logo

Xác nhận kê khai giảm trừ gia cảnh: Phường, xã bó tay!


Xác nhận kê khai giảm trừ gia cảnh: Phường, xã bó tay! Quá nhiều loại giấy tờ cần kê khai, xác nhận; song người nộp thuế lại chỉ được khuyến cáo là nên... kê khai trung thực. Lý do là thực tế hệ thống UBND xã, phường không xác nhận thông tin kê khai. Bên cạnh đó, đã phát sinh mâu thuẫn khi kê khai giảm trừ gia cảnh (GTGC), vì... ai cũng muốn giảm trừ cho mình. Đặc biệt, hiện nay ngành thuế đang quá tải khi số lượng người đăng ký quá đông. Quá khó! Hiện nay, tiến độ thực hiện đăng ký người phụ thuộc GTGC có xu hướng khẩn trương và tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề quá khó, bởi có không ít vướng mắc khiến đối tượng nộp thuế lẫn UBND các địa phương khó xử. Theo UBND các phường, xã tại Hà Nội và TPHCM, gần đây xuất hiện nhiều đơn đề nghị UBND địa phương xác nhận gia cảnh. Tuy nhiên, UBND phường, xã khó có thể xác nhận chính xác. Ông Đặng Xuân Thiên - Chủ tịch UBND phường Bình An, Q.2 - cho biết: "Chúng tôi đã nhận được một số đơn đề nghị xác nhận đối tượng cư trú có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu ở quê. Điều này là quá khó. UBND phường, xã không thể nào xác định được mối quan hệ của người phụ thuộc đang sống ở tỉnh khác và người dân đang cư trú trên địa bàn, càng không thể nào biết được có đúng là người dân đang cư trú trên địa bàn có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu đang sống ở tỉnh khác hay không. Chúng tôi cũng không thể biết hết được thu nhập của người dân để xác nhận". Điều này xảy ra tương tự đối với việc xác nhận tỉ lệ tàn tật. Thông tư 84/2008 có hướng dẫn cần có bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên, hoặc bản khai có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật, không có khả năng lao động. Tuy nhiên, hầu hết việc xác nhận mức độ tàn tật, không có khả năng lao động đều đẩy cho cơ quan y tế. Đa số UBND phường, xã đều không thể biết; vì thế cũng không thể xác nhận được điều này. Thậm chí, hầu hết UBND phường, xã luôn từ chối xác nhận thông tin liên quan. Cá biệt, thủ tục xác nhận cũng rất phức tạp. Bà Cao Kim Anh (phường 4, quận Gò Vấp) cho biết: "Do không có mẫu đơn xác nhận chung, nên người dân tự lập ra đơn xác nhận. Điều này đã khiến người dân phải đi tới đi lui nhiều lần để được xác nhận. Tôi cần làm đơn xác nhận đã hết tuổi lao động, không có lương hưu, kinh doanh. Tuy nhiên khi nộp đơn, UBND phường từ chối xác nhận điều này, mà chỉ xác nhận tôi hiện thường trú tại địa chỉ". Điều này hóa ra thành thừa, bởi nếu như thế, người dân chỉ cần photocopy, công chứng hộ khẩu là đã có thể chứng minh được nơi ở rồi. Bất đồng vì... khai thuế Trao đổi với PV Lao Động, nhiều bạn đọc cho biết có quá nhiều thứ có thể gây bất đồng. Quang Huy - sinh viên mới ra trường - cho biết: "Tôi có viết và tổ chức bài viết cho DN với cam kết trả 500.000đ/lần. Khi nhận tiền, họ trừ 100.000đ/lần với lý do thuế TNCN với người không cư trú. Tính ra, tôi còn có 400.000đ/lần. Tôi có đi thực hiện khai thuế để nếu có thì chỉ bị khấu trừ ít hơn, song vì tôi chưa có hộ khẩu cố định, nên chẳng ở đâu nhận hồ sơ". Bạn đọc này cũng thẳng thắn cho biết cách lách thuế. Cụ thể: "Sau đó, tôi bàn và ký lại hợp đồng với DN ở mức trả 490.000đ/lần. Họ đồng ý vì tôi vừa không phải nộp thuế, họ cũng không phải quản lý phần thuế của tôi, quan hệ công việc lại tốt hơn"... Một vấn đề khác là không ít cơ sở y tế, bệnh viện cũng cho rằng, hiện nay chưa có sự thống nhất phối hợp giữa cơ quan y tế và cơ quan thuế. Không ít nơi cho rằng, việc lập nên một hội đồng giám định tỉ lệ tàn tật, không có khả năng lao động là rất phức tạp và tốn kém. Thế nhưng, nếu không có hội đồng này thì các cơ sở y tế chỉ có thể dừng lại ở việc... khám sức khỏe. Tuy nhiên, nếu như chỉ dựa vào việc khám sức khỏe như trên, để mà xác nhận là có hay không có khả năng lao động là rất khó. Đồng thời, đây cũng có thể là kẽ hở lớn để phát sinh tiêu cực và lách thuế. Trao đổi với PV Lao Động, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, việc khai thuế hiện chủ yếu là dựa trên cơ sở tự khai và tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế. Đối với những vấn đề nhạy cảm, khó thì trong thời gian tới sẽ xem xét, tháo gỡ và chờ những hướng dẫn cụ thể hơn. * Ngành thuế quá tải: Ngành thuế đã nhận trên 2 triệu hồ sơ đăng ký thuế TNCN, tuy nhiên mới chỉ hoàn thiện hồ sơ và cấp mã số thuế cho khoảng 150.000 đối tượng. Ví dụ tại Hà Nội, số lượng hồ sơ nhận được là 125.000, nhưng mới cấp được cho tổ chức và trên 30.000 cá nhân. TPHCM nhận được 1,5 triệu hồ sơ, nhưng mới cấp được khoảng 70.000 đối tượng. * Nên kéo dài hạn đăng ký thuế: Đây là kiến nghị chung của nhiều tổ chức, cá nhân bởi lẽ ngành thuế đang quá tải, có nhiều vướng mắc và để tổ chức, cá nhân có thời gian hoàn thiện hồ sơ. Đa số ý kiến cho rằng, hiện ngành thuế mới tập trung hoàn tất hồ sơ cho tổ chức, cá nhân làm công ăn lương, tuy nhiên lại vẫn sẽ áp thuế đối với đối tượng không cư trú. Đây là điều không phù hợp. Vì vậy, cần kéo dài thời hạn để cho những đối tượng này khai và có mã số thuế. A.X
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net