logo

PHAN ĐÌNH TIẾN – ĐIÊU KHẮC GIA SỐ MỘT CỦA QUẢNG BÌNH


PHAN ĐÌNH TIẾN – ĐIÊU KHẮC GIA SỐ MỘT CỦA QUẢNG BÌNH Phan Đình Tiến thật sự là niềm tự hào của điêu khắc Quảng Bình. Không những thế, anh còn là một nhà điêu khắc có đẳng cấp ở Việt Nam. Từ khá lâu rồi tên tuổi của anh đã vươn ra khỏi địa bàn dải đất hẹp miền Trung, và khi nói về nghệ thuật điêu khắc đương đại thì ở Quảng Bình anh chính là số 1. Sinh năm 1966 ở Pháp Kệ (Quảng Trạch, Quảng Bình), Phan Đình Tiến hiện công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Thích nặn, vẽ từ thuở chăn trâu cắt cỏ trên đồng, lớn lên Tiến thi vào Trường đại học Mỹ thuật Huế và gắn mình với đá từ ấy...Thời còn là học sinh trường làng, Tiến thường trốn nhà ra quét dọn sạch sẽ ngôi chùa cổ bị bỏ hoang ven làng với mong muốn được thần linh phù hộ. Mỗi lần như thế, Tiến ngắm nhìn say sưa những bức tượng Phật sơn son thếp vàng và ước ao: có ngày mình làm được những bức tượng đẹp như thế! Ao ước đó theo Tiến suốt những ngày nhìn bạn bè theo nhau vào trường Đại học, còn mình thì lủi thủi mót sắn, hái củi trên nương rẫy để chống đói cho gia đình. Nhà nghèo, không hi vọng gì vào Đại học, Tiến đi làm công nhân đường sắt, rồi đường sông… Tiến yêu một người con gái nơi vùng quê cát trắng đến lóa mắt của Quảng Bình. Tình yêu chưa đến ngày kết trái thì nàng lặng lẽ ra đi vì một cơn đau tim. Trong nỗi đau đớn và thương nhớ mảnh tình đầu, Tiến đã vẽ lại chân dung và nặn tượng nàng. Tượng chân dung này được nặn xong thì ngọn lửa muốn vào Đại học cháy lại trong anh. Tiến đã dành dụm số tiền có được để thi vào trường Trường đại học Mỹ thuật Huế. Trời đã không phụ lòng người, anh đỗ đầu vào khoa Điêu khắc trong niềm vui sướng, hạnh phúc vô bờ bến. Anh vừa học vừa bươn trải kiếm tiền tự nhủ có một ngày sẽ thực hiện được ước mơ. Cuộc sống đã không quay lưng với Tiến. Bằng nỗ lực học hỏi và sáng tạo không ngừng, ngay khi còn là sinh viên anh đã thành công với nhiều tác phẩm điêu khắc. Năm 1990, anh đoạt giải A trong Triển lãm tác giả trẻ TP Huế, rồi những năm sau anh liên tục đạt giải cao trong các đợt triển lãm cấp tỉnh và cấp Trung ương (Giải Nhất Triển lãm mỹ thuật Công đoàn toàn quốc (1993), Giải Nhất điêu khắc về đề tài chiến tranh cách mạng Thừa Thiên - Huế (1994). Nhiều tác phẩm của Tiến có giá trị nghệ thuật rất cao, được trưng bày trong các triển lãm điêu khắc toàn quốc và khu vực: Tác phẩm Cô đơn (gỗ) được trưng bày trong Triển lãm 10 năm điêu khắc hiện đại VN 1983-1993, tác phẩm Đối dòng (gò đồng) triển lãm tại Chiang Mai (Thái Lan) 1994, Tình mẹ (ximăng màu) Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1995... Năm 1995 Tiến tốt nghiệp, anh được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Con đường thênh thang cho nghề nghiệp của Tiến ở một đô thị như Huế đã mở rộng, nhưng miền quê gió Lào, cát trắng Quảng Bình đã kéo Tiến trở về. Bạn bè ở Huế ai cũng nói Tiến điên khi bỏ về quê, nhưng về với miền cát trắng ấy, anh lại như tìm được chính mình khi tìm thấy mạch nguồn cho nhiều ý tưởng sáng tạo. Giao cảm (Điêu khắc đá) Về quê, Tiến làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Và tác phẩm Tượng đài Mẹ Suốt (thai nghén từ khi còn học Đại học) của anh đã lập tức “gặt” được giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư, lần thứ 2 (1996-2001) của tỉnh Quảng Bình. Tiến tiếp tục “ẵm” các giải thưởng cao về mỹ thuật ở các tỉnh Bắc Trung bộ, anh cũng giành luôn giải Đặc biệt tại triển lãm Ấn tượng Huế - VN 1998… Mới ngoài 30 tuổi, Tiến đã là hội viên Hội Mỹ thuật VN, Chi hội trưởng Chi hội mỹ thuật VN tỉnh Quảng Bình. Sau Vườn tượng điêu khắc Huế 1998 (với sự tham gia của 16 nhà điêu khắc quốc tế đến từ năm châu lục và 14 nhà điêu khắc trong nước), đến giờ người dân xứ Huế vẫn còn ấn tượng với tác phẩm Hướng thiện (giải thưởng đặc biệt Hội Mỹ thuật VN) của Tiến đặt bên bờ sông Hương. Hướng thiện được tạc bằng đá, cao 3m, là sự hiện hữu của đôi bầu vú mẹ căng tròn, là mạch sống cho mỗi con người lớn dậy, hướng về cội nguồn sinh tồn. Người ta nhớ đến Tiến ở cái chất lạ, giàu suy tưởng nhưng hết sức gần gũi qua các tác phẩm của anh. Năm 2001, khi đang thi công mẫu tượng đài Mẹ Suốt, Tiến bị một cơn đau lạ trong đầu. Tại bệnh viện Việt - Đức Hà Nội, người ta phát hiện anh bị u màng não. Tiến cứ nghĩ cuộc đời đã đến lúc chấm hết. Ngoài nỗi lo mẹ già, vợ trẻ và đứa con đầu lòng chuẩn bị chào đời, anh còn lo lắng đến tượng đài Mẹ Suốt chưa làm xong... Tiến đã viết di chúc trong phòng bệnh. Tác phẩm Tượng đài Mẹ Suốt (điêu khắc đá) Người nhà mẹ Suốt làm lễ tạ mộ mẹ đã khấn mẹ phù hộ cho Tiến khỏi bệnh. “Mình nghĩ là mình được mẹ Suốt phù hộ thật, nên đã khỏi bệnh” - Tiến nói. Đứa con trai sinh ra, Tiến đặt tên là cu Đá, vì cuộc đời Tiến mãi chỉ gắn với đất, đá. Khỏi bệnh, nhưng một thời gian dài Tiến gần như bị bại liệt. Tiến lao vào tập dưỡng sinh và anh vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo để trở lại với nghề và tiếp tục dựng xong tượng đài Mẹ Suốt ở Đồng Hới. Năm 2006 là năm “bội thu” của Tiến. Anh dự các trại sáng tác điêu khắc Ấn tượng Vũng Tàu, lần thứ nhất với tác phẩm Sóng bằng chất liệu đá granit, mang hình hai mắt xích bứt phá, tượng trưng cho sức mạnh của thời đại đập tan xích xiềng. Tác phẩm được đặt tại công viên Bãi Trước. Trong Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, lần 4 tại Huế, anh đã miệt mài với Hồn đá, thể hiện ý tưởng con tằm rút ruột nhả tơ. Tác phẩm được đặt tại công viên Hồ Thủy Tiên. Tiến còn nhiều tác phẩm nổi bật như Biển cả tại Nha Trang, Xuyên thời gian tại TP.HCM, Giao cảm tại Đà Lạt... Tiến cũng “gặt” nhiều giải thưởng giá trị: Nhân bản - tặng thưởng của Hội Mỹ thuật VN, Chuyển dòng - giải A, Triển lãm Mỹ thuật Công đoàn toàn quốc... Tại Nha Trang điểm hẹn 2007, Tiến hoàn thành bức Biển cả 2 bằng đá hoa cương mang hình hai con cá nuốt nhau, nhưng cả hai con đều mắc lưới. Bức tượng nói rằng: cuộc đời mênh mông như biển cả, có biết bao cung bậc thăng trầm, hãy đừng mắc phải sai lầm như hai chú cá kia. Du khách đến bờ sông Nhật Lệ thơ mộng hôm nay không mấy ai quên ghé chân đến bến đò của mẹ Suốt năm xưa, để chiêm ngưỡng và chụp tấm hình lưu niệm dưới tượng đài Mẹ Suốt anh hùng. Người dân Đồng Hới chưa quên một Phan Đình Tiến râu ria lởm chởm, giữa những ngày hè nắng rát bỏng cặm cụi cùng những nghệ nhân ở Ninh Bình tạc tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông. Tượng Mẹ Suốt cao 7m (cả bệ) được Tiến làm từ chất liệu đá xanh Thanh Hóa, dựng năm 2003. Tượng đá này đã hòa nhập được với không gian sông nước, bến thuyền của dòng Nhật Lệ. Chiều chiều, mặt sông hắt ánh vàng hoàng hôn lên tượng Mẹ Suốt làm những đường nét của Mẹ Suốt y như thật. Tiến sống sôi nổi và hết lòng vì điêu khắc. Và đến lượt mình, điêu khắc nói hết lòng cho Tiến bằng ngôn ngữ lặng im của đá.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net