logo

Hát sắc bùa


Hát sắc bùa Hát sắc bùa là một thể loại âm nhạc đặc sắc của người dân miền Nam Trung Bộ Việt Nam. Hát sắc bùa thường được diễn vào mùa xuân, đặc biệt là các ngày tết, bao gồm một đoàn người là các đôi trai gái, nam mang trống cơm, nữ mang "sênh tiền", đứng đầu là một vị trưởng đoàn đi đến từng nhà và hát chính, đoàn nam nữ đi theo để phụ họa. Các bài hát sắc bùa mang nội dung ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và chúc chủ nhà một năm mới an lành thịnh vượng. Chủ nhà mời đoàn hát sắc bùa vào nhà xông đất để mong một năm mới tốt đẹp. Khác với loại hình diễn xướng dân gian như hát chèo, tuồng, cải lương..., hát sắc bùa mỗi năm chỉ “trình diễn” một lần trong dịp tết cổ truyền. Khi mọi nhà chuẩn bị đón tết, người dân Duy Xuyên vẫn không quên chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đội sắc bùa hát chúc mừng năm mới. Theo quan niệm xưa, hát sắc bùa sẽ xua đuổi rủi ro, đem lại sự an khang thịnh vượng cho mỗi nhà. Ông Trương Tích, người được truyền nghề hát từ lúc lên 5 tuổi, hiện là đội trưởng đội sắc bùa thôn Lệ Bắc (Duy Châu) tự hào: “Mỗi năm đến 20 tháng chạp là đội sắc bùa bắt tay vào việc chuẩn bị trình diễn. Và khi đến giờ giao thừa, sẽ xuất phát, đến từng nhà để hát, chúc phát tài, phát lộc cho đến mồng 10 tháng giêng là kết thúc. Thôn Lệ Bắc hát sắc bùa hay và kỳ công lắm”. Rồi, ông ngâm nga: “Sắc bùa là sắc bùa ơi! - Mong cho đến Tết ăn xôi với chè - Sắc bùa là sắc bùa hòe - Mong cho đến Tết ăn chè với xôi...”. “Nhạc trưởng” hát sắc bùa còn gọi là ông cái, thường là người lớn tuổi. Ông cái kiêm luôn biên đạo, chỉ đạo và sáng tác lời bài hát cho hợp với mọi hoàn cảnh, cũng như thị hiếu của quần chúng. Ông cái thường mang trống cơm, xướng trước để các thành viên trong gánh (đội) sắc bùa xô theo. Ngày xưa, đội sắc bùa có 21 người, gồm 1 ông cái, 16 con và 4 nhạc công. Còn ngày nay, chỉ 7 người: 1 ông cái, 6 con kiêm luôn phần nhạc công. Một nét khác biệt lớn giữa đội sắc bùa ở Duy Xuyên với các nơi khác ở miền Trung là các thành viên trong đội chỉ có nam mà không có nữ. Ba loại nhạc cụ chủ đạo của đội sắc bùa Duy Duyên là trống cơm, sinh tiền và sinh cái. Ông cái dùng trống cơm để điều khiển toàn đội, đánh trống ra lệnh, giữ nhịp điệu, tiết tấu nhanh chậm. Sinh tiền được làm bằng gỗ lim, dài khoảng 25cm, đầu thanh gỗ có một cọc nhỏ, xâu một số đồng tiền cổ. Trang phục đội sắc bùa bắt buộc áo dài đen, đi guốc, đầu đội khăn đóng. “Mở ngõ đã rồi/ Thiệt là chúng tui/ Sắc bùa là hiệu/ Xưa thầy dạy biểu/ Hết năm bảy ngày/ Sắc hết đông tây/ Đêm bùa trừ tịch/ Khai phương khai tịch/ Sát quỷ trừ tà/ Mừng rước xuân qua/ Cho nhà hưng thịnh...”. Sau câu hát ấy, đội sắc bùa lần lượt tiến vào nhà. Ông cái khấn vái, xin phép tổ tiên và gia chủ hai tay nâng lá bùa dán lên cột nhà trước gian thờ. Nội dung lá bùa đại khái như kính chúc gia chủ khang ninh trường thọ. Không dừng lại ở không gian trong nhà, đội sắc bùa còn trình diễn ở mọi nẻo đường quê, lúc người dân lao động trên ruộng đồng, đang trồng dâu nuôi tằm, dệt vải... Nhưng thông thường là biểu diễn tại sân làng. Chương trình hát sắc bùa được bắt đầu bằng bài chúc rượu. Sau đó, hát lô tô các điệu hò, điệu lý, hát đối đáp giao duyên giữa trai gái trong làng hoặc giữa chủ nhà với đội sắc bùa. Rồi, biểu diễn các tiết mục múa trống, múa côn, múa kiếm, đánh quyền kết hợp với các điệu lý vãi chài, hò kéo lưới, hò chèo thuyền... Theo ông Trương Tích: “Thời hiện đại, nên đội hát sắc bùa bỏ đi một số hình thức diễn xướng đòi hỏi kỳ công. Mỗi dịp tết về, người dân địa phương xem hát sắc bùa như một hương vị của mùa xuân. Chính những lời chúc mộc mạc, chân thành của người quê đã làm cho sắc bùa Duy Xuyên sống được với thời gian...”. Hữu Phúc (Theo Báo Quảng Nam) Hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha trộn với ma thuật Đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đôi khi hát sắc bùa Phú Lễ cũng được tổ chức vào dịp cúng đình hàng năm ở ngay tại đình làng. Tục hát sắc bùa có địa chỉ hẳn hoi là xã Phú Lễ, nhưng kết quả điều tra thực tế cho thấy địa bàn hoạt động của nó rộng lớn, gồm các xã lân cận như các xã Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức, An Bình Đông, Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm). Tục hát sắc bùa chúc Tết là một tục lệ có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam: Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình trị Thiên và một số tỉnh miền Nam Trung Bộ từ Phú Yên trở ra. Như vậy hát sắc bùa không phải là nơi sản sinh ra tục hát sắc bùa. Trong khi đi tìm nguồn gốc của nó, một số nhà nghiên cứu, sau khi so sánh những yếu tố tương đồng giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa của một số địa phương (kể cả tục hát sắc bùa của người Mường) đồng thời có liên hệ đối chiếu với hàng loạt gia phả của một số gia đình, dòng họ ở đây, đã đi đến bước đầu kết luận rằng hát sắc bùa Phú Lễ có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Nam Trung Bộ về các phương diện: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục, hình thức văn học, đặc điểm âm nhạc... Đội hát sắc bùa thường được tổ chức từ 4 đến 6 có khi lên đến 8 người, có một ông bầu điều khiển. Đội hát được coi là đầy đủ phải có 6 nghệ nhân biết chơi 6 nhạc cụ. Một cuộc hát thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng giúp vui có tính chất thiên về sinh hoạt văn nghệ. Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tập thể, có xướng có xô, có nhạc cụ phụ họa và nhịp phách rõ ràng. Lời hát là những câu thơ dân gian thuộc thể sáu tám hoặc thơ 4 chữ. Về nội dung, gạt ra một bên những câu hát nặng tính chất xưng tụng, nghi lễ xen lẫn với những phù chú "tống quĩ trừ ma" (chủ yếu ở phần đầu), lời hát sắc bùa phản ánh những ước mơ của người lao động trong dịp đầu năm mới: người làm ruộng mong "mùa màng bội thu", "cây trái tốt tươi", người dệt vải "làm không kịp bán", thợ nề, thợ mộc được “người ta năng rước”, xã hội “trăm nghệ tân phát”, “người yên, vật thịnh"... Theo xu hướng và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội, nội dung của hát sắc bùa Phú Lễ đã có nhiều thay đổi, ngày càng gắn với hiện thực của đời sống hơn, trong khi phần tập tục, nghi lễ mang tính chất ma thuật phai nhạt dần. Hát sắc bùa - một lối chúc Tết độc đáo Hát sắc bùa ở Quảng Ngãi Trong những ngày Tết cổ truyền ở nước ta, tục hát sắc bùa là một hình thức dân ca nghi lễ vào ngày đầu năm khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Hát sắc bùa là cách chúc mừng ngày Tết thường được tổ chức thành từng đội từ 5 - 7 người, có khi đến vài chục người, gọi là phường bùa. Thời gian hát từ đêm 30 tháng chạp đến rằm tháng giêng, cá biệt như ở Quảng Ngãi có thể kéo dài cả mùa xuân. Về tên gọi của loại hình cũng có những biến thể khác nhau, như ở Nam Trung bộ và Nam bộ gọi là sắc bùa, ở Quảng Nam gọi là ca xuân sắc bùa, ở Hòa Bình gọi séc bùa. Hiện nay, hình thức hát sắc bùa còn giữ lại tương đối đầy đủ hơn cả là hát sắc bùa Thừa Thiên Huế. Đội hát sắc bùa ở đây gồm 14-16 người, gồm một ông cái sắc, một ông tróc quỷ, một em bé đóng quỷ, một ông đánh trống và ông lối lo đọc chú. Nét đặc sắc của hát sắc bùa Thừa Thiên Huế là rất đậm chất sân khấu nên rất hấp dẫn. Các nhân vật đều được phân vai và biểu diễn theo vai được phân, còn đội đọc chú thì giữ vai trò như đồng ca. Ở một số địa phương khác như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre… hát sắc bùa về hình thức nghi lễ cơ bản cũng giống như ở Thừa Thiên Huế, có điều bỏ bớt phần bắt quỷ, chỉ có khác chúc mừng năm mới. Bài hát chúc mừng mỗi nơi một khác, và ngay từng nơi, từng đối tượng nghề nghiệp, từng gia cảnh, bài hát chúc mừng phải thay đổi làm sao cho phù hợp. Chẳng hạn ở Quảng Bình, lúc vào nhà chỉ có ông bà già, thì hát: Ngó vô trong nhà Cao đèn đỏ lửa Xin ông ra khai môn Để cho bầy tui vào Trông lên giường cao Thấy con rồng ấp Ngó xuống dưới đất Thấy con rồng chầu Ông mệ (bà) sống lâu Thượng đế thơ sắc… Ở Nghệ An, người ta lập thành phường gọi là phường sắc bùa để hoạt động vào dịp Tết. Mỗi phường có từ 4-10 người, có khi toàn trẻ em từ 10-15 tuổi, trừ người trùm phường, trùm phường là người thông thạo các bài hát chúc và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh từng gia đình hay từng đối tượng, nghề nghiệp. Buổi hát kết thúc bằng một bữa rượu, bánh chưng và tiền phong bao, nhiều ít tùy gia chủ. Người Mường ở miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh cũng chỉ hát bài chúc tụng và cứ hát xong một câu lại đánh một hồi chuông. Ở xứ Mường Hòa Bình, sau bài hát mở cửa, phường bùa vừa đi vừa đánh cồng, sau bài cồng là bài hát chúc tụng. Gia chủ cám ơn và tặng quà. Phường hát tiếp tục đi nơi khác. Còn ở Quảng Nam, hát sắc bùa còn gọi là ca xuân sắc bùa. Sau khi tiến hành các nghi lễ chúc tụng còn có điệu hát múa dân gian. Ở Bến Tre (Nam bộ), đội hát từ 4-6 người, gồm một ông bầu, một người chơi đàn cò, một người đánh trống cơm, hai người chơi sanh cái và sanh tiền. Tuy nhiên, số người trong đội hát không nhất thiết về số lượng. Ông bầu là người chuyên lo sáng tác cho đội. Khi đội hát đến cổng ngõ nhà gia chủ, dưới sự chỉ huy của ông bầu, các nghệ nhân trong đội hát nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sanh tiền và hát bài “Khai môn”: Mở cửa, mở cửa Khoen trên cài xỏ Ngõ dưới còn gài Chả phụ đứng ngoài Thần tài sát quỷ Thầy quỷ lại xao Ông ngồi giường cao Mở chặng đường nào Năm mới giàu sang Bình an vô sự… Gia chủ ra mở cửa. Khi vào trong nhà, ông bầu vái lạy. Các thành viên trong đội xếp thành hai hàng rồi hát chúc xuân, sau đó cả đội hát bài chúc ông bà. Khi hát xong, ông bầu làm nghi thức dán bùa. Còn lối hát súc sắc súc sẻ ở miền Bắc nước ta, có người cho rằng đó cũng là hình thức hát sắc bùa. Các em vừa súc sắc súc sẻ trong lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau lời hát, gia đình nào cũng tặng các em một ít tiền, tiền đó các em bỏ ống. Trên đây là những hình thức chúc Tết rất độc đáo của nhân dân ta. Đó là hình thức dân ca nghi lễ, tàng ẩn khát vọng cầu mong sự sanh sôi nẩy nở, xua đuổi tà ma, đem lại bình yên cho mọi gia đình vào dịp đầu năm… Theo NGUYỄN NHÂN THỐNG - Báo Đồng Khởi
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net