logo

Chuong 6: Thất nghiệp

Thất nghiệp là hiện tượng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến mọi người. Thất nghiệp đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống giảm đi, tâm lý căng thẳng, v.v.
Chương 6 THẤT NGHIỆP Thất nghiệp là hiện tượng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến mọi người. Thất nghiệp đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống giảm đi, tâm lý căng thẳng, v.v. Vì vậy, có lẽ không ngạc nhiên lắm khi thấy thất nghiệp thường là chủ đề tranh luận giữa các nhà kinh tế cũng như những người lập chánh sách kinh tế vĩ mô. Các chánh trị gia sử dụng chỉ số “tệ hại” xây dựng bởi nhà kinh tế học Arthur Okun (1928–1980), đó là tổng của tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp, để đo lường sức khỏe của một nền kinh tế và sự thành công hay thất bại của các chánh sách kinh tế vĩ mô. Các nhà kinh tế nghiên cứu hiện tượng thất nghiệp nhằm chỉ ra nguyên nhân của nó và cải tiến chánh sách để giúp những người thất nghiệp. Các bộ phận khác, như bảo hiểm thất nghiệp chẳng hạn, cũng giúp làm giảm ảnh hưởng xấu của thất nghiệp lên người thất nghiệp. Tuy nhiên, ngược lại vẫn có chánh sách làm cho ảnh hưởng xấu của thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn, như luật tiền lương tối thiểu chẳng hạn. Thông qua việc chỉ ra ảnh hưởng của một chánh sách nào đó đến tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế, các nhà kinh tế giúp đánh giá chúng để đưa chọn lựa tốt nhất. Mô hình ở các chương trước về thị trường lao động đã bỏ qua thất nghiệp. Chương 3, chương nghiên cứu thu nhập quốc dân, giả định lao động là toàn dụng. Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân không phải tất cả lao động đều có việc làm. Nói cách khác, thất nghiệp là hiện tượng phổ biến trên thế giới tuy nó có mức độ khác nhau ở các nước và thay đổi theo thời gian. Bây giờ, ta hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu các dạng thất nghiệp. I. CÁC LOẠI THẤT NGHIỆP Để dễ nghiên cứu vấn đề thất nghiệp hơn, các nhà kinh tế chia thất nghiệp thành ba loại: (i) thất nghiệp cọ xát, (ii) thất nghiệp cơ cấu và (iii) thất nghiệp chu kỳ hay thất nghiệp do nhu cầu thấp. Hai loại thất nghiệp đầu, đó là thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu, xuất hiện không phụ thuộc vào thực trạng của nền kinh tế. Vì vậy, các chánh sách nhằm giảm thất nghiệp chu kỳ hầu như không có ảnh hưởng gì đối với hai loại thất nghiệp này. I.1. Thất nghiệp cọ xát Một hiện tượng phổ biến là người lao động thường xuyên thay đổi việc làm do một nguyên nhân nào đó. Thất nghiệp cọ xát đề cập đến việc người lao động có kỹ năng lao động đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng lại bị thất nghiệp trong một thời gian ngắn nào đó do: (i) thay đổi việc làm một cách tự nguyện hay (ii) sự thay đổi trong cung cầu hàng hóa dẫn đến việc phải thay đổi công việc từ một doanh nghiệp, một ngành sản xuất hay một vùng lãnh thổ sang nơi khác. Thất nghiệp cọ xát xuất hiện như thế nào? Rất nhiều người lao động muốn tìm được việc làm tốt hơn việc làm đang có. Tốt hơn có thể là tiền lương cao hơn, địa điểm làm việc phù hợp hơn, môi trường làm việc tốt hơn hay điều kiện sống tốt hơn. Dù với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ rất khó giữ công việc cũ đồng thời với tìm kiếm công việc mới. Đó là vì các doanh nghiệp thường không mở cửa sau giờ làm việc hay vào cuối tuần để người lao động đang làm việc nơi khác đến xin việc. Hơn nữa, người chủ hiện thời chắc chắn sẽ không hài lòng nếu người lao động xin vắng mặt để tìm việc làm mới tốt hơn. Ông ta có thể cho người lao động cả thời gian còn lại để tìm việc mới, nghĩa là có thể cho nghỉ việc. Do đó, hầu hết lao động phải tự động rời bỏ công việc cũ để tìm kiếm công việc mới tốt hơn, dẫn đến thất nghiệp cọ xát. I.2. Thất nghiệp cơ cấu Có nhiều người không tìm được việc làm do không có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của công việc. Có người không có việc làm trong một thời gian rất dài và được xem là thất nghiệp dài hạn, nghĩa là khả năng tìm được việc làm là rất thấp. Loại thất nghiệp này được gọi là thất nghiệp cơ cấu. Thất nghiệp cơ cấu bao gồm: • Những người chưa có đủ kỹ năng lao động, như những người trong độ tuổi 20 và một số người trưởng thành nhưng chưa qua đào tạo; • Những người có kỹ năng lao động nhưng kỹ năng này lại không đáp ứng được sự thay đổi trong yêu cầu của công việc, thí dụ như lao động nông thôn xung quanh các khu công nghiệp mới được xây dựng, v.v.; • Những người mà kỹ năng của họ bị mất đi sau một thời gian không làm việc nên không thể tìm được việc làm mới, như những người phụ nữ tìm việc sau một thời gian dài nuôi con; và • Những người mà kỹ năng lao động của họ không được công nhận do sự phân biệt đối xử, như người lao động thuộc nhóm dân tộc thiểu số hay người nước ngoài không hiểu tiếng nói hay phong tục, tập quán của địa phương, v.v. Một hiện tượng có thể xảy ra là số việc làm cần người nhiều hơn số người tìm việc nhưng những việc làm này lại đòi hỏi các kỹ năng mà người lao động không có. Thí dụ, việc làm trong lãnh vực lập trình máy tính không giúp gì được nhiều cho người lao động trong độ tuổi 20 – những người thường bị phân biệt trong tuyển dụng lao động vì thiếu kỹ năng và thường chỉ có việc làm bán thời gian. Khác với những người thất nghiệp cọ xát – những người đang tìm kiếm công việc phù hợp nhất với kỹ năng lao động của mình – những người thất nghiệp cơ cấu không có các kỹ năng mà thị trường lao động yêu cầu. Những người thất nghiệp cơ cấu thường không được hưởng các khoản trợ cấp (bảo hiểm) thất nghiệp của chánh phủ vì có thời gian lao động quá ngắn không thỏa mãn yêu cầu của trợ cấp này hay thất nghiệp dài hơn thời gian quy định của trợ cấp. Cái quan trọng nhất mà những người lao động thất nghiệp cơ cấu cần là kỹ năng lao động. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm thất nghiệp cơ cấu là nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống đào tạo với sự tài trợ của chánh phủ. Thí dụ, các chương trình đào tạo nghề do chánh phủ tại trợ ở Nga đã tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn cho những người tham gia so với những người không tham gia chương trình (Novorozhkin và Novorozhkin, 2006). Tuy nhiên, nếu chánh phủ tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo thì chi phí mà chánh phủ phải gánh chịu có thể quá cao và người được đào tạo sẽ không cố gắng học tập để nâng cao kỹ năng nên những người thất nghiệp nên được khuyến khích chịu một phần kinh phí đào tạo. Mặt khác, chất lượng của hệ thống giáo dục quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm thất nghiệp cơ cấu. Nếu chất lượng đào tạo cao và ngành nghề đào tạo phù hợp thì người lao động dễ tìm được việc làm do có kỹ năng lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường, từ đó làm giảm thất nghiệp cơ cấu. Ngược lại, thất nghiệp cơ cấu sẽ cao. Như ta biết, tiến bộ kỹ thuật có thể làm tăng thất nghiệp cơ cấu vì có thể làm cho kỹ năng của người lao động không còn phù hợp. Tuy nhiên, không nên kết luận rằng tiến bộ kỹ thuật là “kẻ thù” của lực lượng lao động. Thực tế cho thấy tiến bộ kỹ thuật tạo ra nhiều việc làm hơn là xóa sổ nó, mặc dù các việc làm mới đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Nếu không đúng vậy thì các nước có trình độ kỹ thuật hay tự động hóa cao như Nhật, Mỹ hay Đức sẽ có thất nghiệp cơ cấu rất cao. Hiện tượng này không xảy ra ở các nước này mà ngược lại các nước càng kém phát triển thì thất nghiệp càng cao và tiền lương càng thấp. Bản thân mỗi người lao động có thể e rằng tiến bộ kỹ thuật sẽ làm cho mình mất việc nhưng lực lượng lao động nói chung nên xem tiến bộ kỹ thuật là đồng minh vì tiến bộ kỹ thuật sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.1 I.3. Thất nghiệp chu kỳ Như đề cập ở trên, thất nghiệp chu kỳ còn được gọi là thất nghiệp do nhu cầu Để hiểu rõ vấn đề này, độc giả có thể xem quyển Kinh tế học vi mô: Lý thuyết và ứng 1 dụng thực tiễn, Lê Khương Ninh, sắp xuất bản. thấp. Thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu thường tập trung vào một nhóm người lao động và ở các lãnh vực nào đó của nền kinh tế. Khi lao động có kỹ năng bị mất việc hàng loạt ở nhiều ngành của nền kinh tế thì nguyên nhân có thể là sự sút giảm trong sản xuất kinh doanh. Thất nghiệp chu kỳ khác với thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu. Loại thất nghiệp này gây ra do sự sút giảm trong nhu cầu đối với sản phẩm của nền kinh tế so với sản lượng (hay năng lực sản xuất). Sự sút giảm trong nhu cầu dẫn đến sự sa thải lao động có thể bắt đầu ở một vài thành phố lớn của nền kinh tế và sau đó gây ra sự sút giảm trong nhu cầu đối với sản lượng của toàn bộ nền kinh tế. Khi nhu cầu thấp hơn sản lượng thì tồn kho sẽ tăng lên nên các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng và sa thải lao động. Thất nghiệp chu kỳ thường gắn liến với năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Lao động bị mất việc do nhu cầu thấp ban đầu có thể nghĩ hay hy vọng sẽ chỉ bị thất nghiệp tạm thời hay thuộc nhóm thất nghiệp cọ xát. Họ cho rằng thị trường vẫn còn đánh giá đúng năng lực của mình nhưng nhu cầu chỉ thấp tạm thời ở chính doanh nghiệp hay ngành nghề họ đang làm việc. Quá trình tìm việc sẽ giúp những người lao động này hiểu được rằng họ bị thất nghiệp cọ xát hay không. Nếu nhận thấy lao động bị sa thải đồng thời ở những nơi họ đang xin việc thì nhu cầu đã thấp lan rộng trên toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, thất nghiệp trở thành vấn đề vĩ mô chớ không phải là vi mô nữa. Khi thời gian tìm việc dài hơn thời gian tìm việc tối ưu thì rõ ràng là thất nghiệp gây ra do nhu cầu đối với sản phẩm của nền kinh tế là thấp. Thất nghiệp do nhu cầu thấp có quan hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Có thể dễ dàng thấy rằng nếu sản lượng tăng trưởng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của năng lực sản xuất của nền kinh tế, kể cả số lượng lao động, thì thất nghiệp sẽ tăng. Suy thoái sẽ làm tăng thất nghiệp và phục hồi hay tăng trưởng sẽ làm giảm thất nghiệp. Sự tăng giảm của thất nghiệp do nhu cầu thấp sẽ làm tăng giảm tỷ lệ thất nghiệp trong các chu kỳ kinh tế. II. TOÀN DỤNG LAO ĐỘNG Các chánh sách kinh tế vĩ mô thường nhằm mục tiêu giảm thất nghiệp và ổn định giá để kiểm soát lạm phát. Các nhà kinh tế định nghĩa mức thất nghiệp thấp nhất là mức thất nghiệp tương ứng với toàn dụng lao động. II.1. Toàn dụng lao động Toàn dụng lao động không có nghĩa là thất nghiệp bằng không. Tất cả chúng ta đều biết rằng thất nghiệp bằng không là không thể vì trong nền kinh tế luôn có thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu. Nhiều chánh sách (như cung cấp thông tin việc làm, đào tạo, v.v.) có thể làm giảm hai loại thất nghiệp này nhưng không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Nhu cầu tăng lên sẽ làm giảm thất nghiệp chu kỳ nhưng hầu như không có ảnh hưởng gì đến thất nghiệp cọ xát hay thất nghiệp cơ cấu vì hai loại thất nghiệp này không phải do nhu cầu thấp gây ra. Nhu cầu tăng lên cũng không cải thiện được thông tin tìm việc hay đào tạo. Như vậy, các chánh sách loại trừ thất nghiệp chu kỳ thường không ảnh hưởng hay có ảnh hưởng rất ít đến thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu. Do sự khác biệt cơ bản giữa thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu với thất nghiệp chu kỳ nên định nghĩa đơn giản và thực tế nhất là toàn dụng lao động là mức sử dụng lao động tương ứng với mức thất nghiệp cọ xát cộng với thất nghiệp cơ cấu. Bất kỳ khi nào có thất nghiệp chu kỳ thì không có toàn dụng lao động. Vì vậy: Tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động (%) = Tỷ lệ lao động thất nghiệp xọ xát (%) + Tỷ lệ lao động thất nghiệp cơ cấu (%). Tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động là sản lượng toàn dụng lao động. Bất kỳ khi nào thất nghiệp chu kỳ xuất hiện thì sản lượng thực tế sẽ thấp hơn mức sản lượng toàn dụng lao động. Chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng toàn dụng lao động là đại lượng đo lường đáng tin cậy ảnh hưởng của sự giảm sút trong nhu cầu đối với sản phẩm của nền kinh tế. Khi thất nghiệp thấp hơn mức thất nghiệp toàn dụng lao động thì sự chênh lệch này sẽ âm. Chánh sách tài chánh và chánh sách tiền tệ thường nhằm mục đích làm cho mức độ chênh lệch này bằng không. Do mục tiêu này, sản lượng toàn dụng lao động được gọi là sản lượng tiềm năng. II.2. Toàn dụng lao động và lạm phát Tại sao nền kinh tế lại phải thỏa mãn với tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động? Đó là vì nếu làm cho tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động bằng việc làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm của nền kinh tế thì sản lượng sẽ tăng đồng thời với lạm phát. Vì lý do này nên có một định nghĩa khác là toàn dụng lao động là mức độ sử dụng lao động tối đa (tương ứng với mức thất nghiệp tối thiểu) có thể duy trì mà không làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá (hay lạm phát). Một lần nữa, mức độ sử dụng lao động hay thất nghiệp này chỉ có thể đạt đến khi chỉ có thất nghiệp cọ xát và thất nghiệp cơ cấu. Một số nhà kinh tế gọi tỷ lệ thất nghiệp tối thiểu tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp không gây ra lạm phát là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên thay vì tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động. Đó là vì họ lập luận rằng không thể nào duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng lao động mà không làm cho lạm phát gia tăng liên tục. Cho dù tên gọi là gì thì bản chất vấn đề cũng không thay đổi. Khi thất nghiệp do nhu cầu thấp bị loại trừ, các cố gắng làm giảm thất nghiệp sẽ rất có thể làm tăng lạm phát vì các yếu tố sản xuất khan hiếm khác phải kết hợp với lao động để sản xuất ra sản phẩm. Khi 94–95% lao động được sử dụng thì các yếu tố sản xuất khác cũng gần như sử dụng triệt để. Khi đó, các yếu tố sản xuất có chất lượng khác với lao động sẽ khó tìm thấy. Kết quả là chi phí sản xuất và giá sản phẩm sẽ tăng rất nhanh sau khi đạt được thu nhập và sản lượng tương ứng với toàn dụng lao động.2 Nếu không có sự thay đổi nào trong cơ cấu kinh tế, các nhà lập chánh sách không thể hy vọng làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hay sản lượng cao hơn sản lượng toàn dụng lao động mà không làm tăng lạm phát. III. MÔ HÌNH TỶ LỆ THẤT NGHIỆP TỰ NHIÊN Phần này sẽ nghiên cứu nguyên nhân tổng quát của thất nghiệp và yếu tố quyết định tỷ lệ thất nghiệp của một nền kinh tế. Ta sẽ không nghiên cứu sự biến động của tỷ lệ thất nghiệp mà dành vấn đề này cho các chương sau. Ở đây, ta nghiên cứu tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên – tỷ lệ thất nghiệp mà nền kinh tế xoay xung quanh nó. Hàng ngày, một số người lao động bỏ việc trong khi một số người khác lại tìm được việc làm. Hiện tượng này quyết định tỷ lệ lao động có việc làm cũng như tỷ lệ thất nghiệp. Phần này sẽ trình bày mô hình xác định tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.3 Ký hiệu quy mô lực lượng lao động là L, E là số lao động có việc làm và U là số lao động không có việc làm. Do mỗi người lao động hoặc có hay không có việc làm nên: L = E + U. Nói cách khác, quy mô lực lượng lao động L sẽ bằng số người có việc làm E cộng với số người thất nghiệp U. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp là U/L. Trong trường hợp này, chi phí sản xuất tăng nhanh là do quy luật chi phí cơ hội tăng dần. 2 Độc giả có thể xem thêm về vấn đề này trong quyển Kinh tế học vi mô: Lý thuyết và các vấn đề thực tiễn, Lê Khương Ninh, sắp xuất bản. Nguồn: Hall, R.H., 1979, “A Theory of the Natural Rate of Unemployment and the Duration 3 of Unemployment,” Journal of Monetary Economics 5 (April), tr. 153–169. Để cho đơn giản, hãy giả định rằng quy mô lực lượng lao động L là cố định. Sự chuyển đổi của các cá nhân từ trạng thái có việc làm sang không có việc làm và ngược lại được minh họa trong Đồ thị 5.1. Gọi s (%) là tỷ lệ mất việc và f (%) là tỷ lệ tìm được việc làm. Giả định hai tỷ lệ này là cố định và ta sẽ thấy chúng quyết định tỷ lệ thất nghiệp như thế nào. Tỷ lệ mất việc (s) Có việc làm Không việc làm Tỷ lệ tìm được việc (f) Đồ thị 5.1. Chuyển đổi giữa thất nghiệp và có việc làm Nếu tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế không tăng hay không giảm – nghĩa là thị trường lao động ở trạng thái ổn định – thì số người tìm được việc làm sẽ phải bằng với số người bị mất việc. Do f × U là số người tìm được việc và s × E là số người mất việc nên nếu thị trường lao động ở trạng thái ổn định (tại mức thất nghiệp theo yêu cầu của chánh phủ) thì hai đại lượng này phải bằng nhau, nghĩa là: f × U = sE. Ta có thể sắp xếp lại đẳng thức này để tìm ra trạng thái ổn định của tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế. Lưu ý rằng E = L – U, nghĩa là số người có việc làm E bằng với tổng lực lượng lao động L trừ đi cho số người thất nghiệp U. Đẳng thức trên có thể được viết thành: f × U = s × (L – U). Chia hai vế cho L, ta được:  U U U s = s ×  1 −  hay = f× . L L L s+ f  Đẳng thức này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định U/L phụ thuộc vào tỷ lệ mất việc s và tỷ lệ tìm được việc f. Nếu s = 0 (nghĩa là không có ai bị mất việc) thì tỷ lệ thất nghiệp U/L sẽ bằng không. Ngược lại, nếu f = 0 (nghĩa là không ai tìm được việc) thì U/L = 1 hay U = L, nghĩa là toàn bộ lực lượng lao động bị thất nghiệp. Nói chung, nếu tỷ lệ mất việc s càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp cũng càng cao. Nếu tỷ lệ tìm được việc f càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng thấp. Ta có thể chứng minh điều này bằng cách viết đẳng thức trên lại thành: L s+ f 1 f == = 1+ . U /L U s s Ta có thể thấy ngay rằng nếu s càng lớn thì tỷ số L/U càng nhỏ hay U/L càng lớn, nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp càng cao. Nếu f càng lớn thì tỷ số L/U càng lớn hay U/L càng nhỏ, nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp càng thấp. Thí dụ, giả sử 1% người lao động đang có việc làm bị mất việc hàng tháng (s = 0,01) và 20% số người bị thất nghiệp tìm được việc làm hàng tháng (f = 0,2). Trong trường hợp này, tỷ lệ thất nghiệp ổn định của nền kinh tế là: U 0,01 = = 0,0476. L 0,01 + 0,20 Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong thí dụ này là 4,76%. Bảng 4.1 minh họa sự biến động của tỷ lệ thất nghiệp ổn định khi s và f cùng thay đổi. Bảng này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định tăng khi s tăng và giảm khi f giảm, giống như lập luận ở trên. Bảng 6.1. Mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp ổn định với s và f Đơn vị tính: % f↓ s→ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 5 16,7 28,6 37,5 44,4 50,0 54,5 58,3 61,5 64,3 66,7 10 9,1 16,7 23,1 28,6 33,3 37,5 41,2 44,4 47,4 50,0 15 6,3 11,7 16,7 21,1 25,0 28,6 31,8 34,8 37,5 40,0 20 4,8 9,1 13,0 16,7 20,0 23,1 25,9 28,6 31,0 33,3 25 3,8 7,4 10,7 13,8 16,7 19,4 21,9 24,2 26,5 28,6 30 3,2 6,3 9,1 11,8 14,3 16,7 18,9 21,1 23,1 25,0 Mô hình trên tuy khá đơn giản nhưng có nhiều ý nghĩa đối với việc lập chánh sách kinh tế công. Bất kỳ chánh sách nào muốn làm giảm tỷ lệ thất nghiệp thì phải cố làm giảm tỷ lệ mất việc và làm tăng tỷ lệ tìm được việc làm. Tương tự, bất kỳ chánh sách nào ảnh hưởng đến tỷ lệ tìm được việc và tỷ lệ mất việc đều có ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Mặc dù mô hình trên hữu ích trong việc xây dựng mối quan hệ giữa tỷ lệ mất việc và tỷ lệ tìm được việc nhưng nó lại chưa trả lời được câu hỏi trọng tâm là tại sao lại có thất nghiệp? Nếu người lao động nhanh chóng tìm được việc làm thì tỷ lệ tìm được việc làm sẽ rất cao và tỷ lệ thất nghiệp sẽ gần như bằng không. Mô hình thất nghiệp này giả định việc làm không phải ngay lập tức tìm được nhưng lại không giải thích tại sao như vậy. Trong hai phần tiếp theo, ta sẽ nghiên cứu ba nguyên nhân chính của thất nghiệp, đó là thời gian tìm việc, chánh sách công và tiền lương cứng nhắc. IV. NGUYÊN NHÂN CỦA THẤT NGHIỆP IV.1. Thời gian tìm việc Một trong những nguyên nhân của thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp cọ xát, là phải cần có thời gian để tìm được việc làm mới. Nếu tất cả lao động và tất cả việc làm đều giống nhau hay mọi người lao động có thể làm được mọi việc và thị trường lao động cân bằng thì mất việc sẽ không gây ra thất nghiệp vì người lao động bị mất việc sẽ ngay lập tức được thay thế bằng người khác với tiền lương thị trường. Thực tế, mỗi người lao động có sở thích, năng lực và trình độ khác nhau trong khi việc làm lại có đặc điểm, yêu cầu cũng khác nhau và thông tin về người cần việc và việc cần người lại không hoàn hảo. Người lao động lại cư ngụ ở những nơi khác nhau và khó đổi chỗ ở hay chỗ làm việc ngay lập tức. Như vậy, cần phải có thời gian để tìm được việc làm mới. Bên cạnh đó, do các công việc khác nhau cần kỹ năng khác nhau và tiền lương cũng khác nhau nên người lao động đang thất nghiệp có thể không chấp nhận công việc được đề nghị. Tất cả những điều này dẫn đến thất nghiệp cọ xát. Thất nghiệp cọ xát là đương nhiên ở tất cả các nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế đang tăng trưởng tốt. Do nhiều lý do khác nhau nên loại hàng hóa mà doanh nghiệp và hộ gia đình cần sẽ thay đổi liên tục. Khi nhu cầu đối với hàng hóa thay đổi thì nhu cầu đối với lao động cũng thay đổi theo. Thí dụ, phát minh ra máy tính cá nhân sẽ làm giảm nhu cầu đối với máy đánh chữ. Kết quả là số lao động làm việc ở các nhà máy sản xuất ra máy đánh chữ giảm đi. Ngược lại, nhu cầu đối với lao động ở các nhà máy sản xuất máy tính lại tăng lên. Tương tự, các vùng kinh tế khác nhau sản xuất ra các loại hàng hóa khác nhau nên nhu cầu đối với lao động có thể lại gia tăng ở vùng này nhưng giảm ở vùng khác. Thí dụ, sự tăng giá dầu hỏa có thể làm tăng nhu cầu đối với lao động ở những bang sản xuất dầu hỏa của nước Mỹ như Texas nhưng lại làm giảm nhu cầu đối với lao động ở các bang sản xuất xe ô tô như Michigan do việc cắt giảm lao động làm trong ngành này. Các nhà kinh tế gọi sự thay đổi trong cấu trúc của nhu cầu ở các ngành công nghiệp hay vùng kinh tế khác nhau là thay đổi cơ cấu. Do thay đổi cơ cấu luôn xảy ra và cần phải có thời gian để cho người lao động chuyển đổi khu vực làm việc nên thất nghiệp cọ xát luôn tồn tại. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất của mất việc và thất nghiệp cọ xát. Người lao động có thể bị mất việc bất ngờ nếu công ty bị phá sản hay kết quả công việc không làm hài lòng cấp trên hay kỹ năng lao động không còn cần thiết. Người lao động có thể thay đổi nghề nghiệp hay chuyển sang làm việc ở nơi khác. Miễn là cung và cầu lao động có sự thay đổi thì thất nghiệp cọ xát là điều đương nhiên. Sự xuất hiện của thất nghiệp cọ xát là dấu hiệu của sự cơ động của lực lượng lao động. Do đó, thất nghiệp cọ xát không phải là vấn đề phải ưu tiên giải quyết của chánh phủ. Thất nghiệp cọ xát có thể giảm đi nếu thông tin việc làm và thông tin về người lao động được cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời và chánh xác hơn để giúp người lao động giảm thời gian tìm được việc mới. IV.2. Chánh sách công Nhiều chánh sách công tìm cách giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng việc làm giảm thất nghiệp cọ xát. Chẳng hạn, các tổ chức chánh phủ cung cấp thông tin về các việc làm cần lao động để giúp người lao động tìm được việc một cách nhanh chóng hơn. Các chương trình đào tạo được hình thành để giúp người lao động có thể chuyển đổi từ các ngành công nghiệp đang suy thoái sang các ngành công nghiệp đang phát triển.4 Nếu các chương trình này giúp làm tăng tỷ lệ tìm được việc thì cũng sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, như trình bày trong mô hình trên. Chánh sách của chánh phủ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến thất nghiệp, như chánh sách bảo hiểm (trợ cấp) thất nghiệp. Với chánh sách này, người lao động thất nghiệp sẽ nhận được một phần tiền lương trước đây của mình trong một khoảng thời gian nhất định nào đó sau khi bị mất việc. Thí dụ, mặc dù nội dung của chánh sách bảo hiểm thất nghiệp này khác nhau qua các năm và giữa các bang của Hoa Kỳ nhưng người lao động ở quốc gia này nhận được bảo hiểm thất nghiệp 50% tiền lương trước đây của họ trong vòng 26 tuần sau khi thất nghiệp. Ở nhiều quốc gia Châu Âu, bảo hiểm thất nghiệp còn rộng rãi hơn nhiều. Giáo dục – đào tạo đóng một vai trò nào đó đối với thất nghiệp. Nếu hệ thống giáo dục – 4 đào tạo không tốt hay không phù hợp thì người lao động khó tìm được việc làm, do đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Hiện tượng này có thể quan sát thấy ở nước ta do sự yếu kém của hệ thống giáo dục đại học. Bằng cách làm giảm khó khăn cho người thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp làm tăng thất nghiệp cọ xát và vì vậy cũng làm tăng thất nghiệp tự nhiên. Những người thất nghiệp nhận được lợi ích từ bảo hiểm thất nghiệp ít có động cơ tìm việc và lại có xu hướng từ chối các công việc được cho là kém hấp dẫn. Điều này làm giảm số lao động tìm được việc làm. Thêm vào đó, khi thương lượng với các đơn vị tuyển dụng người lao động ít có xu hướng tìm kiếm sự đảm bảo an toàn công việc vì biết rằng bảo hiểm thất nghiệp sẽ đảm bảo phần nào thu nhập của họ. Điều này lại làm tăng tỷ lệ mất việc và tỷ lệ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, nhưng không có nghĩa là chánh sách này lại không cần thiết. Chánh sách này làm cho người lao động chắc chắn hơn về thu nhập của họ. Hơn nữa, khiến cho người lao động từ chối các công việc kém hấp dẫn có thể giúp cho các công việc tìm được lao động có chất lượng cao hơn. Đánh giá ưu và nhược điểm của chánh sách bảo hiểm thất nghiệp luôn rất khó khăn và luôn là đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với các nhà kinh tế. Các nhà kinh tế nghiên cứu bảo hiểm thất nghiệp thường đề xuất cách thức cải tiến hệ thống này để làm giảm thất nghiệp. Một đề xuất là yêu cầu doanh nghiệp sa thải lao động bù đắp toàn bộ sự mất mát cho người bị sa thải. Hệ thống như vậy được gọi là hệ thống 100% kinh nghiệm được tính đến do doanh nghiệp phải trả 100% thiệt hại do thất nghiệp của người lao động. Hầu hết các chương trình bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là một phần kinh nghiệp được tính đến. Ở hệ thống này, một doanh nghiệp sa thải lao động chỉ phải trả một phần thiệt hại do thất nghiệp cho lao động đó. Phần còn lại sẽ được bù đắp bởi ngân sách của chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Do doanh nghiệp phải trả một phần chi phí thất nghiệp nên doanh nghiệp có thể chỉ sa thải lao động khi nhu cầu đối với lao động là thực sự thấp. Bằng cách giảm động cơ sa thải người lao động nên đề xuất này sẽ giảm số lao động bị sa thải. Tình huống thực tế. Bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ tìm được việc làm Rất nhiều nghiên cứu nghiên cứu ảnh hưởng của bảo hiểm thất nghiệp lên việc tìm kiếm việc làm. Nghiên cứu mang tính thuyết phục nhất là nghiên cứu sử dụng kinh nghiệm của người lao động bị thất nghiệp hơn là sử dụng tỷ lệ thất nghiệp của cả nền kinh tế. Một nghiên cứu về người lao động bị thất nghiệp khi họ đã sử dụng hết tiền bảo hiểm thất nghiệp của mình cho thấy khi người lao động bị thất nghiệp không còn nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp thì họ sẽ cố gắng tìm việc mới. Đặc biệt, xác suất tìm được việc mới của một người lao động gần như tăng lên gấp đôi khi tiền bảo hiểm thất nghiệp của anh ta không còn nữa. Kết quả này cho thấy rằng việc lợi ích từ bảo hiểm thất nghiệp không còn nữa sẽ tạo ra sự cố gắng của người lao động trong việc tìm kiếm việc làm mới.5 Các thực tế khác về động cơ tìm kiếm việc làm xuất phát từ một thí nghiệm ở bang Illinois của Hoa Kỳ vào năm 1985. Những người nhận bảo hiểm thất nghiệp được chọn ra một cách ngẫu nhiên và được hứa thưởng một khoản tiền là 500 đô-la nếu tìm được việc làm trong vòng 11 tuần lễ. Kết quả tìm việc của nhóm này sẽ được so sánh với kết quả tìm việc của nhóm không được hứa thưởng khoản tiền này. Thời gian tìm được việc trung bình của nhóm người được hứa thưởng 500 đô-la là 17 tuần, so với 18,3 tuần của nhóm không được hứa thưởng. Vì vậy, phần thưởng giúp giảm thất nghiệp đi 7% do tạo ra động cơ tìm việc của nhóm người này. Thí nghiệm này cho thấy động cơ cung cấp bởi bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng đến tỷ lệ tìm việc.6 IV.3. Sự cứng nhắc của tiền lương Nguyên nhân thứ ba của thất nghiệp là sự cứng nhắc của tiền lương – nghĩa là tiền lương không điều chỉnh để cân bằng cung cầu lao động. Trong mô hình cân bằng thị trường lao động, tiền lương thực sẽ điều chỉnh để làm cân bằng cung cầu lao động. Tuy nhiên, trong thực tế tiền lương không phải luôn linh hoạt như vậy. Đôi khi tiền lương thực tế cứng nhắc ở trên mức tiền lương cân bằng của thị trường. Thí dụ, ở nước ta tiền lương của những người lao động trong các cơ quan nhà nước thường chỉ tăng ba năm một lần. Ở hầu hết các nước, hợp đồng lao động làm cho tiền lương cố định trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Đồ thị 4.2 giải thích tại sao tiền lương cứng nhắc lại dẫn đến thất nghiệp. Khi tiền lương thực tế cao hơn tiền lương cân bằng thì số cung lao động sẽ vượt quá số cầu đối với nó. Khi đó, doanh nghiệp phải hạn chế số lao động sử dụng. Sự cứng nhắc của tiền lương làm giảm tỷ lệ tìm được việc và vì vậy làm tăng thất nghiệp. Thất nghiệp xuất phát từ sự cứng nhắc của tiền lương và sự hạn chế của số lượng việc làm được gọi là thất nghiệp chờ đợi. Người lao động thất nghiệp không phải vì họ đang tìm kiếm việc làm phù hợp nhất với khả năng của mình mà do ở mức tiền lương hiện thời cung lao động vượt quá số cầu đối với nó. Những người lao động này phải chờ cho đến khi có việc làm. 5 Katz, L.F. và B.D. Meyer, 1990, “Unemployment Insurance, Recall Expectation, and Unemployment Outcomes,” Quarterly Journal of Economics 105 (November), tr. 973–1002. 6 Woodbury, S.A. và R.G. Spiegelman, 1987, “Bonuses to Workers and Employers to Reduce Unemployment: Randomize Trails in Illinois,” American Economic Review 77 (September), tr. 513–530. Tiền lương thực (W/P) SL Mức thất nghiệp Tiền lương cố định  Số lao động sử dụng  DL Lao động (L) Đồ thị 6.2. Tiền lương cứng nhắc và hạn chế việc làm Để hiểu rõ hơn về sự cứng nhắc của tiền lương và thất nghiệp chờ đợi, ta phải xem xét tại sao thị trường lao động lại không cân bằng. Khi tiền lương thực cao hơn tiền lương cân bằng thì số cung lao động vượt quá số cầu lao động và ai cũng kỳ vọng là doanh nghiệp sẽ giảm tiền lương. Thực tế không phải luôn như vậy. Thất nghiệp chờ đợi sẽ xuất hiện vì doanh nghiệp không thể giảm tiền lương ngay lập tức mặc dù cung lao động là quá nhiều. Bây giờ, ta sẽ nghiên cứu hai nguyên nhân của sự cứng nhắc của tiền lương, đó là luật tiền lương tối thiểu và hiệu quả tiền lương. Luật tiền lương tối thiểu Chánh phủ có thể tạo ra sự cứng nhắc của tiền lương khi ngăn không cho tiền lương thực tế di chuyển về tiền lương cân bằng. Luật tiền lương tối thiểu quy định mức tiền lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Thí dụ, từ tháng 10-2006 tiền lương tối thiểu ở nước ta sẽ tăng lên 450.000 đồng/tháng. Đối với hầu hết lao động, tiền lương tối thiểu không đáng quan tâm vì họ thường nhận được tiền lương cao hơn mức quy định này. Tuy nhiên, đối với một số lao động, đặc biệt là lao động không được đào tạo và ít kinh nghiệm, tiền lương tối thiểu làm tiền lương của họ cao hơn tiền lương cân bằng trên thị trường, vì vậy làm giảm nhu của của doanh nghiệp đối với loại lao động này. Các nhà kinh tế tin rằng tiền lương tối thiểu có ảnh hưởng lớn nhất đối với lao động trong độ tuổi 20. Tiền lương cân bằng trên thị trường đối với lứa tuổi này thường thấp bởi hai lý do. Một, họ ít có kỹ năng và thường thiếu kinh nghiệm nên năng suất lao động thấp. Hai, những người lao động dưới tuổi 20 thường có động cơ làm việc để thu thập kinh nghiệm hơn là để nhận được tiền lương cao. Hai lý do này khiến cho tiền lương cân bằng của nhóm lao động trong độ tuổi 20 thường thấp. Như vậy, tiền lương tối thiểu có ý nghĩa nhiều hơn đối với nhóm lao động này so với những người khác trong lực lượng lao động. Các nhà kinh tế đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng của tiền lương tối thiểu lên thu dụng lao động trong độ tuổi 20. Các nghiên cứu này so sánh sự biến động của tiền lương tối thiểu với sự biến động của số người lao động trong đô tuổi 20 có việc làm. Kết quả là 10% tăng lên của tiền lương tối thiểu làm giảm số lao động có việc làm trong độ tuổi 20 là từ 1 đến 3%.7 Tiền lương tối thiểu cũng là tiêu điểm của các cuộc tranh cãi chánh trị. Những người ủng hộ chánh sách tăng tiền lương tối thiểu cho rằng đây là cách làm tăng thu nhập cho lao động nghèo. Những người phản đối chánh sách tiền lương tối thiểu lại cao cho rằng đây không phải là cách tốt nhất để giúp những người lao động nghèo. Họ cho rằng chi phí lao động gia tăng do tiền lương tối thiểu cao sẽ làm tăng thất nghiệp, đồng thời chánh sách tiền lương tối thiểu không phải là mục tiêu tốt. Rất nhiều người hưởng lợi từ chánh sách tiền lương tối thiểu là những người lao động trong độ tuổi 20 từ các gia đình trung lưu làm việc để có tiền tiêu xài không thường xuyên chứ không phải vì công việc. Để giảm ảnh hưởng của chánh sách tiền lương tối thiểu lên thất nghiệp của lao động trong tuổi 20, một số nhà kinh tế và các nhà lập chánh sách đề nghị loại trừ những người lao động trẻ ra khỏi chánh sách tiền lương tối thiểu. Điều này đồng nghĩa với việc quy định một mức tiền lương tối thiểu thấp hơn cho những người lao động trong độ tuổi 20 để làm giảm thất nghiệp cho họ và giúp họ được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc. Những người không ủng hộ sự ngoại lệ này lại lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến hiện tượng thay thế những người lao động này cho những người lao động có tuổi nhưng ít kỹ năng, vì thế làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm có tuổi nhưng ít kỹ năng này. Rất nhiều nhà kinh tế và nhà lập chánh sách tin rằng tín dụng thuế là biện pháp hữu hiệu hơn để giúp những người lao động nghèo. Tín dụng thuế thu nhập là khoản tiền mà các gia đình lao động nghèo được phép khấu trừ ra khỏi số thuế mà họ phải đóng cho chánh phủ. Đối với hộ gia đình có thu nhập rất thấp, khoản tín dụng này thường vượt quá số thuế nên họ sẽ nhận được một khoản trợ cấp nào đó của chánh phủ. Không giống tiền lương tối thiểu, tín dụng thuế không làm tăng chi phí lao động cho doanh nghiệp và vì vậy không làm giảm nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tín dụng thuế có điểm bất lợi là làm giảm số thuế mà chánh phủ nhận được. Hiệu quả tiền lương 7 Brown, C., 1988, “Minimum Wage Law: Are They Overrated?” Journal of Economic Perspectives 2, tr. 133–146. Lý thuyết về hiệu quả tiền lương chỉ ra nguyên nhân thứ hai của sự cứng nhắc của tiền lương. Những lý thuyết này cho rằng tiền lương cao sẽ làm cho người lao động làm việc có năng suất cao hơn. Ảnh hưởng của tiền lương lên hiệu quả làm việc của lao động giải thích tại sao các doanh nghiệp ít khi cắt giảm tiền lương kể cả khi lao động thừa thãi. Mặc dù cắt giảm tiền lương sẽ làm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng nó cũng sẽ làm cho năng suất lao động của người lao động giảm đi và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Các nhà kinh tế cũng cung cấp lý thuyết giải thích ảnh hưởng của tiền lương lên năng suất lao động. Lý thuyết hiệu quả tiền lương, áp dụng trong hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp hơn, cho rằng tiền lương có ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Người lao động có tiền lương cao hơn có thể có dinh dưỡng cao hơn và khỏe mạnh hơn nên sẽ có năng suất lao động cao hơn. Doanh nghiệp trả lương cho lao động cao hơn tiền lương cân bằng trên thị trường sẽ duy trì được một lực lượng lao động có sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, lập luận này khó áp dụng đối với các quốc gia giàu vì tiền lương cân bằng đã cao hơn nhiều so với tiền lương cần thiết để duy trì một sức khỏe tốt. Lý thuyết thứ hai về hiệu quả tiền lương, áp dụng tốt hơn cho các quốc gia phát triển, cho rằng tiền lương cao sẽ làm giảm sự thay đổi công việc của người lao động. Người lao động bỏ việc do nhiều lý do khác nhau – chẳng hạn, để có vị trí cao hơn ở nơi khác, thay đổi nghề nghiệp hay chuyển sang sinh sống nơi khác. Nếu doanh nghiệp trả lương cao hơn thì người lao động sẽ có động cơ làm việc với doanh nghiệp lâu dài hơn. Nếu trả lương cao hơn doanh nghiệp cũng sẽ tránh được việc người lao động bỏ việc và giảm được thời gian và chi phí tìm kiếm và đào tạo lao động. Lý thuyết thứ ba về hiệu quả tiền lương cho rằng chất lượng của lực lượng lao động của một doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động. Nếu giảm tiền lương, lao động giỏi có thể sẽ đi tìm việc ở nơi khác nên doanh nghiệp chỉ còn lại những người lao động kém không có cơ hội tìm việc ở nơi khác. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là sự chọn lựa sai lầm của tiền lương. Bằng cách trả lương trên mức tiền lương cân bằng, doanh nghiệp có thể giảm được sự lựa chọn sai lầm này, do đó cải thiện được chất lượng của lực lượng lao động và như vậy làm tăng năng suất lao động. Lý thuyết thứ tư về hiệu quả tiền lương cho rằng tiền lương cao hơn sẽ khiến người lao động cố gắng hơn. Lý thuyết này cho rằng doanh nghiệp không thể kiểm soát hết các hành vi của người lao động, đặc biệt là sự cố gắng của họ, và người lao động phải tự quyết định xem nên làm việc như thế nào. Người lao động có thể chọn làm việc cần cù hay lười nhác với rủi ro bị đuổi việc. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là động cơ lệch lạc. Doanh nghiệp có thể giảm suy nghĩ lệch lạc của người lao động bằng cách trả lương cao hơn. Tiền lương cao hơn sẽ làm cho sự mất mát của người lao động lớn hơn nếu bị sa thải. Bằng cách trả lương như vậy, doanh nghiệp có thể khiến cho người lao động trở nên trung thực hơn và làm tăng năng suất lao động của họ. Tất cả các lý thuyết về hiệu quả tiền lương dường như thống nhất rằng nếu doanh nghiệp trả lương cao hơn thì người lao động sẽ làm việc hiệu quả hơn. Các lý thuyết này ngụ ý rằng doanh nghiệp thường có động cơ giữ mức tiền lương cao hơn tiền lương cân bằng. Kết quả của sự cứng nhắc này của tiền lương là thất nghiệp chờ đợi.8 III. ĐỊNH LUẬT OKUN Một cách để đánh giá kết quả hoạt động của một nền kinh tế là xem nguồn tài nguyên được sử dụng thế nào. Do lao động là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế nên việc tạo đủ việc làm cho lao động là rất quan trọng. Như ta biết, tổng lực lượng lao động là tổng số lao động có việc làm cộng với số lao động thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp là số phần trăm lao động không có việc làm trong tổng số lao động của nền kinh tế. Do lao động là người làm ra sản phẩm của nền kinh tế nên có một câu hỏi thường được đặt ra là liệu có mối quan hệ gì không giữa thất nghiệp và GDP thực? Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa thất nghiệp và GDP thể hiện qua định luật Okun, nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu vấn đề này. Định luật Okun cho biết rằng: % thay đổi của GDP thực = 3% – 2 × Thay đổi của tỷ lệ thất nghiệp. Thí dụ, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 6% lên 8% thì tỷ lệ tăng trưởng của GDP thực sẽ là: Tỷ lệ tăng trưởng GDP thực = 3% – 2 × (8% – 6%) = –1%. Thuật ngữ Lựa chọn sai lầm: Adverse selection Sản lượng tiềm năng: Potential output Sản lượng toàn dụng lao động: Full employment output Động cơ lệch lạc: Moral hazard Thất nghiệp chu kỳ: Cyclical unemployment 8 Yellen, J., 1984 “Efficiency Wage Models of Unemployment,” American Economic Review Papers and Proceedings, May, tr, 200–2005. Katz, L., 1986, “Efficiency Wage: A Partial Evaluation,” NBER Macroeconomics Annual, tr. 235–276. Thất nghiệp cơ cấu: Structural unemployment Thất nghiệp cọ xát: Frictional unemployment Thất nghiệp do nhu cầu thấp: Demand-deficiency unemployment Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên: Natural rate of unemployment Bài đọc thêm Alchian, A., 1969, “Information Costs, Pricing, and Resource Employment,” Western Economic Journal 7, tr. 109–28. Antos, J. W., W. Mellow và J.E. Triplett, 1979, “What is the Current Equivalent to Unemployment Rates of the Past,” Monthly Labour Review (March), tr. 36–45. Brown C., 1988, “Minimum Wage Laws: Are They Overrated?” Journal of Economic Perspectives 2 (Summer), tr. 133–146. Bulow, J.I. và L.H. Summers, 1986, “A Theory of Dual Labour Markets with Application to Industrial Policy, Discrimination, and Keynes Unemployment,” Journal of Labour Economics 4 (July), tr. 376–414. Clark, K.B. và L.H. Summers, 1979, “Labour Market Dynamics and Unemployment: A Reconsideration,” Brookings Papers on Economic Activity 1, tr. 13–72. Gordon, R.J., 1972, “Wage-Price Controls and the Shifting Phillips Curve,” Brookíng Papers on Economic Activity 1, tr. 385–421. Gordon, R.J., 1973, “The Welfare Cost of Higher Unemployment,” Brookings Papers on Economic Activity 4, tr. 133–195. Gordon, D.F., 1974, “A Neo-Classical Theory of Keynesian Unemployment,” Economic Inquiry 12, tr. 431–459. Grossman, H., 1973, “Aggregate Demand, Job Search, and Unemployment,” Journal of Political Economy 81, tr. 135–1369. Grubel, H.G., 1988, “Drifting Apart: Canadian and U.S. Labour Markets,” Journal of Economic and Monetary Affairs 2 (Winter), tr. 59–75. Hall, R.E., 1979, “A Theory of the Natural Rate of Unemployment and the Duration of Unemployment,” Journal of Monetary Economics 5 (April), tr. 153–169. Katz, L., 1986, “Effiency Wages: A Partial Evaluation,” NBER Macroeconomics Annual, tr. 235–276. Katz, L.F. và B.D. Meyer, 1990, “Unempoyment Insurance, Recall Expectations, and Unempoyment Outcomes,” Quarterly Journal of Economics 105 (November), tr. 973–1002. Katz, L. và A. Krueger, 1992, “The Effect of the Minimum Wage on the Fast Food Industry,” Industrial and Labour Relations Review 46 (October), tr. 6–21. Lilien, D.M., 1982, “Sectoral Shifts and Cyclical Unemployment,” Journal of Political Economy 90 (August), tr. 777–793. Marston, S.T., 1975, “The Impact of Employment Insurance on Job Search,” Brookings Papers on Economic Activity 1, tr. 13–18. Murphy, K.M. và R.H. Topel, 1987, “The Evolution of Unemployment in the United States: 1968 – 1985,” NBER Macroeconomics Annual, tr. 11–68. Novorozhkin, A. và E. Novorozhkin, 2006, “Do Government Sponsored Vocational Training Programmes Help the Unemployed Find Jobs? Evidence from Russia,” Applied Economics Letters 14, tr. 5–10. Phelps, E., 1967, “Anticipated Inflation and Economic Welfare,” Journal of Political Economy 73 (February). Raff, D.M.G. và L.H. Summers, 1987, “Did Henry Ford Pay Efficiency Wage?” Journal of Labour Economics 5 (October, Part 2), tr. 557–586. Tobin, J., 1972, “Inflation and Unemployment,” American Economic Review 62 (March), tr. 1–18. Woodbury, S.A. và R.G. Spiegelman, 1987, “Bonuses to Workers and Employers to Reduce Unempoyment: Randomized Trials in Illinoise,” American Economic Review 77 (September), tr. 513–530. Yellen, J., 1984, “Efficiency Wage Models of Unemployment,” American Economic Review Papers and Proceedings (May), tr. 200–205.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net