logo

Bên lăng Bác Hồ

Nhân dịp kỉ niệm 32 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1969 - 29/8/2007), Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản cuốn sách " Bên Lăng Bác Hồ"
"Bên Lăng Bác Hồ" Nhân dịp kỷ niệm 32 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1969 - 29/8/2007), Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản cuốn sách “Bên Lăng Bác Hồ”. Trải qua 38 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và 32 năm xây dựng, trưởng thành, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, những nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người, chúng tôi lần lượt giới thiệu các bài viết trong cuốn sách “Bên Lăng Bác Hồ” của cán bộ, chuyên gia Nga, phóng viên, nhạc sĩ; thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn sâu sắc của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người trực tiếp được làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và công trình Lăng của Người kính dâng lên Đảng, Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là món quà tinh thần gửi tới đồng bào, đồng chí cả nước. Cuốn sách gồm lời nói đầu, 24 bài viết và 4 bài hát. Ban Biên tập Lời nói đầu Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị quân đội làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, công trình Lăng của Người và tổ chức đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Phát huy bản chất truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị trong mọi hoàn cảnh luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Bác Hồ, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đoàn kết, chủ động, sáng tạo vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Cụm công trình khoa học- công nghệ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Viện 69 được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động; Đoàn 195 được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2004 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975- 29/8/2005) và đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, Bộ Tư lệnh đã phát động Cuộc vận động sáng tác về đề tài Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lựa chọn những bài viết trong Cuộc vận động sáng tác và một số tác phẩm, bài viết của chuyên gia Nga, phóng viên, nhạc sĩ xuất bản cuốn sách Bên Lăng Bác Hồ. Cuốn sách góp phần tái hiện một cách trung thực, sinh động những chặng đường xây dựng và trưởng thành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó là những trang viết đầy xúc động khi tác giả chứng kiến giờ phút đau thương của toàn dân tộc vĩnh biệt Bác kính yêu; nén đau thương, cùng chuyên gia Bạn làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác trong những ngày đầu. Đó là những dấu ấn sâu đậm về công tác bảo vệ, công tác kỹ thuật trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những cuộc hành quân bí mật đến nơi căn cứ nằm sâu trong núi rừng. Tiếp đến là thời kỳ thực hiện nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhiệm vụ khó khăn chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Một số sự kiện đã được kể lại một cách chân thực giúp người đọc hình dung những công việc thầm lặng được thực hiện với ý chí độc lập tự chủ, chủ động, sáng tạo vượt qua thử thách, vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tập sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Quốc khánh, 38 năm Ngày Bác đi xa là tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người trực tiếp được làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và công trình Lăng của Người kính dâng lên Đảng, Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là món quà tinh thần gửi tới đồng bào, đồng chí cả nước. Nhân dịp cuốn sách xuất bản, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn các đồng chí tướng lĩnh, các cán bộ, công nhân viên đã dành công sức, thời gian ghi lại hồi ức, hồi ký, kỷ niệm của mình về Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã giúp đỡ, tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc và nhận được những bài viết mới về Bộ đội Bảo vệ Lăng cho những tập sách tiếp theo. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ! Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Thay cho lời cám ơn Sáng ngày 24 tháng 1 năm 2005, tại Lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, thay mặt Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh, tôi đọc bản báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tóm lược và nêu bật những thành tích đặc biệt xuất sắc của đơn vị đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Khi đề cập tới các yếu tố để đơn vị có được thành tích và phần thưởng cao quý, điều tôi nhắc tới đầu tiên và nhấn mạnh là đơn vị luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quân đội, mà thường xuyên, trực tiếp là các đồng chí cán bộ cấp cao được Chính phủ, Bộ Quốc phòng phân công phụ trách. Sau lời biểu dương và căn dặn của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, khi đáp lễ tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, của cá nhân đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đồng chí Đỗ Mười, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ công tác tại Lăng Bác đã từng được chứng kiến những đóng góp vừa chiến lược, vừa cụ thể của một đồng chí lãnh đạo qua nhiều cương vị khác nhau đối với công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Sự có mặt của đồng chí trong buổi lễ trọng thể này càng có ý nghĩa động viên gấp bội khi tuổi đã cao và sức khoẻ trước đó của đồng chí Đỗ Mười chưa thật ổn định. Kết thúc buổi lễ, khi rời Hội trường, bước chậm rãi ra xe, đồng chí hỏi cụ thể thêm về tình trạng thi hài Bác, kết quả nghiên cứu thực nghiệm và khả năng hợp tác với chuyên gia Nga. Đồng chí căn dặn phải cải tiến công tác đón tiếp nhân dân sao cho thuận tiện và chu đáo, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên để mọi người yên tâm, hết lòng với công việc được giao. Cũng như mọi khi, vào viếng Bác nhân dịp kỷ niệm lần thứ 116 Ngày sinh của Người, đồng chí Đỗ Mười chăm chú ngắm nhìn hồi lâu. Lúc ra đồng chí nhận xét thi hài Bác vẫn rất đẹp và hỏi vui: “Râu Bác có còn đủ không?”. Đồng chí lắng nghe và hài lòng khi tôi báo cáo về khả năng tự đảm nhiệm của đơn vị trong giai đoạn hiện nay. * ** Sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị là nhất quán và xuyên suốt. Đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có thời kỳ được Chính phủ phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng. Với tác phong làm việc sâu sát, khoa học, đồng chí đã dành nhiều thời gian kiểm tra công việc, lắng nghe ý kiến cấp dưới, các nhà chuyên môn và đưa ra các ý kiến định hướng, chỉ đạo quan trọng. Quá trình trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng của đồng chí Nguyễn Khánh có thời điểm không thể nào quên. Đó là từ cuối năm 1990 đến khoảng giữa năm 1991, khó khăn tích tụ, tình hình rất khẩn trương. Tại Liên Xô, quyền lãnh đạo Nhà nước của Đảng Cộng sản mất dần, từng bước rơi vào tay các lực lượng đối lập. Khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và đã xuất hiện một tình thế chính trị đặc biệt - tình thế phản cách mạng. Nguy cơ Liên bang Xô Viết bị xoá bỏ đã hiện hữu. Đối với Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức. Viện trợ không hoàn lại của Liên Xô cho hoạt động của công trình Lăng cùng với chế độ chuyên gia thường xuyên không còn nữa. Sự giúp đỡ quan trọng và rất hiệu quả của Bạn bị gián đoạn và có nguy cơ mất hẳn. Ngày 10 tháng 7 năm 1991, đồng chí Nguyễn Khánh chủ trì cuộc họp quan trọng để thống nhất nhìn nhận, đánh giá tình hình, xác định chủ trương định hướng lớn, đưa ra các nội dung ưu tiên, bước đi cần thiết cả trước mắt và lâu dài. Ngay tại cuộc họp cũng như sau này, các đồng chí có mặt hôm đó đều hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết luận của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh. Kết luận thể hiện bản lĩnh vững vàng, quyết tâm rất cao trên cơ sở thực tiễn và khoa học đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Theo đó, trong tình hình mới, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là trọng trách của Bộ Quốc phòng, nhưng cần huy động khả năng chuyên môn của các nhà khoa học cả trong và ngoài quân đội. Tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề đã có kết quả nhưng chưa thật đầy đủ, chưa thật chắc chắn về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan tăng cường đầu tư cho đơn vị xây dựng lực lượng và cơ sở nghiên cứu, cần thành lập ngay Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước để tư vấn giúp Chính phủ, chỉ đạo công tác đặc biệt quan trọng này. Chủ động chuẩn bị để đủ sức tự đảm nhiệm công việc, nhưng vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống, nhờ Bạn giúp đỡ khi khả năng này vẫn còn. Những năm sau đó, bằng năng động sáng tạo, Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá và đưa các chủ trương, định hướng trên thành hiện thực, vượt qua khó khăn thử thách, trụ vững và trưởng thành. * ** Cuối tháng 9 năm 1992, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX đã bầu Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới. Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải được Chính phủ phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng. Ngay đầu tháng 10, đồng chí đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo phiên họp đầu tiên của Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có Quyết định thành lập trước đó ít ngày. Đây là Hội nghị khoa học có ý nghĩa mở đầu một giai đoạn mới rất quan trọng, động viên và phát huy nội lực, đẩy nhanh quá trình tạo dựng khả năng tự đảm nhiệm việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Hội nghị được tổ chức giản dị nhưng trang trọng, chu đáo tại Nhà khách 19/5 trên đường Liễu Giai. Thành phần dự họp đều đến từ rất sớm và đông đủ. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đến sớm, bước vào phòng họp với tác phong quen thuộc: Nhanh nhẹn, gần gũi và vui tính. Mọi người đứng dậy chào và được đồng chí đáp lại bằng cái bắt tay rất chặt và vỗ vai thân tình. Đến giờ khai mạc, sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu là công bố Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn về các vấn đề, giải pháp khoa học nhằm bảo quản lâu dài thi hài Bác. Thành phần của Hội đồng gồm: Chủ tịch do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hưng Phúc, Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Học viện Quân y đảm nhiệm; các uỷ viên: Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Phấn (Bộ Y tế); Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Hoàng Thuỷ Nguyên (Bộ Y tế); Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp); Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn (Bộ Quốc phòng); Bác sĩ Chuyên khoa cấp 2 Đỗ Văn Dai (Bộ Quốc phòng) và 2 thư ký : Tiến sĩ Vũ Văn Bình (Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ Đào Hữu Nghĩa (Bộ Quốc phòng). Trong Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học còn có một số điều khoản quy định trách nhiệm, thẩm quyền của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, các Bộ trưởng có liên quan để đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng và cộng tác viên. Đồng chí Phan Văn Khải thay mặt Chính phủ phát biểu giao nhiệm vụ và chỉ đạo hoạt động cho Hội đồng Khoa học. Đề cập ngắn gọn tình hình quốc tế không thuận lợi, ý nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một nhiệm vụ đặc biệt đã và sẽ tiếp tục giao cho Quân đội với sự tin tưởng tuyệt đối “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đồng chí biểu dương những kết quả đã đạt được trong quá trình vươn lên làm chủ một số lĩnh vực về kỹ thuật và y tế, coi đó là cơ sở ban đầu để định ra chương trình, kế hoạch, nội dung và bước đi tiếp theo. Hội đồng Khoa học được thành lập không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở thời điểm khó khăn hiện nay, mà phải xác định chiến lược lâu dài. Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của Hội đồng vừa tư vấn, vừa hỗ trợ tối đa trong phạm vi chuyên môn được phân công, nhất là hỗ trợ cộng tác viên, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, bồi dưỡng đào tạo cán bộ. Về quản lý Nhà nước, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Quốc phòng, Y tế, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Hội đồng hoạt động hiệu quả. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, thay mặt các thành viên trong Hội đồng Khoa học, đồng chí Chủ tịch phát biểu xác định trách nhiệm, cảm ơn sự tin cậy và quan tâm của trên, hứa hẹn sẽ có những đóng góp xứng đáng. Cũng trong phiên họp đầu tiên này, Hội đồng giành thời gian thảo luận báo cáo của Ban Quản lý Lăng về phương án tự đảm nhiệm và những nội dung ưu tiên cần tập trung nghiên cứu, đồng thời thống nhất quy chế làm việc của Hội đồng. Nhiều năm đã qua đi, song sự kiện thành lập Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một dấu ấn đậm nét thể hiện sự quan tâm đặc biệt, kịp thời, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta. Đây là thuận lợi lớn, yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa mở đầu một giai đoạn mới, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới. * ** Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, trong khi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức- biên chế, nâng cao chất lượng tổng hợp và kỷ luật Quân đội, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt và kịp thời đối với nhiệm vụ của đơn vị, mà tiêu biểu là Nghị quyết 50 (tháng 2 năm 1988). Đó là Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện Nghị quyết, bên cạnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, gắn bó và chỉ đạo trực tiếp đơn vị có đồng chí Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Hanh. Được Bộ phân công, với tác phong sâu sát, đồng chí Trung tướng Trần Hanh dành nhiều thời gian kiểm tra công việc, tham dự các hội nghị Đảng uỷ, hội nghị khoa học và cả các cuộc họp sơ kết quý, 6 tháng và tổng kết năm của đơn vị. Khi bàn công việc, đồng chí điềm tĩnh lắng nghe ý kiến nhiều chiều, chắt lọc, cân nhắc thận trọng, rồi nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc phân tích, đưa ra những gợi ý hoặc ý kiến chỉ đạo. Quá trình phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở thời điểm trước, trong và sau khi Liên Xô tan rã, khi nhìn nhận đánh giá tình hình, lúc bàn chủ trương và cơ chế tiếp tục hợp tác với Bạn, kế hoạch và nhiệm vụ ưu tiên nâng cấp Viện 69… những đóng góp của đồng chí Trần Hanh rất thiết thực, cụ thể. Có một sự kiện ở thời điểm nhạy cảm gắn liền với sự chỉ đạo của Trung tướng Trần Hanh - Phó Tổng Tham mưu trưởng. Đó là đầu năm 1992, khi nhóm chuyên gia y tế của Bạn không kịp sang giúp ta làm thuốc thường xuyên thi hài Bác, chúng ta vừa lo tự đảm nhiệm, vừa tính toán để có thể tiếp nhận và quản lý dung dịch đặc biệt như một người chủ thực thụ. Đồng chí Trần Hanh dành nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh, bàn kỹ, bàn cụ thể từ ý định, quyết tâm và cách làm, đến phân công tổ chức thực hiện. ở đồng chí, ngoài lo toan chung như những người trong cuộc, còn có sự cân nhắc cẩn trọng của một người anh cả dày dạn kinh nghiệm. Đồng chí đã căn dặn mọi người lưu ý khi làm việc với người đại diện của Bạn cần có bước thăm dò, bên cạnh cơ sở pháp lý cần vận động thuyết phục bằng tình cảm và nhất là phải khẩn trương nhưng không được nóng vội. Việc tổ chức thực hiện chuyển giao dung dịch đặc biệt từ Bạn sang ta đã diễn ra đúng với dự kiến. Sau khi Bạn đồng ý chuyển giao, chúng ta đã tiếp nhận đầy đủ, chu đáo và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sự kiện này bắt đầu một thời kỳ mới - thời kỳ đẩy nhanh quá trình làm chủ toàn diện và vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. * ** Khác với mọi khi, tu bổ định kỳ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay được tiến hành sớm và đẩy nhanh tiến độ, kịp phục vụ lễ viếng của các Đoàn đại biểu sang dự Hội nghị APEC – 14. Hà Nội dịp này được trang trí đẹp. Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình thắm đỏ màu cờ và rực rỡ sắc hoa. Trong đoàn kiểm tra chuẩn bị mở cửa Lăng sau tu bổ định kỳ, tôi yên tâm thấy mọi việc đã hoàn tất, từ công tác y tế, kỹ thuật, an ninh - nghi lễ, đón tiếp tuyên truyền đến đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường. Chất lượng và tiến độ công việc khẳng định thêm khả năng làm chủ toàn diện, vững chắc của các lực lượng phục vụ tại Lăng. Tất cả đã sẵn sàng, để ngày mai, sau buổi kiểm tra lần cuối của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - người vừa được Thủ tướng phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng, Lăng Bác mở cửa đón khách. Ngắm nhìn Lăng Bác với vóc dáng uy nghiêm nhưng gần gũi vốn có, thêm những nét đẹp vừa mới được tôn tạo, trong tôi một niềm tin thật rõ ràng: Bác là vĩnh hằng và Người đang rất vui chứng kiến đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển. Thiếu tướng Đào Hữu Nghĩa Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Một ngày và mãi mãi Ngày mồng một Tết Kỷ Dậu (1969), Bác dành chuyến xuất hành đầu năm cho bộ đội Phòng không - Không quân. Bác hiểu rằng: Tới đây, bộ đội Phòng không - Không quân phải đương đầu với Không lực Hoa Kỳ - một lực lượng không quân hùng hậu và hiếu chiến bậc nhất thế giới. Tháp tùng Bác đi chúc Tết bộ đội, tôi luôn trong trạng thái xúc động, nhói đau con tim. Tôi nhận ra một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là: Sức khoẻ của Bác đã giảm sút nhiều. Hoà cùng vào niềm vui của bộ đội, tôi vẫn muốn nói to lên với các đồng chí của mình: “Các đồng chí ơi, sức khỏe của Bác không tốt lắm. Bác gắng gượng để đến với anh em ta đấy”. Nhưng tôi không được phép làm như vậy. Bác không được khoẻ, thế mà tiếng nói của Bác vẫn ấm áp, nụ cười của Bác khi gặp chiến sỹ thật hiền hậu, tin yêu. Những gương mặt ngời sáng kính trọng, tự hào của bộ đội Phòng không- Không quân càng làm cho Bác vui. Lúc ấy, không ai nghĩ rằng: Đây là lần cuối cùng mọi người được gặp Bác. Trong tôi trào dâng một xúc cảm bồi hồi. Tôi nghẹn giọng, nuốt nước mắt. Sau khi thăm bộ đội Phòng không - Không quân, Bác đi thăm và chúc Tết nhân dân huyện Bất Bạt, Hà Tây. Tới làng Vật Lại Anh hùng, Bác dừng chân nghỉ trên đồi Vật Lại ngắm nhìn núi Tản Viên, Bác như thấy lòng thư thái trước cảnh non xanh, nước biếc… Bác đã trồng cây đa trên đồi Vật Lại. Cây đa ấy đến nay vẫn toả bóng mát như nhắc nhở các thế hệ cháu con phải có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên. Dịp sinh nhật Bác năm 1969, trong một buổi gặp mặt với các tướng lĩnh, chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu, quân binh chủng dự hội nghị quân chính toàn quân, tại phòng họp của Phủ Thủ tướng. Buổi gặp mặt có Bác, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào... Bác nói chuyện, động viên, nhắc nhở cán bộ dự hội nghị. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt cho các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp toàn quân kính chúc sức khỏe Bác và tặng hoa chúc mừng nhân ngày sinh của Bác. Bác tặng lại các đại biểu và chúc các đại biểu sau hội nghị về cần cố gắng hơn nữa, có nhiều hoa chiến công hơn nữa. Sau buổi gặp gỡ này, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Bác vô cùng lo lắng, báo cáo với Bộ Chính trị rằng Bác đã có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Bộ Chính trị quyết định mời bác sĩ Trung Quốc sang chữa bệnh cho Bác. Từ tháng 8 năm 1969 sức khoẻ của Bác ngày càng xấu đi. Ngày 12 tháng 8 năm 1969, trong khi trời nổi cơn giông, nhưng nghe tin phái đoàn ngoại giao ta ở Pa-ri vừa về nước, Bác lập tức tới nhà nghỉ Hồ Tây thăm anh em trong đoàn. Bác tới để nghe tình hình và động viên tinh thần anh em trong cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị; sau đó Bác lại đi thăm, kiểm tra công tác bảo vệ đê điều chống bão lụt của Hà Nội. Khi về, Bác bị cảm lạnh. Ngày hôm sau, Bác ho nhiều. Ngày 23 tháng 8 năm 1969, bác sĩ phải dùng thuốc kháng sinh tiêm cho Bác và làm điện tim, thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Ngày 28 tháng 8 năm 1969, tim Bác có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần tuyến nhĩ thất. Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng có nhiều dấu hiệu xấu, trung tuần tháng 8 năm 1969, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác gồm các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Uỷ viên Trung ương Đảng - Ủy viên Quân ủy Trung ương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Trưởng ban; Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài - Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cần - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Cục trưởng Cục Quân y; Đại tá Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội. Ban chỉ đạo phân công đồng chí Phùng Thế Tài làm Phó ban và tôi là ủy viên thường trực, điều hành mọi công việc cụ thể của Ban chỉ đạo. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời gian, Ban chỉ đạo đã huy động thêm lực lượng nhằm đáp ứng với tình hình ngày một khẩn trương. Theo dõi từng giờ, từng ngày sức khỏe của Bác, chúng tôi biết thời điểm nghiệt ngã nhất đang đến gần. Ban chỉ đạo khẩn trương tiến hành kiểm tra mọi khâu trong công tác chuẩn bị; khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại; đình chỉ mọi việc đi phép, đi học của cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến nhiệm vụ. Cục Bảo vệ và Tiểu đoàn 144 tổ chức ngay một đoàn xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, gồm năm chiếc: Hai xe cứu thương, ba xe Gat, chọn các đồng chí: Hoàng Đình Thinh - lái xe của Tổng cục Hậu Cần; Nguyễn Văn Nhích - lái xe của Bộ Tổng tham mưu, Nguyễn Văn Hợp - lái xe cứu thương của Viện Quân y 108 làm nhiệm vụ lái xe cứu thương. Các xe khác do lái xe của Cục Bảo vệ đảm nhiệm. Hàng đêm, các chiến sỹ lái xe đã không quản vất vả, gian khổ miệt mài luyện tập, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ lái xe trong các tình huống, trên các đoạn đường, đến các địa điểm khác nhau. Một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 144 và Cục Bảo vệ được chọn làm nhiệm vụ luyện tập, mặc trang phục cảnh sát hoặc hóa trang là người dân bình thường ém và tuần tra ở các con đường mà đoàn xe đi qua; mọi tình huống xấu có thể xảy ra (xe hỏng, kẹt tắc đường, gặp tai nạn, bị phá hoại...) đều được lường tính trước và vạch sẵn giải pháp xử trí. Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng được giao chuẩn bị nhà cửa, sửa chữa trang bị nội thất tốt nhất, chuẩn bị người phục vụ, hai xe du lịch; cử người nấu ăn, lái xe, công vụ cùng hai cán bộ Cục Bảo vệ Quân đội (đồng chí Vũ Quang Kha phiên dịch, đồng chí Hoan - cán bộ bảo vệ tiếp cận) và một tiểu đội cảnh vệ của Tiểu đoàn 144 thành một bộ phận phục vụ đoàn chuyên gia y tế Liên Xô. Đồng chí Vũ Quang Kha được cử phụ trách chung. Một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh, Tiểu đoàn 144 và một số cán bộ, chiến sĩ Cục Bảo vệ Quân đội (Tống Xuân Đài, Mạc Hồ, Nhu, Tấn...) chuyên trách làm mọi công tác do Ban chỉ đạo điều hành. Đồng chí Nguyễn Văn Hanh - Trưởng phòng Cục Bảo vệ Quân đội được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các bộ phận có trách nhiệm trực tiếp phục vụ ở công trình 75A, 75B. Cuối tháng 8 năm 1969, Ban chỉ đạo kiểm tra lại tất cả các công trình, các đơn vị và mọi công tác chuẩn bị. Sau đó, chúng tôi báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Bộ Chính trị: Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất với chất lượng cao nhất. Tất cả mọi người, mọi bộ phận, mọi công trình đều đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra. Trong thời gian này, thấy tình hình sức khỏe của Bác ngày càng giảm sút nghiêm trọng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã điện thông báo cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị Bạn cho đoàn y tế làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác Hồ sang Hà Nội ngay. Ngày 28 tháng 8 năm 1969 đoàn cán bộ y tế Liên Xô đến Hà Nội. Đoàn do đồng chí X.X.Đê-bốp - Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, Viện trưởng Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin làm Trưởng đoàn. Ngay khi tới Hà Nội, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tiếp đón và làm việc. Sau đó, đoàn tiến hành kiểm tra các Công trình 75A và 75B; kiểm tra công việc chuẩn bị của Tổ y tế đặc biệt. Sau khi kiểm tra xong, đoàn kết luận: Đã có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu để phục vụ lễ viếng và lễ tang Bác. Đến lúc này, Ban chỉ đạo chúng tôi thực sự như trút được một gánh nặng. Trong khi ấy ở phòng bệnh, hàng ngày các bác sĩ vẫn thay nhau theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác; các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn tới thăm và báo cáo tình hình của cả nước với Bác. Mỗi tin chiến thắng từ chiến trường miền Nam đều làm cho Bác vui thêm. Ngày 30 tháng 8 năm 1969, đồng chí Phạm Văn Đồng sang thăm và báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị tổ chức ngày Lễ Quốc khánh 2- 9. Nghe báo cáo xong, Bác dặn: “Các chú phải nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần nhân dân”. Nhưng do tình hình sức khỏe của Bác đang trầm trọng như vậy, ai còn tâm trạng nào để bắn pháo hoa nữa ! Ngày 31 tháng 8 năm 1969, nghe tin Bộ đội Phòng không bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ (chiếc máy bay này bị bắn rơi ngày 30-8) Bác rất phấn khởi. Người nhắc Văn phòng Chủ tịch nước gửi ngay lẵng hoa chúc mừng và khen ngợi Bộ đội Phòng không. Các chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 361 không ngờ rằng, đó là lẵng hoa cuối cùng mà họ thay mặt quân và dân ta được đón nhận từ lãnh tụ kính yêu. Hôm đó, tâm trạng Bác rất vui, Người đã gắng ăn hết một bát cháo. Các đồng chí phục vụ bên Bác mừng khôn tả. Các bác sĩ chăm sóc Bác vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng. Họ hiểu rằng, chính tin vui thắng trận đã tạo nên điều kỳ diệu đó, nhưng chỉ là tình trạng nhất thời. Và thời điểm khắc nghiệt nhất đã đến. Sáng 2 tháng 9 năm 1969, cả nước đang hân hoan trong ngày Quốc khánh, thì trong căn nhà nhỏ, giản dị, cách ngôi nhà sàn của Bác không xa, trên một chiếc giường gỗ trải chiếu đơn sơ, Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đang trút những hơi thở cuối cùng. Vây quanh Bác là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác. Đồng chí Vũ Kỳ - người phục vụ thân cận nhất của Bác ngồi bên giường với chiếc quạt lá cọ trên tay không ngừng quạt nhẹ cho Bác. Nhưng rồi, đúng 9 giờ 47 phút, trái tim Bác ngừng đập. Chiếc quạt lá cọ rời khỏi tay, đồng chí Vũ Kỳ gục xuống khóc nức nở. Các bác sĩ vẫn không ngừng xoa bóp, hô hấp nhân tạo với hy vọng mong manh rằng, trái tim vĩ đại tràn đầy yêu thương của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng tất cả đã vô vọng. Một giờ sau, khi trao đổi với các bác sĩ làm công tác cấp cứu, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn khoát tay: “Thôi, các đồng chí để yên cho Bác nghỉ”. Tất cả mọi người có mặt bên giường Bác đều òa lên khóc nức nở. Diễn biến tình hình về sức khoẻ của Bác đã liên tục được thông báo về 75A. Tại Công trình 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và tôi luôn bám sát tình hình ở Phủ Chủ tịch qua máy điện thoại. Các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt được lệnh sẵn sàng. 10 giờ, tôi đau đớn buông máy điện thoại, nói với các anh có mặt tại 75A “Bác mất rồi”. Anh Phùng Thế Tài vừa khóc vừa ra lệnh cho mọi người: “Tất cả vào vị trí”. Tôi cũng gạt nước mắt lao ra xe chỉ huy. Chúng tôi được lệnh cho xe tới Phủ Chủ tịch. Trên xe còn có các đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Trung Hát, Tổ y tế đặc biệt và đồng chí Đỗ Hải - Chính trị viên Tiểu đoàn 144. Tới cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe dừng lại, riêng chiếc xe cứu thương mang biển số FH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước cửa ngôi nhà sàn của Bác, đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn ra đón. Anh Hoàn ôm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Sự việc xảy ra rồi! Các đồng chí phải bình tĩnh làm tốt nhiệm vụ của mình”. Khi nhìn thấy tôi và Tổ y tế đặc biệt, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vừa khóc, vừa vẫy tay: “Thôi, mọi người hãy dãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”. Thấy Bác nằm thanh thản trên giường, nước mắt tôi trào ra. Nhưng tôi chợt hiểu rằng, đây là lúc mà mình phải tỉnh táo nhất; mình là cận vệ của Bác Hồ, lúc này mình phải bảo vệ Bác như tất cả những lần Bác đi công tác. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh lại cùng các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt tiến vào. “Các đồng chí thận trọng” - Tôi nhắc nhở trong khi mọi người chuyển Bác từ giường sang cáng thương. Tôi vẫn đi bên cạnh Bác trên quãng đường từ nhà ra xe. Lúc này tôi không còn chú ý tới mọi người xung quanh. “Tất cả dãn ra cho Bác đi” - hình như tôi đã nói như vậy. Mọi người dãn sang hai bên tạo thành một đội danh dự. Đó là tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị - những người học trò ưu tú của Bác. Khi Bác đã yên vị trên xe, tôi quan sát nhanh rồi ra lệnh: “Lên đường”. Chiếc xe nhẹ nhàng lăn bánh ra cổng Phủ Chủ tịch. Lúc đó, tất cả các xe đều giữ đúng vị trí, giữ đúng cự ly. Đoàn xe hộ tống Bác qua các phố Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông về 75A. Trên xe chỉ huy, tôi quan sát thấy phố phường Hà Nội vẫn bình yên, cuộc sống vẫn ồn ào, sôi động trong ngày Quốc khánh. Chưa ai biết một mất mát lớn lao, một nỗi đau khôn cùng đã đến với toàn dân tộc. Ở những ngã ba đường, tôi thoáng nhìn thấy các chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ, họ đứng nghiêm khi đoàn xe đi qua. Nhìn ánh mắt những người lính, tôi hiểu rằng họ đang gửi lời chào vĩnh biệt Bác kính yêu. Là những người biết một cuộc chia ly lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã tới, nhưng họ vẫn phải yên lặng, tỉnh táo. Họ là những chiến sĩ cảnh vệ đang bảo vệ cho một chuyến đi của lãnh tụ. Họ không được rời vị trí, không được để lệ rơi. Khi xe dừng lại trước Công trình 75A, mọi người ùa ra đón. Tôi chỉ kịp nhảy xuống xe báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài: “Thưa các anh! Bác đã tới”. Tôi đã nhiều lần được bảo vệ, tiếp cận Bác trong những chuyến đi công tác, nhưng chưa bao giờ có chuyến đi nào buồn đến như vậy. Suốt chặng đường từ Phủ Chủ tịch đến 75A, tôi luôn cắn răng tự nhủ với mình: “Không được khóc! Không được rơi nước mắt”. Nhưng lúc này, sau khi làm biên bản khám nghiệm xong, các chuyên gia y tế của Liên Xô và của Tổ y tế đặc biệt bắt đầu đưa thi hài Bác vào buồng đặc biệt thì tôi không sao kìm nén được nữa. Trong buồng đặc biệt lúc đó có đoàn chuyên gia y tế Liên Xô, các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt, anh Phùng Thế Tài và tôi lui tới ra vào theo dõi tiến trình công việc để báo cáo kịp thời với các đồng chí lãnh đạo, đồng thời cũng làm nhiệm vụ chăm sóc các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam. Nội dung và yêu cầu chung của khoa học giữ gìn lâu dài thi hài là: - Phải giữ được những nét đặc trưng của thi hài Bác như khi Người còn sống. - Phải giữ thi hài được lâu dài. - Phải đảm bảo được yêu cầu có thể để đông đảo người tới viếng thăm trong điều kiện môi trường bình thường. Theo chúng tôi được biết, khoa học giữ gìn thi hài với nội dung và yêu cầu như thế thì trên thế giới cho đến lúc đó chỉ mới có Liên Xô làm được. Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã từng là những nhà chuyên môn giỏi, được học tập, thực hành công tác giữ gìn thi hài trong hai năm có thể đảm đương nhiệm vụ, nhưng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao, từ tấm lòng yêu kính Bác nên Giáo sư Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, Viện sĩ X.X. Đê-bốp và Giáo sư I.N. Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế giữ gìn thi hài Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ là Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều - thành viên của Tổ y tế đặc biệt Việt Nam. Trong phòng im phăng phắc. Tôi như nghe được nhịp đập của trái tim mỗi người. Các đồng chí chuyên gia cũng rất xúc động. Sau khi mọi động tác chuẩn bị đã hoàn tất, mọi người đứng lặng trước Bác vài giây rồi đồng chí Iu.M. Lô-pu-khin mới ngẩng lên ra lệnh “bắt đầu”. Có một điều đặc biệt là tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hệ thống mạch máu của Người về cơ bản vẫn thông suốt đến các hệ thống mao mạch. Điều đó chứng tỏ sinh thời Người rất chăm chỉ rèn luyện thân thể. Đây cũng là một thuận lợi rất cơ bản cho công tác giữ gìn thi hài Bác. Bởi vì, để giữ gìn lâu dài, thi hài Bác phải được trau chuốt đến từng mao mạch. Đó là công việc hết sức tỉ mỉ. Các chuyên gia y tế Liên Xô đã làm công việc đó với một tấm lòng yêu thương, trân trọng lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời. Sau này, mỗi khi ngoài trời đổ mưa là tôi lại có cảm giác ớn lạnh, rùng mình. Cuộc đời tôi tuy đã trải qua không ít những ngày gian khổ, hiểm nguy, trải qua không ít những đau thương, mất mát, nhưng chưa bao giờ tôi phải sống một ngày nặng nề, đau đớn đến vậy. Vào những ngày Bác mất, Hà Nội lúc nào cũng như bị đè nặng dưới một bầu trời u ám, sũng nước. Tin về nỗi đau lớn của dân tộc chưa được phép loan đi, nhưng dường như dần dần mọi người Hà Nội và cả cỏ cây thiên nhiên đều cảm được nỗi mất mát lớn lao đó. Với tôi, ngày 2 tháng 9 năm 1969 là một ngày không thể nào phai mờ trong ký ức. Cũng từ ngày hôm đó, tôi hiểu ra rằng, nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, nhất là bảo vệ những di sản tinh thần của Người vẫn là một nhiệm vụ trọng đại của những người lính thuộc thế hệ chúng tôi và rồi chúng tôi sẽ phải giao lại nhiệm vụ thiêng liêng ấy cho các thế hệ mai sau. Nhiệm vụ của người bảo vệ vì thế không chỉ dừng lại ở một không gian, thời gian nhất định. Bác đã ra đi, nhưng những người lính cận vệ của Người luôn ở bên Người, luôn sẵn sàng hành động để bảo vệ những giá trị thiêng liêng mà Người để lại cho dân tộc, cho Đảng và cho cả nhân loại. Đó là điều quan trọng mà tôi đã nhận thức sâu sắc được trong ngày bi tráng ấy. Thiếu tướng Trần Kinh Chi Nguyên Tư lệnh, kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Về công việc giữ gìn Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, Viện trưởng Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin, X.X. Đê-bốp gọi điện và thông báo rằng: Chính phủ quyết định tôi phải bay gấp sang Hà Nội. Tôi không hỏi gì và hiểu không cần giải thích qua điện thoại những điều bí mật, việc ướp sắp tới (hoặc như chúng tôi thường gọi là "công việc") rõ ràng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có một thông báo nào về cái chết của Người. Lúc đó, tôi là Hiệu trưởng Trường Đại học y khoa Mat-xcơ-va số 2. Tôi cũng đã ký tất cả lệnh triệu tập các sinh viên mới năm thứ nhất. Vợ và các con tôi khoẻ mạnh và tôi thực sự vui mừng vì được rời Mat-xcơ-va, khỏi phải chịu sự quấy rầy của những người khách, những sinh viên thi không đỗ và các nhà báo; khỏi những tiếng chuông đánh thức sớm; cuối cùng là thoát khỏi những mệt mỏi đã tích luỹ. Ngày hôm sau, một nhóm gồm 5 người, trong đó có tôi và các nhà khoa học X.X. Đê-bốp, Iu.A. Khô-rô-xcốp, I.N. Mi-khai-lốp và người trợ thủ tin cậy của ông, lên chiếc máy bay IL- 62. Máy bay bay theo lộ trình đến Ta-sken. Ở Ta-sken rất nóng, chúng tôi nghỉ trong một khách sạn lớn nhưng ồn ào, với những chiếc quạt quay uể oải. Sau một giờ (hoặc hơn một chút) chúng tôi ra máy bay, bay tiếp qua những ngọn núi phủ tuyết trắng nhìn thấy qua cửa kính. Không lâu sau đó,máy bay hạ cánh xuống Cal-cút-ta, và cuối cùng chúng tôi xuống sân bay ở Hà Nội. Khi rời khỏi máy bay, chúng tôi ngập chìm trong cái nóng ẩm ướt, khó thở, giống như trong nhà tắm hơi nóng rực. Các bạn Việt Nam nhanh chóng đưa chúng tôi lên ô tô, đi vào một phố và rồi đưa chúng tôi vào một ngôi nhà hai tầng mầu trắng dễ chịu được xây từ thời thực dân Pháp. Ở đó, sau bữa ăn tối giản dị chúng tôi thu xếp đi ngủ trong những căn phòng với những chiếc giường rộng rãi, giường được phủ vải có riềm mỏng. Trên trần là những chiếc quạt phả ra không khí nóng và hình như đậm đặc hơn. Chúng tôi sống trong ngôi nhà này một vài ngày và thường xuyên có người bảo vệ. Chỉ đến chiều tối, khi phố sá đã vắng, các bạn Việt Nam mới đưa chúng tôi đi dạo chơi trên phố, đi bộ xung quanh một chiếc hồ nhỏ bao quanh là công viên thú. Ngày mồng 1 tháng 9, chúng tôi được biết tình trạng sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất xấu, và chúng tôi cần sẵn sàng chuẩn bị cho "công việc". Chiều ngày mồng 2 tháng 9, chúng tôi tới phòng thí nghiệm đặc biệt của quân y viện. Ở đó đã chuẩn bị áo choàng, dụng cụ cho công việc và các dung dịch cố định, dung dịch ướp cần thiết chuyển từ Mat-xcơ-va đến. Lúc đó, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây. Tôi đảm nhận phần kỹ thuật. X.X. Đê-bốp nói nhỏ với tôi: "Nào, bắt đầu đi!". Tôi ngắm nhìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ thể hơi gầy, tầm thước, cơ bắp nở nang. Thi hài còn ấm (do trong những ngày này thời tiết nóng, và còn vì thời gian Người mất chưa lâu). Cơ chân tay phát triển không quá lớn, da nhẵn mầu bánh mật, cơ thành bụng nổi rõ; bàn tay nhỏ với những ngón tay dài và móng tay hình ô-van thanh tao. Khuôn mặt với hai gò má cao điển hình của người châu Á và của nhà trí thức. Trên da mặt ở một số nơi, đặc biệt là vùng trán, thái dương có những nốt sắc tố sẫm mầu không lớn do sắc tố hoá ở người già. Ổ mắt hơi sập; môi khép lại có đường viền ngoài rõ như mỉm cười, biểu hiện sự bình yên vĩnh cửu. Trán cao rộng, tóc thưa chải về phía sau; râu dài hơi uốn cong, xen lẫn những sợi bạc và sẫm mầu. Da ở vùng chân phía mặt trong dưới xương bánh chè thấy rõ những vết kim. Sau này tôi được biết là trước khi Người trút hơi thở cuối cùng, các chuyên gia Trung Quốc đã đưa kim châm vào các huyệt gọi là "các huyệt của sự sống". * ** Thấm thoắt đã 30 năm kể từ ngày tôi và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi được mời trở lại Việt Nam. Tôi rất muốn thăm những nơi quê hương thân thương của Hồ Chí Minh, làm quen với các tư liệu ở Bảo tàng mang tên Người cách Lăng không xa, và chủ yếu là xem xét thành quả giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tiên đến thăm Bảo tàng tráng lệ, tôi gặp những người mến khách và dễ thương. Tôi không thể gặp Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lúc đó ông đang điều trị trong bệnh viện. Những người chủ nhà mến khách đã làm tất cả để tôi tham quan, nghỉ ngơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng và vui mừng mà tôi mong muốn khi đến Việt Nam, tất cả đã đạt được. Tôi có cơ hội tham quan các nơi: đầu tiên là ở phòng viếng, sau đó là ở phòng thí nghiệm quan sát và đánh giá kỹ trạng thái thi hài. Thật tuyệt vời! Sau 30 năm, diện mạo thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì thay đổi: cả khuôn mặt bình yên và bàn tay đẹp của Người. Thể tích và hình dáng các phần mềm không thay đổi. Tất cả những năm đó tôi không sang Việt Nam. Các đồng nghiệp ở Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin như: Iu.A. Rô-ma-cốp, Iu.I. Đê-nhi-xốp Nhi-kôn-xki, L.Đ. Giê-rép-xốp, X.V. Tô-ma-sê-vích và những người đã mất như: X.X. Đê-bốp, I.N. Mi-khai-lốp, B. I. Khô-mu-tốp luôn sát cánh cùng với các chuyên gia Việt Nam khắc phục những khó khăn trong điều kiện chiến tranh, khí hậu nhiệt đới, xây dựng Lăng kéo dài…luôn bảo đảm thông số nhiệt, ẩm, tiến hành làm thuốc thường xuyên, nên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt. Không một thi hài nào đã ướp trước đây, trong đó cả V.I. Lê-nin, G.M. Đi-mi-tơ-rốp... được giữ gìn trong trạng thái lý tưởng như vậy. Rất tiếc, tôi không gặp được các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, những người Việt Nam đã cùng với chúng tôi tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu: bác sĩ Quyền đã mất, bác sĩ Mẫn đang ốm nặng. Cần nhận thấy rằng, những gì liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam quả thật là thiêng liêng. Lời dạy của Người: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được viết bằng những chữ vàng, trang trọng trên tường tiền sảnh của Lăng. Khi đề cập đến đất nước chúng ta (Liên bang Nga), đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các kỹ sư, các chuyên gia quân sự... trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam luôn nhớ đến câu nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn". IU. M. LÔ - PU - KHIN Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát - xcơ - va số 2 Người dịch: Đại tá LẠI VĂN HOÀ - Viện trưởng Viện 69 Ngày đầu giữ gìn thi hài Bác ở “75A” Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, tại cơ sở làm việc của Tổ y tế đặc biệt 75A rất bận rộn và hối hả. Liên tục có các đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng và Quân đội xuống kiểm tra. Phòng thí nghiệm đặc biệt mặc dầu đang ở giai đoạn chạy thử để kiểm tra thông số nhiệt, ẩm, nhưng cũng sẵn sàng mở cửa đón khách. Hàng ngày, tiếng chuông điện thoại số máy 455 đổ liên hồi, như báo hiệu một điều gì đó rất khẩn cấp. Có lần, khi nghe tiếng chuông đổ tôi vội nhấc ống nghe lên thì có tiếng nói: “Alô! Tôi là Nguyễn Lương Bằng ...”. Sau khi nghe tôi thưa, ông đã dập máy luôn. Tôi báo cáo với Thủ trưởng Quyền và được đồng chí nhắc nhở: - Máy điện thoại số 455 chỉ có tôi và anh Điều sử dụng để nhận chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. 17 giờ 30 phút ngày 24 tháng 8, hôm đó là ngày thứ bảy, anh em chúng tôi dự định ăn cơm xong, sẽ đi dạo chơi. Chúng tôi vừa ra khỏi Khoa, cũng là lúc Thủ trưởng Quyền chạy đến ra lệnh: “Tất cả các đồng chí cán bộ, nhân viên từ giờ phút này trở đi không được ai ra khỏi Khoa - án binh bất động, trừ cô Quỹ và cô Hằng”. Mệnh lệnh chỉ có vậy, không một lời giải thích. Ngay cả Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Bác sĩ Lê Điều cũng phải liên tục ở phòng làm việc của Khoa. Suốt đêm hôm đó tất cả chúng tôi hầu như không ai chợp mắt. Thỉnh thoảng nhìn sang buồng bên, hai anh cứ đi đi, lại lại, đôi khi trao đổi điều gì đó rất hệ trọng. Về sau chúng tôi mới biết, tối hôm đó (ngày 24 tháng 8 năm 1969) tình hình sức khỏe của Bác đã kém đi nhiều. Bác khó thở nên có lúc phải hỗ trợ bằng cách thở ôxy. Càng về những ngày cuối tháng 8, anh em trong Tổ y tế đặc biệt càng trở nên bận rộn, hầu như không có giờ nghỉ ngơi, vì phải gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, xử lý môi trường các phòng thí nghiệm. Đặc biệt là theo dõi thông số nhiệt, ẩm các phòng “trung tâm” và phương tiện di chuyển. Bác sĩ Sái Thế là người được phân công xử lý môi trường của chiếc ô tô cứu thương FH1468 và chiếc ô tô Volga màu trắng bằng hóa chất mạnh và tia cực tím. Anh Thế phải túc trực cả ngày đêm để theo dõi các kết quả xét nghiệm về môi trường, hai mắt anh sưng húp vì ảnh hưởng của tia cực tím và các hóa chất mạnh. Thủ trưởng Quyền và anh Điều đã nhiều lần cho anh nghỉ, nhưng anh Thế vẫn khăng khăng xin được tiếp tục công việc của mình. 19 giờ ngày 28 tháng 8 năm 1969, dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Lê Điều, tôi cùng anh Hát, anh Ảm tiến hành một thí nghiệm nhằm xác định thêm một số chi tiết kỹ thuật trong quy trình ướp bảo quản. Đêm đã về khuya, nhưng không một ai trong chúng tôi buồn ngủ, vẫn say sưa làm việc. Chúng tôi nghe anh Điều giảng giải về kỹ thuật một cách nhiệt thành và hết sức trách nhiệm của người anh đi trước. Buổi sáng ngày 29 tháng 8, Chính ủy Trần Đình Lý xuống Khoa làm việc với Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Bác sĩ Lê Điều. Chỉ sau 20 phút một tổ chuyên môn được hình thành gồm: Bác sĩ Trần Thủy, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Y sĩ Nguyễn Trung Hát, Y công Phạm Ngọc Ảm. Dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Lê Điều, chúng tôi tiếp tục tiến hành ướp thành công thi thể thực nghiệm và chuẩn bị đón Đoàn chuyên gia y tế Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin đến kiểm tra. Đúng 7 giờ 56 phút ngày 1 tháng 9 năm 1969, Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô gồm 5 người do Giáo sư, Viện sĩ thông tấn X.X. Đê-bốp dẫn đầu đã quan sát, xem xét tỷ mỷ trạng thái mô hình thí nghiệm và nhận xét: “Kết quả bước đầu ướp được như vậy là tốt, kể cả diện mạo, tư thế và màu sắc”. Khoảng 10 giờ ngày 2 tháng 9 năm 1969, có lệnh báo động khẩn cấp. Lúc này, bốn anh em chúng tôi: Điều, Châu, Hát, Ảm cũng vừa bước ra khỏi phòng thí nghiệm, chúng tôi đưa mắt nhìn quanh, cảm nhận một không khí nặng nề bao trùm lên khu vực 75A. Các lối ra, vào khu vực 75A được tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt. Nhìn nét mặt mọi người, ai cũng buồn rầu biến sắc. Dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Kinh Chi mọi người nhanh chóng lên xe chờ lệnh. Chiếc xe cứu thương mang biển số FH1468, do đồng chí Nguyễn Văn Hợp cầm lái, trên xe có Đại tá Trần Kinh Chi ngồi ở vị trí chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu và Y sĩ Nguyễn Trung Hát, ở sàn xe xếp 200kg nước đá cây và một chiếc cáng thương. Theo lệnh cấp trên, đoàn xe từ từ chuyển bánh và khoảng 15 phút sau đoàn xe dừng lại trước cổng Phủ Chủ tịch, chỉ có xe mang biển số FH1468 lướt qua cổng, đi tiếp đến hàng cây cổ thụ rồi dừng lại. Tôi cùng bác sĩ Quyền, y sĩ Hát bước nhanh ra khỏi xe, băng qua thảm cỏ, đi nhanh đến đầu nhà mái bằng, nơi Bác đang an nghỉ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ra đón chúng tôi và nhắc nhở: “Các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, nén đau thương, làm tốt nhất nhiệm vụ, không cho phép để xảy ra sai sót”. Mặc dầu đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn căn dặn, nhưng lúc khẽ rê chiếc cáng đến bên giường Bác nằm, mắt tôi hoa lên, nước mắt tôi rơi xuống giàn dụa. Tôi vội kéo tà áo bờ lu trắng lau nhanh nước mắt, lấy lại bình tĩnh, tiếp tục làm nhiệm vụ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tất cả các anh, các chị cán bộ, nhân viên phục vụ Bác đứng lặng im, nước mắt giàn dụa, quây quần quanh giường Bác với tấm lòng thương tiếc vô hạn, ngắm nhìn Bác phút cuối cùng trước lúc Người đi xa. Trong giây phút trầm lắng, tiếng nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đượm buồn, nhưng rành rọt: “Thôi! Mọi người hãy giãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”. Ba chúng tôi đứng vào vị trí, đúng như sự phân công từ trước. Chúng tôi nhẹ nhàng chuyển Bác từ giường sang cáng. Toàn bộ thân hình Bác mềm mại, mắt không thâm, nhưng trũng sâu, nét mặt thanh thản trong bộ quần áo bà ba lụa màu gụ. Chúng tôi đưa Bác lên xe mang biển số FH1468, Đại tá Trần Kinh Chi lệnh cho xe bắt đầu chuyển bánh. Lúc này ba anh em chúng tôi mới có dịp nhìn ngắm Bác, không ai nói một lời, lặng người đi trong nỗi niềm thương nhớ Bác, vì đang phải chứng kiến một nỗi đau mất mát lớn của cả dân tộc. Một chặng đường ngắn từ Phủ Chủ tịch đến Viện Quân y 108, nhưng trên mặt, hai bên vai của anh Hợp ướt đẫm mồ hôi, cho thấy mức độ căng thẳng biết nhường nào trước một trọng trách lớn mà anh được giao phó. 12 giờ 45 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, sau khi khám nghiệm tổng thể và xử lý ban đầu, công việc ướp bảo quản giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành, trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Thiếu tướng Lê Quang Đạo- Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Phùng Thế Tài- Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Vũ Văn Cẩn- Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Đại tá Trần Kinh Chi- Cục trưởng Cục Bảo vệ. Dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ X.X. Đê-bốp và nhà ngoại khoa nổi tiếng, Giáo sư Viện sĩ Thông tấn Iu. M. Lô-pu-khin, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp, các nhóm chuyên gia y tế Liên Xô - Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, tiến hành các thao tác kỹ thuật một cách thận trọng, tỷ mỷ, chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình ướp bảo quản. Thời gian tiến hành công tác kỹ thuật ướp bảo quản đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ngày làm việc tiếp theo. Sau bốn ngày đêm liên tục (từ ngày 2 tháng 9 đến ngày 5 tháng 9 năm 1969) với tinh thần trách nhiệm cao, lao động khoa học, nghiêm túc của các chuyên gia y tế Liên Xô và cán bộ nhân viên Tổ y tế đặc biệt, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn theo đúng quy trình công nghệ của Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin. Các nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. 19 giờ 30 phút ngày 5 tháng 9 năm 1969, thi hài Bác đã được quàn tại Hội trường Ba Đình để đồng bào và bạn bè quốc tế đến viếng, vĩnh biệt Người. Sự kiện ngày đầu giữ gìn thi hài Bác, ngày 2 tháng 9 năm 1969 đã xa rồi, nhưng đó là một khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên. Mỗi khi ngắm nhìn bức ảnh Tổ y tế đặc biệt đứng bên thi hài Bác, bao kỷ niệm thân thương của những ngày tham gia giữ gìn thi hài Bác lại trào lên và ùa về trong tôi, nỗi nhớ thương, niềm tự hào về công việc giúp tôi vượt qua chính mình để sống và làm việc. Đại tá Nguyễn Văn Châu Nguyên Phó Viện trưởng Viện 69 - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Nơi Bác Hồ yên nghỉ trong những năm tháng chiến tranh Tôi nhớ như in một buổi chiều thu năm 1968 tại khu sơ tán ở Hà Tây, anh Tạ Xuân Mẫn, Trưởng ban Thiết kế Phòng công trình Bộ Tư lệnh Công binh báo cho biết: “Về ngay Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới”. Nhận thông báo như vậy, tâm trạng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được trên tin tưởng giao nhiệm vụ. Lo là nhiệm vụ mới, môi trường công tác mới, xa anh em, đơn vị, liệu mình có đảm đương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao? Tổ công tác gồm 4 người: Đồng chí Nguyễn Trọng Quyển phụ trách chung và 3 chúng tôi là: anh Phạm Hoàng Vân - Kỹ sư điện, anh Nguyễn Lam Sinh - Kỹ sư xây dựng và tôi - Kỹ sư công trình thiết kế phần điều hoà thông gió. Công việc đầu tiên của chúng tôi là đến ngay Viện Quân y 108 để cùng thảo luận và làm việc với Tổ y tế đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền phụ trách. Nhiệm vụ đòi hỏi chúng tôi phải cải tạo khu phẫu thuật của Bệnh viện thành một khu thí nghiệm đặc biệt có phiên hiệu 75A, mà buồng chính phải đảm bảo được các điều kiện sau: - Nhiệt độ: 160C ± 0,20C; - Độ ẩm: 75% ± 5%; - Không được có gió lùa; - Phải vô trùng tuyệt đối; - Thời gian hoàn thành càng nhanh càng tốt và phải tuyệt đối giữ bí mật. Việc đầu tiên là tìm kiếm thiết bị vật tư có ở Việt Nam, sau đó lập phương án thiết kế cho từng buồng, từng công trình. Để nắm chắc các thông số kỹ thuật của máy điều hoà, chúng tôi đã phải làm thí nghiệm liên tục 24/24 giờ. Tôi cùng đồng chí Phạm An Đông, Lê Trần Đống thay nhau theo dõi. Sau đó, chúng tôi về buồng số 1 tại khu giải phẫu của bệnh viện tiếp tục nghiên cứu thí nghiệm. Công việc hết sức gian nan! Gian nan một cách thầm lặng, đòi hỏi phải kiên nhẫn, một sự kiên nhẫn tột cùng. Ở khu giải phẫu này, ngày cũng như đêm, hết sức tĩnh lặng. Đêm nghe tiếng dế, tiếng côn trùng kêu át cả tiếng máy chạy. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tôi và đồng chí Vân mới tìm ra được cách đấu lại hệ thống điện trong máy để đáp ứng yêu cầu hạ nhiệt của máy. Để giải quyết việc đọng sương, chúng tôi đã dùng tấm nhựa cách điện “bakêlít” ốp trên trần, việc này đồng thời đảm bảo được cả yêu cầu vô trùng. Bây giờ nghĩ lại tôi càng thấm thía câu thành ngữ: “Cái khó ló cái khôn”. Khó khăn nhất là công việc đảm bảo độ ẩm của buồng chính, nơi giữ thi hài theo yêu cầu của y tế. Công việc đó được thực hiện vào thời điểm của 37 năm về trước, khi máy móc còn rất thiếu thốn và thô sơ, hơn nữa trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, khó khăn bộn bề. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách dùng lượng gió nóng của máy WPH-105 hoà trộn với lượng gió lạnh của máy UC-26. Việc thử nghiệm đã cho kết quả tốt. Công trình 75B là công trình phục vụ Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình. Công trình này tuy nhỏ nhưng hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật. Tôi đã phải túc trực thường xuyên bên máy để điều chỉnh. Có lúc hơi focmol và hoá chất lọt ra ngoài làm mắt cay xè. Để đảm bảo công việc, tôi đã nhiều đêm thức trắng. Có lúc buồn ngủ quá, tôi phải đổ nước lạnh lên đầu cho tỉnh táo để tiếp tục làm việc. Tôi đã có một kỷ niệm nhỏ không thể quên trong những ngày này. Đó là buổi họp của Ban lễ tang để kiểm tra các công tác chuẩn bị. Vừa nghe Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nói được 5 phút, tôi đã gục xuống ngủ không hay biết gì. Các đồng chí xung quanh thấy vậy nhưng biết chúng tôi đã phải thức đêm liên tục nên không đánh thức, để tôi được chợp mắt trong chốc lát. Thủ trưởng Tài cũng biết nhưng ông đã rộng lượng tha thứ. Thực tế khách quan lại đưa đến một khó khăn mới buộc chúng tôi phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Đó là tại Hội trường Ba Đình lúc đó chưa có máy điều hoà nhiệt độ, chỉ có quạt thông gió đơn thuần. Nhiệt, ẩm do dòng người vào viếng Bác toả ra, cộng với nhiệt do đèn chiếu sáng để quay phim, chụp ảnh v..v... ảnh hưởng đến nhiệt độ của quan tài kính và gây ra hiện tượng đọng sương. Qua nhiều ngày đêm thí nghiệm, nghiên cứu quên cả ăn, ngủ, chúng tôi đã tìm được cách khắc phục là dùng tốc độ gió của quạt bàn, cộng với lượng gió lạnh thổi xung quanh quan tài kính để giải quyết. Đáp lại niềm tin của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và quân đội, chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm, chạy đua với thời gian, bảo đảm tiến độ và chất lượng tốt nhất. Cuối tháng 8 năm 1969, đoàn cán bộ y tế Liên Xô và Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác kiểm tra công trình 75A, 75B đã kết luận có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu phục vụ lễ viếng, lễ tang Bác. Trong những ngày tổ chức Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình, cả nhóm chúng tôi và các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh luôn có mặt, không ai rời vị trí công việc của mình một phút. Lễ viếng Bác sang ngày thứ 3, đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương hỏi chúng tôi: “Liệu có đảm bảo thêm thời gian để nhân dân vào viếng Bác không?” Chúng tôi rất tự tin thưa: “Về kỹ thuật, chúng tôi hoàn toàn bảo đảm, kéo dài bao lâu cũng được”. Tiếp theo là việc cải tạo công trình K9 (sau này đổi tên là K84), công trình bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong những năm chiến tranh gồm 2 khu: khu mặt đất và khu ngầm để tránh bom đạn của địch. Công trình phải được hoàn thành trong 3 tháng. Điều kiện thi công rất khó khăn, không có điện lưới, không đủ nước cung cấp cho thiết bị điều hoà. Ngoài ra còn phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, không được dùng thuốc nổ và máy thi công lớn để đảm bảo bí mật. Các bộ phận thiết kế, điện, nước, điều hoà, cơ khí, xây dựng làm việc liên tục suốt ngày đêm. Chúng tôi đều hiểu rõ đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa lịch sử lớn lao, vì thế mọi người đều hết sức cố gắng, cùng chung ý chí, cùng thương yêu, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành, vượt trước thời gian quy định 10 ngày và được đổi thành K84. Sáng sớm ngày 24 tháng 12 năm năm đó, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển lên K84 để
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net