logo

Quỹ BHXH - Đầu tư nhằm bảo toàn và tăng trưởng

Quỹ bảo hiểm xã hội BHXH là quỹ tiền tệ độc lập, tập trung, nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH nhằm mục đích chi trả cho những người được BHXH và gia đình họ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do gặp các rủi ro, mất khả năng lao động hoặc mất việc làm...
Quỹ BHXH - Đầu tư nhằm bảo toàn và tăng trưởng Nguồn: bhxhbinhduong.gov.vn Quỹ bảo hiểm xã hội BHXH là quỹ tiền tệ độc lập, tập trung, nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH nhằm mục đích chi trả cho những người được BHXH và gia đình họ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do gặp các rủi ro, mất khả năng lao động hoặc mất việc làm. Đầu tư là yêu cầu khách quan Do đặc thù người tham gia BHXH đóng phí trong một thời gian dài và thường là rất lâu sau họ mới được hưởng các chế độ trợ cấp dài hạn (như hưu trí, tuất...), đồng thời số người tham gia đóng phí và hưởng tại một thời điểm thường có chênh lệch dương (đôi khi khá lớn) nên quỹ BHXH tại một thời điểm nhất định có số tiền kết dư lớn. Mặt khác, quỹ BHXH cũng luôn phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, như việc tính toán mức đóng - mức hưởng của đối tượng không khoa học; những biến động xã hội đặc biệt dẫn đến việc bội chi quỹ; bị giảm giá trị do lạm phát thông thường, do lạm phát từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và nước ngoài tác động... Những đặc thù đó đòi hỏi quỹ BHXH phải được chú trọng đến hoạt động đầu tư tăng trưởng để tránh bị bội chi. Sự quay vòng bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH là một đặc trưng cơ bản của hoạt động BHXH trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động đầu tư quay vòng vốn để bảo toàn và tăng trưởng giá trị quỹ BHXH là một yêu cầu nhất thiết khách quan, đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển và phát huy tác dụng của chính sách BHXH trong việc bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững. Lợi ích và các hình thức đầu tư của quỹ BHXH Hoạt động đầu tư trước hết giúp mang lại lợi ích cho chính quỹ BHXH. Thông qua hoạt động đầu tư quỹ BHXH vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời của nền kinh tế, nguồn tài chính nhàn rỗi từ quỹ BHXH có thể tạo ra một nguồn tài chính tương đối lớn bổ sung vào quỹ, từ đó tăng quy mô và sức mạnh cho quỹ BHXH. Mặt khác, quy mô số người tham gia BHXH ngày càng tăng cũng tạo nên sự tăng trưởng cho quỹ, đảm bảo khả năng chi trả thường xuyên cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH. Đối với nền kinh tế, nguồn vốn lớn có được từ tín dụng quỹ BHXH sẽ hỗ trợ quan trọng để đầu tư phát triển một số dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư không ngừng tăng nhanh thì bên cạnh việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, việc cung ứng vốn từ nền kinh tế thông qua các tụ điểm tài chính như quỹ BHXH có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là tạo ra sự tự chủ và thế chủ động trong việc phát triển kinh tế đất nước. Mặt khác, thông thường Nhà nước phải hỗ trợ một phần ngân sách Nhà nước để cân bằng thu - chi quỹ BHXH. Quỹ BHXH đầu tư hiệu quả, đem lại một nguồn tài chính không nhỏ sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm gánh nặng bù đắp cho quỹ BHXH. Hiện nay, quỹ BHXH thường được đầu tư vào các lĩnh vực như: mua các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu công ty; gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mua kỳ phiếu ngân hàng; mua cổ phiếu; cho các công ty vay vốn; trực tiếp liên doanh hoặc uỷ thác kinh doanh; kinh doanh bất động sản. Trong đó, mua trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng là an toàn hơn cả và được hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, ở những nước có hệ thống BHXH trưởng thành và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, Nhà nước một mặt để hệ thống BHXH tự chủ về tài chính, mặt khác luôn hậu thuẫn để BHXH dám đầu tư vào lĩnh vực có thể ít lãi hơn nhưng có mục tiêu xã hội quan trọng (như cho vay xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, các công trình giáo dục hay chăm sóc sức khoẻ). Một số nước lập ngân hàng riêng trong hệ thống BHXH để đầu tư vào các xí nghiệp với mục tiêu chính là tạo công ăn việc làm... Nguyên tắc đầu tư của quỹ BHXH Quá trình đem số dư tạm thời nhàn rỗi của quỹ BHXH đầu tư sinh lời phải tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc về an toàn và hiệu quả để hạn chế tối đa rủi ro. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm và mục đích hoạt động của quỹ BHXH, hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi còn phải đảm bảo nguyên tắc thanh khoản và lợi ích xã hội. Nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động đầu tư quỹ BHXH là an toàn (không chỉ bảo toàn được số vốn đầu tư mà còn phải giữ được giá trị thực sự của vốn), nhằm trước hết là bảo toàn được quỹ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về chi trả BHXH. Nếu hoạt động đầu tư để xảy ra tình trạng không an toàn, gánh nặng sẽ đè lên vai Nhà nước và nguy hại hơn là dẫn đến sự mất ổn định về xã hội - chính trị, mất lòng tin của người dân. Do hậu quả của việc mất quỹ BHXH là rất nghiêm trọng nên quỹ BHXH không được đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cao, mạo hiểm lớn; không nên tập trung đầu tư vào một ít dự án hoặc công trình, mà nên phân tán đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau (cả trong nước và nước ngoài) để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Ngoài ra, quỹ BHXH cần được Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhuận cao. Nguyên tắc thứ hai khi đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH là tính hiệu quả. Nguyên tắc này rất quan trọng vì nếu đầu tư không sinh lời thì không thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng quỹ, và ảnh hưởng tới độ an toàn của quỹ cũng như khả năng chi trả trong tương lai. Để thực hiện được nguyên tắc này, cần thiết phải xác định được danh mục đầu tư, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu. Đối với từng dự án đầu tư, phải đánh giá chính xác nhất hiệu quả kinh tế dựa trên một hệ thống các chỉ tiêu khoa học, từ đó mới có được quyết định đầu tư đúng đắn, mang lại lợi nhuận cao. Nguyên tắc thứ ba là phải chú trọng đến tính thanh khoản của dòng vốn (dễ luân chuyển vốn). Quỹ BHXH luôn vận động không ngừng, đó là quá trình tạo lập và sử dụng quỹ để chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH. Do vậy, đầu tư quỹ vào lĩnh vực nào, dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo khả năng chuyển đổi các tài sản đầu tư thành tiền mặt để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chi trả cho người lao động. Thủ tục thanh toán cũng là một vấn đề cần xem xét khi quyết định đầu tư, đảm bảo thủ tục không không quá phức tạp, dẫn đến tồn khoản. Ngoài ra, đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH còn phải đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội, bởi BHXH là một chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước. Tuỳ theo tính chất và nội dung đầu tư mà các nguyên tắc trên có tầm quan trọng khác nhau. Chẳng hạn, khi đầu tư dài hạn thì nguyên tắc “dễ luân chuyển vốn” không quan trọng bằng nguyên tắc “an toàn” và “hiệu quả”. Ngược lại, đầu tư ngắn hạn thì nguyên tắc “dễ luân chuyển vốn” phải được ưu tiên hàng đầu. Tóm lại, đầu tư nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH có vai trò quan trọng và góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thực hiện an sinh xã hội. Song với sự vận động không ngừng của thực tiễn kinh tế, nội dung và hình thức đầu tư cần được tiếp tục nghiên cứu để hoạt động đầu tư quỹ BHXH đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net