logo

MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CÔNG TÁC THANH TRA NHÀ NƯỚC

Trải qua một thời gian dài trăn trở tìm tòi với không ít thất bại, đôi khi rất nghiệt ngã, chúng ta đã xác định được con đường phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CÔNG TÁC THANH TRA NHÀ NƯỚC PTS. HOÀNG NGỌC KIM Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Trải qua một thời gian dài trăn trở tìm tòi với không ít thất bại, đôi khi rất nghiệt ngã, chúng ta đã xác định được con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự khởi sắc của nền kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng, trì trệ, những bước tiến ban đầu đáng khích lệ đang là chứng cứ cho tính đúng đắn của đường lối mà Đảng ta đã lựa chọn. Đó là xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Quá trình đổi mới này mang tính cách mạng sâu sắc, con đường đi lên không dễ dàng mà đầy chông gai. Ở đây, vai trò của Nhà nước: chỉ đạo, điều tiết, kiểm tra có ý nghĩa quyết định để đạt mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của Nhà nước phải phù hợp với những đặc trưng, những điều kiện cụ thể của đất nước ta và tuân theo những quy luật phát triển khách quan của nền kinh tế thị trường. I. NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CHỦ YẾU CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM. 1- Mấy vấn đề về kinh tế thị trường Trong quá trình phát triển của mình, xã hội loài người đã đi từ một nền kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp. Khi sản xuất đã có sự phát triển nhất định, đã có phần sản phẩm dư thừa của mỗi gia đình, bộ tộc để trao đổi, mua bán, loài người bước vào nền kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên, chỉ khi đến thời kỳ chủ nghĩa tư bản, các hàng rào cát cứ phong kiến bị phá bỏ, sản xuất phát triển cung cấp một khối lượng hàng hoá ngày càng lớn thì nền kinh tế thị trường mới thực sự hình thành và phát triển. Rõ ràng, kinh tế thị trường - kinh tế hàng hoá là sản phẩm của cả xã hội, nó là bước đi tất yếu khách quan của loài người gắn với sự phát triển của sản xuất. Nó không phải là giai đoạn lịch sử trước chủ nghĩa xã hội, càng không phải chỉ của chủ nghĩa tư bản như một số người quan niệm. Trong xã hội có giai cấp, có nhiều giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau, với những lợi ích khác nhau thì nền kinh tế hàng hoá không thể thuần nhất. Gắn với mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp xã hội là một thành phần kinh tế có những đặc thù, có quá trình phát triển riêng. Bởi vậy, nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần cũng là một tất yếu khách quan của lịch sử. Điều đó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của giai cấp hay tầng lớp nào. Tuy nhiên, phạm trù kinh tế thị trường, kinh tế hàng hoá nhiều thành phần không phải là phạm trù vĩnh viễn mà nó mang tính lịch sử. Trước hết, ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi phương thức sản xuất khác nhau, kinh tế thị trường có những đặc điểm riêng của nó. Những đặc điểm này bị điều kiện lịch sử cụ thể của giai đoạn đó, của phương thức sản xuất đó quy định. Bởi vậy, nói đến kinh tế thị trường bao giờ cũng phải gắn nó với một thể chế, một chế độ chính trị - xã hội nhất định, không có một nền kinh tế thị trường chung cho mọi xã hội, mọi trình độ phát triển của loài người. Ở mỗi chế độ chính trị, giai cấp thống trị và đảng cầm quyền (của giai cấp đó) luôn sử dụng kinh tế thị trường như là một phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu và phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị. Ta có thể nhận biết điều đó qua những bằng chứng lịch sử. Trong xã hội phong kiến, thị trường trao đổi, mua bán hàng hoá còn giản đơn bởi sản xuất chưa cao. Thị trường đó bị bó hẹp trong phạm vi cát cứ của các lãnh chúa phong kiến. Thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, khi chủ nghĩa tư bản còn là tự do cạnh tranh thì thị trường cũng mang đầy đủ tính chất tự do cạnh tranh đó. Các nhà lý luận thời đó, tiêu biểu là A.Smith đòi hỏi một “thị trường tự do”, kêu gọi Nhà nước đừng có nhúng tay vào, “không cần có kế hoạch, không cần có quy tắc, thị trường sẽ giải đáp tất cả”. Đó là thời kỳ gắn liền với nền chính trị cộng hoà, với Nhà nước dân chủ tư sản đang còn phải đương đầu với thế lực quân chủ chuyên chế. Kinh tế thị trường chịu sự tác động, điều hành của Nhà nước thể hiện rõ trong nền thống trị phát xít. Ở đó, hoạt động của nền kinh tế phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh của Nhà nước trong một cơ chế hết sức nghiêm nghặt. Trong lịch sử, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, có rất nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau, tuỳ thuộc vào chế độ chính trị của từng nước, tuỳ thuộc vào giai cấp nào nắm quyền ở trong đó. Song, nét nổi bật ở tất cả các mô hình đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị, giữa kinh tế với dân tộc, kinh tế thị trường bao giờ cũng là nền kinh tế thị trường hỗn hợp, nhiều thành phần và nó vận động, phát triển không thể thiếu sự can thiệp của Nhà nước. Những điều khái quát trên đây cho thấy việc Đảng ta định ra đường lối xây dựng một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là đúng với quy luật khách quan, phù hợp với tất yếu lịch sử. Nền kinh tế đó phải đi lên từ điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, gắn với khoa học, kỹ thuật hiện đại và truyền thống dân tộc. Sự lựa chọn đó không phải do ý muốn chủ quan của ai đó cho dù có thiện chí, mong muốn điều tốt lành. Điều đó càng không phải là một sự chuyển hướng đi theo chủ nghĩa tư bản, xuất phát từ quan điểm cho rằng kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường chỉ là của chủ nghĩa tư bản. 2- Một số đặc trưng của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Khi nghiên cứu về nền kinh tế thị trường và vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay có thể nêu nhiều đặc trưng khác nhau tuỳ thuộc góc độ nghiên cứu. Ở đây, chúng tôi xin nêu một số đặc trưng cơ bản mà xét về nội dung, nó quan hệ nhiều đến công tác thanh tra của Nhà nước. - Đặc trưng thứ nhất: Nghiên cứu nền kinh tế thị trường của nhiều nước, đặc biệt là các nước đã và đang phát triển, chúng ta thấy ở đó đã có một lịch sử phát triển khá lâu. Nền kinh tế đó phát triển cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá với các thành phần kinh tế đã có sự trưởng thành nhất định qua một quá trình lâu dài (tới vài trăm năm ở các nước tư bản phát triển, chí ít cũng 4-5 thập kỷ ở các nước đang phát triển). Chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ, bước khởi đầu để xây dựng nền kinh tế thị trường từ một điểm xuất phát thấp, nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển, sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên, tự cung, tự cấp thể hiện rất rõ ở những mặt sau: Một là, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, nguyên vật liệu, năng lượng, máy móc… không đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế nói chung và từng thành phần kinh tế nói riêng. Hai là, những năm qua, do sự đổi mới trong đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước ta, một số ngành, địa phương đã có được những yếu tố hiện đại, song đó mới là sự khởi đầu. Nhìn chung, sản xuất của chúng ta còn thủ công (100%), do đó năng suất thấp, khối lượng ít, chất lượng sản phẩm và tỷ suất hàng hoá thấp, không đáp ứng được nhu cầu trong nước và càng không thể xuất khẩu hàng hoá do không đủ sức cạnh tranh với hàng hoá của nước ngoài. Đây là đặc điểm rất quan trọng bởi nếu sản xuất chưa phát triển, tỷ suất hàng hoá còn thấp thì việc hình thành một nền kinh tế thị trường một cách tự giác sẽ chưa có cơ sở vững chắc, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các thành phần kinh tế. - Đặc trưng thứ hai: Nền kinh tế thị trường của chúng ta được xây dựng trong sự thoát thai khỏi nền kinh tế tập trung, bao cấp đã nhiều năm tồn tại. Cơ chế bao cấp rất xa lạ, nếu không nói là đối lập với cơ chế thị trường. Chúng tôi đã cố gắng tạo dựng một nền kinh tế chỉ có hai thành phần quốc doanh và tập thể dựa trên sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, chính việc đó đã làm thui chột các thành phần khác, không động viên được tiềm lực của toàn dân. Cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp đã tạo ra những thói quen xấu trong quản lý, sản xuất và tiêu dùng mà hậu quả của nó là sự trì trệ, khủng hoảng của nền kinh tế quốc dân. Ngày nay, khi chuyển sang cơ chế thị trường, những quan điểm lỗi thời, những định kiến hẹp hòi bảo thủ đang là những cản trở trên con đường đổi mới. Mặt khác, do nền kinh tế thị trường mới hình thành trong vài ba năm, chưa hiểu biết kỹ cơ chế mới, chưa có những chủ trương, chính sách phù hợp để kích thích sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Từ đặc điểm lý luận cũng như trong thực tiễn, chúng ta cần phải chống cả những định kiến hẹp hòi, bảo thủ không chiu đổi mới và cả những sự ấu trĩ, nóng vội trong xây dựng và phát triển các thành phần kinh tế. - Đặc điểm thứ ba: Do sự chuyển hướng xây dựng nền kinh tế thị trường của chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nên các thành phần kinh tế còn non yếu cả về tiềm lực và khả năng hoạt động. Thành phần kinh tế quốc doanh đã nhiều năm tồn tại và tăng trưởng trong chế độ bao cấp nên chưa chuyển sang cơ chế mới, độ nhạy cảm với thị trường còn thấp. Phương thức quản lý không kích thích được người lao động, năng suất và chất lượng thấp. Không ít xí nghiệp quốc doanh trì trệ bế tắc, không trụ đứng được trong cơ chế mới và thực tế là những mảnh đất cho những hiện tượng tiêu cực nảy sinh và phát triển. Thành phần kinh tế tập thể giảm đi nhanh chóng cả trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Về số lượng, năm 1988 có 32.034 hợp tác xã thủ công nghiệp, đến năm 1991 chỉ còn 9.660. Về mức sản xuất, tính đến năm 1989 giảm 36,1% và năm 1991 giảm 47% thị trường cả nước. Trong nông nghiệp, khoảng 35% số hợp tác xã đã chuyển đổi và làm ăn có triển vọng. Số còn lại đang trong quá trình chuyển đổi gặp nhiều khó khăn hoặc sự tồn tại chỉ là hình thức. Kinh tế tư nhân có sự mở rộng nhanh chóng song mới chỉ là bước đầu. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân thường chỉ đầu tư vào những ngành không cần đến vốn lớn, thu lợi nhanh như các ngành dịch vụ (ăn uống, khách sạn, thương nghiệp). Họ không chú ý đến đầu tư hoặc thậm chí còn e ngại không dám đầu tư vào những ngành có tính chất cơ bản, lâu dài. Trong sản xuất hàng hoá và kinh doanh, do mới bắt đầu chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường (thành phần quốc doanh và tập thể) hoặc mới chỉ được phục hồi sau nhiều năm bị xoá bỏ (kinh tế tư nhân) mà các thành phần kinh tế tỏ ra không vững vàng. Trong hoạt động, tính tự phát còn nặng nề, chưa biết và chưa quen với sự cạnh tranh trong cơ chế mới dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong mọi lĩnh vực, gây hậu quả xấu như đầu cơ, tranh mua tranh bán, nâng giá, trốn lậu thuế, làm hàng giả, tham nhũng, lợi dụng chức quyền… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. - Đặc trưng thứ tư: Hoạt động của các thành phần kinh tế nói chung và của cả nền kinh tế thị trường phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thiện của thị trường mà chúng ta chưa có được trong giai đoạn bước đầu này. Đó là sự hình thành đồng bộ bao gồm cả thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu sinh hoạt, thị trường sức lao động, thị trường vốn, tiền tệ… thị trường này phải thông suốt và mở cửa hoà nhập vào thị trường thế giới. Chúng ta cũng chưa có được một hệ thống đầy đủ các chính sách, công cụ để các yếu tố của thị trường, như giá cả, tỷ giá hối đoái, lãi suất tín dụng… thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường không bị áp đặt bằng các mệnh lệnh hành chính, bằng ý muốn chủ quan để các thành phần kinh tế thực sự chủ động và bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên đây là một số đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Những đặc trưng này cho thấy sự chập chững, non yếu ở bước ban đầu hình thành thị trường cùng những hệ quả tiêu cực có thể diễn ra nếu chúng ta không có những chính sách và biện pháp phù hợp. Ở đây, vai trò quản lý của Nhà nước hết sức quan trọng và cũng là điều mới mẻ, khó khăn đối với chúng ta trong tiến trình đổi mới. 1- Về sự quản lý của Nhà nước Từ sự hình thành của nền kinh tế thị trường trong lịch sử và thực tiễn hiện nay trên thế giới cho thấy không thể thiếu được vai trò quản lý của Nhà nước. Thị trường và Nhà nước là hai yếu tố không thể tách rời. Ngay cả ở những nước đã phát triển cao cũng có nhiều vấn đề không thể giải quyết được nếu không có bàn tay Nhà nước. Các học giả tư sản cũng phải thừa nhận “Nhà nước phải can thiệp vào kinh tế để ngăn chặn khủng hoảng, thất nghiệp, tạo việc làm đầy đủ, nhưng đồng thời phải giữ trong khuôn khổ khôn ngoan của cạnh tranh”(1). Thực tiễn cho thấy, phần lớn các nền kinh tế hiện đại đều là mô hình hỗn hợp, đều có sự can thiệp của Nhà nước vào hệ thống được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Đảng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó vai trò quản lý của Nhà nước được khẳng định là cực kỳ quan trọng. Điều đó xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nhằm đảm bảo mục tiêu và lợi ích của toàn xã hội, vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào. Theo chúng tôi có mấy vấn đề sau: Một là, phải hiểu Nhà nước quản lý chủ yếu là định hướng và điều hoà lợi ích của các thành phần cho phù hợp với lợi ích toàn xã hội. Với tư cách là một thể chế chính trị, Nhà nước không thể hoạt động như một bộ máy sản xuất. Hai là, quản lý nhà nước không phải là quản lý kinh doanh, Nhà nước điều hoà các quan hệ tổng thể để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chủ, hoạt động theo pháp luật và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Ba là, đối tượng quản lý của Nhà nước hiện nay là thị trường và là thì trường chưa hoàn chỉnh (như đã nêu ở phần trên) đang thể hiện những yếu tố tích cực và vô số những mặt tiêu cực có hại cho lợi ích toàn xã hội. Do vậy, phải có một hệ thống các công cụ và biện pháp kinh tế và trong nhiều trường hợp, sử dụng các công cụ và biện pháp này lại có hiệu quả hơn. Đồng thời, cũng phải đề cao và coi trọng vai trò tổ chức, hướng dẫn của Nhà nước. Đó là một số điểm cơ bản của sự quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường. Sự quản lý đó đối với chúng ta phải nhằm đạt được các mục tiêu: (1) Xammuenxơn: Kinh tế học, tập 1, tr.63 - Bảo đảm sự phát triển và hoạt động đồng bộ, hài hoà của các thành phần kinh tế. Bảo đảm quyền tự do sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật và có sự bảo hộ của Nhà nước, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. - Bảo đảm mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hạn chế tính tự phát, tiêu cực của các thành phần kinh tế. - Bảo đảm sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Với những quan điểm như vậy về sự quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, chúng ta thấy công tác thanh tra nhà nước càng phải được củng cố và hoạt động có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thanh tra và hệ thống Thanh tra nhà nước phải được đổi mới bởi đối tượng, mục tiêu và môi trường đã thay đổi. Hoạt động thanh tra nhà nước không còn là trong cơ chế bao cấp với sự độc tôn của kinh tế quốc doanh và tập thể, mà là trong cơ chế thị trường với nhiều thành phần khác nhau. Hoạt động thanh tra phải nhằm đảm bảo sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, phát hiện những nhân tố tích cực cũng như các yếu tố tiêu cực, đồng thời phát hiện cả những điều không hợp lý, không phù hợp với quy luật khách quan ngay trong chính sách của Nhà nước để có những biện pháp hữu hiệu kích thích các nhân tố tích cực phát triển, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực (kể cả sự trừng phạt theo pháp luật). Tất cả các hoạt động đó phải nhằm góp phần vào bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net