logo

Luật tục Gia Lai

Gia Lai là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 - 800 mét so với mực nước biển. Chiếm tuyệt đai đa số cư dân bản địa ở Gia Lai là hai dân tộc Jrai và Bahnar. Theo những tài liệu dân tộc học và khảo cổ học thì có thể giả định địa danh cư trú gốc của người Jrai là cao nguyên Pleiku và hai lưu vực sông Ayun và sông Ba. Rồi từ địa bàn đó, dần dần người Jrai tiến xa lên về phía tây và......
Tiểu luận Đề tài: Luật tục Gia Lai Mục lục: A. Một vài nét đặc trưng của con người và vùng đất Gia lai: Đặc điểm địa lí Đặc điểm kinh tế Tổ chức cộng đồng Hôn nhân gia đình Văn hóa Nhà cửa Trang phục B. Một vài lễ hội đặc trưng của Gia Lai Luật tục ứng xử với người chết Lễ Pơ thi Tượng nhà mồ Luật tục cúng thần linh hội đâm trâu Lễ hội cơm mới Lễ cầu mưa Lễ cúng bến nước Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ Tục lệ hôn nhân C: Kết luận A:Một vái nét đặc trưng của con người và vùng đất Gia Lai: Đặc điểm địa lý: Gia Lai là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 - 800 mét so với mực nước biển. Chiếm tuyệt đai đa số cư dân bản địa ở Gia Lai là hai dân tộc Jrai và Bahnar. Theo những tài liệu dân tộc học và khảo cổ học thì có thể giả định địa danh cư trú gốc của người Jrai là cao nguyên Pleiku và hai lưu vực sông Ayun và sông Ba. Rồi từ địa bàn đó, dần dần người Jrai tiến xa lên về phía tây và về phía bắc. Còn người Bahnar thì cư trú chủ yếu ở đông bắc tỉnh Gia Lai (huyện An Khê, huyện Kbang, huyện Kông Chro và huyện Mang Yang) và ở đông nam tỉnh Kon Tum (quanh thị xã Kon Tum, huyện Kon Plông). Hai dân tộc Jrai và Bahnar không chỉ là hai dân tộc lớn nhất, có ý thức rõ về địa vực lưu trú, mà còn có những tác động nhất định đối với các dân tộc khác trong khu vực. Đặc điểm kinh tế: Người Jrai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt nương rẫy, lúa tẻ là cây lương thực chính. Công cụ canh tác của người Jrai giản đơn, chủ yếu là con dao chặt cây, phát rừng, cái cuốc xới đất và cây gậy chọc lỗ khi tra hạt giống. Chăn nuôi trâu, bò, lợn, chó, gà phát triển. Xưa kia, người Jrai có đàn ngựa khá đông. Người Jrai còn nuôi cả voi. Đàn ông thạo đan lát các loại gùi, giỏ, đàn bà giỏi dệt khố váy, mền đắp, vải may áo cho gia đình. Săn bắn, hái lượm, đánh cá là những hoạt động kinh tế phụ khác có ý nghĩa đáng kể đối với đời sống của họ xưa và nay. Tổ chức cộng đồng: Người Jrai sống thành từng làng (plơi hay buôn). Trong làng ông trưởng làng cùng các bô lão có uy tín lớn và giữ vai trò điều hành mọi sinh hoạt tập thể, ai nấy đều nghe và làm theo. Mỗi làng có nhà rông cao vút. Hôn nhân gia đình: Dân tộc Jrai theo truyền thống mẫu hệ, phụ nữ tự do lựa chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái đều theo họ mẹ. Ngoài xã hội, đàn ông đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn. Ngày xưa, có tục những người cùng dòng họ (theo phía mẹ), khi chết chôn chung một hố, nay tục này đã giảm. Văn hóa: Nói đến dân tộc Jrai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như "Đăm Di đi săn", "Xinh Nhã"... Dân tộc Jrai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng, cạnh đó là đàn T'rưng, đàn Tưng - nưng, đàm Krông - pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Người Jrai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu, không còn đủ sức nữa, mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình. Nhà cửa: Có nơi ở nhà dài, có nơi làm nhà nhỏ, nhưng đều chung tập quán ở nhà sàn, đều theo truyền thống mở cửa chính nhìn về hướng bắc. Trang phục: Có nét riêng trong phong cách tạo hình và trang trí. Mặc dù hoa văn trang trí cụ thể các nhóm khác nhau nhưng có thông số chung của tộc người. Trang phục nam: Thường nhật, nam đội khăn, theo lối quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai, hoặc quấn gọn ghẽ như khăn xếp của người Kinh, khăn màu chàm. Nhìn chung nam giới Jrai đóng khố, khố này thường ngắn hơn khố ngày hội, là loại vải trắng có kẻ sọc. Ngày lễ họ mang khố màu chàm (dài 410 cm x 29 cm), khố loại này được trang trí hoa văn màu trắng, đỏ thành các đường viền ở mép khố, đặc biệt hai đầu với các tua trên nền chàm. Có nhóm ở trần, có nhóm mang áo (loại cộc tay và loại dài tay màu chàm, khoét cổ chui đầu). Loại áo cộc tay thường có đường viền chỉ màu trắng bên sườn. Loại áo dài tay giống phong cách áo dài nam Ê-đê hay Mnông. Trang phục nữ: Phụ nữ để tóc dài búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Áo là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là kiểu chui đầu cổ "hình thuyền", riêng nhóm Jrai Mthur lại có kiểu cổ thấp hình chữ V và các loại cổ phổ biến. Trên nền chàm áo được trang trí các sọc hoa văn theo bố cục ngang thân áo ở cổ, vai, ống tay, giữa ngực, gấu áo và hai cổ tay áo, đó là các sọc màu đỏ xen trắng và vàng trên nền chàm hoặc màu xanh nhạt diệp và màu chàm. Váy là loại váy hở quấn vào thân (kích thước trên dưới 140 cm x 100 cm). Phong cách trang trí trên váy cũng thiên về lối bố cục ngang với các đường sọc màu (như áo là chính). Có nhóm ở Pleiku với nguyên tắc trên nhưng được mở rộng thành các mảng hoa văn ở giữa thân váy, nửa thân dưới áo và hai ống tay. Trang sức có vòng cổ, vòng tay. B:Một số lê hội đặc trưng của Gia Lai: 1.Luật tục ứng xử với người chết: * Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả) Hàng năm khi mùa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch năm sau), khi muà màng thu hoạch xong, cả hai tộc người Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ bỏ mả và họ cùng gọi là Pơ thi. Lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất, đông vui và dài ngày nhất. Theo quan niệm của cư dân bản địa, người sống đều có hồn, khi người chết hồn biến thành ma. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến nhà mồ, quét dọn nhà mồ. Mục đích của lễ hội chính là tiễn đưa các tinh linh (ma mới) về với thế giới tổ tiên, về với "ma cũ". Chỉ sau khi làm Lễ bỏ mả người chết mới đi về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống với người chết. Ngày xưa người Jrai tổ chức lễ hội bỏ mả trong 7 ngày, nay chỉ còn 4 ngày: Ngày thứ nhất gọi là ngày vào hội Ngày thứ hai là ngày vỡ hội Ngày thứ ba là ngày rửa nồi Ngày thứ tư là ngày giải phóng cho người goá bụa. Công việc chuẩn bị khá công phu: đốn cây to làm hàng rào quanh mồ, đẵn gỗ để đẽo tượng dựng quanh nhà mồ. Cuối cùng làm nhà mồ. Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, đó là một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia, đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiêng và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ. Có thể nói, lễ hội bỏ mả là biểu tượng nổi trội nhất, hấp dẫn nhất trong các lễ hội nói riêng và những sắc thái văn hoá của người Jrai nói chung. Bởi lẽ, Lễ hội bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, mang tính chất tổng hợp trong tất cả các loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Jrai. Bữa ăn bên nhà mồ là bức tranh đầy đủ về "văn hoá ẩm thực" của tộc người Jrai. Đây là bữa ăn mang tính cộng đồng lớn nhất về quy mô những người tham dự, về sự phong phú của các món ăn và cả về nghi thức tín ngưỡng đời thường. Nghệ thuật nhà mồ cũng là hình thức tổng hợp bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, trang trí, nghệ thuật đan. Nghệ thuật nhà mồ đề cao tính nhân văn của con người, lấy con người làm trung tâm vũ trụ. Những ngày Lễ bỏ mả thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng, bằng những con rối... Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui của dân làng. Đến đây lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc. Xét dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng thì Lễ bỏ mả là một nghi thức tang ma. Thế nhưng nhìn ở khía cạnh văn hóa thì Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên mà điển hình nhất của người Jrai và người Bahnar ở tỉnh Gia Lai là đỉnh điểm của những hoạt động văn hóa truyền thống. Đương nhiên thông qua lễ hội, chủ lễ nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tự nhiên. Có thể nói, Lễ bỏ mả là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc tỉnh Gia Lai. Đến với Lễ bỏ mả, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng nhà mồ - những giá trị có một không hai của đất nước Việt Nam. * Tượng nhà mồ Lên Tây Nguyên đến các làng của người Bahnar, Jrai đến những khu nghĩa địa chúng ta như lạc vào cả rừng tượng gỗ, có những ngôi mộ mới thì tượng vẫn còn nguyên vẹn nhưng có những ngôi mộ cũ thì tượng nhà mồ đã bị bỏ ngổn ngang và biến thành rừng. Đó là hình ảnh nhà mồ của người dân bản địa Gia Lai. Nhà mồ được dựng lên cho người chết, để hàng ngày người thân của người chết đem cơm nước đến và quét dọn như khi còn sống. Tượng nhà mồ chỉ xuất hiện khi họ tổ chức lễ bỏ mả cho người chết, tại lễ bỏ mả người ta khắc tượng và trang trí xung quanh nhà mồ. Tượng nhà mồ phản ánh cuộc sống hiện thực của người dân bản địa. Theo lời kể của tộc người Bahnar thì tượng nhà mồ là để đưa tiễn người sang thế giới xa xăm. Bởi vậy, khi sống cuộc đời ra sao thì khi chết đi, con người chỉ đi xa nhưng cũng là một cuộc sống không khác gì thế giới bên này. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí và đương nhiên, những súc vật cũng cần mang theo. Đến lễ hội Bỏ mả (lễ hội Pơ thi), chúng ta ngập trong rừng tượng. Tượng nhà mồ hiện lên sống động quanh những nhà mồ, thể hiện một nền nghệ thuật cổ, rực rỡ. Tượng nhà mồ có thể xếp làm 3 lớp. Đó là thế giới sinh thành con người, có bào thai trong bụng mẹ, có giao hoan, giao phối âm dương, có bụng mang dạ chửa. Con người thuở nguyên sơ, phô bầy trong dáng khỏa thân, minh chứng sức mạnh truyền đời của loài người với nét đẽo khô ráp nhưng được cường điệu những bộ phận người cần được phô trương, bởi thế đường nét mạnh mẽ, gây ấn tượng rất mạnh, rất khác thường. Nhóm tượng thứ hai là những con vật gần gũi với người như voi, chó, trâu, bò... và nhóm thứ ba là những sinh hoạt cộng đồng như thể thao, săn bắn. Nhưng khi đến nhà mồ, lớp tượng cổ sơ nhất vẫn là tiêu biểu cho nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên. Nghệ nhân đẽo tượng bằng chiếc rìu cứng cáp. Chỉ trên một khúc gỗ, không phác thảo và ngày này sang ngày khác, những cây gỗ to sù sì cứ hiện dần lên những dáng dấp, hình người, những tư thế cùng những chi tiết đa dạng của người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ... dường như tất cả đã nằm trong đầu nghệ nhân. Họ lặng lẽ từng nhát chắc chắn bổ xuống để nên hình, nên tượng, nên hồn. Những bức tượng thực đó mà cũng hư hư huyền huyền đó như chính cõi "tối tăm" âm thế. Bởi thế mà trong ngôn ngữ người Bahnar các tượng mồ được gọi là "Mêu" với người Jrai gọi là "Rup", nghĩa là hình tượng, chứ không gọi là hình ảnh, cũng không gọi rõ là tượng, nó cụ thể quá. 2: Luật tục cúng thần linh: * Lễ hội đâm trâu: Đồng bào Jrai, Bahnar thường tổ chức lễ hội đâm trâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Người Bahnar tổ chức trong 3 ngày, còn người Jrai tổ chức trong một ngày rưỡi. Lễ hội đâm trâu được tổ chức vào dịp mừng chiến thắng , mừng thắng lợi của cộng đồng, khánh thành nhà rông, lễ cầu an, lễ xoá điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng hoặc tạ ơn thần linh. Hàng năm dân làng tổ chức một lần lễ hội đâm trâu tại nhà rông, mọi phí tổn trong ngày hội do dân làng đóng góp lại. Người chủ trì ngày hội là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng. Những thanh niên có nhiệm vụ đánh trống, chiêng, cồng trong ngày hội, đầu chít khăn đỏ, mặc áo (loại áo ngày lễ dành cho con trai), đóng khố. Nữ thanh niên mặc áo phia, váy koteh (loại áo, mặc ngày hội của con gái). Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự. Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, tiếng cồng chiêng càng nổi lên rộn rã, những thanh niên khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, gươm sáng loáng lao ra, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa dịp đâm trâu. Sau cuộc nhảy múa, họ bắt đầu đâm trâu. Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang chiêng, nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hòa với rượu, bộ phận đao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu, làm thịt trâu xong, họ chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung tại nhà rông. * Lễ hội cơm mới Các dân tộc sống ở vùng Tây nguyên sau mùa thu hoạch sẽ tổ chức lễ ăn cơm mới, đây cũng là lễ hội đặc trưng của người Bahnar và Jrai được tổ chức để tạ ơn thần lúa, mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa. Dân làng cúng thần lúa bằng heo, gà... lễ ăn cơm mới được tổ chức ở nhà rông hoặc nhà riêng. Việc tổ chức lễ ăn cơm mới tuỳ thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình. Đây là cơ hội để chủ nhà mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn làng lân cận đến chung vui, ăn uống, nhà nào đông khách được coi là một vinh dự lớn. Trong ngày vui này người ta đánh cồng chiêng, trống vui chơi ca hát cho đến khi tiệc tàn. * Lễ cầu mưa Đồng bào Tây Nguyên thường làm lễ cầu mưa khi sắp bước vào mùa trồng tỉa. Nhưng cũng có lúc đồng bào cầu mưa khi cây trồng đang trong thời kỳ sinh trưởng mà Yang (ông trời) quên đem mưa tưới xuống rẫy nương, hay vì tức giận mà không cho mưa đến một vùng nào đó. Tuỳ theo từng tộc người, lễ cầu mưa của các dân tộc có thể được tổ chức ở từng gia đình, tổ chức theo cộng đồng. Một bộ phận cư dân có hẳn người đại diện Yang tại mặt đất chuyên lo việc cầu mưa. Thông thường lễ cầu mưa được tổ chức tại bến nước. Đồng bào đắp một đám đất bằng chiếc mâm, tượng trưng cho đám rẫy, trong đó đặt các lễ vật gồm: một ghè rượu, một chiếc gùi có treo thịt quanh vành gùi, 2 khúc lồ ô cắt ngắn đựng rượu đặt bên ngoài chân đế gùi. Ngoài ra, còn có 2 chiếc lá đựng thịt cũng đặt trên mâm đất và 3 ống nứa dựa 3 phía thân gùi tượng trưng cho những công cụ chứa nước mưa. Lễ cầu mưa do Pơtao Apui đảm nhận. Lễ cầu mưa là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian, phản ánh nguyện vọng của một bộ phận cư dân nông nghiệp. Ở Tây Nguyên nó tồn tại song hành cùng hình thái kinh tế trồng lúa rẫy và hiện chỉ còn thấy ở vùng xa, bởi sự hiện diện ngày càng nhiều các công trình thuỷ lợi có sức tưới hàng chục nghìn ha làm cho mưa không còn là nhu cầu bức thiết của dân cư, vì thế lễ cầu mưa ngày một thưa vắng dần, chỉ còn là mối quan tâm của những người yêu mến nền văn hoá cổ truyền Tây Nguyên. * Lễ cúng bến nước: Đây là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê ở Tây Nguyên. Nếu Lễ cầu mưa diễn ra hàng năm vào đầu mùa trồng tỉa (khoảng tháng 4 dương lịch), thì Lễ cúng bến nước được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Theo đúng phong tục, buổi lễ cúng bến nước thường diễn ra như một ngày hội của buôn làng. Sau một hồi chiêng ngân dài sâu thẳm và trang nghiêm, lễ cúng bến nước được bắt đầu bằng lễ cúng ông bà tổ tiên để thông báo cho ông bà về sự có mặt đông đủ của con cháu trong làng, tiếp đó thầy cúng mới làm lễ cúng Yang cầu mưa. Kết thúc buổi lễ những cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi, cùng mọi người theo bước chân thầy cúng về bến nước đầu làng. Những bầu nước mát ngọt được những người con của buôn làng gùi về trong niềm vui hân hoan. Mọi người lại quây quần bên nhau uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên. 3. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ: Một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên dải đất Việt Nam là lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn sâu sắc ông bà, cha mẹ. Ăn ở hiếu thảo đối với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan trọng trong đạo làm người. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai cũng nằm trong quan niệm “Cây có cội, nước có nguồn”, nhưng cách thể hiện có những nét độc đáo riêng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Người Raglai coi lễ này không phải là chuyện nội bộ của một gia đình, mà là việc chung của cả cộng đồng và do đó được xếp vào trong hệ thống lễ hội chung, như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ cúng Yang... Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, tiếng Raglai là “Ea tixâu pilâu dhadha”. Bất cứ người Raglai nào cũng đều cho rằng công lao của cha mẹ như núi cao, như nước mạch nguồn chảy ra. Và họ tâm niệm sẽ đền đáp xứng đáng ngay từ khi còn ở chung nhà, chung bếp cho đến khi có vợ, có chồng ra ở riêng. Nhưng như thế chưa đủ, theo tập tục của người Raglai, việc đền ơn đáp nghĩa cha mẹ đối với họ phải được nâng lên thành nghi lễ, được họ tộc và buôn làng chứng kiến, thừa nhận, như thế mới được coi là trọn vẹn. Theo quan niệm đã có từ lâu đời của người Raglai, điều bất hạnh lớn nhất của con người là cha mẹ qua đời mà người con chưa kịp làm lễ Ea tixâu pilâu dhadha. Sự ân hận này nhiều khi ray rứt người con suốt cả đời. Do đó, mỗi người Raglai khi trưởng thành, ngoài trách nhiệm chăm sóc, kính yêu cha mẹ thường ngày, nếu cảm thấy cha mẹ có dấu hiệu già yếu (sức khỏe kém, da mặt có nhiều nếp nhăn, tóc bạc, kém ăn, mất ngủ...) thì phải chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ. Thông thường, lễ vật gồm có thịt heo, thịt gà, gạo, nếp, rượu cần, một ít trầu cau, thuốc lá... Nhà nhiều của thì chuẩn bị làm lễ lớn, giết trâu, bò... người nghèo thì tùy theo khả năng kinh tế của mình mà tổ chức. Vật chất không phải là tiêu chuẩn để đánh giá tấm lòng hiếu thảo của con đối với mẹ cha, cái chính là thái độ, là tấm lòng của người con đối với cha mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng. Sự có mặt của bà con trong buôn làng vừa biểu thị tình cảm quý mến, vừa để chứng kiến việc thực hiện một tập tục xã hội. Họ mang đến những lời chúc tụng chân thành của cộng đồng đối với gia đình nói chung và cha mẹ của gia chủ nói riêng. Những gia đình khá giả, hoặc gặp những năm được mùa, thường tổ chức cuộc lễ này rất lớn và vui chơi kéo dài hai ba ngày đêm. Về nghi thức, khi cỗ bàn được bày ở giữa nhà, thì mẹ cha - đối tượng chính của buổi lễ - được mời ngồi vào vị trí trung tâm, nơi trên mâm cỗ đặt một đĩa thịt và lòng heo đủ món. Những người khác gồm bà con, họ hàng, người trong buôn... đều tề tựu đông đủ chung quanh. Sau khi tiến hành lễ khấn vái các Yang, mời gọi tổ tiên, ông bà và những người khuất mặt cùng về chứng kiến tấm lòng của con đối với cha mẹ, người con rót một chum rượu trắng thật đầy kính cẩn mời mẹ cha. Tiếp đó, người con tự tay bưng đĩa thịt, gắp từng miếng đút cho cha mẹ ăn để tỏ lòng hiếu thảo, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Nếu đĩa thịt được ăn hết, thì đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với gia đình người con. Hoặc có thể cha mẹ chỉ ăn vài miếng tượng trưng, như thế cũng đã đủ là điều vui sướng. Trong không khí hân hoan ấy, chủ nhà mời bà con, họ hàng cùng chia sẻ niềm vui. Họ vừa ăn uống, vừa trao đổi những lời chúc tụng tốt đẹp đối với gia đình và những người cao tuổi trong buôn. Lễ vật còn được dành ra một phần để mẹ cha đưa về cúng ông bà tại nhà mình và biếu cho một số người thân. Sau bữa tiệc, đến phần sinh hoạt văn nghệ, vui chơi. Khi tiếng mã la nổi lên cùng dàn nhạc hòa theo, nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi cùng nhau nhảy múa, ca hát. Cuộc vui kéo dài đến suốt đêm. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai nhìn về hình thức có vẻ như rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng bên trong hàm chứa một đạo lý sâu sắc được cả cộng đồng thừa nhận và hưởng ứng nhiệt thành, đầy tình nghĩa. Truyền thống đạo lý mang đậm tính nhân văn này đã được các thế hệ người Raglai kế thừa và bảo tồn cho đến ngày nay. 4. Tục lệ hôn nhân: Đến tuổi trưởng thành, trai gái chủ động tự do chọn người yêu. Con gái chủ động lựa chọn người chồng tương lai. Cô đưa vòng cho ông mối hờ đưa tận tay cho người cô đã chọn. Nếu ưng thuận, người con trai sẽ nhận vòng. Nếu người con trai không ưng, cô gái sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi cho đến khi hết hi vọng. Khi người con trai ưng thuận, lễ cưới sẽ được được tiến hành. Nhà gái phải sắm mọtt ché rượu cần cho ông mối, một ché rượu cần cho chồng và một ché cho mình uống. Bên trai chuẩn bị một con lợn. Sau 1 tháng, hôn lễ tiến hành theo 3 bước: . Lễ thành vợ chồng: Ché rượu đặt giữa nhà, đôi lứa ngồi song song quay mặt về phía cửa ra vào. . Đoán phận trong giấc mơ: Đêm đó, bất kì điều gì hai vợ chồng mơ thấy đều phải nói cho ông mối. Nếu mơ thấy đi lấy nước là điều lành, nếu mơ thấy bắt cá bỏ vào bầu thì sẽ có con. Nếu mơ thấy chặt tre, cỏ ranh..là điều dữ. ông mối sẽ có lời xin phần báo mộng điềm dữ hoãn lại trong vòng 1 năm. Nếu gặp lại giấc mơ điều dữ đấy, họ phải li dị. . Trở lại nhà mẹ: vài hôm sau khi cưới, người chồng bỏ về nhà mẹ. Người vợ mang một ché ruợu, một con gà mang sang mời chồng về. Theo lệ, gnười chồng từ chối. Một tháng sau, người vợ lại quay trở lại nhà chồng, biếu mẹ chồng một bộ váy áo, biếu chồng con gà. Cô ở lại làm phận con dâu trong 3 ngày. Sau đó hai người xin phép trở về nhà vợ. Đa,s cưới kết thúc. nếu chồng bỏ vợ hoặc ngược lại thì bị phạt trâu bò, ruộng đất, thấp nhất là từ 3-4 con trâu và 5 sào đất để đền bù cho người bị bỏ rơi. Với người chửa hoang thì bị làng phạt rất nặng, bởi người Gia Lai quan niệm, khi người con gái đã chửa hoang rồi, thì sau này người ta sẽ không lấy được chồng, "phá đời" con gái, nên người bị phạt là người gây ra "hậu quả" của cái thai đó, trước đây là ching chiêng, sau này thì được quy ra tiền, thấp nhất là 10 triệu đồng. Cho nên, khi người đàn ông đã quan hệ với người con gái thì bắt buộc người đó phải cưới làm vợ. Là một dân tộc theo nguyên tắc ngoại hôn dòng họ nên phong tục của người Gia Lai khuyến khích những đôi trai gái khác dòng họ kết hôn với nhau. Nếu xác định được rõ ràng hai người trong cùng một krung ktum thì chuyện cưới xin khó xẩy ra. Tuy nhiên, do có sự phân biệt giữa họ gần và họ xa nên nguyên tắc hôn nhân ngoài dòng họ ở đây được thực thi với hai cấp độ khác nhau: Thứ nhất, toàn bộ các thành viên nam nữ thuộc họ gần (krung ktum gel), tức là con cháu trong vòng ba đời của một ông bà tổ, bao gồm cả bên cha và bên mẹ, như: con cô, con cậu, con chú con bác, con dì con già; cháu cô cháu cậu, cháu chú cháu bác, cháu dì cháu già... tuyệt đối không có quan hệ tính giao và hôn nhân, ai vi phạm quy định đó tức đã mắc tội loạn luân (hagăm) và bị làng xử phạt rất nặng theo luật tục. Họ cho rằng người cùng một dòng họ lấy nhau là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó sẽ phải chuẩn bị đủ 3 con trâu, 3 con dê, 3 con gà và 3 ché rượu để cúng thần nhà rông, thần nước để giải hạn cho dân làng và chính hai gia đình đó. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng là chủ làng đọc lời cúng mời giàng về ăn uống và dân làng buộc đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa, mong giàng đừng bắt tội dân làng... Trước năm 1942, những trường hợp mắc tội loạn luân bị phạt rất nặng theo các bước đã kể trên, thậm chí người vi phạm sau khi làm lễ cúng tạ tội còn bị lột trần truồng và bị buộc phải ăn thức ăn trong máng lợn với sự chứng kiến của dân làng. Ngày nay, nếu ai mắc tội này vẫn phải nhận sự phí báng của dân làng, dù không phải nhận hình phạt mang tính chất nhục mạ như trước kia. Vì thế, các chàng trai, cô gái đến tuổi kết hôn thường được bố mẹ căn dặn rất kỹ để không rơi vào trường hợp này. Thứ hai, các thành viên nam, nữ thuộc họ xa (krung ktum gel), tức là con cháu của một ông bà tổ, từ đời thứ bốn trở lên, tính theo đằng cha, cũng có thể lấy được nhau, nhưng phải làm một lễ cúng nhỏ tạ lỗi với tổ tiên. Khi đó họ sẽ không mắc vào tội loạn luân và không vi phạm luật tục. những trường hợp chồng hay vợ chết sớm chưa được làm lễ bỏ mả, người goá có thể tái giá, nhưng trước đó phải tiến hành một lễ cúng với lễ vật gồm một ghè ruợu, một con gà. Sau khi tiến hành nghi lễ, việc tái giá của người goá được dân làng đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, nghi lễ này cũng có vai trò tương tự lễ bỏ mả. Tuy nhiên, đó là lễ bỏ mả sớm. Thời gian sớm nhất có thể thực hiện nghi lễ này là 3 năm sau khi người chồng hoặc người vợ mất đi. Trong trường hợp người goá có quan hệ trai, gái trước thời điểm này sẽ bị làng phạt một bò làm lễ cúng, vì tội vi phạm quy định hôn nhân. Sau khi người mẹ chết, nếu bố lấy vợ mới, con cái thường không ở với bố và mẹ kế mà về sống với ông bà nội. Chỉ khi ông bà nội cũng đã mất, không còn nơi nương tựa, con của người vợ trước mới ở chung với người vợ sau của bố. Trong trường hợp người đàn ông đang sống cùng vợ con, nhưng lại có quan hệ tình cảm sâu nặng với người phụ nữ khác, luật tục bắt buộc ông ta phải làm thủ tục ly dị, bỏ người vợ trước mới có quyền cưới người vợ sau. C:Kết luận: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai, có truyền thống quần cư, cộng đồng cao, vì vậy, luật tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là thước đo, "hành lang" điều chỉnh đến mọi hoạt động của làng, có khi những luật được Nhà nước ban hành, song cũng khó "vươn tới" những vụ việc xét xử ở mức nhỏ lẻ trong nội bộ gia đình hoặc trong làng. Từ cơ sở đó, các cấp chính quyền xây dựng hương ước để triển khai, "áp dụng" cho phù hợp, được đồng bào các dân tộc đồng tình, ủng hộ. Xét ở một góc độ nào đó, luật tục là bản sắc văn hoá, nếu được áp dụng/vận dụng một cách phù hợp vào đời sống, thì đương nhiên nó là cơ sở tương đối tốt để người dân tự quản, là ưu điểm mà những nhà nghiên cứu phải chú ý, chẳng hạn, nó sẽ hạn chế được những nạn trộm cắp, ngoại tình, ly hôn, tội, tội xúc phạm người già, tội xúc phạm người đứng đầu làng, tội cố ý làm lây bệnh trong buôn làng, tội phá huỷ tài sản quý của người khác, tội hiếp dâm, tội đánh người gây thương tích, tội về người phụ nữ hư hỏng, lẳng lơ, tội lười biếng, tội giết gia súc của người khác v.v... Nói chung là các luật tục này rất chi tiết, diễn ra trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số. Tóm lại, luật tục là một tài sản quý, là một phương thức giáo dục và quản lý các xã hội có hiệu lực, kể cả đối với xã hội ngày nay. Việc phục hồi (có điều chỉnh) và phát huy (có lựa chọn) luật tục, sẽ góp phần cho sự phát triển xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net