logo

Thiếu nữ đánh cờ vây

Đầu năm 2005, những người yêu sách của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Pháp, đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng. Đó là tiểu thuyết “Thiếu nữ đánh cờ vây” của tác giả Sơn Táp.
ThiÕu n÷ ®¸nh cê v©y Sơn Táp Vài lời về tác phẩm (Lời tựa của tác giả viết cho bản tiếng Trung) Cuối tháng 9 năm 2001, tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây của tôi được đề cử giải Goncurt Pháp. Cuối tháng 2, tiểu thuyết đó đoạt giải Goncurt dành cho học sinh Trung học. Trong thời gian này, tôi có tham gia các cuộc tọa đàm do nhà sách FNAC tổ chức tại các tỉnh ở Pháp. Mỗi lần đến đó, tôi luôn nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Tôi nghĩ, điều đó không chỉ do tôi là tác giả của Thiếu nữ đánh cờ vây, mà còn vì tôi là người Trung Quốc, đại biểu cho một nền văn hóa còn rất xa cách và huyền bí. Mỗi nhà văn đều cảm thấy vô cùng sung sướng khi được giao lưu với độc giả, song điều khiến tôi cảm động nhất là, như ý kiến của các độc giả trẻ, tuy văn hóa Trung Quốc và phương Tây dường như còn một "bức rào ngăn cách" vô hình, thế nhưng, bi kịch tình yêu trong Thiếu nữ đánh cờ vây đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng họ, họ như quên hẳn nhân vật nữ chính là học sinh trung học Trung Quốc những năm 30 thế kỷ XX, mà coi đó là những thanh niên Pháp thế kỷ XXI. Từ năm 1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc bị địch chiếm đóng, đến năm 1937 Nhật Bản phát động toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Thiếu nữ đánh cờ vây lấy bối cảnh từ những xung đột chính trị, kinh tế, văn hóa Trung Quốc, trong các thế xung đột đẫm máu này, tôi đã tạo nên một khoảng trời hòa bình: tại quảng trường Thiên Phong nho nhỏ, dưới lùm cây tỏa bóng, hai nhân vật chính nam và nữ gặp nhau cạnh chiếc bàn đá có khắc sẵn bàn cờ. Nhân vật nam là một gián điệp Nhật Bản, lạnh lùng tàn nhẫn mà si tình, nhân vật nữ là một cô gái Trung Quốc mới mười sáu tuổi, thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh chứ không tàn nhẫn. Một ván cờ vây, cũng đủ để đánh mất mình trong chốn mê cung tình cảm. Mỗi ván cờ bày ra, là một giấc mơ diệu kỳ, khép một ván cờ, ai nấy lại trở về với thực tại phũ phàng. Thế giới của kỳ thủ nam là doanh trại, là phạm nhân chiến tranh, là tù ngục và thuốc súng, còn thế giới của kỳ thủ nữ là một gia đình quý tộc đã sa sút, là đòan thể thanh niên chống Nhật, là ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc đang rên siết dưới gót giầy quân Nhật. Đến nay, Thiếu nữ đánh cờ vây đã trở thành một trong những tiểu thuyết ăn khách nhất tại Pháp, đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng. Tôi nghĩ cuốn sáh này sở dĩ đoạt giải thưởng văn học, được đông đảo bạn đọc yêu thích, là do nó đã chạm đến đáy sâu về tình cảm, về sự sinh tồn của người hiện đại. Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, xã hội phương Tây đớn đau trong việc kiếm tìm các loại định nghĩa mới, chẳng hạn thế nào là đen, thế nào là trắng, thế nào là phạm tội, thế nào là trừng phạt, thế nào là trung thành, thế nào là phản bội… Thế nhưng, Thiếu nữ đánh cờ vây lại chứng tỏ, trong bối cảnh hai nền văn hóa đối địch, đàn ông và đàn bà vẫn có thể đến với nhau và yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu. Khi viết đến trang cuối của Thiếu nữ đánh cờ vây, tôi không sao kìm được nước mắt. Nhiều độc giả viết thư bảo, sau khi đọc xong cuốn sách, họ cũng từng khóc nấc lên. Thiếu nữ đánh cờ vây là một giấc mơ, mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người có được sự tỉnh táo trước hiện thực, khiến con người có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai. 1 Quảng trường Thiên Phong, những người chơi cờ phủ đầy giá nom giống hệt như những chú người tuyết. Làn hơi trắng toả ra từ mũi, từ miệng họ. Vài sợi băng nhỏ như kim mọc từ mũi, từ miệng họ. Vài sợi băng nhỏ như kim mọc từ dưới mũ, chõ xuống đất. Trời trong óng ánh như vỏ trai, mặt trời đỏ lừ đổ nắng xuống, liên miên. Nào ai biết mặt trời rơi xuống chốn nào? Và từ bao giờ nơi này thành chỗ hẹn hò của dân chơi cờ vây? Tôi không biết. Các bàn cờ vây khắc trên mặt đá granit sau hàng ngàn vạn ván cờ như đã hoá thành những gương mặt, tư duy, những lời nguyện ước. Tôi vừa xiết chiếc lò ủ bằng đồng trong ống tay áo chắn gió, vừa dậm chân cho đỡ giá. Đối thủ của tôi là một người lạ xuống thẳng từ nhà ga. Cuộc cờ càng lúc càng căng thẳng, một là hơi ấm lan tỏa trong người tôi. Chiều tàn dần và các quân cờ nom không rõ nữa. Đột nhiên, có ai đó đánh lên một que diêm. Một ngọn nến xuất hiện trên tay trái của người kia. Những người chơi khác đã về hết. Tôi biết rằng mẹ sẽ phát ốm khi thấy con gái về muộn thế. Đêm đã xuống và gió bắt đầu nổi. Người đàn ông xoè lòng bàn tay đi găng che ngọn lửa. Tôi lôi trong túi ra một bình rượu nhỏ, rượu làm bỏng họng tôi. Tôi gí bình rượu dưới mũi người lạ mặt. Anh ta sững sờ kinh ngạc nhìn bình rượu. Mặt anh ta râu ria xồm xoàm và chẳng thể nào đoán nổi tuổi. Một vết chém dài kéo từ đỉnh lông mày qua con mắt phải lúc nào cũng khép kín. Anh ta nhăn mặt, làm một hơi hết sạch bình rượu. Đêm không trăng. Gió rên rỉ như tiếng trẻ kêu than. Trên cao kia, một vị nam thần đang chiến đấu với một nữ thần và xô đẩy các vì sao. Người đàn ông đếm đi dếm lại các quân cờ. Anh ta thua và bị bỏ xa mười tám điểm. Anh ta thở dài đưa cho tôi cây nến, rồi đứng dậy, lênh khênh như một gã khổng lồ, nhặt túi đồ và bỏ đi không quay trở lại. Tôi xếp quân cờ vào các hộp gỗ. Chúng kêu rin rít dưới những ngón tay tôi. Tôi chỉ có một mình, với lũ quân của tôi, với niềm tự kiêu được thoả mãn. Ngày hôm nay, tôi đã ăn mừng chiến thắng thứ một trăm. 2 Mẹ thấp bé, chỉ cao ngang ngực tôi. Việc để tang cha kéo dài làm khô héo thân hình mẹ. Khi tôi báo với mẹ tin tôi được điều động sang Mãn Châu, mẹ tái mặt. - Mẹ, con xin mẹ, đã đến lúc con thực hiện số phận người lính rồi. Không đáp lại lời nào, mẹ bỏ vào phòng. Suốt buổi tối, cái bóng còng đi trong đau khổ của mẹ in hình trên vách ngăn phết giấy trắng. Mẹ cầu nguyện. Sớm nay, tuyết đầu mùa đã rơi trên Tokyo. Tôi quỳ phục trước bàn thờ tổ tiên, tay xoè ra áp sát xuống tấm chiếu tatami. Khi tôi đứng dậy, mắt tôi bắt gặp ảnh cha kính yêu. Cha cười với tôi. Căn phòng tràn ngập sự hiện diện của cha. Ước gì tôi mang được phần nào hình ảnh cha tôi sang tận Trung Quốc.. Cả gia đình chờ tôi trong phòng khách. Mọi người ngồi quỳ trên gót chân và trang trọng im lặng. Tôi chào từ bịtt mẹ trước, tựa như hồi bé tôi chào mẹ trước lúc tới trường. Tôi quỳ trước mẹ và nói: Okasama1, con xin phép ra đi. Mẹ cúi chào tôi thật thấp. Tôi kéo cánh cửa trượt và ra vườn. Mẹ, em trai, em gái đều đi theo. Tôi quay lại và cúi mình sát đất. Mẹ khóc. Vải áo kimônô tối màu sột soạt khi mẹ cúi mình đáp lễ. Tôi bỏ chạy. Mẹ mất bình tĩnh cũng chạy lao theo tôi trong tuyết. Tôi dừng lại. Mẹ cũng dừng lại. Rồi như sợ tôi sẽ nhào vào vòng tay mẹ, mẹ lùi lại một bước. - Con ơi, Mãn Châu là đất nước anh em, mẹ kêu lên với tôi. Bất hạnh thay, bọn khủng bố tìm cách phá hoại tình bạn giữa hai hoàng đế chúng ta. Bổn phận của con là phải bảo vệ một nền hoà bình khó khăn. Nếu phải chọn giữa cái chết và hèn nhát, hãy dứt khoát chọn cái chết. Việc chuyển quân lên tầu tiến hành trong tiếng ồn ào của đám kèn đồng. Gia đình binh lính chen lấn nhau trên bến để ném chúng tôi nào ruy băng, nào hoa lá, và những tiếng hoan hô thấm đẫm vị mặn của nước mắt. Bờ xa dần, cuốn theo tiếng ồn ào của bến cảng. Chân trời rộng mở, biển bao la làm chúng tôi choáng ngợp. Chúng tôi cập bến Triều Tiên tại Pusan. Binh lính bị dồn chất trong một chuyến tàu lăn về phương bắc. Tới hoàng hôn ngày thứ ba, đoàn tàu dừng lại. Chúng tôi vui vẻ nhảy xuống co duỗi chân tay và đi giải. Tôi vừa đái vừa huýt sáo. Trên đầu tôi chim chóc bay lượn. Đột nhiên, tôi nghe có tiếng kêu tắc nghẹn. Có người chạy trốn trong khu rừng. Cách tôi chừng mươi bước, Tadayuki, tay lính mới tốt nghiệp trường quân sự, nằm vật dưới đất. Máu chảy ào ạt từ cổ anh. Mắt anh vẫn mở trừng trừng. Trên tàu, tôi vẫn như nhìn thấy gương mặt trẻ trung méo mó trong một nếp nhăn đầy ngạc nhiên. Chết có nhẹ nhàng như ngạc nhiên không? Tàu tới một nhà ga Mãn Châu trong đêm. Đất phủ đầy băng giá lấp lánh trong ánh đèn đường. Có tiếng chó sủa xa xôi. 3 Anh họ Lữ dạy tôi chơi cờ vây. Hồi đó tôi bốn tuổi, anh gấp đôi tuổi tôi. Những giờ dài dằng dặc suy ngẫm bên bàn cờ vây là một nỗi hành hạ, nhưng ước mong chiến thắng giữ tôi bất động. Mười năm sau, anh Lữ được coi như một tay cờ siêu hạng. Tại Tân Kinh, nước cờ của anh nổi tiếng đến nỗi Hoàng đế Mãn Châu đã ban cho anh được triều kiến. Anh không bao giờ cám ơn tôi vì đã dẫn dắt anh tới vinh quang. Tôi là cái bóng của anh, bí mật của anh, đối thủ xuất sắc nhất của anh. Mới hai mươi tuổi nhưng Lữ nom như một ông già. Những lọn tóc trắng xoà xuống trán anh. Anh bước đi chậm rãi từng bước ngắn, tay khoanh lại, lưng còng xuống. Những sợi râu đầu tiên mọc trên cằm anh, như một chòm râu của người già tới tuổi trăm. Cách đây một tuần, tôi nhận được một bức thư của anh: “Anh về vì em. Anh quyết định sẽ nói chuyện với em về tương lai của chúng ta…” Phần còn lại của lá thư là một lời thú nhận chẳng thể đọc ra nổi chữ. ông anh họ kín tính này đã nhúng bút vào một thứ mực quá loãng. Các chữ tượng hình ngoằn ngoèo nổi lên trên các vân giấy như những con hạc trắng bay trong sương mờ. Cái thư dài lê thê, không đọc được, vẽ trên giấy lụa này khiến tôi vô cùng tức giận. 4 Tuyết rơi dày nên không thể tiến hành tập luyện được. Bị vây trong giá tuyết, lạnh và gió, chúng tôi phải ngồi chơi bài suốt ngày trong nhà. Hình như tại nông thôn bắc Mãn Châu, người Trung Quốc không tắm bao giờ và bôi mỡ cá để chống lạnh. Trong trại lính, chúng tôi phản đối mãi, người ta mới cho dựng một nhà tắm. Cả lính và sĩ quan đều phải xếp hàng. Trong căn nhà mờ mịt hơi, tường rỉ nước ròng ròng. Tuyết tan chảy lồng lộn sôi trong chiếc nồi khổng lồ đặt trên bếp. Mỗi người múc phần nước của mình trong một chiếc xô nứt nẻ. Tôi cởi đồ và lấy khăn nhúng vào xô nước đục lờ để lau người. Các tôi không xa, một nhóm nhỏ quây lại. Các sĩ quan bận rộn cọ lưng cho nhau và bàn tán chuyện thời sự. Tôi xích lại gần và nhận ra người vừa nói: đó là đại uý Mori, một trong số các cựu binh đã từng chiến đâu cho nước Mãn Châu độc lập. Báo sáng nay đưa tin tướng Trương Học Lương đã bắt Tưởng Giới Thạch làm con tin tại thành phố Tây An nơi ông ta và quân đội của mình bị quân Nhật dồn đuổi đóng từ sáu năm nay. Ông chỉ trả tự do cho thống chế Tưởng nếu Quốc dân đảng giảng hoà với Đảng cộng sản để cùng nhau giành lại xứ Mãn Châu. - Trương Học Lương là một thằng con hoang và một thằng mê gái, đại uý Mori giễu cợt nói. Sau ngày 18 tháng Chín, quân ta vây thành phố Thẩm Dương nơi tổng hành dinh của hắn đóng quân., cái đồ rác rưởi đó đã bỏ trốn mà chẳng kháng cự gì. Còn Tưởng Giới Thạch là một tay nói dối chuyên nghiệp. Hắn chẳng giữ lời đâu. Hắn sẽ ôm hôn quân cộng sản để rồi lại bóp cổ họ ngay thôi. - Chẳng quân đội Trung Quốc nào có thể chống lại chúng ta, một sĩ quan vừa sai cần vụ cọ lưng thật mạnh vừa nói thêm. Nội chiến đã làm kiệt quệ đất nước Trung Quốc rồi. Có ngày chúng ta sẽ chiếm toàn bộ lãnh thổ xứ này như chúng ta đã làm với Triều Tiên thôi. Các anh xem, rồi chúng ta sẽ tiến dọc theo đường sắt nối liền bắc và nam Trung Quốc. Chỉ cần ba ngày, chúng ta sẽ chiếm được Bắc Kinh, sáu ngày sau là ta sẽ diễu hành tại Nam Kinh, rồi chỉ thêm tám ngày nữa là chúng ta có thể ngủ đêm ở Hồng Kông, cửa ngõ của Đông Nam Á. Lời các sĩ quan khẳng định những tin đồn chúng tôi đã nghe trong trung đoàn từ khi còn ở Nhật. Mặc dù chính phủ còn ngần ngại, công cuộc tiến đánh Trung Quốc ngày càng trở nên khó tránh khỏi. Đêm hôm đó, tôi ngủ, lòng thư thái và sung sướng vì được sạch sẽ. Tiếng vải sột soạt khiến tôi tỉnh giấc. Tôi đang nằm trong nằm trong phòng tôi và trong phòng bên, cha tôi ngồi quấn mình trong chiếc yukata mỏng màu xanh dương sẫm. Mẹ đang bước đi. Gấu áo kimônô màu tím xám của mẹ mở ra khép lại trên chiếc kimônô lót màu hồng nhạt. Mẹ mang gương mặt một thiếu phụ trẻ trung. Chẳng có nếp nhăn nào quanh đôi mắt một mí của người. Mẹ toả ra một mùi hương như mùa xuân. Đó là mùi nước hoa cha đặt mua từ Paris về tặng mẹ. Đột nhiên tôi nhớ ra rằng mẹ chẳng đụng vào lọ nước hoa đó nữa từ khi cha mất. Giấc mơ của tôi tan biến, chỉ còn lại nỗi đau và nhớ.# 5 Anh Lữ còng lưng xuống. Anh bắt chiếc dáng của một người từng trải và chán đời. Trên gương mặt gầy guộc của anh, đôi mắt sâu thẳm đáng ngại truy đuổi tôi. Khi tôi nhìn chằm chằm vào mặt anh và hỏi: - Anh họ, anh sao vậy? Anh im. Tôi rủ anh làm một ván cờ vây. Anh tái mặt và vặn vẹo người trên ghế. Nước đi của anh để lộ những nỗi bất ổn trong lòng anh. Trên bàn cờ vây, đất anh chiếm được lúc thì quá hẹp, lúc lại quá rộng. Tài năng của anh chỉ còn là những nước đi kỳ quặc và kém hiệu quả. Tôi đoán rằng anh lại đọc các sách dạy đánh cờ của người đời xưa do ông hàng xóm buôn đồ cổ của anh, một tay trùm giả mạo, cho mượn. Thậm chí tôi còn tự bảo có khi vì đọc quá nhiều các loại bản thảo mà người ta cho rằng có xuất xứ thần tiên vốn đầy dẫy các tích truyện bi thảm, ông anh họ của tôi có cơ sẽ hoá rồ như những người chơi cờ ngày xưa. - Anh này, em thấy anh cứ nhìn vào đuôi sam của em mà chẳng chịu chú ý đến nước cờ, anh lạ đi đấy. Tại sao vậy? Anh Lữ đột ngột đỏ mặt như thể tôi đã nhìn thấy bí mật của anh. Anh khẽ ho và lấy lại vẻ mặt của một ông già ốm yếu. Tôi hết chịu nổi bèn giễu: - Anh tìm thấy cái gì trong các quyển sách của anh thế? Trường sinh bất tử à? Anh càng ngày càng giống các nhà luyện đan lụ khụ với bí quyết chế đan dược đấy. Anh chẳng nghe tôi nói. Anh tránh mắt tôi và nhìn về phía bức thư anh mới gửi còn để trên bàn. Anh chàng này từ hôm về cứ chờ câu trả lời của tôi cho cái lũ câu hỏi không đọc nổi của anh ta. Còn tôi, tôi đã quyết chẳng đả dộng gì đến nó. Anh Lữ trở về thủ đô, vừa bị cảm vừa bị thất vọng. Tôi tiễn anh ra ga. Nhìn con tầu đi xa dần trong cơn lốc tuyết, tôi cảm thấy nhẹ người một cách lạ thường. 6 Cuối cùng, nhiệm vụ đầu tiên của tôi đã tới. Tiểu đoàn của chúng tôi được lệnh truy đuổi một nhóm quân khủng bố chống lại quyền lực của Nhật trên đất Mãn Châu. Chúng cải trang thành binh lính Nhật tấn công vào một kho quân sự để cướp đạn dược và vũ khí. Bốn ngày liền, chúng tôi đi dọc theo một con sông đông cứng lại trong băng. Gió thổi ngược chiều chúng tôi đi. Tuyết rơi quấn lấy chân tôi. Mặc dù có chiếc áo măng tô mới, Cái lạnh sắc hơn dao kiếm vẫn xuyên qua người tôi. Tôi chẳng cảm thấy chân tay mình nữa. Đi bộ nhiều cũng khiến tôi tê người không suy nghĩ gì được. Quân trang đè nặng trên vai, đầu rụt vào cổ áo, tôi đi, lòng chỉ tơ tưởng đến lúc được sưởi bên một bếp lửa trú quân. Đến chân một ngọn đồi, có tiếng súng nổ. Phía trước tôi, nhiều người ngã gục. Tôi cũng nằm rạp xuống đất. Chúng tôi bị sa vào ổ phục kích. Kẻ thù chiếm được các cao đỉêm, bắn xả xuống mà chúng tôi không có cách gì bắn trả được. Bụng tôi chợt đau như xé. Tôi bị thương mất rồi! Tôi chết mất. Tôi đưa tay lần xuống. Không có vết thương nào cả, chỉ là cơn co thắt do quá sợ mà thôi. Điều đó làm tôi xấu hổ vô cùng. Tôi ngẩng đầu và chùi tuyết bám vào mi mắt: Các lính cựu đã nhảy xuống dòng sông băng. Họ nấp vào ven sông để bắn trả. Tôi chồm dậy và chạy. Lẽ ra tôi đã bị dính đạn tới hàng trăm lần, nhưng trong chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ phụ thuộc vào điều may rủi mà thôi. Các khẩu trung liên của chúng tôi bắt đầu khạc đạn. Được lưới lửa quân mình dày đặc yểm trợ, chúng tôi tấn công. Tôi vung kiếm xông lên hàng đầu mong bù đắp lại nỗi hèn nhát lúc trước. Lớn lên trong một xã hội trọng danh dự, tôi chưa từng biết đến tội ác, sự khốn cùng, sự phản bội và lần đầu tiên tôi biết đến sự căm thù: đó là một tình cảm tuyệt vời, một nỗi khao khát công lý và trả thù. Trời nặng những tuyết là tuyết. Các mỏm đá lớn che chở cho quân thổ phỉ nhưng khói súng để lộ chỗ chúng nấp. Tôi ném hai quả lựu đạn. Chúng nổ tung. Cẳng chân, cánh tay, các mảnh thịt bắn vung trong tuyết và lửa. Cảnh tượng kinh hoàng đó khiến chúng tôi sung sướng. Tôi thét lên. Chỉ bằng một nhát kiếm, tôi chém gọn một tên thổ phỉ đang nhằm bắn tôi. Đầu hắn lăn long lóc trong tuyết. Thế là cuối cùng tôi có thể tự hào nhìn vào các bậc tổ phụ. Các người đã truyền lại cho tôi thanh kiếm và lòng dũng cảm. Tôi đã không làm hổ danh dòng tộc. Chiến đấu khiến chúng tôi rơi vào trạng thái kích động. Máu làm chúng tôi sôi lên, chúng tôi quật roi vào tù binh để buộc chúng nói. Nhưng người Trung Quốc cứng rắn như đá, quyết không hé môi. Chán với trò hành hạ, chúng tôi giết họ. Chỉ hai viên đạn vào đầu. Đêm xuống. Do sợ rơi vào một cái bẫy nào khác, chúng tôi đóng quân ngay tại chỗ. Những người bị thương rên rỉ.Các tiếng kêu nối nhau rồi lại im. Các lạnh đóng băng tê môi họ, họ sẽ chẳng sống sót được. Chúng tôi thu nhặt xác quân ta lại. Đất rắn đến độ không thể đào hố được. Ngày mai, lũ thú đói sẽ dọn sạch chỗ này. Chúng tôi quấn lên người bất cứ thứ gì chúng tôi kiếm được: quần áo người chết, chăn vứt đi, cành cây, tuyết. Chúng tôi chen chúc bên nhau mà vẫn canh chừng. Tôi ngủ thiếp đi sau khi đã thưởng thức rất lâu cái thú dìu dịu của người thắng trận. Có tiếng chân nhẹ nhàng khiến tôi giật mình thức dậy. Lũ chó sói đợi chúng tôi bỏ đi mãi mà không được, đã nhẩy xổ vào các xác chết. 7 Anh Lữ trở về vào dịp Tết. Tại hội đền Bạch Mã, chúng tôi bị lạc nhau trong đám đông, chỉ còn lại hai đứa. Anh xin tôi đừng đi nhanh quá và nắm tay tôi. Tôi chán ngán giằng tay ra và chạy vội để đuổi kịp các bạn. Anh theo tôi như một cái bóng, kêu tôi dừng lại. Cơn tức của tôi tràn ra. Tôi ra lệnh phải về nhà ngay lập tức. Anh giả vờ như không nghe thấy gì và chặn đường tôi trước một mái đình nghiêng nghiêng dính lớp rèm băng dày. Mắt anh rực lên, hai gò má cóng lại trong cơn lạnh cũng đỏ chót lên như hai mảnh vải đỏ dán trên gương mặt nhợt nhạt. Giữa riềm mũ bằng da cáo và lông mày anh có một lớp băng giá trắng lấp lánh. Nét mặt đau khổ của anh khiến tôi thấy phát tởm, tôi bỏ chạy. Anh đuổi theo và rủ tôi đi xem đèn lồng tạc trong đá. Tôi càng đi nhanh hơn. Lữ xoạc chân đi sau tôi, van nài tôi để cho anh nói. Giọng anh run rẩy, rồi nghẹn ngào tiếng nấc. Tôi bịt tai lại nhưng giọng nói đã nhỏ đi của anh tiếp tục ám thep tôi. - Em nghĩ sao về bức thư của anh? Anh gọi với theo. Tôi tức tối dừng lại. Anh e dè không dám lại gần. - Em đã đọc chưa? Tôi cười độc ác. - Em xé nó rồi. Tôi quay lưng đi. Anh vồ lấy tôi và ôm tôi đến ngạt thở: - Em hãy nghe anh nói! Tôi đẩy anh ra: - Anh Lữ, mình chơi một ván cờ vây. Nếu anh thắng, em chấp nhận mọi lời đề nghị của anh. Nếu anh thua, chúng ta sẽ không gặp nhau nữa. 8 Bọn khủng bố luôn chuồn chỉ trong gang tấc và chúng tôi phải đón năm mới giữa bầy sói và cáo. Tuyết hôm nay rơi chồng lên tuyết hôm qua. Chúng tôi dồn đuổi kẻ thù cho tới khi chúng cạn kiệt lương thực và đạn dược thì thôi. Biết làm sao tả được mùa đông khắc nghiệt ở miền bắc Trung Quốc? Nơi đây, gió hú rền rĩ và cây cối oằn xuống dưới sức nặng của tuyết. Rừng thông nom giống như những bia mộ nguệch ngoạc mầu trắng mầu đen. Thỉnh thoảng một con hươu đực hoặc một con nai đốm lẩn lướt hiện ra. Chúng nhìn chúng tôi ngạc nhiên, rồi lủi nhanh. Chúng tôi đi. Chỉ sau một tiếng đồng hồ, cố gắng quá sức làm chúng tôi ngạt thở vì nóng. Rồi chưa kịp lấy lại sức thì cái lạnh đã ùa vào trong các áo măng tô và làm chân tay chúng tôi tê cứng. Kẻ thù xảo quyệt và quen thuộc địa hình hơn chúng tôi, thường tấn công bất ngờ rồi rút lui. Và mặc dù chịu tổn thất. Chúng tôi vẫn tiếp tục dấn thân vào cuộc đua sức chịu đựng này. Kẻ nào thắng được sự kiệt quệ sẽ thắng trong cuộc săn đuổi này. 9 Chúng tôi bắt đầu ván cờ trong một góc phòng khách vào lúc bình minh, khi ngày chưa rạng. Anh Lữ cả đêm không ngủ. Mắt anh đỏ vằn máu, tóc tai bờm xờm, anh uống hết tách trà này tới tách trà khác cho tỉnh ngủ, và thở dài liên tục. Sáng nay, sau hai ngày đi thăm và cúng bàid trong thành phố, ba mẹ tôi bận đồ truyền thống để tiếp khách. Dù có đóng kín cửa phòng, chúng tôi cũng không thoát được màn chào hỏi. Mọi người cứ cho gọi chúng tôi liên tục. Lúc thì phải quỳ xuống chúc mừng năm mới phát tài phát lộc, lúc thì chỉ cần cúi chào cũng đủ. Người lớn bao giờ cũng thích được khen. Được khen thì họ hài lòng và nhét cho chúng tôi các phong bao lì xì màu đỏ và ai cũng nói giống nhau: “Các cháu, cầm tiền đi mua kẹo nhé!” Mỗi khi quay về bàn cờ, Lữ khinh miệt vứt phong bao lên bàn. Để trêu tức, tôi mở các phong bao của mình và vừa đếm vừa bình phẩm luôn mồm. - Thôi đi, em có phải là trẻ con nữa đâu. Tôi nhăn mặt thay trả lời. - Em sắp mười sáu tuổi rồi, anh cáu kỉnh nói. Tuổi này như người khác là đã làm vợ làm mẹ rồi. - Thế anh định cưới em chắc? Và tôi phá ra cười. Lữ sầm mặt. Đến trưa, nào trống, nào kèn, nào pháo nổ đùng đùng làm rung cả nhà. Tôi nhìn ra cửa sổ, qua đầu tường thấy các vũ công nam nữ mặc quần áo đỏ, lênh khênh trên các cây cà kheo đang nhấp nhô trên không trung giữa đám lá. Lữ bịt tai lại. Cái thứ âmm nhạc quần chúng này đáng lẽ phải làm tôi rối trí thì lại càng khiến tôi tập trung hơn. Ánh sáng mùa đông như làm dậy thêm sắc màu vui tươi trong phố, lẩn quẩn trên bàn cờ. Lễ lạt chỉ làm tôi xa cách hơn với phần còn lại trong thiên hạ. Sự cô độc của tôi như một cuộn lụa đỏ cất kỹ dưới đáy hòm gỗ. Sau bữa cơm trưa, anh Lữ chìm trong suy tư. Thỉnh thoảng anh chùi vài giọt nước mắt lạc loài nơi khoé mắt. Cũng không thể giả ngu mãi được, tôi im. Sự im lặng như món mì lạnh không muối, toả trên bàn cờ vây. Anh họ dường như lúng túng, tì cằm lên tay và không ngớt thở dài, Khoảng mười chín giờ anh phạm phải một sai lầm. Đến tối, chẳng chờ cho cờ hết, tôi chỉ cho anh biết anh đã thua và chúng tôi phải giữ lời đánh cuộc. Anh đẩy ghế đứng dậy. Sáng hôm sau, người ta báo cho tôi biết anh đi. Tàu chạy chín giờ. Tôi còn kịp thời gia gặp anh. Trên sân ga, anh chờ tôi nói những lời hối hận. Còn lâu. Tôi chẳng việc gì lại phải đi nài nỉ. Làm thế chỉ tổ khuyến khích cơn dở hơi của anh. Anh đã xúc phạm tôi, anh phải chịu phạt. Sau này tôi sẽ viết thư cho anh, tôi sẽ gọi anh về với tôi khi những khát khao không trong sáng của anh đã nhường chỗ cho sự khiêm nhường của kẻ chiến bại. 10 Trung đội của tôi bao vây một ngôi làng chìm trong tuyết. Khi biết chúng tôi đến, đàn bà, đàn ông, trẻ con đều bỏ trốn. Chỉ còn lại vài ông già rúc trong các nếp nhà tranh trông tang thương hơn trong vài thứ tô điểm sơ sài cho dịp tết. Chúng tôi tập hợp họ lại giữa làng. Quần áo ít ỏi họ quấn thân hình gầy guộc trong những tấm chăn vá víu và giấu ánh mắt ngu độn dưới lớp mũ mùa đông. Họ run rẩy, rên rỉ, tìm cách làm chúng tôi động lòng thương. Tôi cố nói với họ bằng tiếng quan thoại nhưng họ chẳng hiểu gì và trả lời tôi bằng thứ thổ ngữ thật khó nghe. Tức mình, tôi chĩa súng lục doạ họ. Đột nhiên, ba người trong đám họ phủ phục xuống, bám vào chân tôi và kêu than vô tội bằng thứ tiếng quan thoại chuẩn nhất. Quá kinh tởm, tôi nện báng súng để gỡ mình khỏi tay họ. Nhưng họ lại ôm chặt hơn và dập đầu vào bụng dưới tôi. Quân tôi cười ran khi thấy tôi lúng túng. Tôi bảo một tên: - Đồ ngu, tới gỡ cho tôi chứ. Nụ cười của hắn chuyển thành cái nhăn mặt. Hắn nhanh nhẹn gỡ súng khỏi vai và xọc lưỡi lê vào chân một lão già. Người bị thương hét lên vì đau đớn, lăn ra đất. Hai người kia kinh hoảng bật ngã ra sau. Tôi hoàn hồn sau cú sốc, quát lên: - Đồ khốn, suýt nữa làm tôi bị thương! Những kẻ vây quanh lại cười sặc như điên. Sự độc ác của binh lính chúng tôi bắt nguồn từ một nền giáo dục khắc nghiệt. Tát, đấm, chửi bới là những hình phạt hàng ngày dành cho trẻ con. Trong quân ngũ, để rèn luyện sự tuân phục, sĩ quan đánh lính dưới quyền đến toé máu goặc dùng loại roi tre đặc biệt để quật vào mặt lính cho tứa máu ra. Nhưng hành hạ người vô tội khiến tôi ghê tởm. Tôi thương hại những người nông dân Trung Quốc sống trong ngu tối, nghèo đói và bẩn thỉu này. Là người hiền lành, họ sẵn lòng tuân theo dù là hoàng đế người Mãn Châu, hay lãnh chúa Trung Hoa, hoặc hoàng đế Nhật Bản, miễn là được no bụng mỗi ngày. Tôi ra lệnh cho lính băng bó ông già bị thương và đưa họ về nhà. Chúng tôi lục soát nhà họ và lấy luôn phần lương thực dự trữ cho tới hạt cuối cùng. Tôi hứa sẽ trả lại cho họ nếu cho chúng tôi biết chỗ trốn của quân khủng bố. Tờ mờ sáng hôm sau, có người đến thức chúng tôi dậy. Cái đói đã mở mồm anh ta. Chúng tôi đi ngay, lao vào cơn bão tuyết mà không chờ trời sáng hẳn. 11 Mười ngày sau, tôi nhận được một bức thư của anh Lữ. Anh cho biết đã xin được hộ chiếu vào Trung Hoa nội địa và lúc tôi đọc thư của anh thì anh đã đi Bắc Kinh. Tôi cảm thấy một nỗi buồn là lạ. Tôi ra quảng trường Thiên Phong, nơi những người chơi cờ vây vẫn thản nhiên đắm chìm trong niềm say mê của họ. Hồi còn nhỏ, tôi thường đi theo anh Lữ khắp nơi anh chơi cờ. Một lần anh bị sốt và gục ngã trên bàn cờ. Tôi đánh thay anh và thắng trận ấy. Chiến thắng này khiến tôi trở thành cô gái duy nhất được chấp nhận trong giới mê cờ. Năm tháng qua đi và tôi khắc khoải nhìn hoàng hôn của tuổi thơ tôi trôi qua không bao giờ trở lại. Anh Lữ không hiểu tôi. Anh muốn tôi đi theo anh trong thế giới của người lớn mà chẳng biết rằng cái thế giới đầy huyênh hoang và buồn chán đó khiến tôi khiếp sợ. 12 Có lệnh chuyển xuống. Để ngăn không cho bọn khủng bố được tiếp tế, chúng tôi phải đốt tất cả các kho thóc trong các làng chúng tôi đi qua. Sau cơn tàn phá, làng mạc trông tăm tôi như một nấm mồ. Tiếng gió gào lẫn vào tiếng khóc của nông dân, họ gục xuống đờ đẫn trước những giàn lửa đỏ rùng rùng khói đen. Từ ba tháng nay, rừng ngập tuyết ngăn cách chúng tôi với thế giới bên ngoài. Bạo lực ngày càng gia tăng trong binh lính. Họ nốc rượu và hục hặc lẫn nhau. Màu trắng, màu xám, ánh tuyết hắt lên, các cuộc hành quân vô tận khiến chúng tôi trượt dần vào điên loạn. Hôm kia, một viên cai đã cởi phăng quần áo và bỏ chạy. Chúng tôi tìm thấy anh ta ngất xỉu trong một khe núi và buộc phải quấn dây vào cổ để lôi anh ta về. Tôi như mê đi trong tiếng chửi rủa, những tiếng cười xói lói của anh ta và nhận thấy những ý tưởng ấy cũng quay cuồng trong đầu óc mình như một điệp khúc không dứt. Trong khi chờ đợi sự điên rồ đến gặm nhấm dần dần, chúng tôi vẫn tiếp tục tiến lên trong tuyết để đi về phía tuyết. 13 Tôi buồn chán trong trường trung học nữ sinh. Nền giáo dục quốc gia nhào nặn ra các cô gái cầu kỳ rởm và các bạn tôi ngày nào đó sẽ trở thành các bậc nữ lưu thời thượng. Đứa xinh nhất trong bọn là Hương, có đôi lông mày tỉa kỹ tới mức trông như hai nửa vầng trăng trên đôi mắt. Nó nhăn lông mày, nó nhíu lông mày, nó dãn lông mày. Niềm vui giả tạo của nó cũng chẳng che đậy được nỗi bất ổn của tuổi dậy thì. Châu, đứa xấu nhất trong bọn, lại có mái tóc dài nhất lớp. Nét mặt không đều của nó chỉ cho phép nó diễn đạt mọi việc với vẻ khinh miệt và đanh đá. Ấy thế mà lại thành cái duyên riêng. Mọi người kể rằng mẹ nó là cháu của một thống chế, khoẻ như một đô vật Mông Cổ, dân thủ đô cũng phải e ngại sức mạnh của bà. Giờ ra chơi, cả bọn bàn về nào là tài tử điện ảnh, nào là váy xống, đồ trang sức, hôn nhân, rồi các cuộc tình bí mật của hoàng hậu. Chẳng ai đọc văn học mới và những lời phê bình độc địa về một xã hội thối rữa. Chẳng ai nhắc nhở gì tới thời sự chính trị đang ngày càng xuống dốc. Chúng tôi chuyền nhau các tiểu thuyết tình sướt mướt. Xứ Mãn Châu độc lập ngăn cách chúng tôi với phần còn lại của nước Trung Quốc. Đây quả là một nhà máy ngọt ngào, nơi các con tằm dệt ra các ổ kén mỏng manh trước khi chết trong một nồi nước sôi sùng sục. Sau buổi học, tôi ra quảng trường Thiên Phong. Cờ vây đưa tôi vào thế giới hành động. Các nước cờ luôn thay đổi khiến tôi quên đi sự tẻ nhạt thường ngày. Ở trường, bọn bạn gọi tôi là đồ ngoại đạo. Chúng coi tôi mê cờ vây như một bệnh điên ngoại nhập. Còn các tay chơi cờ tỏ ra rất độ lượng và chấp nhận trò ngông cuồng của một con bé con là tôi. Cách đây hai mươi năm, sau khi kết hôn, cha tôi đã thuyết phục được ông nội cho cha đi học bên Anh. Một năm sau, khi đi du học về, cha trở nên Âu hoá và dám thách thức cả truyền thống. Cha giao Nguyệt Châu chị tôi cho bà nội và đưa mẹ tôi đi theo mình trong các chuyến đi sang tây. Tai tiếng đồn tới tận Bắc Kinh nơi hai gia đình sinh sống. Ông ngoại là một viên quan đã về hưu, bèn cắt đứt quan hệ với ông nội vốn vẫn còn đang tại chức ở một vị trí cao trong triều. Tôi sinh ra trong sương mù thành Luôn Đôn. Nỗi khó chịu về việc sinh ra không đúng chỗ này thể hiện ntgay trong tính đỏng đảnh của tâm hồn bị khuấy đảo của tôi. Tiếc thay là tôi chẳng còn nhớ gì về thời còn bé tí xíu ấy nữa. Sau khi đế chế tan rã, hai cụ ông lại làm lành với nhau do cùng căm ghét phe cộng hoà. Họ gần như chết đồng thời. Cha mẹ tôi về nước chịu tang và tuân theo lời bà nội rời Bắc Kinh về thành phố này, nơi tổ tiên tôi đã xây nhà nghỉ đi săn. Bà nội cứ ao ước được thấy hoà bình, bà chết sau ngày khởi chiến I8 tháng 9 năm 1931. Năm ngày sau khi thất trận, binh lính Trung Quốc rút chạy về thành phố chúng tôi. Họ phá cửa, chiếm nhà và đưa lính bị thương vào nhà. Lính Nhật vây hãm thành phố. Đạn pháo nổ như giã giò kéo dài tới ba ngày. Một quả bom rơi trúng nhà chúng tôi và phần lớn đồ gỗ quý giá được đem đốt trong đống lửa ăn mừng. Quân đội Trung Quốc đầu hàng và chúng tôi không nhìn thấy binh lính nữa. Có tin đồn rằng ba nghìn người đã bị xả súng giết hết phía bên ngoài thành phố. Sau khi bà mất, cuộc sống dần trở lại nhịp xưa. Người Nhật lập nên một thị trưởng mới. Cấc chiến luỹ trong thành phố mất dần. Cờ của kẻ thù phấp phới trên các nóc nhà. Cửa hàng của người Nhật mở khắp nơi và trong các quán ăn, tấm che cửa truyền thống bằng vải trắng thay bằng các tấm vải in chữ nhật. Từng tốp phụ nữ Nhật tóc chải sáp bới cao sau gáy dạo chơi trong phố. Khổ váy Kimono chật khiến họ phải bước từng bước ngắn, tiếng guốc lộc cộc trên hè. Chúng tôi phải xây lại nhà mời. Lạm phát làm chúng tôi nghèo đi. Mẹ cho các cô hầu nghỉ việc bớt và chỉ giữ lại một người làm bếp cùng một người giúp việc nhà. Giới quý tộc sa sút nhường chỗ cho đám giàu mới nổi và niềm vui ồn ào huyênh hoang của họ. Khách sạn, cửa hàng sang trọng, nhà hàng lịch sự thi nhau mở. Chưa bao giờ phố xá chúng tôi lại sầm uất đến thế. Cha mẹ tôi mỗi người đều tìm ra cách để trốn tránh thực tế. Cha dốc sức soạn thảo một cuốn tổng luận về thi ca Anh còn mẹ làm lại bản thảo cho cha, nắn nót từng nét chép lại những từ ngoáy vội. Mẹ khoá kỹ các kỷ vật ngoại quốc trong một chiếc hộp. Tôi tranh thủ lúc mẹ đi vắng để lấy trộm chiếc chìa khoá giấu trong một chiếc lọ. Ảnh, quần áo, thư từ, các mảnh vải in hình kỳ lạ toả ra một mùi hương ngây ngất. Chẳng phải mùi xạ, mùi trầm, cũng chẳng phải mùi hoa, mùi cây quen thuộc của xứ chúng tôi, mùi hương lạ đưa tôi vào một thế giới khác. Mơ mộng khiến tôi càng thêm ưu sầu. 14 Thế là cuối cùng cũng xong! Sau một tháng miệt mài săn đuổi trong rừng, chúng tôi đã xua được quân khủng bố vào rọ. Bị bao vây bên bờ một vực thẳm, có hoạ mọc cánh chúng mới có thể thoát. Chúng tôi đã dùng hết phần lớn lương thực dự trữ từ lâu. Trong khi chờ tiếp viện, chúng tôi chia sẻ phần ăn. Mỗi người từ nay có thể đếm được trên đầu ngón tay số bánh lương khô được chia, để rồi sẽ nuốt dần, chiêu bằng tuyết. Trưa hôm qua, chúng tôi hết đạn, chúng tôi bèn quyết định cắm lưỡi lê vào bọn Trung Quốc. Sáng nay, bình yên lạ thường bao phủ khắp núi rừng. Gió ngừng không thổi. Trong yên tĩnh, có tiếng gà gô kêu. Tôi ngồi viết di chúc, những lời vĩnh biệt làm thần kinh tôi dịu lại. Tôi chậm rãi rút gươm ra khỏi vỏ và dùng khăn mùi soa lau lưỡi gươm. Chưa bao giờ tôi thấy lưỡi thép tôi từ đầu thế kỷ 16 này lấp lánh đến thế. Xưa kia nó đã cchặt biết bao đầu kẻ địch để phục vụ cho tổ tiên tôi. Nay nó là chiếc gương phản chiếu sự trong sạch đầy đe doạ của cái chết. Đột nhiên, có tiếng kèn xung trận. Chỉ một bước tôi đã nhảy ra khỏi chiến hào và lao về phía kẻ thù trong tiếng kêu chiến đấu.Trên đỉnh núi vẫn im lìm. Không một bóng người. Bọn khủng bố bộc hơi mất rồi chăng. Bên bờ vực thẳm, một người lính ra hiệu chỉ xuống: cách khoảng trăm mét về phía dưới, các xác chết nằm rải rác trong tuyết trắng. Trước khi lao xuống vực, bọn phỉ còn ném tất cả vũ khí, xác chết, người bị thương xuống đó. Tôi chợt hiểu vì sao khoảng trưa hôm qua, sau một hồi đọ súng dữ dội, phe địch chợt im tiếng. Đạn dược của cả hai phe cùng cạn kiệt một lúc, và cả hai phe đều không biết rằng bên kia cũng hết đạn như mình. Tất cả chúng tôi đều mấp mé gần kề sự suy kiệt. Người Nhật đã chọn vinh quang trong hành động còn người Trung Quốc chọn vinh quang trong cái chết. Hành động anh hùng lẫm liệt với việc tự sát tập thể của họ bị vẩn lên như một lời chế giễu của số phận. Tự sát quá sớm là một sự đầu hàng đáng xấu hổ. Nền văn minh Trung Hoa qua nhiều thiên nhiên kỉ đã sản sinh ra vô vàn triết gia, nhà tư tưởng, nhà thơ. Nhưng chẳng ai trong số họ hiểu được sức sống không gì thay thế được của cái chết. Chỉ có nền văn minh của chúng tôi, dù khiêm tốn hơn, là đạt tới điều cốt lõi: hành động cũng là chết và chết cũng là hành động. 15 Tết năm mới, thể theo phong tục mới du nhập từ phương tây, sẽ là buổi mở màn của vũ hội. Chị tôi lấy một trong số các bộ đàm kiểu Âu của chị để mặc cho tôi. Sau khi rẽ ngôi lệch, chị lấy sáp vuốt tóc tôi. Rồi chị mở hộp đồ trang điểm. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, tôi chẳng còn nhật ra mình nữa. Mặt tôi trắng như đồ lót mới tẩy. Mi mắt tôi sẫm hơn cánh bướm đêm. Lông mi giả rung rinh khiến tôi nom như sắp khóc. Trên quảng trường toà thị chính, các dãy hoa lấp lánh tựa sao. Xe ngựa, xe hơi lượt đi trên tuyết rồi từ đó tuôn ra các nhà quý phái chống can bịt vàng, các phu nhân và tiểu thư quấn lông thú, tóc uốn, môi hờ hững ngậm chiếc tẩu lọc thuốc lá bằng ngà. Một khu rừng thông ngăn cách khách sạn Hoàng gia với thế giới dân thường. Từ chập tối, người ta đã quét tuyết trên một lối đi nhỏ ngoằn ngoèo giữa bóng tối và ánh sáng run rẩy của các ngọn đuốc. Tuyết ánh trên ngọn cây. Bóng những người phục vụ mặc quần áo choàng đỏ bật trên nền sáng lạnh lẽo của cửa kính. Cánh cửa xoay đẩy tôi vào một gian sảnh rộng mênh mông. Các cột sơn son đỏ vút lên tới vòm trần, từ đó rủ xuống biết bao chùm pha lê, nom tựa như những ngọn lửa pháo hoa. Trên tường, núi rừng, biển uốn lượn, mặt trời ngắm mặt trăng trong khi lũ hạc cất cánh bay lên hoà vào mây. Chị tôi lôi tôi tới một chiếc bàn và gọi cho tôi ly cà phê sữa, thức uống thời thượng mà ta phải dùng trong những nơi như thế này. Dàn nhạc đang đệm cho một nữ ca sĩ váy lấp lánh kim tuyến. Thân hình cô ta uốn éo như một con rắn đang bị thôi miên. Từ cái cổ trắng nõn nà vang lên giọng ca rên rỉ. Rồi anh rể tôi mời chị tôi, cả hai bước lên sàn nhảy. Tay trong tay, mắt nhìn vào mắt, họ đẹp và thanh lịch biết bao. Họ tiến lên, lùi lại, xoay tròn và xoay tròn. Nhạc dồn dập hơn. Chị tôi cười, má đỏ, và để mình cuốn trôi đi trong vòng xoay. Điệu van kết thúc trong tiếng vỗ tay. Anh rể tôi âu yếm hôn lên vai chị. Trái tim tôi se lạnh. Ai mà biết được rằng anh ta đã làm khổ chị biết bao nhiêu? Tôi đưa mắ qua các dãy bàn bắt gặp Hương đang quan sát tôi từ nãy giờ. Cô bạn cùng lớp khẽ gật đầu ra hiệu. Tôi chỉ muốn độn thổ để dấu cái mặt hoá trang kinh dị của mình. Liệu ngày mai nó sẽ kể chuyện này ra sao ở lớp đây? Khéo mà cả lũ chúng nó sẽ tha hồ nhạo tôi. Tôi càng lúng túng hơn khi Hương ra hiệu mời tôi tới bàn nó. Tôi từ từ đứng dậy. Khi tới gần, tôi nhận ra mớ phấn dầy phủ trên má nó. Nó mặc chiếc áo đầm để hở toàn bộ lưng. Kiểu ăn mặc này khiến tôi yên tâm, ít ra mình cũng không phải là tên hề duy nhất ở đây. Một anh chàng nhường chỗ cho tôi và đi tìm thêm ghế. Hương giới thiệu các bạn nhưng bạn nào nom cũng lớn tuổi quá. Nó nhiệt thành nói chuyện với tôi và lần đầu tiên tôi thấy cái lối ắn nói kiểu cách của nó có duyên. Tôi thấy không ghét nó nữa và thổ lộ với nó nỗi chán ngán của tôi với cái đám người giả dối và điệu đà này. Nó nhìn tôi một lúc rồi chìa ly cho tôi. - Uống đi, nếu không cậu vẫn chỉ là kẻ ngoại đạo. Rượu sâm banh bốc trong cổ và làm tôi phát ho. Tôi vui lên. Được Hương khuyến khích, tôi dám ngước mắt lên và nhìn lại khi đàn ông nhìn tôi. Một người mời tôi nhẩy, trong tay anh ta, tôi bước đi như một con gấu. Tôi quay về chỗ Hương và bị lây ngay bởi tiếng cười lăn lóc của nó. Cái con bé này trước đây tôi không ưa, nay đã trở thành đồng loã. Ra khỏi khách sạn, tôi vẫn còn say và đòi phải được đi bộ ra xe. Chị tôi mắng nhưng rồi thấy ý này cũng hay. Phải cho tôi hết say trước khi về tới nhà chứ. Một cái bóng nổi lên từ trong chiều sâu của khu rừng thông. Một cái xác trần truồng, tay đặt trên bụng, đang chằm chằm nhìn trời. Hè vừa rồi, Liên đoàn Kháng chiến đã tấn công các đoàn tàu địch. Người Nhật bèn cho đốt các cánh đồng dọc theo đường sắt. Từ đó, những đàn nông dân kiệt quệ lang thang trong thành phố chúng tôi để xin vài hạt gạo. kẻ bất hạnh này là một trong số họ, chắc đã chết đói. Xác chết thì làm sao bảo vệ được mình. Những kẻ ăn mày khác chắc đã lột hết quần áo anh ta. 16 Mừng biết bao khi nhận được những lá thư đầu tiên. Mẹ kính yêu kể tỉ mỉ cho tôi về lễ đón mừng năm mới. Em gái cho tôi biết một việc mà mẹ không kể. Từ khi tôi ra đi, ngày nào mẹ cũng ra đền và cầu nguyện hàng tiếng đồng hộ. Còn em tôi, nó mơ rằng Phật sẽ phù hộ độ trì cho tôi. Thư của em trai tôi thì mang đầy ẩn ý. Cái tay tiến sĩ về văn học cổ điển này vẫn kiệm lời kiệm ý như xưa. Nó thừa nhận rằng trong thời buổi này, tổ quốc cần nhiều lính hơn nhà văn. Nước mắt tôi trào ra khi đọc những dòng này. Ý em tôi rất rõ, nó xin lỗi tôi vì đã không hiểu anh mình quá lâu. Sau cái chết của cha tôi, tôi vẫn còn niên thiếu và tôi cảm thấy một tình yêu khắc khoải đối với em trai. Tôi quyết định cư xử với em sẽ như cha đối với con, như huấn luyện viên đối với vận động viên, như sĩ quan đối với lính. Để nó đáp ứng được những yêu cầu của tôi, tôi bắt nó phải học những trò chơi tôi rất giỏi. Em trai tôi giả bộ như nghe lời tôi nhưng kiên nhẫn chờ lúc nổi dậy. Và ngày đó đã đến. Trời đã định rằng tới một lúc nào đó, kẻ lớn hơn sẽ bị mất ưu thế đối với kẻ bé hơn. Ở tuổi mười sáu, em trai tôi đã cao bằng tôi. Nó trở thành một chàng trai với bắp thịt cuồn cuộn, xương cứng rắn. Một hôm, tại câu lạc bộ võ kenđô, nó trang trọng thách tôi đấu. Chỉ nháy mắt, tôi đã bị một cú kiếm gỗ chém ngang mũ bảo vệ. Cú đánh mạnh tới mức tôi lảo đảo. Khi tôi lấy lại được thăng bằng, người chiến thắng nghiêng mình cám ơn tôi đã chấp nhận đấu. Nó bỏ mũ, mặt đẫm mồ hôi và tràn một niềm vui thầm lặng. Sau khi kính cẩn cúi chào tôi, nó rời sàn đấu trong trang phục võ sĩ. Về sau, nó muốn trở thành nhà văn và theo học tại Đại học Tokyo. Từ đó, đường đi của chúng tôi xa dần nhau. Nó chơi với nhiều sinh viên cánh tả nên trở nên hung hăng và khinh thị mọi việc. Do đọc quá nhiều các tác giả vô chính phủ, nó dần có thái độ căm ghét đối với các quân nhân, lên án họ can thiệp quá sâu vào công việc của chính phủ và gọi họ là những kẻ tàn sát nền tự do. Tôi chẳng có thời gian và lòng kiên nhẫn để chấn chỉnh em tôi. Hơn nữa, nó tránh về nhà khi tôi có nhà. Đối với tôi, em trai tôi đã bị làn sóng đỏ cuốn đi mất rồi. Vậy sao giờ đây nó đổi hướng? Cãi nhau với bạn chăng? Ai đã cho nó biết sự phù phiếm và lố bịch trong tính không tưởng của các bạn nó? Tôi trả lời em trai bằng một lá thư cũng ngắn gọn như nó: “Em ạ, sau trận chiến đầu tiên, anh chỉ còn tôn thờ mặt trời. Tinh tú đó thể hiện sự vĩnh hằng của cái chết. Em chớ nên tin vào mặt trăng, nó chỉ là tấm gương phản chiếu thế giới đẹp đẽ này. Nó đầy lên rồi lại khuyết đi, một cách phản trắc và vô thường. Tất cả chúng ta đều rồi sẽ chết. Chỉ đất nước là còn tồn tại. Hàng nghìn thế hệ những người yêu nước sẽ làm nên sự vĩ đại mãi mãi của đất nước Nhật Bản.” 17 Ở tuổi tôi, tinhà bạn này xoá đi tình bạn khác, bùng lên, tắt đi, chẳng bao giờ vĩnh cửu, nhưng lúc nào cũng hăng hái như nhau. Tôi mời Hương đến nhà ăn tối và cho nó nhìn thấy thế giới riêng của tôi. Nó mặc một chiếc áo dài kiểu Trung Hoa màu xanh lơ chần bông. Tóc tết đuôi sam, cô bé học sinh trung học ngoan ngoãn và hiền lành khiến cha mẹ tôi rất thích. Sau bữa cơm, tôi mời nó uống trà và rủ nó về phòng mình. Nó rụt rè bước qua cửa phòng như bước vào một giấc mơ. Để cho Hương thấy được vẻ diệu kỳ của căn phòng ngày xưa, một trong số các phòng đã thoát được trận bom, tôi tắt hết đèn và thắp nến. Nhiều cuộn giấy vẽ thư phép và tranh hiện lên từ bóng tối để dần dần hoà quyện với các tấm tranh tường nhiều màu sắc. Một chiếc giá đầy sách oai phong ngự trong phòng. Trên chiếc bàn sơn mài của tôi, các con chim vẽ rúc rích trong đám lá. Hai hộp đựng quân cờ vây chễm chệ trên nóc một chiếc tủ chạm trổ và canh chừng cho giấc ngủ hằng đêm của cha tôi. Hương vớ lấy một quyển sách dạy đánh cờ vây và lật giở vài trang. Nó cầm lên một chiếc ghim cài búi tóc bằng bạc chạm có đính lông vũ mà tôi sưu tầm. Nó nghịch các viên ngọc trai trên đó. Im lặng mất một lúc. Ngồi vắt vẻo trên mép giường, nó trút bầu tâm sự với tôi. Sinh ra ở nông thôn, Hương mất mẹ lúc tám tuổi. Cha nó tục huyền và bị lép vế trước bà vợ mới vạm vỡ, sáng nào cũng ngậm tẩu ra đồng chỉ huy công việc. Bà mẹ kế ghét nó. Rồi sau đó hai cậu em sinh đôi khác mẹ ra đời khiến cha không còn thương yêu nó như trước nữa. Nó chỉ còn là một con bé lọ lem. Bọn con trai càng lớn càng nhiễm thói bắt nạt nó. Chúng hành hạ Hương như hai con mèo hành hạ một con chim sẻ yếu. Mẹ kế có vốn từ vựng chửi rủa phong phú thường xuyên chửi bới nó. Nó ngủ phòng dành cho người ở và đêm đêm đếm giọt mưa rơi trên mái nhà. Mưa rơi không dứt, như những nỗi khổ của nó. Nhà nó cho nó vào trường trung học năm mười hai tuổi. Mẹ kế thoát khỏi cái gai trước mắt và Hương tìm thấy tự do. Đầy nhiệt tình và quả quyết, nó tập bỏ cho kỳ được giọng nhà quê và tự biến thành cô gái thị thành. Chẳng mấy nỗi mà nó được cái gì sai khiến được người thành thị và tranh thủ lợi dụng điều này. Thỉnh thoảng nó dúi vào tay bà gác cổng ký túc xá vài đồng tiền, biếu vài ba chai rượu cuối năm và được bà cho phép ra vào thoải mái. Nó ở chung phòng với tụi lớp lớn và quen dần với rượu sâmbanh, với sôcôla và các điệu van. Nó bắt chước họ, học trang điểm, nói dối tuổi để được mời đi dự vũ hội. Đàn ông đến đón nó bằng xe hơi, thì thầm những lời âu yếm vào tai nó và khen ngợi sắc đẹp của nó. Từ đó, nghỉ hừ trở thành cực hình. Nhà cửa quê mùa ẩm ướt, tối tăm, mùi gia súc làm đồng khiến phát buồn nôn. Cha thì khạc nhổ lung tung, mẹ kế suốt ngày cứ rít lên. Hai ông em trai đáng lẽ ngồi bàn ăn cho tử tế, lại cứ co chân lên ghế để nốc cho tiện. Đêm khuya dần, tôi rủ Hương đi ngủ. Nó nằm sát vào tường và còn kể chuyện mãi đến khi lời lẽ lủng củng và giọng nói lịm dần. Tôi trằn trọc mãi. Bạn tôi năm nay mười bảy tuổi. Cha nó đang tìm chồng cho nó và thế là kết thúc một cuộc vui kéo dài mới ba năm. Liệu nó có gặp được người làm thay đổi số phận nó hay không? 18 Có những ngày lòng tràn đầy quyết tâm mới mẻ, tôi nhìn thằng vào cái chết với niềm vui và sự bình thản.Theo tiếng gọi của đất nước tôi, tôi không do dự tuân theo số phận một người lính của hoàng đế. Tuy nhiên con đường trở thành anh hùng không thẳng tắp như ta tưởng, nó còn ngoằn ngoèo mãi trong núi đồi khúc khuỷu của sự hy sinh. Sớm nay tôi tỉnh giấc lúc còn nằm sấp trên một mô đất đã khô đi vì nắng. Hơi ấm toát lên từ sâu trong lòng đất làm tôi thiu thiu ngủ. Mãi tôi mới mở được đôi mắt trĩu xuống vì cơn ngủ và nhận thấy có một tấm bia mộ dựng cách mặt mình có vài xăngtimét. Tôi đang nằm trên mộ mẹ tôi. Cố nén tiếng kêu thảm thiết, tôi tỉnh giấc hẳn. Mặt trời mùa đông còn chưa nhô lên. Căn phòng trưng dụng của nông dân giống như một cái nhà hầm. Trong bóng tối, binh lính của tôi ngáy khò khò. Ai giải được hộ tôi giấc mộng này? Làm sao biết được giấc mơ này có phải là điềm báo hay không? Phải chăng đó là lời nhắn mẹ muốn gửi tôi trước khi từ giã cõi đời? Có ai làm ơn cho tôi biết ngay bây giờ, nơi cách xa Tokyo hàng ngàn kilômét, rằng mẹ vẫn còn sống và khoẻ mạnh hay không? Từ nhiều năm nay, tôi suy nghĩ rất nhiều đến cái chết của mình, đến độ nó trở nên nhẹ tựa lông hồng đối với tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi chuẩn bị tư tưởng về cái chết của mẹ nên không thể nào chịu đựng được ý nghĩ đó. Nhưng biết làm sao để hài hoà được tổ quốc và gia đình? Người lính là kẻ huỷ hoại hạnh phúc của những người thân. Nếu cuộc sống của tôi là có ích, chắc tổ quốc phải chịu ơn sự hy sinh của một người đàn bà. Tôi mò mẫm trong bóng tối tìm một mẩu giấy và một khúc bút chì. Tôi chẳng nhìn rõ chữ tôi viết nhưng vẫn viết một bức thư ngắn gửi mẹ. Tôi nói với mẹ rằng tôi ân hận, đã bao nhiêu lâu rồi tôi không quan tâm đến mẹ. Tôi gập bức thư và nhét xuống dưới gối. Còn phải chịu đựng biết bao nhiêu ngày nữa mới được gặp lại thế giới bên ngoài đây? 19 Hương thổ lộ với tôi một điều lạ thường: - Bố tớ rất giầu nhưng ở nhà tớ chỉ như một con ăn mày. Mỗi khi xin tiền là ông ấy cáu và bao giờ cũng vứt ra chỉ phân nửa số tiền tớ xin. Nó lại bảo: - Tớ sẽ lấy một lão chồng giàu biết chiều tớ. Vài hôm sau, nó hé cho tôi biết là nó đang mê một người: - Một người đàn ông thực sự khác xa cái bọn thanh niên mới mọc râu lượn quanh trường mình. Anh ấy đoán được điều cậu nghĩ, biết trước được điều cậu thích. Bên anh, cậu không phải là một cô gái mà là tiên, là nhà thông thái, là linh hồn đã sống qua mọi thời đại và anh ngắm nhìn cậu với ánh mắt tò mò háo hức như trẻ sơ sinh. Dù Hương nay đã thành bạn thân nhất của tôi, tôi vẫn không tài gì hiểu hết được ý nghĩa các câu nói của nó. Tâm hồn gai góc của nó tựa như chia ra thành bóng tối và ánh sáng. Vừa ồn ĩ, vừa kín đáo, cuộc sống của nó đầy bí ẩn mặc dù nó có tâm sự với tôi. Như sáng hôm nay thứ hai chẳng hạn, nó đến lớp có vẻ kiệt sức và xúc động. Đuôi sam của nó còn mang vết của mớ tóc đã được uốn rồi lại được là thẳng ra. Chìm đắm trong niềm vui mà chỉ nó mới biết duyên cớ, nó bảo: - Bằng chứng duy nhất về tình yêu của một người đàn ông đó là lòng kiên nhẫn của chàng khi chiêm ngưỡng một người con gái còn trinh đang dần chín. Tôi đỏ mặt mà chẳng chen vào được câu gì. Nói những chuyện quá thầm kín như vậy mà nó chẳng e ngại mảy may. Tuy nhiên tôi thấy cái kiểu thổ lộ trơ tráo của nó lại có vẻ oai oai. Tôi còn chưa biết đến phần kia của cuộc sống. Tôi như một con bé mù không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tôi bèn hỏi Hương: - Làm thế nào để ra khỏi bóng tối đang bao trùm ta? Nó giả bộ không hiểu. - Làm thế nào để trở thành đàn bà? Nó trố mắt ra: - Cậu điên à? Làm đàn bà muộn càng tốt chứ sao? 20 Quay về thế giới văn minh. Thành phố Cáp Nhĩ Tân nằm tít tút phía bắc xứ Mãn Châu và là một đỉêm nóng trong tranh chấp giữa Nga và Trung Quốc. Trên dòng sông Amua rộng hàng kilômét, các tàu chiến của chúng tôi đang đương đầu với hạm đội Xô Viết. Khi hoàng hôn xuống trên thành phố ồn ào này, mái vòm của các nhà thờ Hồi giáo, thập tự và tượng các Đức bà Đồng trinh của nhà thờ Thiên chúa, mái cong nghiêng của các khu đền chùa Phật giáo nổi bật trên nền trời đỏ sậm màu máu. Người Nga, người Do Thái, người Nhật, Triều Tiên, người Trung Hoa, người Anh, Đức, người Mỹ đều chung sống trong cái đô thị hổ lốn này. Mỗi loại người đều biết tái tạo lại quang cảnh và sống với văn hoá của mình. Mới hôm qua đây, tôi còn ngủ trong ổ rơm, trong tiếng hú của chó sói và tiếng rền rĩ của gió. Tôi còn phải uống tuyết tan thay nước, phải mặc quân phục thủng, cháy lỗ chỗ ướt mẹp mồ hôi và bùn. Bây giờ thì có giường, chăn len, phòng có lò sưởi, quân phục mới tinh. Tôi cùng vài sĩ quan khác lao đi tìm gái. Tôi chơi xa xỉ, đốt hết cả món tiền để dành để gọi cho mình một ả điếm người Nhật. Maysaô, một cô điếm trẻ gốc vùng Tôyanma, mời rượu tôi. Trang điểm tầm thường, nước hoa thì tẻ nhạt, áo kimônô loà loẹt, cách cầm rượu thì vụng về, thế mà cô ta vẫn làm tôi mê mẩn. Tôi túm lấy tay cô ả. Chỉ chạm tay vào da thịt đàn bà cũng khiến tôi như bị điện giật. Tôi giật người cô ta và cô ta ngã nhào vào lòng tôi. Tôi vạch chiếc áo kimônô đã hé mở và giằng mớ đồ lót. Hai bầu vú bật ra. Màu núm vú hồng hồng khiến tôi phát rồ. Sau nhiều tháng cô độc, tôi muốn rửa thân trong một thân xác đàn bà. Tôi vầy vò. Tôi cưỡi lên người ả mặc cô ả van xin. Dương vật tôi xọc vào thân cô ta và chỉ mới chạm vào đã khiến một niềm đau đớn khoái lạc xâm chiếm người tôi và khiến tôi mê cuồng. Tôi vui vẻ đi trong phố, toàn thân vừa như trống rỗng vừa như tràn đầy sinh lực mới. Ả điếm đã bơm cho tôi hơi nóng của con người mà tôi đã để mất trong nhiều tháng qua. 21 Quảng trường trước toà thị chính đen đặc những người là người. Tay xách làn, tôi lôi Nguyệt Châu theo. Chị tôi cứ càu nhàu nào là bị chen lấn, nào là giá lương thực đắt đỏ, nào là hiếm thịt thú rừng. Lắm lời và cáu kỉnh, chị than phiền về tất cả các thứ chúng tôi mua. Tôi bực mình vì những thứ thở than không dứt, chỉ mong rũ chị đi cho nhanh. Từ ba năm nay, cuộc đời chị như một dòng sông tuyệt vọng. Tôi tiếc biết bao bà chị ngày xưa với mớ tóc đen huyền tết thành hai đuôi sam và buộc nơ màu đỏ chót. Chị đi đi lại lại, xoay tròn, ngồi xuống đứng lên liên tục. Tiếng cười giòn giã của chị làm cả nhà phát nhức cả đầu. Nay thì vài sợi tóc uốn lọt qua vành mũ trùm và đung đưa trên gò má tái nhợt của chịTóc mất đi vẻ óng mượt cũng ủ rũ như con người chị. Tôi lắc tay chị: - Này, thế chị li dị đi Chị mở tròn đôi mắt một mí xinh đẹp. Nước mắt ứa ra. - Em ơi, anh ấy trước đây yêu chị lắm!... Anh ấy thề cả đời chỉ có chị mà thôi!... Chị không tin là anh ấy đã quên lời thề. Nó còn mạnh hơn cả anh ấy... Tối hôm qua, chị đi theo anh ấy... Anh ấy vào rạp hát với một con rởm đời, đồ dàn bà hư hỏng, để cho giai sờ vuốt ngay trong ghế lô... Tôi chẳng biết nói thế nào. Phong tục mới lên án chế độ đa thê nhưng đàn ông vẫn rất lang chạ, còn phụ nữ nào đã thoát khỏi những nỗi khổ. Cha mẹ chúng tôi là những người tân tiến.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net