logo

Nội quy lao động

Căn cứ khoản 1 điều 83 của bộ luật lao động nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ nghị định số 41/CP ngày 06/07/1995 của chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động
Nội quy lao động Quyết định của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà 12­ Cao Cường (v/v ban hành Nội quy   lao động)  Căn cứ Khoản 1 Điều 83 của Bộ Luật lao động Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 06/07/1995 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003 NĐ-CP ngày 02/04/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP nêu trên; Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Sông Đà 12 – Cao Cường (sau đây viết tắt là Công ty); Sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn Công ty; QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Ban hành “Nội qui lao động” của Công ty gồm 7 chương, 36 điều kèm theo Quyết định này. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày đăng ký hoặc sau 10 ngày kể từ ngày Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương nhận được hồ sơ đăng ký nội qui lao động của Công ty. Điều 3. Các ông (bà) Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Trưởng các phòng, ban Công ty; Giám đốc các đơn vị thành viên và mọi người lao động trong Công ty chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. T/M HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ Kiều Văn Mát NỘI QUY LAO ĐỘNG CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 12– CAO CƯỜNG ( Ban hành kèm theo Quyết định số: / NQ/HĐQT ngày tháng năm 200 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà 12 – Cao Cường) CHƯƠNG I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1: Đối tượng áp dụng: Nội quy lao động của Công ty Cổ phần Sông Đà 12- Cao Cường (sau đây viết tắt là Công ty) được áp dụng đối với mọi người lao động của Công ty làm việc theo các loại hợp đồng lao động; kể cả lao động thử việc, thực tập, học nghề, lao động khác do Công ty bố trí làm việc. Người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh Nội qui lao động ở tất cả các vị trí, địa điểm công tác do Công ty quản lý, bố trí. Điều 2: Nội dung trong Nội quy lao động: Nội quy lao động bao gồm những quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trật tự trong Công ty; an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh; các hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động; điều khoản thi hành. Các nội dung khác chưa qui định trong Nội qui lao động này thì thực hiện theo Điều lệ Công ty, các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất. Điều 3: Lao động quản lý trực tiếp: Trưởng các phòng ban nghiệp vụ Công ty, Giám đốc Nhà máy sản xuất tro bay (lãnh đạo đơn vị thành viên) được Tổng Giám đốc Công ty giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các người lao động dưới quyền. Điều 4: Điều kiện điều chỉnh, bổ sung Nội quy lao động. Khi các quy định của Nhà nước, của các Bộ, Ngành có liên quan và điều kiện sản xuất kinh doanh của Công ty thay đổi thì bản Nội quy này sẽ được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp. CHƯƠNG II THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI Điều 5: Thời giờ làm việc. 1- Mọi người lao động trong Công ty đều phải làm việc đủ 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần, lấy ngày nghỉ hàng tuần là chủ nhật hoặc bố trí ngày nghỉ khác trong tuần. Người lao động có thời gian làm việc vượt thời gian qui định trong tuần hoặc trong năm thì số giờ vượt được coi là giờ làm thêm giờ. 2- Chỉ áp dụng rút ngắn thời gian làm việc xuống 40 giờ trong một tuần, lấy ngày nghỉ hàng tuần là thứ 7 và chủ nhật khi đảm bảo các điều kiện sau: a) Không làm tăng đơn giá tiền lương, giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông. b) Hoạt động SXKD phải đảm bảo hiệu quả, có lợi nhuận và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. c) Bảo đảm tiền lương và thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT và KPCĐ theo quy định Nhà nước hiện hành. 3- Người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc độc hại, đòi hỏi cường độ lao động cao thì có thể được rút ngắn thời giờ làm việc từ 01 đến 02 giờ trong một ngày nhưng tối thiểu phải đảm bảo 06 giờ làm việc trong 01 ngày. Giờ làm việc theo mùa vụ thực hiện theo qui định của Công ty tuỳ tình hình sản xuất kinh doanh từng thời kỳ. 4- Người lao động làm việc tại các phòng nghiệp vụ và các bộ phận phục vụ khác theo chức năng nhiệm vụ được giao tại khối Văn phòng Công ty và các Đơn vị thành viên thì làm việc theo giờ hành chính. 5- Người lao động làm việc tại các bộ phận bảo vệ, thường trực bảo vệ làm việc theo chế độ làm việc 48 giờ trong một tuần (chế độ 3 ca), tuỳ theo yêu cầu công tác cụ thể mà người phụ trách đơn vị bố trí sắp xếp ca làm việc cho hợp lý. 6- Đối với lao động làm khoán theo khối lượng công việc hoặc định mức lao động, khi đã làm việc đủ 08 giờ nhưng chưa đạt mức, chưa hoàn thành khối lượng công việc được giao do yếu tố chủ quan, thì có thể tự nguyện làm thêm giờ để hoàn thành khối lượng công việc, nhưng không được vượt quá 04 giờ trong một ngày hoặc 200 giờ trong một năm. Việc làm thêm giờ phải được sự thống nhất của Lãnh đạo đơn vị và người lao động. Thời gian làm thêm giờ này không được trả lương làm thêm giờ. 7- Đối với lao động nữ có thai từ tháng thứ 07 trở lên hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người sử dụng lao động không bố trí làm thêm giờ, làm việc trên cao, làm việc ca 3 và đi công tác xa. Điều 6: Huy động làm thêm giờ. 1- Khi có yêu cầu cần thiết, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, không được quá 04 giờ/ngày, 200 giờ/năm, người lao động được trả lương làm thêm giờ theo quy định của Công ty. 2- Khi có sự cố xẩy ra như: thiên tai, hoả hoạn.... thì Tổng Giám đốc, Lãnh đạo đơn vị có thể huy động mọi người, mọi lực lượng trong đơn vị để ứng cứu, bất kể thời gian nào. Điều 7: Thời giờ nghỉ ngơi. 1- Đối với người làm việc theo ca hay 08 giờ liên tục thì được nghỉ giữa ca 30 phút, làm ca đêm được nghỉ giữa ca 45 phút được tính vào thời gian làm việc. Những bộ phận không nghỉ tập trung giữa ca được thì Lãnh đạo đơn vị có thể bố trí nghỉ xen kẽ trong thời gian làm việc. Tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sức khoẻ của người lao động. 2- Người lao động nữ trong những ngày có kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút tính vào giờ làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương. 3- Người làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. 4- Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày (24 giờ liên tục). 5- Đối với lao động làm việc theo ca liên tục, Lãnh đạo đơn vị có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày chủ nhật hoặc ngày khác trong tuần. 6- Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ sản xuất kinh doanh không thể nghỉ hàng tuần được thì Lãnh đạo đơn vị phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân mỗi tháng ít nhất 04 ngày. 7- Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương: tính bằng một tháng lương cơ bản chia cho 26 ngày (đối với chế độ làm việc 48 giờ/tuần) hoặc 22 ngày (đối với chế độ làm việc 40 giờ/tuần) nhân với số ngày được nghỉ theo qui định, những ngày sau: a) Tết dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch). b) Tết âm lịch: 04 ngày (ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch). c) Ngày chiến thắng: 01 ngày (ngày 30-4 dương lịch). d) Ngày quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01-5 dương lịch). e) Ngày quốc khánh: 01 ngày (ngày 02-9 dương lịch). g, Ngày giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10-3 âm lịch). - Đối với chế độ làm việc 48 giờ/tuần, nếu những ngày nghỉ trên trùng vào ngày chủ nhật thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo. - Đối với chế độ làm việc 40 giờ/tuần, nếu những ngày nghỉ trên trùng vào ngày thứ 7, chủ nhật thì người lao động được nghỉ bù vào những ngày tiếp theo. 8- Đối với lao động trực tiếp do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt, mà người lao động phải làm việc trong những ngày lễ tết thì được trả lương thên giờ theo qui định hiện hành, hoặc có thể được bồi dưỡng thêm bằng tiền, hoặc bố trí nghỉ bù. Điều 8: Thời gian nghỉ phép hàng năm.. 1- Người lao động có thời gian làm việc trong Công ty hàng năm đủ 12 tháng (kể cả thời gian tham gia: học tập, hội họp, đi công tác nước ngoài do Công ty cử đi....) thì được nghỉ hàng năm và hưởng nguyên lương theo qui định dưới đây: a) Nghỉ 12 ngày làm việc đối với người làm việc trong điều kiện bình thường. b) Nghỉ 14 ngày đối với người làm công việc nặng nhọc độc hại (theo danh mục nghề do Nhà nước quy định). c) Nghỉ 16 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại (theo danh mục nghề do Nhà nước quy định). d, Số ngày nghỉ hàng năm tăng theo thâm niên làm việc, cứ 5 năm làm việc được nghỉ thêm 1 ngày. 2, Nếu người lao động chưa làm việc đủ 12 tháng trong năm thì số ngày nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm. a) Trong một năm làm việc người lao động có tổng số thời gian nghỉ (cộng dồn) do: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quá 6 tháng (156 ngày làm việc), hoặc nghỉ ốm đau quá 3 tháng (72 ngày làm việc) thì thời gian nghỉ trên không được coi là làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm của năm đó. b) Lãnh đạo đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm bố trí lịch nghỉ phép cho người lao động hợp lý trong năm, không được để ảnh hưởng đến nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao. c) Số ngày nghỉ phép trong năm không được chuyển sang năm khác để nghỉ (trừ những người nghi để về quê ở vùng sâu, vùng xa). 5- Khi nghỉ hàng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Tiền tầu xe và tiền lương của người lao động trong những ngày đi đường do hai bên thoả thuận. 6- Khi nghỉ hàng năm mà về thăm nhà; thăm bố, mẹ, vợ, chồng, con ở xa; nếu đi bằng phương tiện ôtô, tầu thuỷ, tầu hoả mà số ngày đi đường (cả đi và về) trên hai ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm. Điều 9: Nghỉ việc riêng và nghỉ không lương. 1- Nghỉ việc riêng có lương: người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương những ngày sau: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày c) Bố mẹ (Cả bên chồng, bên vợ) chết; vợ, chồng, con chết: nghỉ 03 ngày Trước khi nghỉ những ngày trên, người lao động phải làm đơn hoặc báo cáo xin ý kiến quyết định của Lãnh đạo đơn vị . 2- Nghỉ việc riêng không lương: người lao động có quyền đề nghị và được giải quyết nghỉ không lương trong các trường hợp: a) Để giải quyết các công việc cần thiết của gia đình. b) Đi thăm thân nhân, du lịch nước ngoài. c) Tham gia các hoạt động xã hội với tư cách cá nhân. Tổng Giám đốc Công ty giải quyết cho người lao động được nghỉ từ trên 10 ngày 01 năm, không quá 3 lần cho 01 người 01 năm. Thủ trưởng đơn vị được giải quyết cho người lao động thuộc đơn vị mình quản lý nghỉ tối đa không quá 10 ngày trong 01 năm, không giải quyết quá 3 lần cho 01 người 01 năm. CHƯƠNG III TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY Điều 10: Quan hệ trong công tác: 1- Tổng Giám đốc Công ty là người có quyền điều hành sản xuất kinh doanh cao nhất trong Công ty, mệnh lệnh sản xuất kinh doanh của Tổng Giám đốc bắt buộc mọi người lao động trong công ty đều phải chấp hành và thực hiện. 2- Lãnh đạo các đơn vị, phòng, bộ phận được Tổng Giám đốc uỷ quyền quản lý trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ. 3- Người lao động thuộc đơn vị nào phải tuyệt đối chấp hành sự quản lý, điều hành, phân công công việc của Lãnh đạo đơn vị , bộ phận đó. 4- Người lao động có nghĩa vụ: a) Chấp hành nghiêm túc giờ làm việc (đến đơn vị đúng giờ qui định); khi có việc phải ra ngoài đơn vị phải báo cáo cho người phụ trách trực tiếp biết lý do, chỉ được ra khỏi đơn vị khi được sự đồng ý của người phụ trách. b) Khi cần thiết phải làm việc ngoài giờ phải đăng ký với Lãnh đạo đơn vị và thông báo cho Bảo vệ đơn vị biết. c) Phương tiện đi làm (xe máy, xe đạp…) phải để đúng quy định theo sự hướng dẫn của Bảo vệ đơn vị. Điều 11: Người lao động được phân công làm việc gì thì phải hoàn thành tốt công việc đó. Khi làm thêm công việc khác ngoài nhiệm vụ của mình phải được người phụ trách trực tiếp đồng ý. Điều 12: Người lao động khi đến nơi làm việc; ở trong khu vực Công ty quản lý; trong khi làm việc: 1- Không được: - Mang chất nổ, chất độc, chất rễ cháy, vũ khí, công cụ hỗ trợ vào nếu Công ty chưa cho phép; - Mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, chất gây nghiện bị Nhà nước cấm. - Trong tình trạng say rượu, bia, hoặc có độ cồn trong cơ thể quá mức qui định của Luật giao thông đường bộ. - Uống rượu hoặc bia trong giờ làm việc (trừ trường hợp được cử đi tiếp khách, đối ngoại….) - Gây mất trật tự trong đơn vị và nơi làm việc như : to tiếng cãi lộn, chửi nhau, mạt sát hoặc có những cử chỉ lời nói thô lỗ thiếu văn hoá làm ảnh hưởng đến người khác. - Tự động rời bỏ vị trí làm việc sang bộ phận khác trong giờ làm việc mà không có nhu cầu vì công việc được giao. - Nghỉ trước thời gian làm việc theo qui định. 2- Đảm bảo đoàn kết nội bộ, giữ mối quan hệ tốt với nhau trong công việc, tránh những mâu thuẫn, ích kỷ định kiến cá nhân gây ảnh hưởng trở ngại đến công việc và lợi ích chung của Công ty. 3- Người lao động phải có thái độ nghiêm túc trong giờ làm việc; giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi làm việc, đồ dùng dụng cụ tài liệu; phương tiện thiết bị phải được gọn gàng ngăn nắp. CHƯƠNG IV AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG Điều 13: An toàn lao động, vệ sinh lao động:. 1- Người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau thực hiện tốt các nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động được qui định trong Bộ Luật lao động. Đồng thời trang bị đủ dụng cụ, phương tiện trang bị bảo vệ cá nhân cho người lao động trong từng trường hợp cụ thể. Thường xuyên đầu tư cải thiện điều kiện lao động cho người lao động. 2- Người lao động có thành tích hoặc vi phạm về an toàn lao động được khen thưởng hay xử phạt theo qui định, pháp luật hiện hành của Nhà nước. 3- Thường xuyên tiến hành kiểm tra bảo hộ lao động theo qui định của Nhà nướcđể đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động của từng đơn vị thành viên và người lao động, làm căn cứ xét thưởng hoặc xử phạt. Điều 14: Tại nơi làm việc tuỳ theo tính chất công việc, công nghệ sản xuất phải có bản nội quy, quy định rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn lao động vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ buộc mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nội quy đó. Điều 15: Người lao động trước khi được bố trí vào làm việc tại công ty tuỳ theo nghề nghiệp chuyên môn nghiệp vụ cụ thể đều phải được học tập các nội quy quy trình quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ và phải thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy định đó. Hội đồng BHLĐ Công ty tham mưu với Tổng Giám đốc công ty và chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện. Điều 16: Chỉ được bố trí người lao động: quản lý, vận hành, bảo dưỡng các thiết bị máy móc và các thiết bị khác khi đã được đào tạo, huấn luyện qua kiểm tra đạt yêu cầu, đủ điều kiện thì mới được giao sử dụng, đồng thời người lao động phải nghiêm chỉnh thực hiện các nội quy đó. Những người không được giao nhiệm vụ trên thì nghiêm cấm không được vận hành. Điều 17: Khi tiến hành sản xuất, sửa chữa các máy móc thiết bị, thi công các công trình xây dựng.... phải có kế hoạch và phiếu giao việc. Trong phiếu giao việc phải ghi rõ nội dung công việc và các biện pháp để bảo đảm an toàn. Điều 18: Người lao động làm việc ở bộ phận nào phải làm vệ sinh công nghiệp ở bộ phận và khu vực đó. Giữ gìn bảo quản máy móc, thiết bị sạch sẽ. Nơi làm việc gọn gàng ngăn nắp. Sau giờ làm việc các dụng cụ, thiết bị, phương tiện làm việc, tài liệu hồ sơ giấy tờ phải được sắp xếp vào nơi quy định. Điều 19: Khi phát hiện có nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động, nguy cơ xẩy ra cháy nổ hoặc hư hỏng máy móc, thiết bị, người lao động phải báo cáo ngay cho cán bộ quản lý trực tiếp biết và phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục. Khi khắc phục chưa xong thì được không được bố trí người lao động vào làm việc tại vị trí đó. Người lao động có quyền từ chối trở lại làm việc khi nguy cơ đó chưa được khắc phục tại nơi không bảo đảm an toàn lao động. Điều 20: Hàng năm, người lao động được khám sức khoẻ định kỳ để có biện pháp điều trị và bồi dưỡng, riêng công nhân lái xe phải tổ chức khám theo quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển các phương tiện giao thông của Bộ Y tế. Không bố trí người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc sức khoẻ bị suy giảm vào các công việc nguy hiểm, độc hại (theo danh mục bệnh nghề nghiệp và công việc độc hại nguy hiểm do Bộ LĐTB-XH quy định). CHƯƠNG V BẢO VỆ TÀI SẢN VÀ BÍ MẬT CÔNG NGHỆ CỦA CÔNG TY Điều 21: Mọi người lao động làm việc trong Công ty đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản chung. Không được làm hư hỏng máy móc thiết bị mất mát vật tư, dụng cụ sản xuất, dụng cụ hành chính, sản phẩm hoặc các thiết bị văn phòng.... Điều 22: Người lao động được giao quản lý, sử dụng các máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất thì phải có trách nhiệm trực tiếp với các tài sản đó. Nếu để người khác xâm phạm làm hư hỏng thì người quản lý trực tiếp phải chịu trach nhiệm bồi thường vật chất và tuỳ theo điều kiện, mức độ cụ thể còn bị xử lý kỷ luật thích đáng. Điều 23: Người lao động phải có trách nhiệm quản lý, thực hiện, sử dụng đúng định mức (định mức tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu; định mức lao động). Phải có ý thức giảm bớt tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng, sử dụng vật tư hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo đảm chất lương theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước quy định. Điều 24: Người lao động không được cung cấp bất cứ thông tin, số liệu, tài liệu, bản vẽ thiết kế, dự toán và các thông tin kinh tế có liên quan đến việc SXKD và hoạt động của công ty cho các tổ chức, cá nhân ngoài công ty khi chưa được Công ty cho phép. Điều 25: Người lao động được giao nhiệm vụ quản lý hồ sơ, tài liệu, chứng từ phải có trách nhiệm bảo quản và bảo vệ chu đáo. Nếu để mất mát hư hỏng hoặc để lộ thông tin ra ngoài thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành của Công ty và Nhà nước. CHƯƠNG VI CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT Điều 26: Hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Người lao động có những hành vi sau đây được coi là vi phạm kỷ luật lao động và bị xử lý kỷ luật lao động: 1- Tự ý nghỉ việc (không đến nơi làm việc) mà không có lý do chính đáng. 2- Đến nơi làm việc muộn so với giờ quy định hoặc về trước giờ quy định. 3- Làm việc riêng trong giờ làm việc hoặc tự ý làm các công việc khác không được giao, không đúng chức năng nhiệm vụ quy định. 4- Không làm việc đủ số giờ làm việc quy định, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ công tác theo khối lượng và chất lượng công việc theo tiến độ được giao do yếu tố chủ quan của người lao động. 5- Không thực hiện đúng quy định về giữ gìn vệ sinh công nghiệp và bảo quản máy móc thiết bị. 6- Không hoàn thành định mức lao động (dưới 80% đối với công việc tạm thời, 90% đối với công việc chính) do yếu tố chủ quan của người lao động. 7- Sử dụng vật tư nguyên liệu hao hụt quá định mức quy định. 8- Tự ý rời nơi làm việc hoặc ngừng việc (trừ trường hợp đặc biệt bắt buộc phải ngừng việc nếu không sẽ mất an toàn lao động). 9- Không chấp hành lệnh của người chỉ huy từ tổ trưởng sản xuất, phụ trách phòng ban nghiệp vụ trở lên. 10- Có những hành vi : a)- Lấy cắp hoặc có liên quan đến lấy cắp tài sản vật tư, nguyên nhiên vật liệu làm thất thoát, thiệt hại, gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Công ty bất kỳ nhiều hay ít. b) Do vô ý thức hoặc cố ý làm mất mát tài liệu, bản vẽ thiết kế, dự toán, làm hư hỏng máy móc thiết bị, công cụ lao động, nhà xưởng, sản phẩm, làm mất phẩm chất hàng hoá. c) Nhận hối lộ, gây hại cho Công ty. d) Không thực hiện đúng các quy định về trật tư trong Công ty, gây rối trật tự nơi làm việc hoặc trong khu vực cơ quan đơn vị, viết các đơn thư khiếu tố sai sự thật sau khi đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. g) Để lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, các tài liệu chứng từ, tư liệu, số liệu các thông tin kinh tế cho các tổ chức hoặc cá nhân ngoài Công ty. h) Không xử dụng đầy đủ trang bị phòng hộ lao động khi làm việc hoặc xử dụng trang bị phòng hộ để làm việc không đúng quy định. i) Không chấp hành đẩy đủ hoặc làm sai: quy trình sản xuất kinh doanh; quy phạm kỹ thuật; công nghệ đã qui định. k) Gây ra tai nạn lao động cho bản thân mình hoặc cho người khác (kể cả do cố ý hay vô ý) 11- Vi phạm các chính sách và pháp luật Nhà nước, nội quy quy chế qui định của Công ty. Điều 27: Xử lý vi phạm kỷ luật lao động. Người lao động ở bất kỳ cương vị công tác nào nếu có hành vi bị coi là vi phạm kỷ luật lao động (chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) thì đều bị xử lý theo một trong ba hình thức kỷ luật sau : 1- Khiển trách 2- Kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức. 3- Sa thải. Điều 28: Các hình thức kỷ luật lao động. 1- Hình thức khiển trách được áp dụng trong các trường hợp: Vi phạm quy định tại các điểm 1; 3; 4; 5; 6; 7; 8 Điều 26 nêu trên sau khi đã nhắc nhở lần đầu và không gây ra hậu quả nghiêm trọng Vi phạm quy định tại điểm 9 Điều 26 nêu trên lần thứ 2. 2- Hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương, chuyển làm công việc khác, được áp dụng trong các trường hợp sau: a) Lao động gián tiếp vi phạm kỷ luật lao động đã bị khiển trách bằng văn bản mà tái phạm trong thời gian chưa hết thời hạn kỷ luật. b) Lao động trực tiếp SXKD đã bị khiển trách bằng văn bản mà tái phạm trong thời gian chưa hết thời hạn kỷ luật, hoặc vi phạm lần đầu như: + Làm hư hỏng máy móc thiết bị + Gây tai nạn lao động cho bản thân hoặc cho người khác + Làm thất thoát vật tư, tài sản, hàng hoá, sản phẩm sản xuất ra. + Làm mất mát tài sản đưới mọi hình thức nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. c) Người lao động vi phạm các mục b; c; d; i; k điểm 10 Điều 26. 3- Hình thức kỷ luật sa thải áp dụng trong các trường hợp sau: a) Người lao động vi phạm mục a, g điểm 10 Điều 26: trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hai nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của Công ty. b) Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị kỷ luật cách chức mà tái phạm. c) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Điều 29: Trách nhiệm vật chất. 1- Người lao động khi làm hư hỏng, hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của công ty nếu do lỗi của mình thì phải bồi hoàn và được xem xét mức độ thiệt hại thực tế gây ra để quyết định mức bồi hoàn. Nếu gây thiệt hại không nghiêm trọng (dưới 5 triệu đồng) thì mức bồi hoàn nhiều nhất là 03 tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương hàng tháng, mỗi tháng không quá 30% tiền lương. 2- Người lao động làm mất dụng cụ thiết bị, mất các tài sản, tiêu hao vật tư quá định mức quy định thì được xem xét để bồi hoàn một phần hay toàn bộ theo giá cả thị trường. Điều 30: Thẩm quyền và căn cứ xử lý kỷ luật lao động. 1- Người được Tổng Giám đốc công ty uỷ quyền chỉ được xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. Tổng Giám đốc công ty xem xét quyết định sử lý các hình thức kỷ luật theo Luật lao động. 2- Thủ tục xem xét xử lý kỷ luật lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003, Điều 10,11 Nghị định 41/CP ngày 06/7/1995, Thông tư 19/2003/ TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003. Điều 31: Nguyên tắc xử lý vi phạm kỷ luật lao động. 1- Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật lao động chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật, khi một người lao động có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động đồng thời thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất. 2- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm nội quy lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình. 3- Cấm mọi hành vi vi phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động. 4- Cấm dùng hình thức phạt tiền, cúp lương thay việc xử lý kỷ luật lao động không đúng Luật lao động 5- Cấm xử lý kỷ luật lao động vì lý do tham gia đình công. Điều 32: Trình tự và thủ tục xử lý kỷ luật lao động. 1- Hồ sơ xử lý kỷ luật lao động : a) Bản tường trình của người lao động được nộp cho người sử dụng lao động tối đa 05 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày người sử dụng lao động yêu cầu. b) Các tài liệu có liên quan như: biên bản sự việc xảy ra; đơn tố cáo; chứng từ hoá đơn và các tài liệu khác. c) Hồ sơ được bổ sung thêm để xét kỷ luật lao động trong các trường hợp sau : bị tạm giam, tạm giữ; văn bản của cơ quan có thẩm quyền bắt tạm giam, tạm giữ; văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền khi hết thời gian tạm giam, tạm giữ; trường hợp đương sự vắng mặt khi có thông báo bằng văn bản 3 lần; trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng; giấy tờ được coi là có lý do chính đáng. 2- Khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động phải lập thành biên bản. 3- Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động: a) Nhân sự gồm có: + Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền là người chủ trì. + Người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành lâm thời trong đơn vị. + Đương sự (trừ trường hợp đang thi hành án tù giam). + Cha, mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp nếu đương sự là người dưới 15 tuổi. + Người làm chứng (nếu có). + Người bào chữa cho đương sự (nếu có). + Những người khác do người sử dụng lao động quyết định (nếu có). b) Người chủ trì tuyên bố lý do và giới thiệu nhân sự. c) Nội dung phiên họp gồm có: + Đương sự trình bày bản tường trình diễn biến sự việc xảy ra, trường hợp không có biên bản tường trình của người lao động thì người chủ trì trình bày biên bản xảy ra hoặc phát hiện sự việc (ghi rõ lý do không có bản tường trình). + Người chủ trì trình bày hồ sơ xử lý kỷ luật; người làm chứng trình bày (nếu có). + Người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động theo quy định của Pháp luật được cụ thể hiện trong Nội quy lao động. + Người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời trong đơn vị, đương sự, người bào chữa cho đương sự (nếu có) nhận xét về nội dung mà người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động đúng hay sai theo quy định của Pháp luật, Nội quy lao động. + Kết luận của người chủ trì về hành vi vi phạm lỷ luật ứng với hình thức kỷ luật lao động. + Thông qua và ký biên bản. + Người sử dụng ký quyết định kỷ luật lao động. + Hồ sơ được lưu tại đơn vị . CHƯƠNG VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 33: Phó Tổng Giám đốc Công ty được quyền xử lý kỷ luật lao động khi Tổng Giám đốc đi vắng theo văn bản uỷ quyền, phân cấp (trừ trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải). Điều 34: Trưởng phòng Tổng hợp phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công ty có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp cùng với Công đoàn Công ty kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nội quy này. Điều 35: Lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm phổ biến toàn văn bản Nội quy lao động này để mọi người lao động thực hiện. Điều 36: Bản Nội quy lao động này đã thông qua người lao đông trong Công ty và có hiệu lực thi hành từ ngày đăng ký hoặc sau 10 ngày kể từ ngày Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương nhận được hồ sơ đăng ký nội qui lao động của Công ty.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net