logo

Đồng Nai


Đồng Nai I Tổng Quan Về Đồng Nai Đồng Nai là một tỉnh vùng miền Đông Nam Bộ nước Việt Nam, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận, đông bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, tây bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng Nai có diện tích 5.903,94 km², chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ. 01Các đơn vị hành chính Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện: • Thành phố Biên Hoà • Thị xã Long Khánh • Huyện Định Quán • Huyện Long Thành • Huyện Nhơn Trạch • Huyện Tân Phú • Huyện Thống Nhất • Huyện Vĩnh Cửu • Huyện Xuân Lộc • Huyện Cẩm Mỹ • Huyện Trảng Bom 02 Dân số Dân số toàn tỉnh theo số liệu điều tra năm 2009 là 2.483.211 người, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An), mật độ dân số: 421 người/km². Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của toàn tỉnh năm 2009 là 1,52%. 03 Giao thông Đồng Nai là một tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc - Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong vùng cũng như giao thương với cả nước đồng thời có vai trò gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. 04 Tài nguyên Biểu trưng tỉnh Đồng Nai Đồng Nai có nhiều nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú gồm tài nguyên khoáng sản có vàng, thiếc, kẽm; nhiều mỏ đá, cao lanh, than bùn, đất sét, cát sông; tài nguyên rừng và nguồn nước... Ngoài ra, Đồng Nai còn phát triển thuỷ sản dựa vào hệ thống hồ đập và sông ngòi. Trong đó, hồ Trị An diện tích 323 km² và trên 60 sông, kênh rạch, rất thuận lợi cho việc phát triển một số thủy sản như: cá nuôi bè, tôm nuôi....[2] 04.1 Tài nguyên nước Tỉnh Đồng Nai có mật độ sông suối khoảng 0,5 km/km², song phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng tây nam. Tổng lượng nuớc dồi dào 16,82 x 109 m³/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô 20%. [2]Các con sông chính chảy qua tỉnh Đồng Nai như: Sông Đồng Nai, và các phụ lưu lớn của nó như sông La Ngà và Sông Bé đổ vào dòng chính gần hồ Trị An. Ngoài ra còn có sông lớn khác nh7 sông Lá Buông, sông Ray, sông Xoài và sông Thị Vải. Tổng trữ lượng nước dưới đất của tỉnh Đồng Nai là khoảng 5.505.226 m³ /ngày. Bao gồm, trữ lượng nước tĩnh vào khoảng 793.379 m³/ngày, trong đó, trữ lượng dung tích (trữ lượng tĩnh trọng lực) là 789.689 m³/ngày và trữ lượng đàn hồi là 3691 m³/ngày. Trữ lượng động khoảng 4.714.847 m³/ngày là toàn bộ dòng mặt vào mùa khô và là giới hạn dưới của trữ lượng nước dưới đất. Tuy có trữ lượng nước dưới đất phong phú, nhưng phân bố không đều, và nhu cầu khai thác tăng cao vào các tháng mùa khô nên việc khai thác nước dưới đất cần phải theo qui hoạch khai thác hợp lý.[2] 04.2 Tài nguyên du lịch Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch có tiềm năng: Khu Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch Bửu Long, khu du lịch ven sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, làng bưởi Tân Triều, Thác Mai - hồ nước nóng, Đảo Ó, chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên, mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa. 04.3Tài nguyên khoáng sản Các loại tài nguyên khoáng sản ở Đồng Nai gồm có: khoáng sản kim loại, không kim loại, đá quý, và nước khoáng. Các khoáng sản kim loại chủ yếu phân bố ở Đồng Nai gồm vàng, bô xít, thiếc, chì, kẽm...Các mỏ vàng nhỏ ở Hiếu Liêm và Vĩnh An và các điểm quặng chưa được đánh giá đầy đủ ở: Suối Ty, Suối Nho, Tam Bung, Suối Sa Mách, lâm trường Vĩnh An, lâm trường La Ngà, lâm trường Hiếu Liêm. Quặng bauxit phát hiện 2 mỏ ở DaTapok (lâm trường Mã Đà) và lâm trường La Ngà với trữ lượng ước đạt khoảng 450 triệu m³. Thiếc chỉ gặp dưới dạng vành phân tán khoáng vật, hàm lượng thấp, tập trung ở núi Chứa Chan, Suối Rét, Suối Sao, và sông Gia Ray. Chì kẽm đa kim được phát hiện ở núi Chứa Chan. Các khoáng sản không kim loại như: Kaolin, đá xây dựng và ốp lát, cát xây dựng, sét gạch ngói, Puzolan, và keramzit phân bố ở Đại An và Trị An với trữ lượng ước tính khoảng 8 triệu tấn. Đá quý chỉ được phát hiện có quy mô nhỏ, không có triển vọng khai thác công nghiệp như: Ziricon (Gia Kiệm, Núi Lá, Tân Phong), Xa phia (Cầu La Ngà, phía nam Tân Phong, Gia Kiệm), Pyrop-ziricon, Opan- canxedon (núi Chứa Chan), tecfic (bắc Tài Lài). Tài nguyên nước khoáng bao gồm các loại; nước khoáng - nước nóng ở Phú Lộc và Kay; nước khoáng Magie – bicarbonat ở suối Nho; nước khoáng siêu nhạt ở Tam Phước và Nhơn Trạch; nước khoáng sắt ở phía Nam Thành Tuy Hạ; nước mặn loại Clorua – Natri ở Nam Tuy Hạ; 04.4 Tài nguyên rừng Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Năm 1976, tỷ lệ che phủ của rừng còn 47,8% diện tích tự nhiên, năm 1981 còn 21,5%. Năm 2006, độ che phủ rừng là 26,05% tổng diện tích tự nhiên, có khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Nam Cát Tiên, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với việc triển khai thực hiện chương trình trồng rừng và quy hoạch này, có thể dự báo tỷ lệ che phủ (bao gồm cả cây công nghiệp dài ngày) sẽ tăng lên đạt 45-50% trong thời kỳ đến năm 2010 II Lịch Sử Cuối thế kỷ XVI, vùng đất Đồng Nai vẫn còn hoang dã, chưa được khai phá, người dân bản địa gồm các dân tộc Stiêng, Mạ, Kơ ho, M'nông, Chơ ro và một vài sóc người Khơ me sinh sống. Dân ít, sống thưa thớt, kỹ thuật sản xuất thô sơ, trình độ xã hội còn thấp. Cuộc chiến tranh của họ Trịnh và họ Nguyễn ở miền Trung và Bắc Việt Nam làm cho dân chúng khổ sở, điêu đứng và tạo ra một làn sóng di cư của người dân miền Thuận Quảng vào Đồng Nai tìm đất sống. Bản tính cần cù, chịu khó, lưu dân người Việt đã cùng với người bản địa chung sức khai phá đất đai để sản xuất nông nghiệp. Dần dà, rừng rậm hoang vu đã trở thành những cánh đồng lúa và hoa màu tươi tốt. Năm 1679, nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, Tổng binh Trần Thượng Xuyên trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm không khuất phục nhà Thanh đã đem 50 chiến thuyền, 3.000 binh lính thân tín và gia quyến đến xin thuần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thu nhận họ và cho vào khai khẩn, mở mang vùng đất Đông Phố (Cù lao Phố ngày nay). Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (là cả Nam Bộ bây giờ), đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cảnh còn cho lập bộ đinh, bộ điền, chiêu mộ những người có vật lực từ các vùng khác vào lập nghiệp và phát triển kinh tế. Người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đầu tiên định cư ở Bến Gỗ, nhưng thấy Cù lao Phố có vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán, họ đã quyết định di chuyển đến đây sinh sống. Từ đây, Cù lao Phố phát triển ngày càng phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định (Nam bộ ngày nay). III Dự án tương lai Đồng Nai là một trong những tỉnh nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Vì vậy, đây là một trong những tỉnh có nhiều dự án lớn về giao thông, cơ sở hạ tầng, kinh tế... Dự án lớn nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành nằm tạo huyện Long Thành. Ngoài ra còn có các dự án khác như đường cao tốc Tp HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cầu Đồng Nai mới, các khu công nghiệp tập trung lớn, các khu đô thị mới, các trung tâm công nghiệp mới. Tỉnh đang có kế hoạch quy hoạch thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020. IV Cao Su Cao su (danh pháp khoa học: Hevea brasiliensis), là một loài cây thân gỗ thuộc về họ Đại kích (Euphorbiaceae) và là thành viên có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất trong chi Hevea. Nó có tầm quan trọng kinh tế lớn là do chất lỏng chiết ra tựa như nhựa cây của nó (gọi là nhựa mủ-latex) có thể được thu thập lại như là nguồn chủ lực trong sản xuất cao su tự nhiên. Cây cao su có thể cao tới trên 30m. Nhựa mủ màu trắng hay vàng có trong các mạch nhựa mủ ở vỏ cây, chủ yếu là bên ngoài libe. Các mạch này tạo thành xoắn ốc theo thân cây theo hướng tay phải, tạo thành một góc khoảng 30 độ với mặt phẳng. Khi cây đạt độ tuổi 5-6 năm thì người ta bắt đầu thu hoạch nhựa mủ: các vết rạch vuông góc với mạch nhựa mủ, với độ sâu vừa phải sao cho có thể làm nhựa mủ chảy ra mà không gây tổn hại cho sự phát triển của cây, và nhựa mủ được thu thập trong các thùng nhỏ. Quá trình này gọi là cạo mủ cao su. Các cây già hơn cho nhiều nhựa mủ hơn, nhưng chúng sẽ ngừng sản xuất nhựa mủ khi đạt độ tuổi 26-30 năm. 01 Lịch sử Cây cao su ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng mưa Amazon. Cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, và tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Họ gọi chất nhựa này là Caouchouk, theo Thổ ngữ Mainas nghĩa là “Nước mắt của cây” (cao là gỗ. Uchouk là chảy ra hay khóc). Do nhu cầu tăng lên và sự phát minh ra công nghệ lưu hóa năm 1839 đã dẫn tới sự bùng nổ trong khu vực này, làm giàu cho các thành phố Manaus (bang Amazonas) và Belém (bang Pará), thuộc Brasil. Cố gắng thử nghiệm đầu tiên trong việc trồng cây cao su ra ngoài phạm vi Brasil diễn ra vào năm 1873. Sau một vài nỗ lực, 12 hạt giống đã nảy mầm tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew. Những cây con này đã được gửi tới Ấn Độ để gieo trồng, nhưng chúng đã bị chết. Cố gắng thứ hai sau đó đã được thực hiện, khoảng 70.000 hạt giống đã được gửi tới Kew năm 1875. Khoảng 4% hạt giống đã nảy mầm, và vào năm 1876 khoảng 2.000 cây giống đã được gửi trong các thùng Ward tới Ceylon, và 22 đã được gửi tới các vườn thực vật tại Singapore. Sau khi đã thiết lập sự có mặt ở ngoài nơi bản địa của nó, cây cao su đã được nhân giống rộng khắp tại các thuộc địa của Anh. Các cây cao su đã có mặt tại các vườn thực vật ở Buitenzorg, Malaysia năm 1883[1]. Vào năm 1898, một đồn điền trồng cao su đã được thành lập tại Malaya, và ngày nay phần lớn các khu vực trồng cao su nằm tại Đông Nam Á và một số tại khu vực châu Phi nhiệt đới. Các cố gắng gieo trồng cây cao su tại Nam Mỹ bản địa của nó thì lại không diễn ra tốt đẹp như vậy. 02 Ứng dụng Nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên là chủ yếu, bên cạnh việc sản xuất latex dạng nước. Gỗ từ cây cao su, gọi là gỗ cao su, được sử dụng trong sản xuất đồ gỗ. Nó được đánh giá cao vì có thớ gỗ dày, ít co, màu sắc hấp dẫn và có thể chấp nhận các kiểu hoàn thiện khác nhau. Nó cũng được đánh giá như là loại gỗ "thân thiện môi trường", do người ta chỉ khai thác gỗ sau khi cây cao su đã kết thúc chu trình sản sinh nhựa mủ. 03 Đặc tính lạ ở cây cao su • Cây cao su chỉ được thu hoạch 9 tháng, 3 tháng còn lại không được thu hoạch vì đây là thời gian cây rụng lá, nếu thu hoạch vào mùa này, cây sẽ chết. • Thông thường cây cao su có chiều cao khoảng 20 mét, rễ ăn rất sâu để giữ vững thân cây, hấp thu chất bổ dưỡng và chống lại sự khô hạn. Cây có vỏ nhẵn màu nâu nhạt. Lá thuộc dạng lá kép, mỗi năm rụng lá một lần. Hoa thuộc loại hoa đơn, hoa đực bao quanh hoa cái nhưng thường thụ phấn chéo, vì hoa đực chín sớm hơn hoa cái. Quả cao su là quả nang có 3 mảnh vỏ ghép thành 3 buồng, mỗi nang một hạt hình bầu dục hay hình cầu, đường kính 02 cm, có hàm lượng dầu đáng kể được dùng trong kỹ nghệ pha sơn. • Cây phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, có nhiệt độ trung bình từ 220C đến 300C (tốt nhất ở 260C đến 280C), cần mưa nhiều (tốt nhất là 2.000 mm) nhưng không chịu được sự úng nước và gió. Cây cao su có thể chịu được nắng hạn khoảng 4 đến 5 tháng, tuy nhiên năng suất mủ sẽ giảm. • Cây chỉ sinh trưởng bằng hạt, hạt đem ươm được cây non. Khi trồng cây được 5 tuổi có thể khai thác mủ, và sẽ kéo dài trong vài ba chục năm. • Việc cạo mủ rất quan trọng và ảnh hưởng tới thời gian và lượng mủ mà cây có thể cung cấp. Bình thường bắt đầu cạo mủ khi chu vi thân cây khoảng 50 cm. Cạo mủ từ trái sang phải, ngược với mạch mủ cao su. Độ dốc của vết cạo từ 20 đến 350, vết cạo không sâu quá 1,5 cm và không được chạm vào tầng sinh gỗ làm vỏ cây không thể tái sinh. Khi cạo lần sau phải bốc thật sạch mủ đã đông lại ở vết cạo trước. Thời gian thích hợp nhất cho việc cạo mủ từ 7 đến 8 giờ sáng. • Cây cao su là một loại cây độc, chất mủ của cây là một loại chất độc cho con người khai thác nó. Tuổi thọ của người khai thác mủ cao su thường giảm từ 3 đến 5 năm nếu làm việc trong khoảng thời gian dài. • Cây cao su còn độc ngay cả trong việc trao đổi khí ngay cả ban ngày và ban đêm. Không bao giờ xây dựng nhà để ở trong rừng cao su, khả năng hiếm khí xảy rất cao. 04 Cây cao su ở Việt Nam Cây cao su được người Pháp đưa vào Việt Nam lần đầu tiên tại vườn thực vật Sài Gòn năm 1878 nhưng không sống. Đến năm 1892, 2000 hạt cao su từ Indonesia được nhập vào Việt Nam. Trong 1600 cây sống, 1000 cây được giao cho trạm thực vật Ong Yệm (Bến Cát, Bình Dương), 200 cây giao cho bác sĩ Yersin trồng thử ở Suối Dầu (cách Nha Trang 20 km). Năm 1897 đã đánh dầu sự hiện diện của cây cao su ở Việt Nam. Công ty cao su đầu tiên được thành lập là Suzannah (dầu Giây, Long Khánh, Đồng Nai) năm 1907. Tiếp sau, hàng loạt đồn điền và công ty cao su ra đời, chủ yếu là của người Pháp và tập trung ở Đông Nam Bộ : SIPH, SPTR, CEXO, Michelin … Một số đồn điền cao su tư nhân Việt Nam cũng được thành lập. Đến năm 1920, miền Đông Nam Bộ có khoảng 7.000 ha và sản lượng 3.000 tấn. Cây cao su được trồng thử ở Tây Nguyên năm 1923 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1960 – 1962, trên những vùng đất cao 400 – 600 m, sau đó ngưng vì chiến tranh. Trong thời kỳ trước 1975, để có nguồn nguyên liệu cho nền công nghiệp miền Bắc, cây cao su đã được trồng vượt trên vĩ tuyến 170 Bắc (Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ). Trong những năm 1958 – 1963 bằng nguồn giống từ Trung Quốc, diện tích đã lên đến khoảng 6.000 ha. Đến 1976, Việt Nam còn khoảng 76.000 ha, tập trung ở Đông Nam Bộ khoảng 69.500 ha, Tây Nguyên khoảng 3.482 ha, các tỉnh duyên hải miền Trung và khu 4 cũ khoảng 3.636 ha. Sau 1975, cây cao su được tiếp tục phát triển chủ yếu ở Đông Nam Bộ. Từ 1977, Tây Nguyên bắt đầu lại chương trình trồng mới cao su, thoạt tiên do các nông trường quân đội, sau 1985 đo các nông trường quốc doanh, từ 1992 đến nay tư nhân đã tham gia trồng cao su. Ở miền Trung sau 1984, cây cao su được phát triển ở Quảng trị, Quảng Bình trong các công ty quốc doanh. Đến năm 1999, diện tích cao su cả nước đạt 394.900 ha, cao su tiểu điền chiếm khoảng 27,2 %. Năm 2004, diện tích cao su cả nước là 454.000 ha, trong đó cao su tiểu điền chiếm 37 %. Năm 2005, diện tích cao su cả nước là 464.875 ha. Năm 2007 diện tích Cao Su ở Đông Nam Bộ (339.000 ha), Tây Nguyên (113.000 ha), Trung tâm phía Bắc (41.500 ha) và Duyên Hải miền Trung (6.500 ha). Với việc tăng diện tích và sản lượng Cao su, Việt Nam hy vọng sẽ đạt 1,5 triệu tấn cao su thiên nhiên và hơn 1,5 triệu m3 gỗ Cao su (gỗ tròn) trước năm 2020. V Sông Đồng Nai Sông Đồng Nai Thượng nguồn Lâm Đồng, Việt Nam Cửa sông Biển Đông Các quốc gia lưu vực Việt Nam Độ dài 586 km (364 dặm) Cao độ thượng nguồn ~1.770 m Cao độ cửa sông 0m Diện tích lưu vực 38.600 km² (14.910 dặm²) Sông Đồng Nai là tên con sông lớn thứ nhì đất Nam Bộ, chỉ thua sông Cửu Long. Theo sách cổ Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức thì sông còn có tên là "sông Phước Long" vì gọi tên theo phủ Phước Long cũ. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, và Tiền Giang với chiều dài trên 437 km và lưu vực 38.600 km²[2], nếu tính từ đầu nguồn sông Đa Đưng thì dài 586 km còn nếu tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongua thì dài 487 km. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ. Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các phân lưu của nó có tên gọi là sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi) v.v. Nguồn sông chính xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn trên sông mang tên sông Đắc Dung. Sông uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam vượt khỏi miền núi ra đến bình nguyên ở Tà Lài, tỉnh Đồng Nai. Sông Đa Nhim, góp nước vào sông Đắc Dung ở Đại Ninh. Ở khoảng hợp lưu với sông Bé thì có đập Trị An chắn dòng sông, tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam, tức hồ Trị An cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An cũng là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về. Đến thị trấn Uyên Hưng thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc-Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố. Sông chảy qua thị xã Biên Hòa và Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Vì vậy ca dao có câu: Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về... Gia Định là rẽ theo sông Sài Gòn lên phía Tây Ninh, còn Đồng Nai là theo dòng sông lên Biên Hòa. Nhánh chính sông Đồng Nai ở khúc hạ lưu thường gọi là sông Nhà Bè. Sách xưa gọi sông này là "Phước Bình". Sông Đồng Nai hoà với nước của sông Vàm Cỏ từ Long An đổ về trước khi tuôn ra biển Đông. Hai phân lưu chính của sông Đồng Nai là sông Soài Rạp đổ vào vịnh Soài Rạp tại cửa Soài Rạp (rộng 2.000 - 3.000 m, sâu 6 - 8 m) ở huyện Cần Giờ và sông Lòng Tàu (sâu 15-20 m) đổ vào vịnh Gành Rái. Sông Đồng Nai có một số cảng lớn như cảng Cát Lái, cảng Bình Dương. Đường sắt và Quốc lộ 1A vượt sông này qua cầu Đồng Nai ở Biên Hòa. Đồng Nai nguyên tên phiên âm tiếng Miên là "Nông-nại". Đây là vùng đất Chân Lạp người Việt vào khai phá trước tiên. Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai là nơi phát triển sầm uất của cộng đồng người Minh Hương trước khi vùng đất này trở thành đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong năm 1698 VI Cầu Đồng Nai: Cầu Đồng Nai 1 là một cầu đường bộ quan trọng nằm tại km 1872 + 579 thuộc Quốc lộ 1A, bắc qua sông Đồng Nai ở giữa địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Cầu có chiều dài 453,9 m, được thiết kế phần xe chạy 16 m với 4 làn xe, lề dành cho người đi bộ hai bên rộng 3,6 m[1]. Được xây dựng từ năm 1964cây cầu hiện nay đã có dấu hiệu xuống cấp mặc dù là tuyến giao thông huyết mạch với hơn 44.000 lượt xe mỗi ngày. Có cảnh báo cầu có thể bị sập bất cứ lúc nào Hiện tại, dự án xây dựng cầu Đồng Nai 2 nằm song song với cây cầu đang được tiến hành để có thể thay thế hoàn toàn cho cầu Đồng Nai cũ. Cầu Đồng Nai 2 là cầu bắc qua sông Đồng Nai song song với cầu Đồng Nai cũ, trên Quốc lộ 1 giữa thành phố Biên Hòa và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Cầu được thiết kế vĩnh cửu, tải trọng cao hơn tải trọng cầu cũ và theo tiêu chuẩn cầu cấp 1 của Việt Nam (HL - 93). Độ tĩnh không thông thuyền từ dưới mặt nước lên cầu là 50 m, chiều rộng không gian tàu bè qua lại là là 7 m. Tổng vốn đầu tư dự kiến dự án là 1887 tỷ VND đồng, sau khi hoàn thành cầy cầu mới này sẽ góp phần giảm tải áp lực đối với cầu Đồng Nai, hiện đang xuống cấp trên tuyến độc đạo từ Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh này. Cầu được khánh thành và chính thức thông xe vào ngày 30 tháng 12 năm 2009. VII Danh Lam Thắng Cảnh: 01 Rừng thác Mai - Tỉnh Đồng Nai Cách TP HCM không xa, trên ranh giới giữa hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, thác Mai là một địa điểm thiên nhiên kỳ thú, còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, rất thích hợp cho chuyến đi ngắn ngày của người dân thành phố. Thác rất lớn, có chiều dài khoảng 2 km, diện tích mặt nước và bãi đá ước tính 500 ha, được hợp thành từ vô số dòng suối, thác và sông con. Dạo chơi ở khu vực này bạn sẽ thấy một thác Mai gai góc, lởm chởm và bí hiểm... Nước cứ nối tiếp nhau xô vào đá, còn đá cũng nối tiếp nhau trùng điệp, chừng như dòng thác không có chỗ tận cùng. Khu vực thác tắm nằm ở phía trên dòng chảy. Ở đây, có chỗ nước không sâu, dòng chảy hiền hoà, êm ả giữa những tảng đá tròn trịa. Tiếng nước nhè nhẹ nghe như reo bên mạn thuyền. Cũng có đoạn rộng mênh mông, gập ghềnh đá và nước tung bọt trắng xoá. Đặc biệt ở đây có những tảng đá dài lõm ruột ở giữa như thuyền độc mộc, mà nước theo những kẽ nhỏ vẫn có thể ra vào. Hai, ba người có thể nằm chơi thoải mái như trong một "khoang thuyền" vậy. Khách cũng có thể chiêm ngưỡng những tảng đá to có hình các con vật như voi, gấu, rùa, ếch... Động Kim Quy, còn gọi là Tam Sơn Nhất Động luôn là nơi thu hút sự chú ý của du khách. Sâu trong động có những tảng đá hình thù kỳ lạ, có 6 đường hướng lên trời và ba đường hướng xuống đất, nên được đặt tên là Tam Thiên Địa - Lục Thiên Đình. Vẻ đẹp thác Mai được tăng thêm nhiều lần vào mùa hoa nở. Ở đây có rất nhiều loại mai rừng và lan rừng, như Thuỷ Tiên, Ngọc Điểm và Trường Kiếm... Dọc thác còn vô số loại trái cây, nhiều nhất là xoài mút và hồng. Ngoài các loại thú rừng như: gà rừng, heo, nhím, chồn, dưới thác có nhiều loại cá, đáng nói nhất là cá lóc đá. Loại cá này thường có màu xanh, to con, thịt ngon và. Trên đường về, du khách có thể ghé thăm bàu nước sôi cách đó không xa. Tại đây có mạch nước nhiệt độ lên đến 70-80 độ C, nước không có mùi, tắm và rửa mặt rất dễ chịu. 02 Khu du lịch Bửu Long - Hồ Long Ẩn - Đồng Nai Nằm trong thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) cách TP HCM chừng 25 km, với phong cảnh hữu tình, thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, có thể nói Bửu Long là thắng cảnh có một không hai ở miền Đông. Năm 1990 khu du lịch Bửu Long đã được Bộ Văn hoá công nhận danh thắng quốc gia. Cách trung tâm thành phố Biên Hoà 6 km, khu du lịch Bửu Long được xây dựng quanh một hồ nước nhân tạo do khai thác đá. Đó là hồ Long Ẩn, hồ rộng hàng chục héc ta. Có thể nói hồ Long Ẩn là một bức tranh thu nhỏ của Hạ Long. Vô số vách đá soi bóng trên mặt nước xanh tạo cho hồ vẻ đẹp hấp dẫn trong một cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại. Ðến Bửu Long, du khách sẽ lần lên ốc đảo cao 35 m nằm giữa lòng hồ, nơi quần tụ của hàng chục loài chim quí hiếm, du ngoạn trên mặt hồ bằng tàu thủy, hoặc Pédallo Thiên Nga, tham quan con rồng đá phun nước khổng lồ, các tiểu cảnh nàng tiên cá, nhà rông... của công viên Khổng Long khánh thành từ tháng 2 năm 1995. Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có ngôi chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rủ xuống đầy vẻ huyền bí. Sau khi tham quan hồ, leo núi vãn cảnh chùa, vui thú với các trò chơi trên mặt nước, du khách còn có thể kết hợp về thăm làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, tham quan nghề đục đá truyền thống mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17 thuộc miền Lưỡng Quảng, Trung Hoa của một cộng đồng nhỏ người Hoa sống gần hồ. Bửu Long với hồ Long Ẩn là nơi hấp dẫn khách du lịch muốn dã ngoại tìm đến thiên nhiên trong một ngày nghỉ thư giãn. 03 Mộ cổ Hàng Gòn - Đồng Nai Là một di tích văn hoá đã được xếp hạng, tiêu biểu cho nền văn hoá cổ đại xuất hiện cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Mộ cổ Hang Gòn do ông Bouchot J. một kỹ sư cầu đường người Pháp phát hiện vào năm 1927 khi mở đường liên tỉnh số 2 nối Long Khánh và Bà Rịa. Mộ cổ có kiến trúc gồm hai hàng trụ đá bao quanh một hầm mộ. Có 10 trụ đá cao từ 2,5-3 m. Hầm mộ có dạng hình hộp kích thước 4,2 x 2,7m và cao 1,6m. Nét đặc biệt của ngôi mộ cổ là được ghép bởi những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, riêng nắp mộ ước tính khoảng 10 tấn. Có nhiều phiến đá lớn bằng phẳng, xếp cân đối, tinh vi, khoa học, biểu trưng cho nền văn minh của người xưa. Ngôi mộ này là một trong những di tích tiêu biểu cho loại hình "DOLMEN" ở Ðông Nam Á và NBSP. Từ năm 1992, mộ cổ Hàng Gòn được trùng tu và xây tường bảo vệ, lát gạch quanh hầm mộ để chống xói mòn và trồng nhiều cây xung quanh. Ðây là ngôi mộ cổ nhất và có quy mô nhất tại Việt Nam còn được bảo tồn đến ngày nay. Mộ cổ Hàng Gòn nằm ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Lộc, trên độ cao 250 m về phía tây tỉnh lộ 2 (Long Khánh đi Bà Rịa), cách thành phố Biên Hoà 80 km. 04 Chợ Huế Ở Đồng Nai Hồi mới xa quê, tôi nhớ đến nao người. Ăn gì cũng thấy thiếu vị cay của ớt, vị thơm của ruốc. Một người bạn dạy cùng trường biết được điều đó bèn bảo tôi: "Tưởng gì, thèm ăn món Huế hả? Mai đi với tớ !". Theo chân người bạn, tôi đến chợ Quảng Biên thuộc huyện Thống Nhất của Đồng Nai. Vào chợ, tôi có cảm giác như đang đứng ở giữa chợ Bến Ngự hay An Cựu của Huế. Người bán và người mua đều nói giọng Huế. Hàng hóa ở đây cũng "rất Huế". Bạn có thể bắt gặp ở đây những hũ tôm chua đỏ au những ớt là ớt (mà người Nam thì "hổng dám đâu"). Bà bán ruốc với cái chậu đầy vun có ngọn và cứ luôn miệng: "Đảm bảo ruốc Huế trăm phần trăm". Hàng rau sống không chỉ có khế chua, chuối chát mà còn có vả nữa (móm ăn kèm với thịt ba chỉ, tôm chua). Tôi hỏi chị bán hàng: "ở đây cũng có vả sao chị?". "Đâu có, đem từ Huế vô đó!". Những chuỗi hạt sen khô treo trên cao gợi nhớ hồ Tịnh Tâm. Những chiếc nón bài thơ mỏng mảnh làm tôi hơi ái ngại. Thời tiết trong này đâu có "dịu dàng" như Huế, e rằng... Như đóan được ý nghĩ của tôi, chị bán hàng đon đả: "Nón Huế bền lắm em nợ. Ngó rứa chứ đội được lâu lắm đó. Một ngày chị bán được vài chục cái là chuyện thường". Đến hàng đồ ăn thì từ ram ít, nậm, lọc, bánh ướt đến những chén chè xanh đánh đều có cả. Và nhiếu nhất có lẽ vẫn là : Bún bò Huế. Bạn có thể gặp bất cứ nơi nào ở đất Đồng Nai này bảng hiệu "Bún bò Huế", nhưng ăn vào- nếu là người Huế bạn sẽ thất vọng, vì cái váng đỏ nổi lên kia không phải là ớt để bạn vừa ăn vừa hít hà đến đổ mồ hôi hột. Nó chỉ là màu của bột hạt điều (đào lộn hột) mà thôi. Nhưng ăn bún ở chợ Quảng Biên thì bạn sẽ có được cái vị độc đáo ấy. Phong cách mua bán ở đây cũng rất Huế. Họ đòi thách không thua gì chợ Đông Ba. Chợ mà. Họ mời mọc khiến cho bạn khó lòng bỏ đi dù biết mua hớ đôi ba ngàn. - Răng? Ưng chưa? Chị gói hỉ? Rồi thì: - Lần sau nhớ ghé hàng chị nghe em! Người Huế vào lập nghiệp ở Đồng Nai rất đông. Họ là những người đi kinh tế mới cũng có; những người di dân tự do vào lập nghiệp cũng có. Nhưng hầu hết họ đều cần cù chịu khó và khá thành đạt nơi đất khách quê người. Dù ở nơi đâu, với công việc gì, điều đáng trân trọng ở họ là vẫn giữ được nét Huế trong cách sinh hoạt. 05 Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai - Sức sống của một vùng đất Văn miếu đầu tiên của đất nước ta được xây dựng năm 1070, đó là văn miếu ở Thăng Long, xây dựng đời vua Lý Thánh Tông. Văn miếu là nơi thờ phụng các bậc vĩ nhân, danh nhân tiêu biểu của đất nước và là nơi hội tụ, biểu trưng Văn miếu Trấn Biên ở của văn hóa dân tộc. Đồng Nai Trải qua thời gian, những giá trị văn hóa cũng như tinh thần hiếu học của người Việt Nam chẳng những không bị mai một đi mà ngày càng phát triển và theo chân những người đi mở đất để đến với tất cả mọi người. Năm 1698 khi Chưởng cơ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất thì vùng Đồng Nai bấy giờ đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất ở phía nam. Nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho vùng đất mới, 17 năm sau, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa giáo dục ở vùng đất Đồng Nai. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...”. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng ở phương nam. Người Đồng Nai kính trọng gọi đó là Văn Thánh miếu, nơi không chỉ thờ Khổng Tử mà còn thờ phụng các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, giáo dục của đất nước. Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai là sự tiếp nối truyền thống của Văn miếu Thăng Long, là biểu trưng của tinh thần hiếu học và những giá trị văn hóa. Năm 1861, thực dân Pháp xâm lược đã tàn phá Văn miếu Trấn Biên nhằm mục đích tiêu diệt nguyên khí quốc gia, triệt tiêu sĩ phu yêu nước, dập tắt tinh thần yêu nước của người dân vùng Đồng Nai. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhất là các cuộc chiến tranh xâm lược của giặc ngoại xâm, trong tâm thức của người Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên luôn luôn tồn tại. Ngày 9 tháng 12 năm 1998 văn miếu được khởi công khôi phục lại tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, diện tích 2 ha. Ngày 14 tháng 2 năm 2002, văn miếu chính thức mở cửa đón khách tham quan. Rùa đội hạc, trống hội Thăng Long... như nhắc nhở chúng ta về cội nguồn Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bia tiến sĩ được khắc bằng đá với dòng chữ đầu tiên “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bia văn miếu được đặt trong nhà trung tâm đã ghi lại vị trí của Văn miếu Trấn Biên trước đây, sau khi bị tàn phá không còn dấu tích gì. 06 Du lịch vườn Long Khánh - Tỉnh Đồng Nai Long Khánh là vùng đất nổi tiếng về trái cây của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh việc phát triển du lịch miệt vườn, nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa của miền Đông Nam Bộ. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 1A khoảng chừng 80 km về hướng đông bắc, qua khỏi đèo Mẹ Bồng Con là tới vùng Long Khánh (Đồng Nai). Du lịch vườn ở Long Khánh hằng năm diễn ra nhộn nhịp, nhất vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Thời điểm này là lúc chôm chôm, sầu riêng đã cho trái chín. Đi trong vườn cây rợp bóng xanh mát dịu, du khách sẽ cảm thấy thích thú ngắm nhìn những chùm chôm chôm chín đỏ lơ lửng trên đỉnh đầu, những chùm dâu màu vàng mơ đeo lủng lẳng từ trên cành xuống tận gốc, và thoang thoảng trong gió, mùi thơm của sầu riêng đầy quyến rũ. Đến với du lịch vườn Long Khánh, bạn sẽ được tận hưởng một không gian trong lành, mắt được ngắm nhìn những sắc mầu của cây trái, mũi được ngửi mùi thơm và sẽ được nếm các hương vị ngọt ngào của những loại trái cây. Điều thú vị nhất của du lịch vườn là bạn có thể trèo lên cây tự tay mình hái trái đem xuống cân, trả tiền và ăn thoải mái. Nếu đi thành đoàn đông người thì du khách có thể mua nguyên cả cây để ăn. Sau khi ăn no, nhà vườn có trách nhiệm cắt hết những trái còn lại cho khách đem về. Ngoài ra, các nhà vườn còn mở dịch vụ... "bao bụng", nghĩa là bạn ăn cho đến chán chê thì thôi. Tùy theo giá cả mỗi năm và tùy từng loại trái cây mà giá "bao bụng" khoảng chừng 20.000 đến 80.000 đồng cho một người ăn. Bên cạnh du lịch vườn, Long Khánh còn có những điểm tham quan hấp dẫn mà bạn có thể ghé thăm. Đó là Khu Văn hóa Suối Tre, mộ cổ Hàng Gòn, tượng đài chiến thắng Long Khánh... Khu Văn hóa Suối Tre nằm cách thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh chừng 3 km về hướng tây bắc. Nơi đây vốn là nơi nghỉ mát của người Pháp, thuộc các đồn điền cao- su SIPH được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Suối Tre ở giữa những cánh rừng cao-su mát dịu, xen lẫn là những ngọn đồi nhấp nhô và cả những cổ thụ xòe tán, khiến nơi đây có cảnh quan như một Đà Lạt thu nhỏ, gợi nên nét đẹp riêng. Cả khu vực này rộng trên chục héc-ta, với nhiều đồi cỏ nhấp nhô, những hàng dương bóng mát, và nhiều cây cao cổ thụ cả 100 tuổi. Đặc biệt con suối uốn quanh bao bọc bên những bờ tre xanh ngắt tạo nơi đây thành một bức tranh thơ mộng và hữu tình. Suối Tre đã được mệnh danh là "Đà Lạt của miền Đông"! Từ thị trấn Xuân Lộc ngược về phía tây nam khoảng chừng 5 km là đến một di tích kiến trúc cổ, mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phương Nam, đó là ngôi mộ cổ Hàng Gòn (còn gọi là mộ Cự Thạch, hay mả Ông Đá). Đây là một kiến trúc độc đáo nằm trong lòng đất, có niên đại cách đây hơn 2.500 năm. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1927 và được trùng tu vào năm 1992. Di tích là một hầm mộ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn, lắp ghép theo hình hộp chữ nhật, chiều dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m, bề mặt được bào khá nhẵn. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa các tấm đá nhờ vào hệ thống rãnh dọc, trông đơn giản nhưng thật vững chắc. Chung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, đầu khoét lõm hình yên ngựa. Năm 1984, Bộ Văn hóa xếp hạng mộ cổ Hàng Gòn là di tích quốc gia, một trong mười di tích quan trọng ở Nam Bộ. Đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật của người Việt cổ. Nếu còn thời gian, bạn có thể tham quan tượng đài chiến thắng Long Khánh, là nơi được xem như một biểu tượng rất đáng tự hào của quân và dân Long Khánh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. 07 Phật Tích Tòng Lâm: chùa trắng giữa rừng tòng - Tỉnh Đồng Nai Một trong những thắng cảnh ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là Phật Tích Tòng Lâm. Đây là quần thể kiến trúc cụm chùa có những nét văn hóa đặc sắc. Trong không gian tràn đầy bóng râm của các cây cổ thụ, du khách cảm thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Điều để lại ấn tượng cho du khách là dòng suối thiên nhiên Phật Tích Tòng Lâm trong vắt chảy ngang qua chùa. Cũng từ đó mà trước kia hòa thượng tổ sư nảy sinh ý định xây dựng thành một đại già lam như ngày nay. Nước suối mát lạnh có thể hạ nhiệt ngọn lửa trần tục mỗi khi khách thập phương dùng đến. Do vậy, không ngẫu nhiên con suối được mang tên suối "giải thoát". Cảnh quan ở Phật Thích Tòng Lâm càng thêm phần tôn nghiêm bởi cụm tượng nghệ thuật đồ sộ, nhất là ở Bạch Liên tự. Khác với tượng Quan Âm sừng sững trước chánh điện Phật Tích Tòng Lâm, tượng Phật Thích Ca uy nghiêm trên tòa sen, tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn diệu kỳ của chùa Bạch Liên được đặt trong các bảo tượng đài. Riêng cụm tượng "lục cảnh động tâm" (cảnh Phật xuất gia, Phật thành đạo, Phật thuyết Pháp ...) tạo ra những Phật tích mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tất cả các hạng mục công trình đều lấy màu trắng làm nền, tạo nên một vùng không gian thanh khiết. Vì sao không có gam màu vàng truyền thống của cảnh chùa chiền? Ni sư Thích nữ Như Linh, trụ trì chùa Bạch Liên nói rằng, khi còn là cư sĩ, ni sư rất thích bông sen trắng bởi nó là biểu tượng của tinh khiết, vô nhiễm của người chân tu. Về sau, khi hội đủ nhân duyên xây chùa, ni sư đặt tên là Bạch Liên là do vậy. Và cũng không ngờ, cụm tượng Phật tích màu trắng nguyên sơ ở đây đã làm cho Phật Tích Tòng Lâm trở nên độc đáo, có sức hấp dẫn về du lịch, văn hóa. Quả thật, vào những ngày cuối tuần và các dịp đại lễ, Bạch Liên tự ở Phật Tích Tòng Lâm thường là điểm tham gia của du khách. Đến đây, họ cảm thấy thư thái tâm hồn, để lại sau lưng những nỗi lo đời thường. Như đóa sen trắng nổi lên giữa màu xanh mênh mông của nền trời, Phật Tích Tòng Lâm với ngôi chùa trắng trong rừng tòng làm tăng thêm sắc thái mỹ học trong nghệ thuật kiến trúc chùa ở miền đông Nam bộ. 08 Về sông Ray - Tỉnh Đồng Nai Mỗi con sông Việt Nam quê hương đều mang trong mình những kỳ tích hay những huyền thoại. Sông Ray cũng vậy, dòng sông này được mệnh danh “điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”… Chuyện “dấu chấm đỏ” trên bản đồ Sông Ray Nếu so với các dòng sông khác của miền Nam thì sông Ray không dài lắm. Nó chỉ khoảng chừng 150 km, bắt nguồn từ vùng núi Xuân Lộc (Ðồng Nai), chảy qua hai huyện Long Ðất và Xuyên Mộc (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi lặng lờ đổ ra đại dương bằng cửa biển Lộc An. Lộc An là hạ lưu và đồng thời cũng là cửa biển của sông Ray. Cửa Lộc An lại là ranh giới của hai huyện: Long Ðất (hữu ngạn), Xuyên Mộc (tả ngạn), đều thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên phía Xuyên Mộc có biển Bến Cát - mũi Hồ Tràm, bên phía Long Ðất có biển Lộc An - Phước Hải. Vùng biển Bến Cát - Hồ Tràm - Lộc An - Phước Hải trải dài 15km. Ít vùng biển nào của Việt Nam có một địa thế và phong cảnh tuyệt đẹp như nơi này. Ở đây có những dải cát trắng vàng, nhiều đồi cát cao đến 7 mét, tạo nên những "sa mạc" chạy tít tắp. Thật khó hình dung nơi quá đỗi đẹp, thanh bình hôm nay, ngày xưa lại đã từng được “điểm” thành một “dấu chấm đỏ” trên bản đồ của quân địch. Vì sao vậy? Do cửa sông Lộc An rộng, độ sâu từ 20 - 30 mét là lợi thế lý tưởng cho tàu thuyền cập cảng. Hai bên bờ sông có cây cối mọc rậm, không dân cư sinh sống nên dễ vận chuyển, che giấu được vũ khí…Với vị trí chiến lược này mà từ thời Pháp, cửa biển Lộc An đã trở thành tuyến giao thông nối liền giữa miền Bắc và miền Ðông Nam bộ. Tháng 9 năm 1946, chiếc tàu chở khí tài đầu tiên của Trung ương từ miền Bắc vào miền Nam đã cập bến Lộc An an toàn. Ðến thời Mỹ, Trung ương Cục miền Nam đã quyết định chọn cửa Lộc An làm điểm đón những con tàu chở vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Nhiều chuyến tàu trong thời gian này đã cập bến an toàn, cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang ở miền Ðông Nam bộ, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt như Ðồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phước Long… 08.1 Khám phá dòng sông Thật ra, sông Ray nằm cách khu du lịch chỉ một đồi cát chừng 500 mét. Vì ở đây chưa có dịch vụ thuyền du lịch, nên khi muốn tham quan thuê một chiếc thuyền của ngư dân đánh cá. Khám phá sông Ray có hai hướng, nếu ngược dòng, sẽ gặp khu rừng cấm - rừng nguyên sinh ngập mặn Phước Bửu - Xuyên Mộc. Nơi đây là một "kho tàng" về hệ động thực vật quý hiếm. Rừng có khoảng 200 loài thực vật với nhiều gỗ quý như cẩm lai, căm xe, bằng lăng…; động vật đến hơn 150 loài, nhiều nhất là khỉ, trăn, rắn, chồn, các loại chim rừng… Hướng xuôi về hạ lưu sông Ray để câu, nướng cá và đặc biệt là phải tận mắt nhìn, chụp hình cửa biển Lộc An đầy huyền thoại. Co thể tổ chức câu cá và mua thêm hải sản của những tàu đánh bắt trên sông, nướng thưởng thức ngay trên khoang tàu, thật vui, đầy thú vị. Thuyền đến gần cửa biển, bên tay phải bỗng hiện ra một dải cát trắng rộng mênh mông, phẳng lì men theo mé sông rồi bất chợt đâm sầm ra biển như mũi một con tàu, người tài công cho biết, ngư dân ở đây gọi mũi này là "mũi Bến Cát". Thuyền đã đến cửa biển. Lúc này trời nắng hơn, tạo cho mặt biển màu xanh thẳm đến "nhức mắt". Ðứng ở vị trí này thấy đất trời bao la hơn. Sông, biển, rừng, đồi cát…tạo nên bức tranh thật nguyên sơ, thật đẹp mà mấy khi người thành phố được tận hưởng…. 09 Khám phá đảo Ó - Ðồng Trường Ðảo Ó và đảo Ðồng Trường là hai hòn đảo nằm giữa lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai). Ðó là một điểm du lịch sinh thái gần thành phố Hồ Chí Minh, rất hấp dẫn bởi sông nước, rừng, cây, hoa lá, đặc sản tuyệt vời. Đảo Ó Từ thành phố HCM, theo quốc lộ 1A hướng về Ðồng Nai, đến ngã ba Trị An thì rẽ trái, đi 8km nữa đến trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện lỵ Vĩnh Cửu) rồi đến bến thuyền Ðồng Trường. Sau 30 phút thưởng thức thú ngồi thuyền rong chơi trên hồ Trị An, bạn sẽ đặt chân lên đảo Ó. Nằm giữa lòng hồ, cách đất liền không xa, nhưng đảo Ó như một ốc đảo tách biệt. Trên diện tích 2,2 ha nay, Công ty du lịch Ðồng Nai đã khéo phối hợp cảnh sắc thiên nhiên mà tạo dựng một khu du lịch tuyệt đẹp. Ðặt chân lên đảo, du khách thật bất ngờ trước khung cảnh cây lá xanh tươi, trăm hoa khoe sắc. Con đường vòng quanh đảo khi thì rợp bóng cây cao, khi thì chập chờn bướm hoa và gió lộng. Bãi cát cuối đảo sóng vẫn vỗ về cũng là nơi bạn có thể đắm mình vui đùa trong làn nước hồ trong xanh và mát mẻ. Ở đây có một máng trượt nước cao 15 mét cho những ai thích tìm cảm giác mạnh. Ngoài ra, còn có các trò vui chơi như đi ca nô, mô tô nước, phóng phi tiêu, đánh cờ... Buổi trưa, nhà hàng đãi bạn món đặc sản: cá lăng nấu canh chua và cá lăng kho tộ. Cá lăng tươi chong mới bắt lên từ hồ Trị An, thịt thơm, ngọt và béo. Cơm trưa xong, bạn chọn một chiếc võng dưới bóng cây râm mát nằm đung đưa theo làn gió sông ngọt mùi cây cỏ, ru giấc ngủ bằng tiếng chim hót và tiếng sóng vỗ dạt dào. Nét độc đáo của hai ốc đảo này là gần TP.HCM (khoảng 70 km), tiện cho du khách muốn đi du lịch trong hai ngày nghỉ cuối tuần (có thể sáng đi chiều về, hoặc ở qua đêm). Ðến đây bạn sẽ được đắm mình vào thiên nhiên trong lành, yên ả và của mênh mông sông nước.Nếu muốn nghỉ qua đêm, đã có những nhà nghỉ rất đẹp ẩn mình dưới rừng cây bên mé đảo hoặc trên đồi cao trông xuống toàn cảnh hồ. Còn gì bằng nếu được đón trăng lên trên đảo! Giá một số dịch vụ vui chơi giải trí ở đảo Ó: Nhà nghỉ qua đêm 120.000đ/phòng đôi (có quạt); ca nô 500.000đ/giờ đi được 10 người; mô tô nước 300.000đ/giờ (đi được hai người); cơm phần từ 19.000 - 25.000/phần; võng 5.000đ/chiếc (không giới hơn thời gian). 10 Thác An Viễn - Đồng Nai Tên thác cũng là tên của một nông trường cao su thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai, nơi dòng thác chảy qua. Thác cách TPHCM hơn 60 km về phía Đông. Trên Quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu, tới thị trấn Long Thành, bạn rẽ trái, hỏi đường đến Nông trường An Viễn. Rất nhiều người dân Long Thành là công nhân của nông trường cao su này. Để đến thác bạn phải vượt qua một cánh rừng cao su lớn. Tuy vậy, thác nằm không xa khu dân cư. Nó ở ngay sau một nhà tập thể của công nhân viên nông trường. Đây là một điểm bạn có thể ghé lại trên đường du lịch Vũng Tàu. Vào chơi thác và trở ra quốc lộ chỉ mất hơn một tiếng. Rửa mặt bằng dòng nước thác mát lạnh sẽ giúp bạn bớt mệt nhọc trên đường xa. Thác không cao, nếu không muốn nói là thấp, nhưng nước chảy xiết. Mùa mưa, nước xoáy tạo thành một hồ nước sôi sùng sục. Khung cảnh quanh thác rất thơ mộng với rừng cao su xào xạc lá. Bạn sẽ thoải mái với một máy ghi âm và những bản tình ca Văn Cao. Tiếp tục chảy vào cánh rừng ngút ngàn, dòng nước có một dáng vẻ u buồn lạ kỳ vào những khi trời chuyển mưa... 11 Thác Giang Ðiền - Đồng Nai Nằm trong địa phận xã Giang Điền, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, thác Giang Điền hiện nay được xem là điểm dã ngoại sinh thái cuối tuần khá mới mẻ và hấp dẫn du khách (nhất là các bạn trẻ đi picnic) từ TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận tìm đến. Để đến được thác Giang Điền, Thác Giang Điền có thể xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đến ngã ba Vũng Tàu, rẽ trái quốc lộ 51, đến ngã ba Thái Lan, rẽ trái chừng 15km là đến thác. Hoặc từ TP.Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A chạy thẳng đến huyện Thống Nhất, đến chợ Trà Cổ, có ngã ba rẽ phải theo đường đất đỏ, qua cầu Giang Điền gặp ngã ba tiếp tục rẽ trái chừng 1km là đến nơi. Không kỳ vĩ như những dòng thác ở Tây Nguyên, nhưng do địa thế ở đây rộng, thoáng, con thác trải dài có rất nhiều tảng đá trên đỉnh tạo ra nhiều dòng chảy, tung bọt trắng xóa, rất đẹp. Hai bên bờ suối có rất nhiều hoa dại và bướm, cây cối xanh rì, trông rất thơ mộng. Có lẽ vì nằm giữa những ruộng lúa xanh ngắt nên có tên gọi là thác Giang Ðiền. Vào mùa nắng, dòng thác có màu trắng bạc, chảy yên ả hiền hòa. Nhưng vào những tháng giữa mùa mưa, dòng nước chuyển sang màu vàng đục, nươc chảy xiết, tiếng nước réo âm vang đến hàng cây số. Nước tung bọt và bốc lên thành tấm màn mờ mờ phủ trên ghềnh thác. Trước đây, có nhiều cây cổ thụ tán tròn nghiêng bóng xuống dòng thác, chúng ta có thể nằm gối tay trên những thân cây đong đưa trên thác để nghe tiếng thác reo dưới vòm lá mát rượi. Nhưng nay trên thác chỉ còn lại vài cây nhỏ, thay vào đó là những quán lá. Ven dòng và giữa dòng thác, có những tảng đá to, chỗ câu cá lý tưởng. Mặc dù nước chảy mạnh nhưng thác vẫn có rất nhiều cá, đặc biệt là cá lớn. Mùa nắng các bạn có thể đắm mình trong dòng nước trong veo mát lạnh. Dòng suối từ chân thác chảy ngoằn ngoèo dưới tán cây xanh tạo nên một khung cảnh khá ngoạn mục. Bên suối có nhiều nhà tranh nhỏ, tình hình an ninh ở khu vực tương đối bảo đảm. Các bạn có thể dạo chơi trên con đường dọc theo chân thác trong một đêm trăng để thưởng thức cảnh "trăng mờ bên suối". Đến thác Giang Điền bạn tha hồ tắm, tha hồ đắm mình, vũng vẫy trong dòng nước trong vắt, mát lạnh. Có sẵn các nhà chòi dọc theo bờ suối rất mát mẻ, cho thuê với giá 50.000đ/ngày (có kèm theo 4 võng) với sức chứa 10 người. Khi đến thác, bạn nhớ mang theo đồ ăn, thức uống. 12 Thác Ba Giọt - Đồng Nai Thác Ba Giọt thuộc địa phận xã Phú Hòa, huyện Ðinh Quán, tỉnh Ðồng Nai, cách TPHCM khoảng 130 km. Theo Quốc lộ 20 TPHCM - Ðà Lạt, vừa qua cầu La Ngà đến km 107, các bạn sẽ gặp một đường lớn bên trái. Ðường này dẫn đến một bến phà nhỏ. Qua phà, quẹo phải, hỏi thăm đường vào thác sẽ được chỉ dẫn đến tận nơi. Ðường "du lịch" đến thác khá khó đi, khách phải gởi xe, rồi vượt một đoạn đường bộ lau sậy um tùm, lội qua một dòng suối nước ngập tới đầu gối, rồi vượt qua vài con dốc. Khi vừa thấm mệt và có ý muốn quay về thì thác sẽ đột ngột hiện ra bất ngờ, như một phép lạ làm tan biến mọi nỗi mệt nhọc. Thác có tên là Thác Ba Giọt, vì đổ xuống theo ba dòng nước. Nhìn từ xa ba dòng chảy quả có dáng dấp của ba giọt nước. Ðây là một thác lớn có thể so sánh tầm cỡ với những thác ở Ðà Lạt. Nhưng thác không làm du khách có cảm giác mình đang ở Ðà Lạt mà lại làm du khách liên tưởng tới... Vũng Tàu. Với bờ cát thoai thoải, nhìn những con sóng bạc đầu xô vào bờ từ dòng nước chảy mạnh, có lúc chúng tôi nghĩ là nước thác sẽ... mặn! Quanh thác và đặc biệt ngay giữa dòng nước có nhiều khóm hoa cao quá đầu người. Hoa đủ màu lung linh trên mặt nước bạc. Thác không có nhà dân, chỉ có vài túp lều của người đánh cá. Các bạn có thể mượn lưới và học cách đánh cá của những thanh niên chất phác ở đây. Người dân địa phương cũng có nói với chúng tôi rằng đi ngược dòng chảy không quá xa sẽ còn nhiều con thác nữa...
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net