 15. Kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về tính chính xác và đầy đủ của thông tin do hệ thống thông tin của đơn vị cung cấp nếu những thông tin này được kiểm toán viên sử dụng để thực hiện các thủ tục kiểm toán. Ví dụ: Nếu kiểm toán viên sử dụng các thông tin phi tài chính hoặc dữ liệu dự toán do hệ thống thông tin của đơn vị cung cấp để thực hiện các thủ tục kiểm toán, như các thủ tục phân tích cơ bản hay các thử nghiệm kiểm soát thì kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về mức độ chính xác và đầy đủ của những thông tin này theo quy định. Lịch trình 16. Lịch trình là trình tự thời gian tiến hành các thủ tục kiểm toán, các giai đoạn kiểm toán hoặc thời điểm của bằng chứng kiểm toán. 17. Kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản ở thời điểm kiểm toán giữa kỳ hay cuối kỳ. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng cao thì kiểm toán viên càng cần phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản gần thời điểm cuối kỳ hơn là vào thời điểm giữa kỳ, hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán mà không cần thông báo trước về nội dung và thời gian (Ví dụ: Thực hiện các thủ tục kiểm toán với một số vị trí được chọn mà không thông báo trước). Việc thực hiện các thủ tục kiểm toán vào thời điểm trước khi kết thúc kỳ kế toán có thể giúp kiểm toán viên phát hiện được sớm các vấn đề quan trọng. Vấn đề này có thể được giải quyết với sự giúp đỡ của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hoặc do kiểm toán viên thiết kế phương pháp kiểm toán hiệu quả. Nếu kiểm toán viên thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hoặc các thử nghiệm cơ bản trước khi kết thúc kỳ kế toán thì cần cân nhắc bằng chứng kiểm toán bổ sung cần thiết ở giai đoạn còn lại theo quy định tại các đoạn 39-40 và 58-63. 18. Để quyết định thời điểm thực hiện các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên cần cân nhắc các vấn đề sau: a) Môi trường kiểm soát; b) Khi nào có thông tin thích hợp (Ví dụ: Thủ tục quan sát có thể chỉ thực hiện trong thời gian cụ thể nào đó); c) Bản chất của rủi ro (Ví dụ: Nếu có rủi ro về việc doanh thu bị khai tăng lên bằng cách tạo ra những hợp đồng bán hàng giả mạo, kiểm toán viên có thể đề nghị kiểm tra các hợp đồng hiện có vào thời điểm kết thúc kỳ kế toán); d) Giai đoạn hoặc thời điểm liên quan đến bằng chứng kiểm toán. 19. Một số thủ tục kiểm toán có thể chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối kỳ hoặc sau giai đoạn cuối kỳ. Ví dụ: Việc đối chiếu số liệu trên báo cáo tài chính với sổ kế toán và việc kiểm tra các khoản mục được điều chỉnh thực hiện trong quá trình lập báo cáo tài chính. Nếu xảy ra rủi ro là đơn vị được kiểm toán có những hợp đồng kinh tế không minh bạch hoặc các giao dịch không được quyết toán vào giai đoạn cuối kỳ thì kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán thích hợp để xử lý rủi ro cụ thể này. Ví dụ: Nếu giá trị của từng giao dịch là trọng yếu hoặc sai sót xảy ra vào lúc khóa sổ kế toán có thể dẫn đến sai sót trọng yếu, thông thường kiểm toán viên sẽ kiểm tra các giao dịch phát sinh gần thời điểm cuối kỳ. Phạm vi 20. Phạm vi các thủ tục kiểm toán là số lượng thủ tục kiểm toán cụ thể cần thực hiện. Ví dụ: Cỡ của một mẫu hoặc số lượng các quan sát đối với một hoạt động kiểm soát. Phạm vi của thủ tục kiểm toán được kiểm toán viên xác định dựa vào xét đoán chuyên môn của mình sau khi cân nhắc đến mức độ trọng yếu, các rủi ro được đánh giá và mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên dự kiến cần thu thập được. Kiểm toán viên cần mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu tăng lên. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán chỉ thực sự có hiệu quả nếu bản thân thủ tục kiểm toán phù hợp với rủi ro đặc thù này. Do đó, nội dung của thủ tục kiểm toán được coi là yếu tố quan trọng nhất. 21. Việc sử dụng các kỹ thuật kiểm toán bằng máy tính có thể giúp cho việc kiểm tra nhiều nghiệp vụ kế toán và các tệp tin dưới dạng điện tử. Các kỹ thuật này có thể được sử dụng để chọn các mẫu từ các tệp tin dưới dạng điện tử chính để phân loại chúng thành các nghiệp vụ với tiêu chuẩn đặc thù hoặc kiểm tra toàn bộ thay vì kiểm tra mẫu. 22. Thông thường kiểm toán viên có thể đưa ra kết luận phù hợp trên cơ sở sử dụng phương pháp chọn mẫu. Tuy nhiên, nếu số lượng mẫu được lựa chọn từ tổng thể quá ít thì phương pháp lấy mẫu sẽ không phù hợp để thỏa mãn một mục tiêu kiểm toán cụ thể. Nếu các trường hợp ngoại lệ không được theo dõi một cách phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro không thể chấp nhận được là kết luận của kiểm toán viên đưa ra chỉ dựa trên cơ sở một số mẫu kiểm toán làm cho kết luận này có thể khác với kết luận được rút ra nếu thực hiện thủ tục kiểm toán dựa trên cơ sở toàn bộ tổng thể. Chuẩn mực kiểm toán số 530 “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác” hướng dẫn phương pháp lấy mẫu kiểm toán. 23. Chuẩn mực này hướng dẫn việc sử dụng kết hợp các phương pháp kiểm toán khác nhau, đây cũng là một phần nội dung kiểm tra trình bày ở trên. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu phạm vi kiểm tra có phù hợp không khi sử dụng kết hợp các thủ tục kiểm toán khác nhau. Các thử nghiệm kiểm soát 24. Kiểm toán viên yêu cầu phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nếu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên bao gồm cả kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hoặc nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với cơ sở dẫn liệu. 25. Nếu kiểm toán viên đánh giá có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu, kể cả khi rất kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán vẫn phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp về sự vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát tại các thời điểm liên quan trong suốt quá trình kiểm toán. Đoạn 41-46 quy định về việc sử dụng các bằng chứng kiểm toán liên quan đến tính hiệu quả của các thử nghiệm kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây. 26. Trường hợp kiểm toán viên đánh giá có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu, kể cả khi rất kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì kiểm toán viên vẫn phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đó. Việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát chỉ được thực hiện đối với hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên cho rằng chúng được thiết kế hoàn toàn phù hợp để ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa sai sót trọng yếu ở một cơ sở dẫn liệu. 27. Nếu kiểm toán viên cho rằng việc giảm rủi ro sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu tới mức có thể chấp nhận được là không thể thực hiện được hoặc sẽ là không thực tế nếu chỉ dựa trên cơ sở bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản thì kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát phù hợp nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đó. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể cho rằng là không thể thực hiện được các thử nghiệm cơ bản một cách có hiệu quả có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp trong trường hợp đơn vị sử dụng công nghệ thông tin nhưng tài liệu liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh lại không được in ra hoặc lưu lại bên ngoài hệ thống công nghệ thông tin. 28. Việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát khác với việc thu thập bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát đã được thực hiện. Khi thu thập bằng chứng kiểm toán về việc thực hiện của hoạt động kiểm soát bằng cách thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần xác định các hoạt động kiểm soát liên quan đang được đơn vị được kiểm toán áp dụng. Khi kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về sự vận hành hiệu quả của hoạt động kiểm soát này trong suốt thời kỳ kiểm toán. Thử nghiệm này bao gồm việc thu thập bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát tại các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán; mức độ nhất quán với hoạt động kiểm soát đã được vận dụng, hoạt động kiểm soát do ai thực hiện và được thực hiện như thế nào. Nếu các hoạt động kiểm soát khác nhau được vận dụng tại các thời điểm khác nhau trong giai đoạn kiểm toán, kiểm toán viên cần xem xét riêng từng loại kiểm soát. Kiểm toán viên có thể kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát, đồng thời với việc đánh giá về thiết kế của hoạt động kiểm soát và thu thập bằng chứng kiểm toán về hiệu quả của hoạt động kiểm soát này. 29. Mặc dù một số thủ tục đánh giá rủi ro mà kiểm toán viên thực hiện để đánh giá việc thiết kế của hoạt động kiểm soát và để xác định rằng hoạt động kiểm soát đã được thực hiện có thể không được cụ thể như thử nghiệm kiểm soát, nhưng nếu các thủ tục này cung cấp bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nên có thể được coi là thử nghiệm kiểm soát. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể hỏi về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Ban Giám đốc; kiểm tra các báo cáo; so sánh chi phí thực tế hàng tháng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kiểm tra các báo cáo để phát hiện biến động giữa số liệu thực tế so với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các thủ tục kiểm toán này cung cấp những hiểu biết về công tác lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, và liệu kế hoạch này có được thực hiện hay không. Các thủ tục này cũng có thể đưa ra bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của quy trình lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong việc ngăn ngừa hoặc phát hiện các sai sót trọng yếu trong phân loại chi phí. Trường hợp này, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu bằng chứng kiểm toán thu thập từ các thủ tục kiểm toán này có đầy đủ hay không. Nội dung các thử nghiệm kiểm soát 30. Kiểm toán viên lựa chọn các thủ tục kiểm toán để có được sự đảm bảo về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Mức độ đảm bảo dự kiến đạt được càng cao thì kiểm toán viên phải thu thập nhiều bằng chứng kiểm toán tin cậy hơn. Việc lựa chọn phương pháp kiểm toán chủ yếu bao gồm các thử nghiệm kiểm soát, đặc biệt là đối với các rủi ro mà nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp thì kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đạt được mức độ đảm bảo cao hơn về tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát. 31. Kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung kết hợp với phỏng vấn để kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Mặc dù khác với việc tìm hiểu về thiết kế và vận hành của hoạt động kiểm soát, việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động này có chung các thủ tục kiểm toán để đánh giá việc thiết kế và thực hiện của hoạt động kiểm soát và có thể bao gồm cả việc kiểm toán viên thực hiện lại hoạt động kiểm soát này. Ngoài thủ tục phỏng vấn, kiểm toán viên cần sử dụng kết hợp các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Hoạt động kiểm soát được thử nghiệm bằng cách phỏng vấn kết hợp với kiểm tra và thực hiện lại thông thường có mức độ đảm bảo cao hơn so với hoạt động kiểm soát mà bằng chứng kiểm toán thu thập được chỉ đơn thuần từ việc phỏng vấn và quan sát. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể phỏng vấn và quan sát các thủ tục của đơn vị về việc xử lý nghiệp vụ nhận tiền mặt để thử nghiệm tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nghiệp vụ nhận tiền mặt của đơn vị. Do việc quan sát chỉ thích hợp tại thời điểm diễn ra nghiệp vụ đó, nên thông thường bên cạnh việc quan sát, kiểm toán viên cần thực hiện phỏng vấn đối với nhân viên và kiểm tra tài liệu của đơn vị về hoạt động kiểm soát này tại những thời điểm khác nhau trong suốt giai đoạn kiểm toán để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. 32. Bản chất của một hoạt động kiểm soát cụ thể ảnh hưởng đến loại thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán xem liệu hoạt động kiểm soát có được vận hành một cách hiệu quả không tại các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán. Tính hiệu quả của một số loại hoạt động kiểm soát có thể được chứng minh dưới hình thức văn bản. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể kiểm tra tài liệu của đơn vị nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát có thể không được lưu trữ lại dưới hình thức văn bản. Ví dụ: Có thể không có tài liệu hoặc lưu lại về hoạt động của một số yếu tố của môi trường kiểm soát, như việc giao quyền, phân công trách nhiệm, hoặc một số hoạt động kiểm soát được xử lý bằng máy tính. Trường hợp này, bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả có thể thu thập được bằng cách phỏng vấn kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác như quan sát hoặc sử dụng nghiệp vụ kiểm toán được thực hiện bằng máy tính. 33. Khi thiết kế các thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên cần cân nhắc sự cần thiết phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát có liên quan trực tiếp đến các cơ sở dẫn liệu đang xem xét cũng như hoạt động kiểm soát liên quan gián tiếp khác mà hoạt động kiểm soát này phụ thuộc vào. Ví dụ, kiểm toán viên có thể coi việc một người soát xét báo cáo, đặc biệt về số tiền cho vay so với hạn mức được vay của khách hàng như là hoạt động kiểm soát trực tiếp liên quan đến một cơ sở dẫn liệu. Trường hợp này, kiểm toán viên cần cân nhắc tính hiệu quả của việc soát xét báo cáo này cũng như hoạt động kiểm soát liên quan đến mức độ chính xác của thông tin trong báo cáo. 34. Trường hợp hoạt động kiểm soát được thực hiện tự động, do sự đồng bộ của việc xử lý bằng công nghệ thông tin, bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được thực hiện tại thời điểm đánh giá cùng với bằng chứng kiểm toán thu thập được về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát của đơn vị nói chung có thể đưa ra bằng chứng kiểm toán quan trọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong giai đoạn phù hợp. 35. Dựa trên kết quả của việc đánh giá rủi ro, kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm kiểm soát cùng với thử nghiệm cơ bản cho cùng một nghiệp vụ. Mục tiêu của thử nghiệm kiểm soát nhằm đánh giá xem hoạt động kiểm soát có hiệu quả hay không. Mục tiêu của thử nghiệm cơ bản là nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu. Mặc dù có mục tiêu khác nhau nhưng cả hai loại thử nghiệm này có thể được thực hiện cùng một lúc bằng cách thực hiện một thử nghiệm kiểm soát và một thử nghiệm cơ bản đối với cùng một giao dịch (thử nghiệm kép). Ví dụ: Kiểm toán viên có thể kiểm tra một hóa đơn và xác định liệu hóa đơn này đã được phê duyệt đầy đủ hay chưa, đồng thời có thể đưa ra một bằng chứng kiểm toán khác về nghiệp vụ này. Kiểm toán viên cần cân nhắc một cách thận trọng việc tổ chức và đánh giá các thử nghiệm này để đạt được cả 2 mục tiêu kiểm toán nêu trên. 36. Việc một thử nghiệm cơ bản không phát hiện thấy có sai sót, không cung cấp bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát liên quan đến một cơ sở dẫn liệu đã được kiểm tra là có hiệu quả. Tuy nhiên, các sai sót được kiểm toán viên phát hiện từ việc thực hiện thử nghiệm cơ bản cần được cân nhắc khi kiểm toán viên đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Sai sót trọng yếu được kiểm toán viên phát hiện mà không phải do đơn vị phát hiện thể hiện khiếm khuyết quan trọng trong hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị, kiểm toán viên sẽ trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về nội dung này. Lịch trình các thử nghiệm kiểm soát 37. Lịch trình các thử nghiệm kiểm soát phụ thuộc vào mục tiêu của kiểm toán viên và xác định thời gian tin cậy của hoạt động kiểm soát. Nếu thử nghiệm hoạt động kiểm soát tại một thời điểm cụ thể thì kiểm toán viên chỉ cần thu thập bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được vận hành một cách hiệu quả vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm kiểm soát được tiến hành trong một giai đoạn thì kiểm toán viên có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn đó. 38. Một bằng chứng kiểm toán chỉ liên quan đến một thời điểm vẫn có thể là đầy đủ đối với một mục tiêu cụ thể của kiểm toán viên, như: Việc kiểm kê hàng tồn kho thực tế của đơn vị vào giai đoạn cuối kỳ. Mặt khác, nếu kiểm toán viên yêu cầu bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong một giai đoạn thì bằng chứng kiểm toán chỉ liên quan đến một thời điểm có thể là chưa đầy đủ và kiểm toán viên cần bổ sung thêm các bước kiểm tra và các thử nghiệm kiểm soát khác để có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được vận hành một cách có hiệu quả vào các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán. Các thử nghiệm khác đó có thể bao gồm cả thử nghiệm về sự giám sát hoạt động kiểm soát của đơn vị được kiểm toán. 39. Khi kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên sẽ phải xác định bằng chứng kiểm toán bổ sung nào cần thu thập cho giai đoạn còn lại. Khi xác định bằng chứng kiểm toán bổ sung, kiểm toán viên cần xem xét đến mức độ quan trọng của các sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu; hoạt động kiểm soát cụ thể đã được thực hiện trong giai đoạn giữa kỳ; mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát đã được thu thập; độ dài của giai đoạn còn lại. Căn cứ vào mức độ tin cậy của các hoạt động kiểm soát và môi trường kiểm soát mà kiểm toán viên dự định giảm bớt phạm vi của các thử nghiệm cơ bản. Kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về nội dung và phạm vi của bất cứ thay đổi quan trọng nào trong hệ thống kiểm soát nội bộ, kể cả các thay đổi của hệ thống thông tin, quy trình xử lý và nhân sự xảy ra sau giai đoạn kiểm toán giữa kỳ. 40. Ví dụ, có thể phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán bổ sung bằng cách kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát ở giai đoạn còn lại hay kiểm tra công tác giám sát hoạt động kiểm soát của đơn vị được kiểm toán. 41. Nếu kiểm toán viên có kế hoạch sử dụng bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đó, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát cụ thể đó liệu có thay đổi sau cuộc kiểm toán trước đó hay không. Để thu thập bằng chứng kiểm toán về các thay đổi này, kiểm toán viên phải thực hiện thủ tục phỏng vấn kết hợp với quan sát hoặc điều tra để xác nhận hiểu biết của mình về các hoạt động kiểm soát cụ thể này. Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán” yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán để xây dựng mối quan hệ liên tục với bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các giai đoạn trước đó nếu kiểm toán viên dự định sử dụng các bằng chứng kiểm toán trong giai đoạn hiện tại. Ví dụ: Khi tiến hành kiểm toán giai đoạn trước đó, nếu một hoạt động kiểm soát của đơn vị được thực hiện tự động thì kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán để xác định liệu có sự thay đổi nào về hoạt động kiểm soát tự động này hay không và nếu có thì nó có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát hay không. Để làm được việc này, kiểm toán viên cần phỏng vấn Ban Giám đốc và kiểm tra các sổ theo dõi để xác định liệu có hoạt động kiểm soát nào đã bị thay đổi. Bằng chứng kiểm toán về những thay đổi này sẽ giúp kiểm toán viên quyết định tăng hay giảm bằng chứng kiểm toán cần phải thu thập trong giai đoạn hiện tại để đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát. 42. Nếu kiểm toán viên tin cậy vào các hoạt động kiểm soát đã được thay đổi sau khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đây, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này trong giai đoạn hiện tại. Các thay đổi này có thể có ảnh hưởng đến tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các giai đoạn trước, thậm chí tới mức không còn có cơ sở để kiểm toán viên tiếp tục tin cậy. Ví dụ: Những thay đổi về hệ thống thu thập báo cáo của đơn vị có thể không có ảnh hưởng đến tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được ở giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi làm cho cơ sở dữ liệu của đơn vị được cộng luỹ kế hoặc được tính toán theo một cách khác thì sẽ ảnh hưởng thực sự đến hoạt động kiểm soát. 43. Nếu kiểm toán viên tin cậy vào các hoạt động kiểm soát không bị thay đổi kể từ khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đây, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này ít nhất một lần trong 3 đợt kiểm toán sau. Đoạn 42 và 46 quy định bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đó có thể không làm kiểm toán viên tin cậy trong trường hợp các hoạt động kiểm soát có thể đã thay đổi kể từ khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đó hoặc đối với các kiểm soát chỉ nhằm giảm bớt rủi ro trọng yếu. Việc quyết định có tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây hay không tuỳ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Ngoài ra, khoảng thời gian kiểm tra lại hoạt động kiểm soát này cũng tuỳ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên, nhưng không được kéo dài quá hai năm. 44. Khi xem xét tính phù hợp của việc sử dụng bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây, nếu sẽ sử dụng, khoảng thời gian thích hợp trước khi thực hiện kiểm tra lại một hoạt động kiểm soát, kiểm toán viên cần cân nhắc: Mức độ hiệu quả của các yếu tố khác trong hệ thống a) kiểm soát nội bộ, kể cả môi trường kiểm soát, công tác giám sát các hoạt động kiểm soát và quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị; Các rủi ro do tính chất của kiểm soát, kể cả hoạt động b) kiểm soát thủ công và tự động; Tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hệ thống tin học c) nói chung; Tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát và việc thực hiện d) kiểm soát của đơn vị, kể cả nội dung và phạm vi của các thay đổi trong việc thực hiện kiểm soát so với việc kiểm tra về tính hiệu quả trong các cuộc kiểm toán trước đây; Rủi ro có sai sót trọng yếu và mức độ tin cậy vào hoạt e) động kiểm soát. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng lớn hoặc mức độ tin cậy của hoạt động kiểm soát càng cao thì thời gian kiểm tra (nếu có) càng ngắn. Các yếu tố thông thường làm giảm thời gian kiểm tra lại một hoạt động kiểm soát hoặc làm cho kiểm toán viên quyết định không tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây gồm: Môi trường kiểm soát yếu; - Sự yếu kém của công tác giám sát hoạt động - kiểm soát; Các hoạt động kiểm soát có một yếu tố quan - trọng được thực hiện thủ công; Thay đổi nhân sự ảnh hưởng quan trọng đến - hoạt động kiểm soát; Tình hình thay đổi dẫn đến việc cần thiết - thay đổi hoạt động kiểm soát; Hoạt động kiểm soát hệ thống tin học nói - chung là yếu. 45. Nếu có một số hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên xác định rằng việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây là phù hợp, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của những hoạt động kiểm soát này ở từng cuộc kiểm toán. Yêu cầu này nhằm tránh khả năng kiểm toán viên có thể sử dụng phương pháp kiểm toán trình bày ở đoạn 43 với toàn bộ hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên dự kiến tin cậy, nhưng chỉ kiểm tra hoạt động kiểm soát này ở một giai đoạn kiểm toán riêng rẽ mà không kiểm tra hoạt động kiểm soát này trong hai giai đoạn kiểm toán sau đó. Bên cạnh việc cung cấp bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát được kiểm tra ở cuộc kiểm toán hiện tại, việc thực hiện các thử nghiệm này cung cấp thêm bằng chứng bổ sung về tính hiệu quả của môi trường kiểm soát. Từ đó giúp kiểm toán viên quyết định sẽ tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây. Như vậy, nếu kiểm toán viên thực hiện theo quy định tại các đoạn 41-44 nếu cho rằng việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây là phù hợp với một số loại hoạt động kiểm soát, khi đó kiểm toán viên sẽ lập kế hoạch kiểm tra một phần đầy đủ của hoạt động kiểm soát từ mẫu tổng thể trong từng giai đoạn kiểm toán, mỗi hoạt động kiểm soát phải được kiểm tra ít nhất một lần trong 3 đợt kiểm toán. 46. Khi kiểm toán viên đã xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu là rủi ro quan trọng và kiểm toán viên dự định tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nhằm giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu này thì kiểm toán viên sẽ phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát từ các thử nghiệm kiểm soát được thực hiện trong giai đoạn hiện tại. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng lớn thì kiểm toán viên càng phải thu thập nhiều bằng chứng kiểm toán về sự vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát liên quan. Do đó, mặc dù kiểm toán viên thường xem xét thông tin thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây để thiết kế các thử nghiệm kiểm soát nhằm giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu, nhưng kiểm toán viên không tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ cuộc kiểm toán trước đây về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với các rủi ro này. Do đó, kiểm toán viên sẽ thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro trong giai đoạn hiện tại. Phạm vi các thử nghiệm kiểm soát 47. Kiểm toán viên phải thiết kế các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp về sự vận hành một cách có hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn kiểm tra. Khi xác định phạm vi của các thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên có thể xem xét các vấn đề sau: Tần suất thực hiện hoạt động kiểm soát của đơn vị trong a) suốt giai đoạn; Khoảng thời gian trong giai đoạn kiểm toán mà kiểm toán b) viên tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát; Tính phù hợp và mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm c) toán cần thu thập được về việc hoạt động kiểm soát đã ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu; Phạm vi bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử d) nghiệm kiểm soát khác liên quan đến cơ sở dẫn liệu; Phạm vi kiểm toán viên dự định tin cậy vào tính hiệu quả e) của hoạt động kiểm soát để đánh giá rủi ro (và từ đó giảm các thử nghiệm cơ bản căn cứ vào mức độ tin cậy vào hệ thống kiểm soát); Thay đổi dự kiến về hoạt động kiểm soát. f) 48. Trong việc đánh giá rủi ro, kiểm toán viên càng tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì phạm vi thử nghiệm kiểm soát càng lớn. Khi tỷ lệ biến đổi dự kiến của hoạt động kiểm soát tăng lên thì phạm vi thử nghiệm kiểm soát của kiểm toán viên cũng tăng lên. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu tỷ lệ biến đổi dự kiến có chỉ ra là hoạt động kiểm soát chưa đủ để giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu mà kiểm toán viên đánh giá. Nếu tỷ lệ biến đổi dự kiến này là quá cao thì kiểm toán viên có thể cho rằng các thử nghiệm kiểm soát đối với một cơ sở dẫn liệu cụ thể là không hiệu quả. 49. Do tính chất hoạt động ổn định của hệ thống tin học, kiểm toán viên có thể không cần tăng phạm vi kiểm tra của một hoạt động kiểm soát tự động. Một hoạt động kiểm soát tự động sẽ thực hiện một cách ổn định nếu chương trình phần mềm không bị thay đổi. Khi kiểm toán viên xác định hệ thống kiểm soát tự động thực hiện chức năng như mong muốn (có thể thực hiện chương trình vào bất cứ lúc nào khi kiểm soát hoạt động trước hoặc vào một thời điểm nào khác), kiểm toán viên xem xét thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm xác định sự tiếp tục vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Các thử nghiệm kiểm soát này có thể xác định các thay đổi của chương trình sẽ không được triển khai khi chưa có sự thay đổi về hoạt động kiểm soát. Thử nghiệm cơ bản 50. Thử nghiệm cơ bản được thực hiện để phát hiện các sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu. Thử nghiệm cơ bản gồm các kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ, số dư khoản mục, các giải trình có liên quan và các quy trình phân tích. Kiểm toán viên lập kế hoạch và thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu. 51. Cho dù kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu là như thế nào, kiểm toán viên sẽ phải tổ chức và thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục và các giải trình trọng yếu có liên quan. Yêu cầu này xuất phát từ việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên chỉ căn cứ vào xét đoán chuyên môn của mình và có thể là chưa đầy đủ để phát hiện ra tất cả các rủi ro có sai sót trọng yếu. Hơn nữa, có những hạn chế tiềm tàng trong hệ thống kiểm soát nội bộ, bao gồm quyền phủ quyết của Ban Giám đốc. Do đó, mặc dù kiểm toán viên có thể xác định rằng rủi ro có sai sót trọng yếu có thể được giảm xuống mức thấp có thể chấp nhận được bằng cách thực hiện các thử nghiệm kiểm soát đối với một cơ sở dẫn liệu cụ thể cho một loại nghiệp vụ, số dư khoản mục và các giải trình có liên quan (đoạn 10), kiểm toán viên vẫn luôn thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng loại nghiệp vụ trọng yếu, số dư khoản mục và các giải trình có liên quan. 52. Thử nghiệm cơ bản của kiểm toán viên phải bao gồm các thủ tục kiểm toán liên quan đến quy trình khóa sổ, lập báo cáo tài chính, như sau: Khớp số liệu trên báo cáo tài chính với số liệu trên sổ a) kế toán; Kiểm tra các bút toán trọng yếu và các điều chỉnh khác b) được thực hiện trong quá trình lập báo cáo tài chính. Nội dung và phạm vi kiểm tra bút toán và các điều chỉnh khác của kiểm toán viên phụ thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của quy trình lập báo cáo tài chính của đơn vị và các rủi ro có sai sót trọng yếu liên quan. Nếu kiểm toán viên đã xác định ra rủi ro có sai sót trọng yếu trong 53. cơ sở dẫn liệu là rủi ro quan trọng thì kiểm toán viên sẽ phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro này. Ví dụ, nếu kiểm toán viên nhận thấy Ban Giám đốc chịu nhiều sức ép phải đạt được các mục tiêu lợi nhuận thì có thể có rủi ro là Ban Giám đốc sẽ nâng doanh số bán hàng bằng cách ghi nhận doanh thu khi chưa bán hàng. Trường hợp này, kiểm toán viên lập các bản đề nghị xác nhận từ khách hàng của đơn vị không chỉ về số dư chưa thanh toán mà còn xác nhận các chi tiết của hợp đồng mua, bán như thời gian hợp đồng, các điều khoản về giao hàng và trả lại hàng. Ngoài ra, nếu thấy có hiệu quả, kiểm toán viên có thể bổ sung thêm bằng chứng bên cạnh các bản xác nhận trên bằng cách phỏng vấn các nhân viên không làm công tác tài chính trong đơn vị về những thay đổi trong hợp đồng mua, bán và các điều khoản giao hàng. 54. Nếu phương pháp kiểm toán các rủi ro quan trọng này chỉ gồm các thử nghiệm cơ bản thì các thủ tục kiểm toán thích hợp để xử lý các rủi ro quan trọng này có thể bao gồm các kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư khoản mục hoặc là sự kết hợp giữa kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư khoản mục với thực hiện quy trình phân tích. Kiểm toán viên cần xem xét quy định tại các đoạn 55-66 khi thiết kế nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản đối với các rủi ro quan trọng. Để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, các thử nghiệm cơ bản liên quan đến các rủi ro quan trọng thường được thiết kế nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán có mức độ tin cậy cao. Nội dung quy trình phân tích 55. Quy trình phân tích cơ bản thường được áp dụng với các khoản mục gồm số lượng lớn các nghiệp vụ và có thể dự đoán được theo thời gian. Kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư thường thích hợp trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán liên quan đến cơ sở dẫn liệu cụ thể về số dư khoản mục, bao gồm cơ sở dẫn liệu hiện hữu và các đánh giá. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện quy trình phân tích cũng đủ để giảm rủi ro có sai sót trọng yếu xuống mức có thể chấp nhận được. Ví dụ: Kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện quy trình phân tích là đủ để xử lý rủi ro phát hiện sai sót trọng yếu của một loại nghiệp vụ nếu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên được hỗ trợ thêm bằng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Trường hợp khác, kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ, số dư khoản mục là phù hợp, hay thực hiện phương pháp kết hợp giữa quy trình phân tích với kiểm tra chi tiết là phù hợp hơn đối với các rủi ro đã được đánh giá. 56. Kiểm toán viên thực hiện kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư sao cho phù hợp nhất với các rủi ro đã được đánh giá để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để có được mức độ đảm bảo mong muốn trong cơ sở dẫn liệu. Khi thiết kế các thử nghiệm cơ bản liên quan đến cơ sở dẫn liệu hiện hữu hay phát sinh, kiểm toán viên cần lựa chọn từ các khoản mục nào trong báo cáo tài chính để có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán liên quan. Mặt khác, khi thực hiện các thủ tục kiểm toán liên quan đến cơ sở dẫn liệu đầy đủ, kiểm toán viên cần lựa chọn từ các bằng chứng kiểm toán nào chỉ ra rằng một khoản mục sẽ phải có trong báo cáo tài chính và sau đó kiểm tra xem liệu khoản mục này đã được trình bày trong báo cáo tài chính hay không. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể kiểm tra nghiệp vụ thanh toán sau ngày khóa sổ để xác định xem các hoạt động mua sắm có bị bỏ sót khi ghi chép các khoản phải trả hay không. 57. Khi xây dựng quy trình phân tích, kiểm toán viên cần xem xét đến các vấn đề sau: Mức độ phù hợp khi sử dụng quy trình phân tích đối với cơ a) sở dẫn liệu; Mức độ tin cậy của những dữ liệu được sử dụng để xác b) định giá trị ghi sổ ước tính hoặc tỷ lệ bất kể dữ liệu đó được tạo ra từ nội bộ hay thu thập được từ bên ngoài; Liệu các ước tính có đủ chính xác để xác định sai sót trọng c) yếu ở mức đảm bảo mong muốn; Khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá trị ước tính có d) thể chấp nhận được. Kiểm toán viên cần cân nhắc khi kiểm tra hoạt động kiểm soát, nếu có, về những thông tin do đơn vị chuẩn bị mà kiểm toán viên sử dụng khi thực hiện quy trình phân tích của mình. Nếu hoạt động kiểm soát này có hiệu quả thì kiểm toán viên có thể tin tưởng hơn vào tính trung thực của thông tin cũng như về kết quả của quy trình phân tích. Mặt khác, kiểm toán viên có thể cân nhắc liệu thông tin có bị phụ thuộc vào thủ tục kiểm toán của kỳ này hay kỳ trước không. Khi xác định quy trình kiểm toán những thông tin làm cơ sở dự đoán quy trình phân tích, kiểm toán viên cần xem xét quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán”. Lịch trình thực hiện các thử nghiệm cơ bản 58. Khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản ở giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản bổ sung hoặc các thử nghiệm cơ bản kết hợp với các thử nghiệm kiểm soát để bao quát được cả giai đoạn còn lại nhằm tạo ra cơ sở hợp lý cho việc mở rộng phạm vi kết luận của kiểm toán viên từ giai đoạn giữa kỳ cho đến giai đoạn cuối kỳ. 59. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm cơ bản vào thời điểm giữa kỳ. Điều này làm tăng rủi ro xảy ra các sai sót vào giai đoạn cuối kỳ do không được kiểm toán viên phát hiện. Rủi ro này càng tăng nếu giai đoạn còn lại càng dài. Khi kiểm toán viên cân nhắc liệu có thực hiện thử nghiệm cơ bản ở giai đoạn giữa kỳ hay không, cần xem xét đến các yếu tố sau: Môi trường kiểm soát và hoạt động kiểm soát liên quan a) khác; Mức độ sẵn có của thông tin cần thiết cho các thủ tục của b) kiểm toán viên vào giai đoạn sau ; Mục tiêu của thử nghiệm cơ bản; c) Rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu đã được đánh giá; d) Tính chất của loại nghiệp vụ hoặc số dư khoản mục và e) các cơ sở dẫn liệu liên quan; Khả năng của kiểm toán viên khi thực hiện các thử nghiệm f) cơ bản thích hợp hoặc kết hợp các thử nghiệm cơ bản với các thử nghiệm kiểm soát để soát xét toàn bộ giai đoạn còn lại nhằm làm giảm rủi ro xảy ra sai sót vào giai đoạn cuối kỳ chưa được kiểm toán viên phát hiện. 60. Dù kiểm toán viên không buộc phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát để tạo ra cơ sở hợp lý cho kiểm toán viên mở rộng phạm vi kết luận của mình từ giai đoạn giữa kỳ cho đến giai đoạn cuối kỳ, kiểm toán viên cần cân nhắc xem liệu chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản cho giai đoạn còn lại đã là đủ hay chưa. Nếu kiểm toán viên kết luận rằng chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản là chưa đầy đủ thì kiểm toán viên sẽ thực hiện các thử nghiệm kiểm soát về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản vào giai đoạn cuối kỳ. 61. Trường hợp phát hiện rủi ro có sai sót trọng yếu là do gian lận, kiểm toán viên sẽ xử lý các rủi ro này bằng cách thay đổi lịch trình của các thủ tục kiểm toán. Ví dụ, kiểm toán viên có thể kết luận rằng cần thực hiện các thử nghiệm cơ bản tại hoặc gần thời điểm cuối kỳ báo cáo để chỉ ra rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 240 “Gian lận và sai sót”. 62. Kiểm toán viên phải so sánh và đối chiếu thông tin về số dư cuối kỳ với thông tin so sánh vào thời điểm giữa kỳ để phát hiện các khoản mục bất thường, kiểm tra các khoản mục bất thường và thực hiện quy trình phân tích hoặc các thử nghiệm cơ bản để kiểm tra giai đoạn từ giữa kỳ đến cuối kỳ kế toán. Khi lên kế hoạch thực hiện quy trình phân tích cho giai đoạn này, kiểm toán viên cần xem xét liệu các số dư cuối kỳ của các loại nghiệp vụ cụ thể hoặc số dư các khoản mục có được ước tính một cách hợp lý về giá trị, mức độ quan trọng và kết cấu tài khoản hay không. Kiểm toán viên cần xem xét liệu quy trình phân tích, việc điều chỉnh các loại nghiệp vụ, hoặc số dư các tài khoản tại thời điểm giữa kỳ, và việc thực hiện khoá sổ kế toán của đơn vị có phù hợp không. Ngoài ra, kiểm toán viên cần xem xét liệu hệ thống thông tin liên quan đến việc lập báo cáo tài chính có cung cấp các thông tin liên quan đến số dư cuối kỳ và các nghiệp vụ trong giai đoạn còn lại có đầy đủ để kiểm toán viên thực hiện điều tra: Các giao dịch lớn bất thường hoặc các giao dịch phát sinh tại hoặc gần thời điểm cuối kỳ; Kiểm toán viên cũng cần cân nhắc nguyên nhân của các biến đổi quan trọng khác hoặc các biến đổi dự kiến đã không xảy ra hoặc thay đổi về kết cấu các loại giao dịch hay các số dư khoản mục. Các thử nghiệm cơ bản nào được sử dụng trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào việc liệu kiểm toán viên đã thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hay chưa. 63. Nếu phát hiện ra sai sót ở các loại giao dịch hoặc các số dư khoản mục trong giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên cần sửa đổi lại mức đánh giá rủi ro liên quan cũng như sửa đổi lại nội dung, lịch trình và phạm vi dự kiến của thử nghiệm cơ bản dùng cho giai đoạn còn lại sao cho phù hợp với các loại nghiệp vụ và các số dư khoản mục này hoặc mở rộng phạm vi hay thực hiện lại các thủ tục kiểm toán đó ở giai đoạn cuối kỳ. 64. Việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản ở cuộc kiểm toán trước đây là chưa đủ để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu ở giai đoạn hiện tại. Trong phần lớn các trường hợp, bằng chứng kiểm toán thu thập được từ thử nghiệm cơ bản thực hiện ở các cuộc kiểm toán trước đây cung cấp rất ít hoặc không cung cấp được bằng chứng kiểm toán cho giai đoạn hiện tại. Để sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được trong các cuộc kiểm toán trước đây như một bằng chứng kiểm toán quan trọng thì bằng chứng kiểm toán và vấn đề liên quan đó về cơ bản không được thay đổi. Ví dụ: Bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản trong các cuộc kiểm toán trước đây có thể vẫn còn giá trị cho giai đoạn hiện tại như ý kiến liên quan đến việc chứng khoán hoá các khoản mục không có thay đổi trong kỳ hiện tại. Theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán”, nếu kiểm toán viên có kế hoạch sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ thử nghiệm cơ bản trong giai đoạn kiểm toán trước đây, kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán trong suốt giai đoạn hiện tại để xây dựng được mối quan hệ liên tục giữa các bằng chứng kiểm toán. Phạm vi thực hiện các thử nghiệm cơ bản 65. Nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu càng lớn thì phạm vi của thử nghiệm cơ bản phải càng rộng. Do rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu thường liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ nên phạm vi thử nghiệm cơ bản có thể phải tăng lên vì kiểm toán viên không hài lòng với kết quả kiểm tra về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi của một thử nghiệm kiểm toán chỉ thực sự thích hợp nếu bản thân thử nghiệm kiểm toán đó liên quan cụ thể đến rủi ro này. 66. Khi xây dựng các thử nghiệm cơ bản, phạm vi kiểm tra thường liên quan đến kích thước mẫu vì kích thước mẫu chịu ảnh hưởng của rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần xem xét đến các vấn đề khác như việc sử dụng các phương pháp lựa chọn mẫu khác có hiệu quả hơn không. Ví dụ, lựa chọn các phần tử lớn hoặc bất thường từ một tổng thể thay vì cách lấy mẫu đại diện hoặc phân nhóm một tổng thể thành các nhóm riêng biệt có cùng tính chất. Chuẩn mực kiểm toán số 530 “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác” hướng dẫn lấy mẫu kiểm toán và các phương pháp lựa chọn mẫu khác. Khi xây dựng quy trình phân tích, kiểm toán viên cần cân nhắc mức độ chênh lệch có thể chấp nhận được so với mức độ chênh lệch dự kiến để xác định xem liệu có cần thiết phải thực hiện thử nghiệm cơ bản bổ sung hay không. Việc xem xét này chịu ảnh hưởng bởi mức độ trọng yếu và tính nhất quán với mức độ đảm bảo mong muốn. Việc xác định mức độ chênh lệnh này đòi hỏi kiểm toán viên cân nhắc khả năng là tổng các sai sót trong số dư một tài khoản cụ thể, hoặc sai sót trong việc ghi nhận các giao dịch hay sai sót phát sinh từ việc trình bày có thể vượt quá mức có thể chấp nhận được. Khi xây dựng quy trình phân tích cơ bản, kiểm toán viên cần tăng mức độ đảm bảo mong muốn nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu tăng lên.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net