logo

NHỮNG CÂU HỎI VỀ COPYWRITER


NHỮNG CÂU HỎI VỀ COPYWRITER Một chuyên gia quảng cáo đã từng ví von rằng, copywriter là những chuyên gia bán hàng sau màn hình máy tính và nhiệm vụ chính của họ là bán hàng, bán hàng và bán hàng thông qua ngôn từ mà họ viết. Copywriter – người viết lời quảng cáo – vốn được coi là chốn kín cổng cao tường đối với nhiều bạn trẻ. Và mặc dù rất quan tâm, nhưng các bạn lại rất khó hình dung được đầy đủ về nghề này. Họ được trả lương để làm sao sản phẩm/dịch vụ mà họ đề cập đến phải được người khác biết đến, để làm sao sản phẩm đó, dịch vụ đó được tiêu thụ không chỉ một người mà là hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người. Có khá nhiều giai thoại đã đề cập đến những trường hợp các nhân viên viết lời quảng cáo lang thang tìm ý tưởng, và rồi, trong một phút giây thăng hoa vì công việc, họ đã cho nảy sinh ra những ý tưởng độc đáo, có thể mang lại cho doanh nghiệp hàng triệu đô la. Vậy copywriter là ai? - Thế nào là những người viết lời quảng cáo? Không lẽ phóng viên, nhà báo lại không thực hiện được công việc viết lách này? Phải xem là loại bài viết như thế nào. Nếu như đó là loại bài viết cho các tạp chí, có lẽ phóng viên, nhà báo là người thích hợp để làm công việc đó. Nhưng nếu bài viết được đặt hàng bởi một công ty, tổ chức, ngân hàng… thì công việc viết lách lại đòi hỏi cách tiếp cận khác cũng như các kỹ năng chuyên môn khác. Lúc đó, copywriter sẽ là nhân vật chính của câu chuyện. - Có gì là khác nhau giữa phóng viên và copywriter bởi công việc của cả hai đều gắn liền với viết lách? Khác nhau rất lớn. Trước hết, đó là môi trường làm việc. Phóng viên làm việc cho các tòa soạn báo, còn copywriter làm việc cho khách hàng, vì khách hàng. Và anh ta cũng chẳng phải là một “phóng viên bán hàng”, ngược lại, phóng viên cũng chẳng thể là mẫu hình của sự liêm chính. Mỗi người có một công việc riêng với đặc thù riêng, mục đích riêng, và bởi vậy, không thể đánh đồng công việc của họ với nhau được. - Làm sao để có thể được nhận vào làm việc tại các hãng quảng cáo? Nói chung, nhiều bạn trẻ hiện nay có khả năng ngôn ngữ tốt. Họ được đào tạo khá bài bản về chuyên ngành ngữ văn, báo chí, ngoại ngữ… và sống trong một xã hội luôn chuyển động với sự thống soái của Internet. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia quảng cáo, tại các hãng quảng cáo tên tuổi, bạn rất khó mà gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, nếu như bạn không có chút kinh nghiệm lận lưng. Vấn đề đặt ra là, đối với các sinh viên mới ra trường thì kinh nghiệm làm việc là một điều không tưởng. Vậy làm thế nào để các bạn có thể chứng minh được khả năng của mình? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các “tân binh” nên sử dụng “mẹo” này khi tiếp cận nhà tuyển dụng: tập hợp danh mục một số các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, thử phác thảo ra nhiệm vụ chính (brief) cho việc viết lời quảng cáo cho các sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp này, sau đó thử lên kịch bản quảng cáo truyền hình hay đơn giản hơn là viết lời quảng cáo cho các sản phẩm/dịch vụ đó. Bạn có thể tưởng tượng ra cách quảng cáo cho sản phẩm này như thế nào, sử dụng những câu slogan ra sao. Bạn có thể sử dụng nhiều phương án khác nhau cho một mẫu sản phẩm. Nếu nhìn thấy khả năng sáng tạo của bạn, nhà tuyển dụng không có lý do gì mà lại từ chối bạn. Rất nhiều chuyên gia viết lời quảng cáo thành công đã xây dựng sự nghiệp của mình bằng cách như vậy. - Ý tưởng thường được nảy sinh như thế nào? Ý tưởng được nảy sinh thường rất tình cờ. Bạn lang thang trên phố và bất chợt nghĩ ra một điều gì đó thú vị… Một buổi sáng nào đó bạn thức dậy, vào nhà tắm và ý tưởng chợt nảy sinh ngay dưới vòi sen. Và nếu đã là một chuyên gia viết lời quảng cáo chuyên nghiệp, bạn sẽ cảm nhận được ngay: đó chính là ý tưởng mà bạn đang cất công đi tìm. Tuy nhiên, để có được ý tưởng này, bạn đã phải nghĩ rất nhiều về nhiệm vụ chính của mình: hiểu rõ yêu cầu công việc, đề tài, chất liệu cần thiết… Copywriter không thể là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực, trong khi đó họ lại phải quảng cáo nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, từ xe hơi cho đến thỏi son dành cho phụ nữ. - Cần đưa ra bao nhiêu ý tưởng cho chương trình quảng cáo để có thể thuyết phục được khách hàng? Đối với quảng cáo truyền hình, thông thường bạn phải đưa ra ít nhất là 3 kịch bản, còn slogan tối thiểu cũng phải là 5, tên sản phẩm – không ít hơn 10. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể đàm phán với khách hàng. Có những trường hợp bạn chỉ cần đưa ra một phương án và lập tức được khách hàng đồng ý chọn lựa ngay. Có những ý tưởng tuyệt diệu mà giới quảng cáo thường gọi là “brilliant ideas” mà theo đó, các nhân viên quảng cáo có thể khai thác đến cả hàng chục kịch bản. - Nghề copywriter gắn liền với việc tìm ý tưởng? Những người làm quảng cáo luôn được hiểu là những con người sáng tạo, bởi công việc của họ luôn gắn liền với các ý tưởng mới. Có thể bạn đã từng gặp những anh chàng ăn mặc ngổ ngáo, tóc dài, quần áo chẳng giống ai, lang thang trên phố hoặc la cà ở những quán cà phê Internet tốc độ cao. Có thể đó là những copywriter hay các giám đốc sáng tạo đang đi tìm ý tưởng cho chương trình quảng cáo. Để hiểu rõ thêm về mục đích công việc, đầu tiên họ phải làm quen với các thông tin về doanh nghiệp, về lĩnh vực hoạt động cũng như thị trường sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Họ cũng phải tìm hiểu kỹ hơn về tính chất của sản phẩm/dịch vụ cũng như các đặc trưng, đặc thù của doanh nghiệp. Và như vậy, ngoài khả năng chuyên môn, anh ta phải là những người có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. - Copywriter đóng vai trò như thế nào trong bộ phận sáng tạo? Anh ta là người tạo dựng ý tưởng hay chỉ đơn thuần là “thợ đẽo chữ”? Nhóm sáng tạo trong các công ty quảng cáo thường có ít nhất là 2 người: nhân viên viết lời quảng cáo và giám đốc sáng tạo – người chịu trách nhiệm chung về nội dung và ý tưởng quảng cáo. Họ là những người làm việc với khả năng sáng tạo cao, đối mặt với nhiều thách thức, áp lực. Lao động của họ là lao động trí não với cách suy nghĩ “nát óc”. Người viết lời quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong nhóm, vì nếu thiếu anh ta, ý tưởng chỉ là ý tưởng. Anh ta là người tạo ra sợi dây mỏng manh nhưng bền vững giữa sản phẩm của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Cũng giống như các thành viên khác trong nhóm, anh ta vừa phải tìm ý tưởng ngôn từ, vừa phải làm nhiệm vụ “đẽo chữ”. Nên nhớ, công việc “đẽo chữ” ở đây không hề đơn giản như khi bạn viết một bài báo, một đoạn văn. - Nghề viết lời quảng cáo gắn liền với việc thuyết phục khách hàng? Đúng, đây là nghề đòi hỏi khả năng thuyết phục của bạn, bởi bạn cần “bán” ý tưởng của mình. Giữa rất nhiều ý tưởng, bạn cần phải đưa ra được ý kiến của mình để thuyết phục khách hàng chọn lựa ý tưởng mà bạn cho là xứng đáng. Có những trường hợp, khách hàng thích tất cả các ý tưởng của hãng quảng cáo đưa ra. Và như vậy, copywriter cần phải có khả năng diễn giải “siêu đẳng’ để có thể thuyết phục được khách hàng. Và chỉ có lúc đó, bạn mới chứng minh được tính chuyên nghiệp của mình. Nếu không thuyết phục được khách hàng, tốt nhất là bạn đừng nên tiếp tục con đường sự nghiệp của mình trong lĩnh vực quảng cáo, bởi nếu không bán được ý tưởng của mình cho khách hàng, làm sao bạn có thể khiến hàng triệu người tiêu dùng tin vào quảng cáo của mình? - Đây là nghề dành cho nam giới hay phụ nữ? Nói chung, không có ngoại lệ nào cả. Nếu bạn có khả năng tung hứng với ngôn từ, yêu thích quảng cáo, bạn có thể theo đuổi nghề này. - Vì sao nhiều công ty thường thích sử dụng lực lượng này bên ngoài (outsourcing)? Hiện nay, tại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, chức danh copywriter gần như là không tồn tại. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia quảng cáo, các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng copywriter làm việc toàn thời gian cho mình. Họ vẫn đánh đồng công việc viết lời quảng cáo với công việc PR. Vì thế, trong bộ phận marketing, các nhân viên PR thông thường kiêm luôn cả nhiệm vụ viết lời quảng cáo. Còn nếu có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, thông thường, họ cậy nhờ vào dịch vụ chuyên nghiệp trọn gói, trong đó có khâu viết lời quảng cáo. - Các tiêu chí để khách hàng chọn copywriter? Một người viết lời quảng cáo với kiến thức và kỹ năng chuyên môn giỏi, có nghiệp vụ, biết cách tổ chức công việc – điều đó có thể đảm bảo tới 50% thành công cho chiến dịch quảng cáo. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng về viết lách, một copywriter cần phải trau dồi kiến thức tổng hợp bởi vì họ sẽ phải làm việc với nhiều đối tượng khách hàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, một khách hàng hoạt động trong ngành bảo hiểm sẽ cần tìm chọn một nhà quảng cáo có hiểu biết về lĩnh vực này. Tương tự như vậy, người viết quảng cáo r sẽ phải có kiến thức về viễn thông khi phục vụ khách hàng trong lĩnh vực điện thoại di động, kiến thức về dinh dưỡng khi phục vụ khách hàng trong lĩnh vực sữa/thực phẩm dinh dưỡng… Đương nhiên, anh ta không thể là một chuyên gia về các chuyên ngành hẹp này, song, về cơ bản, họ phải có kiến thức chung về lĩnh vực mà khách hàng của họ đang hoạt động. - Chất lượng dịch vụ có phụ thuộc vào giá trị hợp đồng? Công việc của một chuyên gia có đẳng cấp không bao giờ có giá rẻ mạt cả. Nếu một chuyên gia quảng cáo chấp nhận đơn đặt hàng của khách với giá rẻ bất thường, cần phải kiểm tra kỹ “đối tác”: có thể do không có nhiều khách hàng cho nên họ đành phải chấp nhận giá thấp hơn một chút để “thả câu”, và cũng có thể, trình độ chuyên môn của họ “có vấn đề”. Nói một cách khác, mua một chiếc vé máy bay ở khoang hạng nhất hay thương gia, bạn cần phải được phục vụ tốt hơn ở khoang thường. - Làm sao để mối quan hệ giữa copywriter và khách hàng trở nên hiệu quả hơn? Nên lập bản xác nhận tóm tắt nội dung công việc chính (brieft) – văn bản cần thiết để copywriter có cơ sở làm việc. Khách hàng cần phải tham gia vào việc cung cấp thông tin thông qua bản tóm tắt nội dung công việc này, trong đó cần phải xác định rõ các yêu cầu cụ thể, mục tiêu chính của mình. Với văn bản này, cả hai bên tránh được những rắc rối hoặc sai sót có thể phát sinh trong quá trình làm việc. Cũng cần phải lưu ý rằng, copywriter là những người sáng tạo đồng thời cũng rất dễ tự ái và tổn thương. Sự hợp tác, góp ý chân thành, tế nhị nhằm hướng tới mục tiêu chung – đó là tất cả những gì mà khách hàng cần làm để có thể tạo ra mối quan hệ tốt đẹp và hữu hiệu trong công việc. - Copywriter có cần đến khả năng diễn đạt xuất chúng? Đương nhiên, khả năng này hoàn toàn có lợi đối với bất cứ ai, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Khả năng giao tiếp, diễn đạt trước đám đông, bằng chính ngôn ngữ của cộng đồng công chúng – đó chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, một chuyên gia ngôn ngữ thượng thặng, có duyên ăn nói chưa hẳn đã là một nhân viên tốt, nếu như anh ta thiếu đi tư duy nghề nghiệp. Thậm chí, nó còn làm cản trở sự nghiệp của chính bản thân con người đó. Như vậy, điều quan trọng đối với một copywriter, ngoài kiến thức và khả năng về ngôn ngữ, đó là khả năng tư duy nghề nghiệp, khả năng “đọc” và cảm nhận khách hàng. Klod Hopkins, một copywriter bị bệnh nói ngọng, nói lắp vẫn thành công chói lọi. - Các nhà văn, nhà báo, chuyên gia ngôn ngữ… có thể trở thành copywriter được không? Đương nhiên là được. Tuy nhiên, họ phải có tư duy nghề nghiệp, một trong những điều quan trọng hàng đầu, có các kỹ năng làm việc chuyên ngành. Nghề này không đơn thuần là chỉ viết lách mà là BÁN sản phẩm thông qua các ý tưởng, các ngôn từ.. Và như vậy, copywriter, ở một nghĩa nào đó, chính là một chuyên viên marketing, một doanh nhân thực thụ. Nói đến sự phức tạp của nghề này, Aldois Haksli – nhà văn người Anh đã từng nhận xét: “Có lẽ, viết 10 bản thơ xô nê còn dễ hơn là viết một bản quảng cáo hữu hiệu”. Copywriter làm việc với nhiều đối tượng khách hàng. Hôm nay, có thể là một hãng sản xuất xe hơi, ngày mai, hãng sản xuất quần áo, ngày kia, hãng sản xuất bia rượu hay nước giải khát. Và như vậy, anh ta phải nghiên cứu, học hỏi rất nhiều để có thể đưa ra được những giải pháp tốt nhất trong công việc bởi đã phàm là con người, chẳng ai có thể hiểu biết hết tất cả mọi lĩnh vực xung quanh. Thu thập tài liệu, nghiên cứu, nắm bắt vấn đề, phân tích dữ liệu… nghĩa là cả núi công việc luôn chờ họ.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net