logo

Khái quát về Hà Nội

Năm 1010, Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như rồng bay lên.
KHÁI QUÁT VỀ HÀ NỘI Năm 1010, Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên. Gần mười thế kỷ qua đã minh chứng quyết định ấy là sáng suốt. Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới. 1.Tự nhiên và môi trường Hà Nội. Năm 1831 vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt lại tên cho Thăng Long là Hà Nội có nghĩa là: thành phố nằm trong vòng bao quanh của một con sông giữa đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến của mảnh đất từng là kinh đô trong suốt ba thời kỳ phong kiến thịnh trị Lý, Trần, Lê và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khởi nguồn hình thành của Thăng Long được quyết định bởi yếu tố môi trường tự nhiên, thể hiện trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn. Với tầm nhìn chiến lược, vị vua trẻ khi lên ngôi, đã cảm thấy kinh đô Hoa Lư trong vùng núi non hiểm trở tuy dễ phòng thủ nhưng không thể là kinh đô của một nước cường thịnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Người đã tìm được thành Đại La tức Hà Nội ngày nay, có thể hội tụ những yêu cầu ấy. Trong "Chiếu dời đô", hình ảnh của một thành phố giàu đẹp hiện lên vô cùng sinh động: "Thành Đại La ở giữa bờ cõi đất nước, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, bốn phía đông, tây, nam, bắc tiện hình thế núi, sông, sau, trước đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, sáng sủa, dân cư không phải khổ vì ngập lụt, muôn vật phồn thịnh. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là nơi then chốt của bốn phương họp lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời...". Khi thuyền nhà vua đến Đại La, Người nhìn thấy một con rồng bay lên trong đám mây, cho là điềm lành, bèn đặt tên là Thăng Long. Câu chuyện lịch sử pha lẫn huyền thoại này cho thấy thành Thăng Long được xây dựng ở một vị trí theo quan niệm phong thuỷ là lý tưởng cho phát triển đô thành vững mạnh, giàu có. Sau gần 1000 năm, Hà Nội ngày nay và Thăng Long xưa khác nhau nhiều về địa lý, tự nhiên. Chỉ nói về phạm vi, thành Thăng Long xưa nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch; Hà Nội bây giờ bao gồm cả phần đất rộng lớn ở bên ngoài hai con sông. Trung tâm Thăng Long và trung tâm Hà Nội không trùng nhau. Nhưng những điểm ưu việt của điều kiện địa lý và tự nhiên của Thăng Long vẫn tạo ra những thế mạnh cho Hà Nội mà hiếm đâu sánh được. Thứ nhất, thế đất bằng phẳng, cao ráo, nằm trên đồng bằng mầu mỡ, khí hậu lại ấm áp. Hà Nội là vùng sinh thái tuyệt vời cho con người định cư, phát triển. Thứ hai, vị thế trung tâm của Hà Nội, lại nằm bên con sông lớn khiến cho giao thông với các địa phương khác dễ dàng, thuận tiện. Từ xưa, Hà Nội đã nổi tiếng là một trung tâm thương mại lớn: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Thêm nữa, với cảnh sắc tươi đẹp và con người thanh lịch, Hà Nội là đề tài cho thơ ca, nhạc, hoạ, tạo nên sức thu hút du khách bốn phương. Và còn rất nhiều thế mạnh nữa do tự nhiên đem lại mà Hà Nội đã và sẽ khai thác để xứng đáng là "Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời" như Lý Công Uẩn đã tiên đoán. Vị trí Hà Nội nằm hai bên bờ sông Hồng, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Với vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học lớn, đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam. • Vĩ độ bắc: 20o53' đến 21o23' • Kinh độ đông: 105o44' đến 106o02' • Giáp với năm tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. • Diện tích tự nhiên 920,97 km2. • Chiều dài nhất từ phía bắc xuống phía nam là hơn 50 km • Chỗ rộng nhất từ tây sang đông 30 km • Cao nhất là núi Chân Chim: 462 m (huyện Sóc Sơn) • Thấp nhất thuộc xã Gia Thụy (huyện Gia Lâm), 12 m so với mặt nước biển. Địa hình Dạng địa hình chủ yếu của Hà Nội là đồng bằng được bồi đắp bởi các dòng sông với các bãi bồi đại, bãi bồi cao và các bậc thềm. Xen giữa các bãi bồi đại và các bãi bồi cao còn có các vùng trũng với các hồ, đầm (dấu vết của các lòng sông cổ) . Phần lớn diện tích Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với độ cao trung bình từ 15m đến 20m so với mặt biển. Còn lại chỉ có khu vực đồi núi ở phía bắc và phía tây bắc của huyện Sóc Sơn thuộc rìa phía nam của dãy núi Tam Đảo có độ cao từ 20m đến hơn 400m, đỉnh Chân Chim cao nhất là 462m. Sông ngòi Hà Nội là thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là lớn nhất. Sông Hồng bắt đầu từ dãy Ngụy Sơn (Trung Quốc), ở độ cao 1776m, chảy theo hướng tây - bắc - đông - nam vào Việt Nam từ Lào Cai và chảy ra vịnh Bắc Bộ. Sông Hồng chảy qua Hà Nội dài khoảng 30 km. Đê sông Hồng được đắp từ năm 1108, đoạn từ Nghi Tàm đến Thanh Trì, gọi là đê Cơ Xá. Ngày nay sông Hồng ở Việt Nam có 1267km đê ở cả hai bên tả, hữu ngạn. Độ cao mặt đê tại Hà Nội là 14m so với mặt nước biển. Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình 100 triệu tấn/năm. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp cá giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài sông Hồng, trong địa phận Hà Nội còn có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ và sông Cà Lồ. Khí hậu Khí hậu Hà Nội là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít. Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh năm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời dồi dào và có nhiệt độ cao. Do chịu ảnh hưởng của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn. • Trung bình hằng năm, nhiệt độ không khí 23,6oC, độ ẩm 79%, lượng mưa 1245 mm • Mỗi năm có khoảng 114 ngày mưa. Hà Nội có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sự luân chuyển của các mùa làm cho khí hậu Hà Nội thêm phong phú, đa dạng và có những nét riêng. • Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa hè: nóng và thi thoảng có mưa rào. • Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa thu. Thời tiết khô ráo, trời cao, xanh ngắt, gió mát, nắng vàng. • Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là mùa đông: Thời tiết lạnh, khô ráo. • Từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa xuân: Cây cối xanh tốt với hàng ngàn loài hoa khoe sắc, mùa của những lễ hội truyền thống độc đáo, mở đầu là Tết nguyên đán, lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam. • Nhiệt độ thấp nhất là 2,70C (tháng 1/1955). • Nhiệt độ cao nhất: 42,80C(tháng 5/1926). Khách du lịch có thể tới thăm Hà Nội quanh năm. Tuy nhiên, mùa xuân, mùa thu và mùa đông rất thích hợp với du khách ở những vùng hàn đới. Thực vật và động vật Các loại thực vật tự nhiên chỉ còn dạng thứ sinh, tập trung trong huyện Sóc Sơn. Ở đây còn khoảng hơn 6.700 ha đất lâm nghiệp đang được gấp rút trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để khôi phục thảm thực vật, bảo vệ môi sinh. Do có rừng, gần đây đã thấy xuất hiện trở lại nhiều loại chim ăn ngũ cốc, các loài gậm nhấm và thú rừng (lợn rừng, chồn, sóc, trăn, rắn...) vốn trước kia có rất nhiều. Giới động vật còn tương đối phong phú là động vật dưới nước như cá, tôm, cua, ốc, kể cả cá trong đồng và ngoài sôngHà Nội là vùng đất trù phú, có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ lâu đời, đã cung cấp nhiều giống cây trồng, vật nuôi quí, có giá trị kinh tế và nổi tiếng trong cả nước. Đáng chú ý là các huyện ngoại thành đã hình thành các vành đai rau xanh, thực phẩm tươi sống (thịt, cá, sữa, trứng) phục vụ nhu cầu đô thị hoá ngày một cao của thủ đô Hà Nội và dành một phần để xuất khẩu. Cây xanh Hà Nội Một trong nhiều lý do để du khách yêu mến các thành phố của Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội là những tán lá xanh mướt, những con đường rợp bóng cây. Còn vào mùa hè, cây cối ở đây khoác lên mình một tấm áo rực rỡ sắc màu. Từ thế kỷ XIX, các giống cây này được đưa về từ khắp nơi trên thế giới, trồng dọc theo những con phố làm dịu đi ánh nắng chói chang của mặt trời nhiệt đới. Nhiều cây còn tồn tại cho đến ngày nay có kích thước khá lớn. Một trong những loài cây trồng nhiều nhất là phượng vĩ đơm hoa rực đỏ mỗi khi hè về. Trước cửa toà báo "Hà Nội mới" có một cây phượng lớn, cành cây vươn về phía hồ như những ngón tay thon đang chơi đùa với đàn cá tung tăng dưới nước. Cây vông hoa vàng rực rỡ trồng trước cổng đền Ngọc Sơn. Trước cửa hàng kem Bốn Mùa phía bờ tây hồ Hoàn Kiếm, những cây me cũng nở ra những đoá hoa nhỏ li ti màu vàng nhạt. Lá cây nhỏ, có màu xanh mát. Quả me có vỏ màu nâu bao quanh lớp thịt vừa ngọt vừa chua với những hạt nhỏ, đen nhánh. Cây lộc vừng ngả bóng bên hồ Hoàn Kiếm, đầu mùa đông có những dây hoa đỏ mảnh mai buông xõa đung đưa trong gió. Dọc theo phố Hàng Trống, bạn sẽ gặp cây gụ có hoa màu vàng xanh, nở thành từng chùm. Những bông hoa nhỏ hình sao ấy khi rơi xuống tạo cho người ta cái cảm giác như đang đứng dưới một trời hoa. Dọc theo phố Đội Cấn và Thợ Nhuộm là hàng bằng lăng, cuối mùa xuân đến đầu mùa hè khoác lên mình những đoá hoa tím biếc nổi bật trên nền xanh của lá. Mùa đông, những cây bằng lăng cũng tự trang điểm cho mình từng chùm quả lủng lẳng nơi đầu cành. Trong khu phố cổ Hà Nội có rất nhiều dâu da xoan với chùm hoa màu sữa. Những hàng cây nhỏ phù hợp với khung cảnh nơi này đến nỗi các hoạ sỹ luôn luôn đưa chúng vào trong tranh vẽ phố cổ. Những cây bàng có hoa nhỏ li ti màu xanh nhạt, bám dọc thành một cụm nhỏ. Lá bàng lớn, thuôn dài, có màu xanh đậm, toả bóng mát dịu giữa trưa hè. Đến tháng chín, lá cây chuyển sang màu vàng và đỏ để cuối cùng rực đỏ vào mùa thu. Đây là một trong số ít các loài cây ở Hà Nội đổi màu lá theo mùa vào dịp cuối năm. Xà cừ là một trong những cây cao nhất ở Hà Nội, được lấy giống về từ châu Phi nên rất hợp với khí hậu nóng khô. Người Hà Nội khi đi xa luôn gắn liền với những kỷ niệm về hoa sữa. Tháng mười, những đoá hoa màu trắng xanh toả hương nồng nàn trên các dãy phố như Quang Trung, Nguyễn Du. Thậm chí cả đến những cây non cũng trổ hoa màu cam nho nhỏ. Mỗi mùa có một niềm vui riêng. Mùa hè ở Hà Nội có thể khá oi ả nhưng vẻ đẹp của những hàng cây xanh mát cũng đủ làm dịu đi cái nắng gắt gao. Trên đây chỉ là một vài loại cây đặc trưng cho Hà Nội. Ngoài ra còn có hàng trăm loại cây và hoa khác nhau góp phần tạo nên một Hà Nội xanh nên thơ trong con mắt khách thăm. Văn hoá Tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản cấp quốc gia đều đóng tại Hà Nội. Tin tức của mọi vùng lãnh thổ trên đất nước cũng được phát ra từ đây trên sóng phát thanh và truyền hình. Hàng trăm tờ báo và tạp chí, hàng chục đầu sách mới của gần 40 nhà xuất bản trung ương phát hành khắp nơi, ra cả nước ngoài, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân và giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới. Hà Nội có riêng một Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, một tờ báo hàng ngày là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô: tờ "Hà Nội mới", một tờ báo của Ủy ban nhân dân thành phố: tờ “Kinh tế đô thị Hà Nội”, bảy tờ tuần báo hoặc ra tuần nhiều kỳ của các ngành, các đoàn thể, một tạp chí, hàng chục bản tin chuyên đề. Nhà xuất bản Hà Nội mỗi năm ra hàng trăm đầu sách, mà sách về đề tài Hà Nội chiếm tỷ trọng hàng đầu. Đi trên đường phố thủ đô, ta thường bắt gặp các khuôn mặt quen thuộc của nhiều văn nghệ sĩ và nhà khoa học danh tiếng. Trụ sở trung ương các hội văn học - nghệ thuật, các hội khoa học - kỹ thuật, các xưởng phim, nhà hát quốc gia của các bộ môn nghệ thuật đều đóng ở thủ đô. Về số lượng nhà bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát, chiếu bóng, hiệu sách,... di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc và cách mạng, Hà Nội đứng hàng đầu, 521 trong số hơn 2000 di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng. Bên cạnh các nhà hát nghệ thuật quốc gia, riêng Hà Nội có sáu nhà hát và đoàn nghệ thuật. Vốn nghệ thuật dân gian truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy. Đoàn múa rối nước Thăng Long không chỉ sáng đèn hằng đêm ở nhà hát bên Hồ Hoàn Kiếm mà còn đi lưu diễn nhiều lần ở các châu lục. Câu lạc bộ chèo truyền thống Nguyễn Đình Chiểu vẫn thường xuyên trình diễn các trích đoạn chèo cổ của ông cha để lại. Vở Kiều của Nhà hát cải lương Hà Nội đã có hơn 2000 đêm diễn. Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát ca múa Thăng Long là những đơn vị nghệ thuật có hạng của cả nước với tuổi đời hơn 40 năm. Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội với chín hội thành viên, gần 2000 hội viên. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới. Du lịch quanh Thành phố và các vùng phụ cận Du lịch trong Hà Nội • o Đi bộ tham quan thành phố o Tour vòng quanh Hà Nội o Du lịch lễ hội văn hóa dân gian o Du lịch sông Hồng Các Tour du lịch từ HN đến các vùng phụ cận • o Giới thiệu o Tuyến dọc sông Hồng o Tuyến Kinh Bắc (Quốc lộ 1A lên phía bắc) o Tuyến Quốc Lộ 1A (Về phía nam) o Tuyến Quốc Lộ 2 o Tuyến Quốc Lộ 3 o Tuyến Quốc lộ 5 và đường 182 o Tuyến Đường 18A o Tuyến Xứ Đoài và Quốc lộ 32 Tuyến Quốc Lộ 6 và Quốc lộ 22 o Du lịch Hà Nội trước ngưỡng cửa nghìn năm 14-03-2008 16:11:40 GMT +7 HỒNG HÀ - (Theo Tổ quốc) Hà Nội đang đứng trước ngưỡng cửa 1000 năm. Nhưng so với tuổi của mình và đứng cạnh các thành phố trong khu vực, du lịch Hà Nội còn “trẻ” hơn với tuổi rất nhiều. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Bình- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội- để làm sáng tỏ hơn về điều này. - Hà Nội có bề dày lịch sử gần ngàn năm và đã được cả thế giới biết đến với danh hiệu Thành phố vì hoà bình. Nhưng những danh hiệu ấy vẫn chưa khiến Hà Nội thu hút khách quốc tế như các thành phố trong khu vực. Ông đánh giá thế nào về điều này? + Hiện tại, du lịch Việt nam còn một khoảng cách so với các nước trong khu vực. Năm nay chúng ta đón trên 4 triệu khách quốc tế. Trong khi đó, Indonesia đón khoảng 5 triệu, Singapore khoảng 8 triệu, Thái Lan 14 triệu, Malaysia 18 triệu. Chúng ta luôn mong muốn đuổi kịp và vượt họ, nhưng điều đó không thể làm trong một sáng một chiều. Hiện du lịch Hà Nội mới đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế, nhưng tôi tin rằng thời gian tới du lịch Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc. - Cần phải làm gì để có sự vượt bậc đó thưa ông? + Có thể hình dung giống như chúng ta được bố mẹ để lại cho một ngôi nhà nhỏ để ở, và chúng ta chỉ nhận được một đồng lương ít ỏi hàng tháng dù đã làm việc hết mình. Chúng ta không thể đón tiếp khách khứa linh đình, liên tục như ông hàng xóm giàu có. Chúng ta chỉ có thể tiếp được một số khách phù hợp với ngôi nhà và điều kiện kinh tế của mình. Nếu như ngôi nhà của chúng ta xinh xắn, gọn gàng, thái độ chủ nhân thân thiện, ấm áp, món ăn ngon, lạ... chắc rằng khách khứa sẽ rất thích đến chơi, và sẽ đến ngày một nhiều hơn. Du khách nước ngoài thường rất thích những nét văn hoá dân dã, truyền thống của Việt Nam. - Theo ông, du lịch Hà Nội hiện nay đứng trước những thuận lợi và khó khăn gì? + Là thủ đô của một đất nước thanh bình, không có chiến tranh, khủng bố và thảm họa thiên nhiên. Bên cạnh đó như bạn nói, Thủ đô của chúng ta có 1000 năm tuổi, xét trên các tiêu chí về về cảnh quan, kiến trúc, phong cảnh, nghệ thuật, thái độ cư dân, ẩm thực và giá trị đồng tiền, Hà Nội có những giá trị được thế giới công nhận. Trong mấy năm vừa qua, tạp chí du lịch nổi tiếng Travel and Leiser của Mỹ đã liên tục bình chọn Hà Nội là một trong 5 thành phố hấp dẫn nhất Châu Á. Với vị trí Thủ đô, có sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội là một trong hai trung tâm phân phối khách du lịch lớn nhất cả nước. Lượng chi trả của khách tới Hà Nội bao giờ cũng cao hơn các địa phương vì đây là nơi qua lại của các đoàn khách chính phủ, các nhà đầu tư. Đặc biệt sau khi gia nhập WTO, lượng khách quốc tế chi trả cao đến Hà Nội tăng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, du lịch của Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong tiến trình hội nhập quốc tế. Các văn bản luật về du lịch còn thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở hạ tầng tiếp tục phải cải thiện, nhận thức về du lịch từ cơ quan quản lý nhà nước tới người dân cần được nâng cao, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch rất thấp... Đặc biệt, giai đoạn này các khách sạn tại Hà Nội thiếu phòng trầm trọng. Rất nhiều công ty phải hủy tour với khách do không đặt được phòng. Hà Nội có 8 khách sạn 5 sao. Vừa qua, Thành phố đã cấp 5 khu đất để đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao. Chúng tôi được biết, các nhà đầu tư đã và đang triển khai thêm khoảng chục khách sạn 5 sao nữa, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó 2 triệu khách quốc tế, so với năm 2006, Hà Nội cần bổ sung thêm khoảng 10.000 phòng khách sạn so với 13.000 phòng hiện có. - Nhiều người cho rằng, du khách quốc tế đến Hà Nội ái ngại nhất là vấn đề giao thông. Ông có ý kiến gì về điều này? + Giao thông đang là quốc nạn. Đó là vấn đề chung của các nước đang phát triển chứ chẳng riêng gì Hà Nội. Chúng ta chẳng đang từng ngày từng giờ lo giáo dục và giải quyết vấn đề này hay sao. Nhưng tôi không nghĩ là khách du lịch tới Hà Nội sợ nhất giao thông. Các xe và tài xế phục vụ khách du lịch quốc tế bao giờ cũng là xe và người tốt nhất. Cá nhân tôi chưa thấy khách du lịch quốc tế nào bị tai nạn giao thông ở Hà Nội cả. Nhưng đúng là giao thông của chúng ta có vấn đề. Khách du lịch nói đùa với nhau rằng đi trên đường Hà Nội rất thú vị, vì nó mang lại cảm giác hồi hộp giống như cầu thủ đứng trước quả phạt 11m... tất cả ô tô xe máy như cứ đâm thẳng vào bạn vậy. Nhưng bạn chẳng cần phải tránh đâu, tự mọi người sẽ tránh bạn... Muốn thu hút nhiều khách du lịch, Hà Nội cần đầu tư thêm khách sạn cao cấp. - Nhiều người nhận xét khách du lịch quốc tế chỉ đến Hà Nội cũng như nước ta một lần rồi không quay lại, ông nhận xét thế nào về việc này? + Rất nhiều nhà báo phỏng vấn tôi về việc khách du lịch đến Việt Nam một đi không trở lại. Tôi không hiểu họ lấy đâu thông tin này. Theo Tổng cục thống kê, lượng khách quốc tế quay trở lại Hà Nội là 30%. Tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế đến Hà Nội thuộc loại cao nhất cả nước và trong khu vực. Năm 2000, Hà Nội đón trên 500 ngàn khách quốc tế, năm 2005 là 1,1 triệu, dự kiến năm 2010 khoảng 2 triệu. Cái chúng ta cần quan tâm nhất là lượng khách có tăng trưởng không, chúng ta có thu được nhiều tiền của khách qua các hàng hóa và dịch vụ không. Nếu các tiêu chí này tăng trưởng tốt thì khách du lịch quay trở lại hàng năm 20% thôi cũng chẳng đáng phải phàn nàn. Bản chất của du lịch là khám phá. Nếu năm nay bạn đi Singapore thì tôi sẽ khuyên bạn là sang năm còn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang chào đón bạn. Bạn chỉ nên quay lại nếu như bạn đến đó vì mục đích công vụ, chữa bệnh hay thăm người thân. - Trước ngưỡng cửa 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội có đề ra những định hướng và biện pháp gì để thu hút khách du lịch? + Có nhiều việc tác động cùng chiều đến việc thu hút khách du lịch, như tăng số chuyến bay quốc tế tới Nội Bài (80% khách du lịch quốc tế tới Việt Nam bằng đường hàng không), miễn visa cho một số thị trường quan trọng, tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, vận chuyển, hướng dẫn viên và các chương trình du lịch và tuyên truyền quảng bá. Trong đó, công tác tuyên truyền quảng bá là vấn đề trọng tâm. Nếu không làm tốt điều này, vẻ đẹp Việt Nam sẽ tiếp tục tiềm ẩn với bạn bè quốc tế. - Để quảng bá cho du lịch Hà Nội, theo ông, hình ảnh nào cần được chú trọng? + Trước hết là vẻ đẹp của một thành phố thủ đô 1000 năm tuổi, một thành phố cổ kính đang chuyển mình trong quá trình hội nhập với khu phố cổ thu hút rất nhiều du khách, với chương trình citytour qua các điểm du lịch hấp dẫn, với những món ăn tuyệt vời đã giúp Hà nội được tạp chí MSN của Microsoft bầu chọn đứng thứ 3 trong 10 thành phố có ẩm thực đáng thưởng thức nhất thế giới. Là một thành phố vì Hòa bình, An toàn và Thân thiện. Với lợi thế của một Thủ đô đang trên đà phát triển hiện đại, Hà Nội đang trở thành một trung tâm du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện), đồng thời, Hà Nội phải được biết đến như một trung tâm phân phối khách du lịch lớn nhất của cả nước với những hãng lữ hành quốc tế hàng đầu. Đáng tiếc rằng số kinh phí dành cho hoạt động quảng bá của Hà Nội còn rất thấp, xét trên bình diện quốc gia cũng vậy. Chúng tôi đang trình Thành phố cho xây dựng Quỹ xúc tiến du lịch. Chúng ta hãy tin rằng mọi cái ngày mai rồi sẽ tốt hơn. Xây dựng văn hoá người Hà Nội" Vì sao Hà Nội chưa "giữ chân" du khách? Lao Động số 237 Ngày 28/08/2006 Cập nhật: 7:51 AM, 28/08/2006 Khách du lịch nước ngoài luôn là mục tiêu đeo bám của những người bán sách dạo. (LĐ) - Năm 2006, ngành du lịch Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đón 5,7 triệu lượt khách du lịch. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội mới đón được 2 triệu lượt khách nội địa và 537.000 lượt khách quốc tế. Thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn chưa là điểm thu hút và giữ chân du khách. Nhiều hãng lữ hành quốc tế đã bỏ qua Hà Nội trong hành trình tham quan Việt Nam. Đại diện một số Cty du lịch nhận định rằng, du lịch Hà Nội thiếu sự đầu tư, thiếu nét đặc trưng, nghèo nàn nên du khách đến Hà Nội thường không ở lại lâu. Ông Nguyễn Sơn Hà - Giám đốc Thanglong tour - nhận định, trong mấy năm gần đây, chương trình tham quan Hà Nội của các Cty du lịch không hề có sự đổi mới, bởi sản phẩm du lịch Hà Nội nghèo nàn, đơn điệu khiến nhiều đơn vị lữ hành đã bỏ điểm dừng chân tại đây mà đưa khách quốc tế tiến thẳng vào Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hạ Long... Tình trạng thiếu khách sạn và giá phòng cao cũng là một trong những nguyên nhân làm cho du lịch Hà Nội mất khách. Giá phòng khách sạn ở Hà Nội hiện gần tương đương với Singapore và đắt hơn Malaysia. Trong khi đó, vào mùa du lịch thấp điểm, hầu hết các khách sạn cũng không có chương trình khuyến mãi nên các Cty du lịch không thể giảm được giá tour để thu hút khách. Không ít khách du lịch đã không thể chọn Hà Nội làm điểm dừng chân mà đi luôn xuống các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh... do Hà Nội thiếu phòng nghỉ. Không chỉ thiếu tuyến, điểm du lịch, mà sự đeo bám của những đối tượng ăn xin, bán báo, đồ lưu niệm cũng đã làm xấu đi hình ảnh của du lịch Hà Nội. Nhiều khách du lịch phàn nàn khi họ tới thăm hồ Gươm, đền Ngọc Sơn và một số phố cổ thường bị những người ăn xin đeo bám gây phiền hà. Anh Lê Hải Long - khách du lịch ở TPHCM ra Hà Nội - kêu ca rằng, khó có thể tìm được những giây phút bình yên nếu như muốn ngồi thư dãn ở một số điểm du lịch Hà Nội. Chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi bên hồ Trúc Bạch, anh đã phải rút ví cho tiền tới 5 người ăn xin, nhưng vẫn không thể yên ổn bởi họ cứ ở đâu kéo đến. Nếu không cho tiền, những đứa trẻ cứ túm lấy vai anh để đấm bóp, xin xỏ đến khi nào cho tiền mới chịu đi. Còn một số du khách nước ngoài thì tỏ ra cảnh giác với những đối tượng này, bởi họ không biết phải "đối xử" như thế nào cho phải và không biết đó là người "thực" hay người "gian". Ngoài ra, phong cách phục vụ không đúng mực của một số nhân viên tại những điểm tham quan cũng làm nhiều du khách phiền lòng. Để Hà Nội hấp dẫn và giữ chân được du khách, thiết nghĩ chính quyền Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích thật tốt để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, du lịch văn hoá, truyền thống... tạo ra những sản phẩm du lịch tốt, hướng tới mục tiêu thu hút lượng khách đến đông hơn với thời gian dài hơn. Vấn đề đặc biệt quan tâm là cần ngăn chặn triệt để những hành vi không đẹp, làm "phiền lòng" du khách. Ngoài ra, việc giáo dục ý thức, văn hoá ứng xử cho những cán bộ, nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch cũng là việc làm hết sức cần thiết. Thu Huyền
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net