logo

Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm)

Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm) còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cẩm sơn (Cẩm với nghĩa núi đẹp như gấm, lụa); tên Khmer: Pnom ta piel hay Pnom po piêl; là một ngọn núi tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm) Trên đường đi Ba Chúc, nhìn về núi Cấm Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm) còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cẩm sơn (Cẩm với nghĩa núi đẹp như gấm, lụa); tên Khmer: Pnom ta piel hay Pnom po piêl; là một ngọn núi tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam. I. Tên, vị trí: Thiên Cẩm Sơn có độ cao 705 m (1), chiếm chu vi 28.600m, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn và cao nhất tỉnh. Núi nằm trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 90km theo Quốc lộ 91 rẽ qua tỉnh lộ 948, và cách thị xã Châu Đốc không xa. Đường lên núi Cấm. Thiên Cấm Sơn (hay Cấm sơn) là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỷ 19. Sách này miêu tả: ...thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót. Còn trước đó, theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn. Và tác giả cho biết núi cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư hình như cai đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn...Núi cao đột ngột, sinh sản các loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre. Cây cối tốt tươi có đường cong queo thông trong núi sâu, dấu người qua lại, gần nơi đồng ruộng, xa có bến nước, kẻ cày cấy, người đánh cá chia từng loại ở nơi chân núi… Có nhiều giả thuyết về cái tên núi Cấm : Theo Nguyễn Văn Hầu trong Nửa tháng trong miền Thất Sơn (Nxb. Trẻ, 1996), thì giả thuyết đáng tin cậy hơn cả là Đoàn Minh Huyên (tức Phật Thầy Tây An) đã cấm các tín đồ của mình lên đó cất nhà lập am, bởi sợ sẽ ô uế chốn núi thiêng. Một giả thuyết khác là khi Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải vào núi này nương thân. Muốn tông tích được giấu kín, các cận thần phao tin có ác thú, yêu quái, để cấm dân chúng vào núi. Cũng có người cho rằng tướng cướp Đơn Hùng Tín (biệt danh của Lê Văn Tín, quê Cao Lãnh) có lúc dùng nơi này làm sào huyệt. Sợ lộ, Tín cấm dân lên núi. Bàn về chuyện này, Nguyễn Văn Hầu viết: Có người lại nói rằng sở dĩ tên núi Cấm được đặt ra là vì vùng núi này cao nhất, cây cối mọc tràn lan dày bịt, đá nằm ngang dọc gồ ghề, khi trước không thấy khoảng trống, chẳng có đường mòn, khó cho nhà chức trách đến mà khám xét được. Cảnh hoang vu tịch mịch đó rất thuận tiện cho những tay “Lương Sơn Bạc” tụ tập để gây rối cho xóm làng và các vùng phụ cận. Muốn giữ sự yên tịnh cho dân tình, nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lịnh cấm họ ở trong vùng này. (Cái thuyết nói tướng cướp Đơn Hùng Tín - bị Sở Mật Thám Mỹ Tho hạ sát năm 1926 - cấm dân gian bén mảng đến vùng núi này, nơi hùng cứ của y, chắc là không đúng). II. Năm Vồ: Vồ (hoặc non), từ dùng chỉ một chỏm cao trên dãy núi. Theo Nguyễn Văn Hầu, năm non trên núi Cấm bao gồm : • Vồ Bồ Hong: cao 705 m, cao nhất. Tương truyền vồ có tên này, vì trước đây có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống. Ở trên vồ cao này có tượng thờ Ngọc Hoàng, là nơi được nhiều người đến tham quan và lễ bái. • Vồ Đầu: đỉnh cao đầu tiên của Núi Cấm tính từ phía Bắc, cao 584 m. • Vồ Bà: cao 579 m, có điện thờ Bà Chúa Xứ. • Vồ Ông Bướm: (hay Ông Voi) cao 480 m tương truyền xưa kia có hai người Khmer lưu lạc tên ông Bướm và ông Vôi đến cư trú, nên mới có tên như thế. • Vồ Thiên Tuế: cao 541 m, nơi đây trước kia là rừng cây thiên tuế. Thực tế, núi Cấm còn có nhiều vồ hơn nữa, như Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh v.v... Nhưng người ta thường chỉ nói năm non, bảy núi. Những con số bất dịch này, chắc do sự tác động của những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian... III. Danh thắng: Tượng Phật Di-lặc trên đỉnh núi Cấm Núi Cấm nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang: vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di-Lặc, Cao Đài Tự... Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh. Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao- lanh và nước khoáng thiên nhiên... Bảo Tháp chùa Vạn Linh. IV. Hai danh thắng tiêu biểu: 1. Chùa Phật Lớn: Tượng Phật chùa Phật Lớn. Chùa Phật Lớn là một ngôi cổ tự danh tiếng, hiện tọa lạc trên đỉnh Núi Cấm. 1.1. Lịch sử: Chùa Phật Lớn được xây dựng năm 1912, trên một khoảng đất rộng bên triền, gần đỉnh núi. Tên là chùa Phật Lớn vì trong chùa có thờ một tượng phật cao 1,8m. Vào thời điểm ấy, pho tượng này cao lớn hơn các tượng thờ khác cũng ở trên núi này. Và gọi vậy, còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng đông gần chân núi. Sau khi ông Bảy Do (Cao Văn Long), người đầu tiên xây dựng và tu ở chùa, bị thực dân Pháp bắt, chùa Phật Lớn trở nên hoang vắng. Mãi đến năm 1914, ông Trần Văn Lầu (Cựu hương quản làng An Khánh, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho) đến núi Cấm thấy cảnh chùa hoang phế quá, bèn đến chùa Linh Sơn (Sài Gòn) nhờ Cò Mi Chấn (Phó hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học) đứng ra xin phép để được tái thiết chùa. Tìm mọi cách mà nhà cầm quyền không chấp thuận, ông Chấn bảo ông Lầu làm liều cất đại một am lá để che mưa nắng cho tượng Phật. Có người mật báo với quan chủ tỉnh Châu Đốc, ông Lầu bị tra vấn, còn Cò Mi Chấn nhận được công văn của viên chủ tỉnh này buộc phải tháo dỡ am. Nhưng Cò mi Chấn trả lời qua thư rằng: Theo tục lệ An Nam, không thể để Phật ngồi giữa trời dầm mưa, dãi nắng như thế... Chủ tỉnh lại gởi công văn lần nữa, lần này Cò mi Chấn đáp: Cái am lỡ cất rồi, tôi là người đạo Phật, sợ phạm tội nên không dám dỡ!... Nhờ sự đôi co ấy mà am không bị phá bỏ và tượng Phật được bảo quản tốt cho đến nay. Hiện nay (tháng 7 năm 2008), chùa Phật Lớn đang được tôn tạo lại trên nền cũ có mở rộng diện tích lên đến 13,6 ha gồm khu chánh điện, nhà chuông, khu nhà nghỉ, hệ thống điện, nước... để phục vụ cho việc thờ cúng và cho khách đến hành hương hay vãng cảnh... 1. 2. Tu sĩ Bảy Do: Cảnh chùa Phật Lớn. Bảy Do, tên thật Cao Văn Long (? - ?) khi khoác áo tu hành lấy hiệu Ngọc Thanh, quê làng An Hội, tỉnh Bến Tre, cháu của lãnh tụ kháng Pháp Thủ Khoa Huân (1830-1875). Sau khi cùng với chú là Thủ Khoa Huân khởi nghĩa rồi nhận thất bại, ông tới lui hầu hết các tỉnh Nam Kỳ. Cuối cùng ông đến núi Cấm, chọn nơi hoang vắng xây chùa, để rồi khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền, đến đêm lại luyện võ dưới bóng trăng, thu nhận môn đồ, gặp gỡ những người chung chí hướng và lấy đó làm trụ sở cho hội kín Thiên Địa hội do Phan Xích Long lãnh đạo... Theo G.Coulet, ông bị bắt ngày 17 tháng 3 năm 1917, sau khi quân Pháp ruồng bố núi Cấm và chùa Phật Lớn. Dù chẳng tìm được tang chứng gì, ngoài một số lượng lớn chén bát, nhưng quân Pháp dựa vào mớ chén bát đó để qui tội ông làm quốc sự... (theo Les sociétés secrètes en terre d’Annam. S, Ardrin, 1926). Theo bài viết "Đức Trung Tôn trên núi Cấm... [2] thì: Nguyên thuở trước, ước chừng ba bốn chục năm nay, có một ông thầy tu theo đạo trên, tên là Bảy Do, lên choán chỗ đó mà cất một cảnh chùa bằng ngói rất nguy nga. Trong chùa ấy, ông lại mướn thợ lên cốt một vị Phật bằng ciment (xi măng) rất to, tục kêu “Đức Trung Tôn”, bề cao được một thước tám tây, ngồi kiết già trên cái bàn cũng bằng xi măng và cao trên hai thước. Chùa vừa cất xong thì ông Bảy Do lại bị ở tù, kế từ trần trong ngục thất.... Cầu đá bắc qua hồ Thủy Liêm dẫn lên chùa Phật Lớn. Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) cho biết thêm: Thực dân bắt ông Bảy Do nhưng chúng đành chịu thua, chẳng tìm ra được hệ thống tổ chức. Năm 1917, trước tòa án quân sự, khi Pháp hăm dọa, lên án 5 năm cấm cố, ông vẫn bình thản với câu trả lời khiến dư luận bấy giờ thán phục: “Tôi là kẻ tu hành, ở đâu cũng tu được vậy thôi”… (3) 2. Vồ Bồ Hông và tu sĩ Cử Đa: Vồ Bồ Hông, đỉnh núi Cấm, nơi tu của Cử Đa. Cử Đa tên thật Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa (? - ?), đạo hiệu là Ngọc Thanh hay Chơn Không, Hư Không. Sau khi kháng Pháp ở miền Nam Việt Nam thất bại, ông bỏ đi tu và có một số người tin rằng ông đã đắc đạo thành tiên. 2.1 Đời thực lẫn huyền thoại: Hiện tồn tại vài ba câu chuyện kể về cuộc đời của Cử Đa, và chúng có nhiều điểm dị biệt. Sách Định Tường xưa (4), cho biết: Căn cứ theo tập Sử tích ông Cử Đa đi tu của Trương Tấn Ngọc ở Vĩnh Kim (quận Long Định, tỉnh Mỹ Tho) có chép mấy trường thiên viết về cảnh núi Tà Lơn và bài Lan Thiên, thì Cử Đa sinh dưới thời vua Tự Đức, khoảng năm Canh Tuất (1850), ở Thuộc Nhiêu (thuộc Mỹ Tho). Khoảng năm Ất Tỵ (1895), khi tuổi đã 45, ông mới hăm hở tầm sư học đạo, lưu lạc nhiều nơi trong tỉnh Châu Đốc. Ngày 14 tháng 3 năm Bính Thân (1896), ông thí phát quy y, hiệu là Ngọc Thanh, tu tại điện Bồ Hong (đỉnh núi Cấm), rồi được tôn sư đưa lên ở nơi Trung Tòa...[1] Theo sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (5), thì: Tục truyền thuở thiếu thời, ông lần ra tới Bình Định để tìm thầy học võ và đã thi đỗ cử nhân võ thời Tự Đức. Khoảng năm 1862, sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước, khiến sáu tỉnh Nam Kỳ mất vào tay thực dân Pháp; ông lưu lại làng Bình Khê (Phù Cát, Bình Định) rồi tham gia quân đội chống Pháp ở Huế, ở Hà Nội. Năm 1885, Tôn Thất Thuyết - một đại thần thuộc phe chủ chiến – tổ chức tấn công Pháp tại kinh thành Huế thất bại, vua Hàm Nghi phải xuất bôn, tuyên hịch Cần Vương, thì ông càng dốc sức giúp nước hơn nữa. Đến khi bị kẻ phản bội chỉ điểm, vua Hàm Nghi bị bắt (1888) rồi bị đày ở Algérie, ông mới trở lại Nam Kỳ. Lúc bấy giờ, các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Thủ Khoa Huân...đã tan rã hết. Và lần nữa Cử Đa xác định con đường riêng của mình: “Không làm anh hùng thì làm Bồ tát”. Kể từ đó, ông lưu lạc từ Bến Tre, Cái Dầu (Châu Phú, An Giang), Giang Thành (Hà Tiên), rồi lần sang đất nước Cao Miên đến ở Cần Vọt (Kampôt), Cần Trạch (Kam-pong Trạch) và cuối cùng đến núi Tà Lơn (Bokor). Năm 1896, ông gặp được minh sư, xin quy y, được ban đạo danh là Ngọc Thanh. Vì bị Pháp theo dõi ráo riết nên ông phải cải trang với cái tên Sư Bảy để truyền đạo. Ông đến núi Cấm (An Giang) tu ở điện Bồ Hong, sau dời qua Trung Tòa rồi động Cao Vân. Người ta còn kể: Sau khi tu luyện các phép thuật và rèn luyện thành thạo các môn binh khí, Cử Đa có đến xin núi Tượng xin Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) xuống núi đánh Tây. Vị giáo chủ này, biết thời thế không thuận lợi bèn nói: Anh về đóng một cái cối xay lúa rồi đem lại đây. Nếu tôi gõ ba tiếng chuông mà cái cối không bể thì cuộc kháng Pháp của anh thành công. Nghe vậy, Cử Đa đóng cối và dùng ba niềng sắt niềng lại, thế nhưng vừa dứt ba tiếng chuông thì cối vỡ tung. Lúc ấy, Đức Bổn Sư mới bảo: Đến khi trời định thì đàn bà gõ đũa bếp lên đầu Tây, Tây cũng không dám mở miệng. (Sau này, tín đồ đạo Hiếu Nghĩa tin rằng lời tiên tri trên ứng với sự việc năm 1945: Nhật đảo chánh. Tây đói khát vào nhà dân xin cơm, đàn bà Việt Nam có thể đuổi chúng đi như lùa vịt.) Mặc dù thất vọng, Cử Đa vẫn tụ tập lực lượng kéo đánh đồn Cây Mít của Pháp ở mé kênh Vĩnh Tế. Binh ô hợp, vũ khí thô sơ nên thất bại. Buồn bã, ông không về núi Tượng, cũng không trở lại núi Cấm mà đi thẳng lên núi Tà Lơn, trên đất Cao Miên. Tục truyền, Tết năm Giáp Tuất (1934), nhà văn Phan Khôi đã kỳ ngộ với Cử Đa ở chợ Bến Thành (Sài Gòn). Cử Đa bấy giờ đã đắc đạo thành tiên, và trong các cuộc cầu cơ, ông thường giáng đàn cho thơ với đạo hiệu Hư Không... Cử Đa truyền cho đời bài Vãn núi Tà Lơn và tập Lan Thiên, đều viết bằng thơ lục bát.[2] Theo lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu: Ông tên thật là Nguyễn Đa. Vì đã thi đỗ võ cử nhân (có thể là năm Thiệu Trị thứ năm, 1845) nên người đời gọi là ông Cử Đa. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của ông phát giọng miền Trung, cho nên cũng gọi ông là Thầy Huế. Quê ông ở làng Phù Cát (có chỗ chép là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định), nơi đã từng hun đúc vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông sinh năm nào và thi đỗ khoa nào không ai được biết, có điều biết rằng khi ông vào tới Thất Sơn thì chính là lúc lãnh tụ Nguyễn Trung Trực đang thất bại, phải lui về ẩn náu ở Hòn Chông (Kiên Giang), khoảng năm 1867-1868. Hồi ấy có người phỏng định tuổi ông lối 40 tuổi. Từ khi ông thi đỗ về sau, ông đi khắp nơi để mưu đồ chống Pháp, khi đến phía bắc miền Trung, khi vào Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho), nhưng đến đâu ông cũng đều gặp phải cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Sau rốt, bước chân giang hồ mới dừng lại ở Thất Sơn. Thuở ấy tình thế Nam Kỳ hết sức rối ren. Pháp đang muốn cưỡng chiếm ba tỉnh miền Tây. Các cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan gần hết: Thủ Khoa Huân bị đày sang đảo Réunion (1864), Trương Định chết ở Gò Công (1864). Phan Thanh Giản tuẩn tiết ở Vĩnh Long (1867)... Chỉ còn Nguyễn Trung Trực và một ít tàn binh lẩn lút ở Kiên Giang. Đứng trước tình thế nguy ngập ấy, có lẽ vì vậy mà Cử Đa không còn cách nào hơn là ẩn danh tu tỉnh ở vùng Thất Sơn, để chờ đợi thời cơ giúp nước. Một hôm, tung tích của ông bị lộ, quân Pháp ở đồn Cây Mít (Châu Đốc) kéo đến bao vây, vì thương dân chúng vô tội quanh vùng nên ông không nỡ chống lại, bèn từ giã một số đệ tử thuần thành, rời khỏi Thất Sơn, ra hòn Phú Quốc. Ở đó một độ, ông vượt đường qua Giang Thành rồi lên núi Tà Lơn (Cao Miên). Tại đây, ông Cử được gặp minh sư truyền cho đạo pháp và được đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Hắc y đổi lại cà sa, Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh. (Trích vãn Tà Lơn) Ở xứ người, Cử Đa có thâu nhiều tín đồ ở núi Tà Lơn, và lâu lâu lại trở về Bảy Núi thăm các đệ tử cũ. Ông thường dặn bảo tín đồ rằng nếu không có mệnh lệnh thì không một ai được bạo động gì cả. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cỡi hổ mun vượt rừng ở vùng Bảy Núi, thì người ta thì thầm bảo nhau: ông già ấy là ông Cử! [3] Và lời kể của nhà văn Sơn Nam: Vài nhân vật của phong trào Thủ Khoa Huân đến Bảy Núi, nổi danh nhứt là Nguyễn Thành Đa, gọi nôm na Cử Đa (tương truyền đậu cử nhân võ), người Vĩnh Kim (Rạch Gầm, Tiền Giang) chuyên tu tiên, góp phần vào cuộc tập họp ở An Định (núi Tượng, An Giang). Chuyện (kháng Pháp) bất thành, ông qua biên giới, lên núi Tà Lơn (đỉnh Bốc-ko, nơi nghỉ mát tốt nhứt của Campuchia, tỉnh Kampot) thám sát những hang động, yêu chuộng các loại lan (ở vùng mà ông gọi là Lan Thiên tràn ngập giống lan “vệ hài” nguyên sinh). Ông đặt tên các trạm dừng chân dành cho người hành hương lên tận đỉnh, nào là Trung Tòa, Kim Quan, Trạm Nhất, Lan Thiên, Hàm Long, Bàn Ngự, Cán Dù, Châu Thiên...qua bài vè hãy còn được người lớn tuổi nhắc đến: Lan thiên một cảnh chép chơi, Non cao đảnh thượng, thảnh thơi vô cùng... Ông lấy đạo hiệu Chơn Không hoặc Hư Không. Năm 1908, trên tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn của phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ, ông gửi bài đăng (chứng tỏ ông biết chữ quốc ngữ) nội dung huyền bí, dùng ẩn dụ: một bầy gà con khi gà bị chồn bắt, bị phân chia tứ tán, tốp này theo heo, tốp kia theo chó, theo vịt; rồi gà biết lội như vịt, biết bú vú chó, vú heo... Giới thích “cơ bút” xem cử Đa như người Việt duy nhất đã hóa ra tiên, đắc đạo; khi ông “giáng cơ bút” tặng vài bài thơ, người trong giới lấy làm hãnh diện. Tương truyền tuy mất tích trên núi Tà Lơn, nhưng thỉnh thoảng vài người đã thấy ông đi dạo chơi ngày Tết ở chợ Bến Thành (Sài Gòn). Đỉnh Tà Lơn được giới tu hành và những người tu tiên xem như nơi hành hương lý tưởng. Ngô Văn Chiêu khai sáng đạo Cao Đài, Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Hòa Hảo, đều đến đỉnh Tà Lơn (6). Giới thầy bùa, thầy pháp ưa khoe khoang đã tu luyện ở đỉnh Tà Lơn, với đạo sĩ nào đó (trích Lịch sử An Giang). 2.2 Trích vãn Tà Lơn: Ông Cử Đa bộc lộ ý chí của mình trong vãn Tà Lơn, trích: Sao bằng giữ được sạch trong, Bảng vàng chiếm đặng bướm ong sá gì. Đem mình về chốn kinh kỳ, Áo cơm khỏi tốn phước thì mẹ cha... Lòng ta luống những ưu phiền, Một mình trực tiết không miền gió trăng. Trong mình cũng biết võ văn, Trãi chơi thế cuộc tiếng văn giang hà... Anh hùng nghĩa khí trung cang, Trải ô thủy thạch Lãnh trang ít người. Tang bồng hồ thỉ đổi dời... Mục đích hành đạo của ông là: Hiếu trung hai chữ phụng thờ, Lâm tòng giữ tánh đặng nhờ tấm thân... Mô tả lại cảnh đào thoát, ông viết: Dọn thuyền hai chiếc một khi, Sắm sửa vậy thì đồ đạc đem ra. Hai Võ phân nói thiệt thà: "Kinh kệ áo dà để lại chốn đây, E khi đi có gặp Tây, Nó coi thấy đặng sáp bây không còn." Tính thôi đã một buổi tròn, Xuống thuyền ra biển, hỏi còn canh hai! Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn. Chú thích: 1. Độ cao ghi theo Địa chí An Giang tập I, UBND tỉnh An Giang ấn hành năm 2003, (tr.107). Con số này, các nguồn ghi không thống nhất, có người cho rằng từ chân núi lên tới vồ Bồ Hông, nơi được mệnh danh là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long, cao 716 mét hoặc 710 mét. 2.”Đức Trung Tôn trên núi Cấm (Châu Đốc) hết cái nạn dầm mưa dang nắng” bài đăng trên báo Từ Bi Âm số 92 ra ngày 15 tháng 10 năm 1935. 3. Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Nxb. Tổng hợp An Giang, 1988, tr. 127. 4..Huỳnh Minh, Định Tường xưa, Nxb. Thanh Niên, 2001, tr. 164. 5. Nhiều người soạn (Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên), Sổ tay hành hương đất phương Nam. Nxb. TP. HCM, 2002, tr. 47. (6) Trong Sám giảng (quyển 3) của Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo) viết năm Kỷ Mão (1939), có mấy câu sau: Lan thiên một cảnh chép chơi, Non cao đảnh thượng, thảnh thơi vô cùng... …Kể từ Tiên cảnh ta về, Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm. Dạo chơi tầm bực tri âm, Nay vì thương chúng trần gian phản hồi. Nghĩ mình trong sạch đã rồi, Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa. Phong trần tâm đã rời xa, Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh… Căn cứ vào mấy câu này, nhiều tín đồ đạo Hòa Hảo tin rằng Huỳnh Phú Sổ chính là kiếp sau (tức chuyễn kiếp) của Cử Đa.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net