logo

Bại Não

Định nghĩa: Người ta gọi chứng bại não ( celebral palsy) đề chỉ não bị liệt. Đây là môt khuyết tật ảnh hưởng đến cử động và tư thế của cơ thể. Nguyên nhân là do tổn thương não xảy ra ở thời kỳ còn là thai nhi, trong lúc sinh hay sau khi sinh ra.Toàn bộ não không bị tổn thương mà chỉ một phần bị tổn thương và chủ yếu là phần não điều khiển hoạt động..
BẠI NÃO Muc tiêu 1. Chỉ ra được một một số đặc điểm về dịch tễ chứng bại não ở trẻ em. 2. Trình bày các nguyên nhân bại não trước sinh và sau sinh 3. Mô tả các đặc điểm về lâm sàng , cận lâm sàng ở giai đọan sớm và muộn 4. Trình bày được các loại bại não . 1. Đại cương Định nghĩa: Người ta gọi chứng bại não (cerebral palsy) để chỉ não bị liệt . Đây là một khuyết tật ảnh hưởng đến cử động và tư thế của cơ thể. Nguyên nhân là do tổn thương não xảy ra ở thời kỳ còn là thai nhi, trong lúc sinh hay sau khi sinh ra. Toàn bộ não không bị tổn thương mà chỉ một phần bị tổn thương và chủ yếu là phần não điều khiển vận động. Phần não bị tổn thương không có khả năng hồi phục lại được nhưng cũng không tiến triển xấu đi. Tuy vậy , các cử động , tư thế và các vấn đề khác liên quan đến bại não có thể được cải thiện hay xấu đi sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của não và phần điều trị của chúng ta. 2. Dịch tễ Ở một số nước bại não là một vấn đề phổ biến của khuyết tật vật lý; một số nước khác chứng bại não đứng hàng thứ hai sau bại liệt. Người ta ước tính có khoảng 1/300 trẻ sinh ra bị chứng bại não ( David Werner, Dissabled Village Children 1996). Tại Viêt Nam hiện chưa có thống kê về sô trẻ bại não trong phạm vi toàn quốc . Số liệu trẻ bị chứng bại não qua một số công trình trong nước như sau : Theo Lê Các, tại 13 xã huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam , năm 1995 ghi nhận được 67 trẻ duới 15 tuổi bị bại não.Dương Vĩnh Linh nghiên cứu năm 1992 tại 5 xã thuộc huyện Hương Trà ghi nhận trong số 537 trường hợp bị khuyết tật ở người lớn và trẻ em; trong đó có 11 trường hợp trẻ bị bại não . Nghiên cứu của Nguyên văn Nhân và Lê thanh Bình với 104 trẻ khuyết tật ở 10 phường của thành phố Huế năm 1995 có 39 trẻ dưới 15 tuổi bị bại não. 3. Nguyên nhân. 3.1. Nguyên nhân trước lúc sinh - Nhiễm trùng ở mẹ lúc mang thai: Sởi Đức - Herpes zoster. - Bất đồng nhóm máu mẹ con ( Rh, O A B ). - Mẹ bị đái đường , mẹ bị nhiẽm độc thai nghén. - Do di truyền: hiếm gặp,và chỉ thấy trong chứng liệt cứng hai chi dưới có yêu tố gia đình . - Nguyên nhân không rõ chiếm 30% các trưòng hợp. 3.2. Nguyên nhân trong lúc sinh -Thiếu oxy : trẻ bị ngạt lúc sinh, sử dụng không đúng oxytocin. -Chấn thương lúc sinh: Thai lớn, mẹ nhỏ và còn trẻ là những yếu tố dễ gây chấn thương não, xuất huyết và tổn thưong não. -Sinh non : Trẻ sinh truớc 9 tháng hay sinh dưới 2 kg có nhiều nguy cơ bị bại não . Ở các nước giàu, một nửa các trưòng hợp bại não là do sinh non. 3.3. Nguyên nhân sau sinh - Sốt cao do nhiễm trùng hay mất nước ( trong tiêu chảy ) . - Nhiễm trùng thần kinh: Viêm màng não - não với nhiều nguyên nhân khác nhau - Chấn thương sọ não. - Thiếu oxy : do ngạt nuớc , ngộ độc khí hơi hay các nguyên nhân khác. - Xuất huyết hay tắt mạch máu não. - U não: gây tổn thưong não và gây các dấu chứng như bại não, song tiến triển càng ngày càng xấu đi. 4. Lâm sàng 4.1. Dấu hiệu sớm - Lúc sinh : người mềm nhũn Trẻ bình thường Trẻ mềm nhũn hình chũ “U “ khi bế trẻ ở tư thế nằm sấp 4.2. Chậm phát triển Khäng xæí Âáöu duûng cháûm âæåüc tay ngáøn 4.3. Khó khăn khi cho bú hoặc ăn Trẻ có thể khó khăn khi bú, ăn hay nhai, thường trẻ dễ bị nôn trớ, ngay khi trẻ đã lớn vấn đề trẻ ăn vẫn còn gặp khó khăn . 4.4. Khó khăn khi chăm sóc trẻ Cơ thể trẻ có thể trở nên cứng đột ngột nên gây khó khăn khi chăm sóc như thay áo quần, tắm rửa, lúc chơi. Khi lớn lên trẻ không thể tự ăn, tự mặc áo quần, tự đi vệ sinh, hay chơi với trẻ khác được.Trẻ có thể mềm nhũn khiến đầu trẻ không thể giữ được hay trẻ đột nhiên cứng như gỗ khiến gây khó khăn khi bồng bế trẻ . 4.5. Tính tình thất thường Trẻ có thể khóc suốt và tỏ ra rất kích thích hay trẻ tỏ ra rất yên tĩnh , không khóc hay không cười. 4.6. Khó khăn trong giao tiếp Trẻ không phản ứng hay phản ứng kém so với các trẻ khác do một phần trẻ bị mềm nhũn, cứng, thiếu cử động các chi . Trẻ chậm biết nói, về sau một số trẻ nói không rõ ràng hay khó khăn khi nói. Lúc đầu thì bố mẹ chưa hiểu được chính xác những điều trẻ muốn nhưng về sau họ sẽ hiểu . Lúc đầu khi thích gì trẻ thường khóc, về sau trẻ sẽ ra dấu bằng tay chân hay bằng mắt những vật mà trẻ muốn. 4.7. Trí thông minh giảm Một số trẻ tỏ ra chậm chạp vì do chứng mềm nhũn, hay cử động chậm chạp, trái lại có một số trẻ khác lại cử động thái quá. Một nủa số trẻ bị bại não có chậm phát triển tinh thần . 4.8. Rối loạn nghe và nhìn Một số trẻ có rối loạn nghe và nhìn . Nếu không phát hiện điều này, nên một số bố mẹ sẽ cho rằng trẻ thiếu thông minh. Cần phải quan sát trẻ và xem trẻ có thể nghe và nhìn ở mức độ nào. 4.9. Co giật Có thể thấy co giật , động kinh ở một số trẻ bị bại não. 4.10. Cảm giác sờ , đau, nóng lạnh, và tư thế Các cảm giác này không bị mất, tuy vậy trẻ bại não có thể khó khăn trong kiểm soát các cử động của mình hay giữ thăng bằng . Do não bị tổn thương nên cần phải kiên nhẫn hướng dẫn lập lại nhiều lần nhằm giúp đỡ cho trẻ khôi phục đưọc . 4.11. Thái độ bất an Trẻ bại não thường có tính khí bất thường : lúc cưòi, lúc khóc, lúc sợ , lúc giận dữ. Điều này có thể do trẻ bất mãn không thực hiện được những điều mình muốn làm. Nếu có nhiều tiếng động hay cảnh náo nhiệt, trẻ sẽ có thể bị hoảng sợ. Những trẻ nầy cần phải kiên nhẫn giúp đỡ trẻ để vuợt qua được sự sợ hãi và kìm chế được tính khí bất thường. 4.12. Phản xạ bất thường Các phản xạ nguyên thủy thấy ở trẻ nhỏ biến mất sau vài tuần sau khi sinh, tuy nhiên ở trẻ bị chứng bại não thì các phản xạ nguyên thủy tồn tại lâu hơn và có thể trở nên quá mức. Phản xạ bánh chè có thể quá mức. Có thể dùng phản xạ gân xương để phân biệt giữa bại não và bại liệt. 5. Các loại bại não Biểu hiện của bại não rất đa dạng do tổn thương não khác nhau, tuy vậy chúng ta có thể xếp bại não theo 3 biểu hiện chính. Ba biểu hiệu chinh này có thể phối hợp nhau hay kèm thêm những biểu hiện phụ khác: 5.1.Cứng cơ Trong loại này, các cơ co cứng khiến cho một phần của cơ thể trở nên cứng. Cử động chậm và khó khăn. Co cứng gia tăng khi trẻ khó chịu hay bị kích thích hay khi trẻ ở trong một tư thế nào đó. Co cứng cơ không giống nhau ở các trẻ bại não. 5.2. Múa vờn Trẻ có những cử động chậm, xoắn hay có những cử động nhanh của bàn chân, cánh tay, bàn tay hay các cơ ở mặt. Tay và chân cử động lộn xộn, không có mục đích. Nếu muốn cử động theo một mục đich thì phần cử động thường nhanh và quá tầm. Trẻ giữ tư thế thăng bằng kém và rất dễ ngã. Phần lớn trẻ múa vờn có trí thông minh bình thường. 5.3. Mất thăng bằng Trẻ thường khó khăn khi tập ngồi hay đứng, thường rất dễ bị ngã và sử dụng tay rất vụng về. Lúc còn nhỏ, sự mất thăng bằng không quan trọng, nhưng khi trẻ lớn, sự mất thăng bằng khiến cho trẻ đi đứng khó khăn và là mục tiêu cho các trẻ khác trêu chọc. Những trẻ bị chứng co cứng hay mứa vờn thường có kèm theo mất thăng bằng, đây là trở ngại chính cho sự tập đi đứng của trẻ. Các phần tổn thương của bại não Tùy theo các phần chi bị tổn thương người ta chia ra 3 thể điển hình: -Thể bại não chi trên và chi dưới cùng bên. -Thể bại não hai chi dưới. -Thể bại não chi trên và chi dưới. 6. Điều trị Điều trị nội khoa hay ngoại khoa? Ngoại trừ các loại thuốc sử dụng để điều trị động kinh, các loại thuốc thường được kê đơn để làm giảm co cứng xem ra không có hiệu quả. Điều trị ngoại khoa trong một vài trường hợp có thể có ích như trong trường hợp co cứng trầm trọng. Ngoại khoa chỉ có thể được đặt ra khi đứa trẻ đã đi được, góp phần cải thiện sự đi đứng tốt hơn. Ngoại khoa cũng không giúp ích gì về chứng mất thăng bằng. Chúng ta phải làm gì? Phần tổn thương của não bộ không có thể phục hồi lại được, tuy vậy trẻ có thể học để sử dụng phần không bị tổn thương nhằm làm những động tác mà mình muốn làm. Một số điểm cần lưu ý : - Một trẻ bị bại não sẽ trở thành một người lớn bại não. Tìm kiếm để chữa trị bại não là điều không tưởng. Điều nên làm là giúp đỡ trẻ để trở thành người lớn có thể sống với sự tàn tật của mình và càng độc lập tự phục vụ chừng nào tốt chừng đó. - Nên giúp trẻ phát triển vận động , giao tiếp, tự săn sóc và quan hệ với người khác. Một đôi khi chúng ta có thể điều trị triệu chứng được thông qua việc giúp đỡ trẻ phát triển những kỷ năng cơ bản. - Bố mẹ trẻ không nên làm mọi việc cho trẻ mà giúp đỡ trẻ vừa đủ để trẻ có thể tự học càng nhiều càng tốt. 7. Phòng ngừa chứng bại não Một sô biện pháp sau đây có thể giúp phòng được bại não: - Mẹ cần được ăn đủ chất dinh dưỡng trước và trong lúc mang thai để tránh sinh non là yếu tố nguy cơ của chứng bại não. - Tránh không có thai ở tuổi còn nhỏ ( 16-17 tuổi ). - Tránh dùng thuốc không cần thiết lúc mang thai. - Khi mang thai, tránh tiếp xúc với người bị sởi Đức - Cần phải thăm khám thai định kỳ. Nếu thấy có bất thường cần phải liên hệ với bác sĩ hay cơ sở y tế chuyên khoa. - Trong qúa trình sinh để, tránh sử dụng các thuốc co bóp tử cung như oxytocin. - Sau khi sinh cần phải cho trẻ bú mẹ ngay và phải bảo đảm trẻ được dinh dưỡng tốt - Tiêm phòng bệnh cho trẻ đặc biệt là tiêm phòng sởi. - Biết các dấu hiệu bệnh trầm trọng như: co giật, không uống được nước, không bú được, ngủ li bì khó đánh thức thì phải chuyển đi bệnh viện ngay. BẠI NÃO Ở TRẺ EM CÂU HỎI KIỂM TRA 1. Nguyên nhân bại não có thể xãy ra : A. Trước lúc sinh B. Trong lúc sinh C. Sau lúc sinh D. Một trong 3 giai đoạn trên E. Không rõ lúc nào cả 2. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân trước lúc sinh gây bại não : A. Nhiễm trùng ở mẹ lúc mang thai B. Bất đồng nhóm máu mẹ - con ( Rh, ABO ) C. Mẹ bị đái đường D. Mẹ bị nhiễm độc thai nghén E. Mẹ bị chấn thương sọ não 3. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân trong lúc sinh gây bại não : A. Nhiễm trùng ở mẹ lúc đang sinh B. Thiếu Oxy ( ngạt ) lúc sinh C. Sang chấn sản khoa D. Sinh non E. Dây rốn quấn cổ 4. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân sau sinh gây bại não : A. Sốt bại liệt ( Bệnh Polio ) B. Nhiễm trùng thần kinh C. Chấn thương sọ não D. Thiếu Oxy não E. U não 5. Dấu hiệu lâm sàng nào sau đây được xem là dấu hiệu sớm trong bại não : A. Chậm phát triển tinh thần - vận động B. Khó khăn khi cho bú hoặc ăn C. Co giật D. Rối loạn nghe và nhìn E. Người mềm nhủn 6. Tính tình của trẻ bị bại não thường biểu hiện : A. Hay khóc B. Hay cười C. Hay giận dữ D. Hay hoảng sợ E. Tất cả đều đúng 7. Tổn thương não trong bệnh bại não chủ yếu là ở phần não điều khiển vận động do đó biểu hiện chinh của bại não trên lâm sàng là : A. Người mềm nhủn B. Người mềm nhủn hoặc co cứng cơ C. Co cứng cơ, cử động không kiểm soát được ( múa vờn ) D. Co cứng cơ, cử động không kiểm soát được ( múa vờn ), mất thăng bằng E. Người mềm nhủn hoặc co cứng cơ hoặc co giật 8. Thể lâm sàng của bại não thường được chia : A. Tuỳ theo trương lực cơ ( co cứng hay mềm ) B. Tuỳ theo các phần chi bị tổn thương ( chi trên chi dưới, hai chi dưới ) C. Tuỳ theo rối loạn cảm giác ( nông hay sâu ) D. Tuỳ theo biểu hiện tính tình thất thường ( khóc, cười, lo sợ, giận dữ ) E. Tuỳ theo phản xạ gân xương ( tăng hay giảm ) 9. Điều nên làm với trẻ bị bại não là : A. Điều trị nội khoa B. Điều trị ngoại khoa C. Người chăm sóc trẻ chỉ giúp đỡ vừa phải. Để trẻ độc lập tự săn sóc . D. Điều trị nội - ngoại khoa E. Kết hợp tất cả 10. Điều nên làm để phòng chứng bại não là : A. Mẹ ăn đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều loại thuốc vitamin lúc mang thai B. Có thai sớm ( 16 -17 tuổi ) và thăm khám thai định kỳ C. Dùng thuốc dục đẻ như oxytocin D. Tránh sinh non E. Tất cả đều đúng Đáp án 1D 2E 3E 4A 5E 6E 7D 8B 9C 10D Tài liệu tham khảo 1. Werner David, Dissabled Village Children, The Hesperian Foundation Edition 1996. 2. Werner David, Wgere thre is no doctor. The Hesperian Foundation, P.O.Box, 1692, Palo Alto CA,94302, USA,1992,506 pages 3. Finnie Nancy. Handling the young Cerebral palsy child at Home. Penguin USA, P,O.Box 999, Dept.17109, Bergenfield, NJ07621 USA,175,337 page BỆNH LÝ NÃO TRẺ SƠ SINH. Mục tiêu 1. Trình bày được lâm sàng, tiến triển, nguyên nhân, giải phẫu bệnh của bệnh não thiếu khí (ngạt nặng sau sinh) 2. Trình bày được lâm sàng, giải phẫu bệnh, bệnh nguyên, dịch tễ học của bệnh nhuyễn hóa chất trắng ở trẻ sơ sinh đẻ non 3. Nêu được giải phẫu bệnh, nguyên nhân, lâm sàng, dịch tễ học, tiến triển của bệnh xuất huyết trong não thất ở trẻ sơ sinh đẻ non 4. Trình bày được bệnh sinh, nguyên nhân, lâm sàng của bệnh xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới màng nhện ở trẻ sơ sinh đủ tháng 1. Ngạt sơ sinh (Bệnh lý não thiếu máu cục bộ do thiếu oxy ở trẻ sơ sinh đủ tháng) Nguyên nhân - Tai biến sản khoa và ngạt do thiếu oxy gây tổn thương tế bào não cấp. Mức độ tổn thương não tùy thuộc vào độ nặng và thời gian của tìng trạng ngạt ban đầu. - Chuyển dạ khó quá ngắn( < 3 giờ ở người đẻ con so) hoặc quá dài( >13 giờ ) - Ngôi thai bất thuận lợi: ngôi chẩn sau, ngôi chẩm ngang, ngôi mông. - Giai đoạn mở cổ tử cung kéo dài( giãn không hòn toàn trên 2 giờ ) - Đẻ khó phải can thiệp bằng forceps hoặc giác hút. - Nhau tiền đạo, máu tụ sau nhau, sa dây rốn hoặc rốn quấn cổ. - Nhiễm trùng mẹ thai: khi thai còn trong tử cung làm rốI loạn huyết động học, tổn thương não bộ Phát hiện tình trạng này trước khi sinh, theo dõi nhịp tim thai trong quá trình chuyển dạ, có thể dự phòng hoặc giảm tỷ lệ mắc bệnh này bắng cách mổ lấy thai. 1.2. Giải phẫu bệnh lý Ở trẻ sơ sinh đủ tháng , giảm oxy, thiếu máu cục bộ, sẽ làm tổn thương tế bào thần kinh. Tổn thương này được phân loại theo mức độ nặng nhẹ, và liến quan đến sự phân loại lâm sàng đã nêu ở trên. Ở dạng nặng, trẻ co giật không ngừng, có thể chết trong tuần đầu kèm tổn thương tim phổi. Gỉai phẫu bệnh cho thấy phù não, chọc dịch não tủy không ra dịch do xẹp cuống não, xóa mất rãnh não, thoát vị mấu não ở hố sau, thoát vị hạnh nhân tiểu não hình thành nón ép vào thùy nhộng , có thể giải thích việc chọc dịch não tủy không ra dịch, não thất xẹp. Theo giải phẫu bệnh học có thể phân làm 3 hình thái tổn thương: - Hoại tử vỏ não, chất xám, thân não, tiểu não trong phần lớn trường hợp( 65%) - Hoại tử nhân xám của vùng đáy, vùng Thalamus trong 25% trường hợp - Hoại tử riêng ở võ não chỉ gặp trong 10% trường hợp 1.3. Lâm sàng Ngạt sau sinh, làm thiếu khí não dẫn đến những tổn thương nặng nhẹ khác nhau. Tùy theo chỉ số Apgar, chia ra làm 3 mức độ ngạt: ngạt nặng (APGAR < 3), trung bình (APGAR: 3 – 5) và nhẹ (5 -7). Trong đó thể ngạt nặng có triệu chứng lâm sàng điển hình nhất. Bệnh não thiếu oxy và thiếu máu cục bộ (ngạt nặng) hiện nay được định nghĩa dựa trên tập hợp các tiêu chuẩn sau: - Suy thai cấp (bất thường nhịp tim thai và / hoặc nước ối có phân su) - Apgar < 3 trong ít nhất 5 phút - Nhiễm toan chuyển hóa nặng (PH < 7, Base deficit (16 mmol/l) - Triệu chứng thần kinh: co giật, giảm trương lực cơ... - Tổn thương đa phủ tạng ngay lập tức ở giai đoạn sơ sinh (đặc biệt tổn thương gan và thận) 1.3.1. Triệu chứng lâm sàng của thể ngạt nặng - Co giật không ngừng, có thể tiến triển nặng và di chứng lâu dài. - Suy hô hấp nặng một vài giờ ngay sau sinh, cấn phải thông khí hỗ trợ ngay lập tức. - Lúc đầu giảm trương lực cơ sau đó là tăng trương lực cơ tứ chi, giảm trương lực cơ cổ, tăng kích thích, sau đó trẻ đáp ứng ngày càng kém với kích thích, co giật. ý thức thay đổi và hôn mê sâu. Đôi khi co giật kín đáo khó nhận biết. Các cơn co giật lập đi lập lại, không có thời gian để ý thức quay trở về bình thường giữa các cơn. Tìng trạng này kéo dài ít nhất 30 phút - EEG cho phép khẳng định chẩn đoán, có khi phát hiệnnhững sóng động kinh không có biểu hiện trên lâm sàng ở những bệnh nhân hôn mê. - Chọc DNT chỉ ra vài giọt có khi không ra, xét nghiệm dịch não tủy phần lớn bình thường, có khi hơi vàng, Albumine>1g/l, có khi xuất huyết. - Triệu chứng lâm sàng của phù não: giãn các đường khớp, không phải là dấu hiệu thường có ở trẻ sơ sinh. Siêu âm qua thóp và chụp cắt lớp cho thấy 2 não thất xẹp rõ. 1.3.2. Thể ngạt trung bình và nhẹ Triệu chứng thường nhẹ hơn, bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi hôn mê, khóc được và hồi phục. 1.4. Tiến triển của bệnh - Giai đoạn đầu: hôn mê và co giật kéo dài khoảng 48 giờ - Giai đoạn sững sờ: giảm trương lực cơ, giảm vận động kéo dài trong nhiều tuần. - Giai đoạn phục hồi: phản xạ mút-nuốt xuất hiện, trương lực cơ ở giai đoạn này biến đổi như sau: + Phần trên cơ thể giảm trương lực cơ với dấu hiệu khăm quàng cổ rất rộng + Chi dưới tăng trương lực cơ trong tư thế gấp Chậm nhất là ba tuần sau trẻ có thể bú mẹ hoặc bú bình bú, phản xạ mắt xuất hiện trẻ có thể nhìn sững và nhận biết mẹ khi mẹ cho trẻ bú. Giai đoạn này lâm sàng cải thiện rõ rệt, ra viện Có thể có biến chứng đầu nhỏ, đường kính vòng đầu được đo hàng tuần không thấy tăng lên trong tháng đầu sau sinh. ở thể ngạt nặng, trẻ suy hô hấp cần phải đặt nội khí quản vì không tự thở được, có thể tử vong xảy ra trong tuần đầu. 1.5. Di chứng Theo dõi, đánh giá triệu chứng thần kinh sau tuần lễ đầu cho phép xác định dần dần những di chứng trong năm đầu tiên:Liệt 2 chi dướI, Liệt 1/2 người , Liệt tứ chi co cứng, Động kinh, Chậm phát triển tinh thần nặng, Rối loạn giác quan, tật đầu nhỏ. EEG, Siêu âm thóp trước, Scanner cho phép xác định di chứng. Ngược lại những xét nghiệm này cho thấy những hình ảnh bình thường chưa hẳn là tiên lượng tốt khi vẫn tồn tại những triệu chứng lâm sàng. 1.6. Điều trị - Trước sinh: theo dõi nhịp tim thai, mổ đẻ kịp thời các trường hợp suy thai cấp; Trong phòng sinh: hồi sức ngay tức thì sau sinh để tránh thiếu oxy thiếu máu cục bộ sau sinh; - Sau sinh: chặn ngay quá trình thiếu khí bằng cách thông đường thở, thở oxy, chuyền dịch nuôi dưỡng ít nhất trong những giờ đầu sau đẻ, chống co giật, chống phù não, nếu suy hô hấp phải thông khí nhân tạo - Cung cấp nước và điện giải thích hợp để ổn định huyết áp và hằng định nội mô. 2.Bệnh nhuyễn hoá chất trắng ở trẻ đẻ non 2.1. Dịch tễ học Gặp 25% ở trẻ đẻ non. 15% ở trẻ đủ tháng có các bệnh lý sau: hạ đường huyết, tim bẩm sinh, nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não. 2.2. Giải phẫu bệnh học và bệnh nguyên Nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất hoặc hoại tử do thiếu máu cục bộ ở chất trắng. Vùng hay bị nhất là góc ngoài của não thất bên. Những tổn thương này được Baker và Larroche mô tả trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do thiếu oxy và thường gặp ở trẻ đẻ non. Tiến triển không thể lường trước được. Có thể dẫn đến sẹo hóa hoặc hốc hóa được gọi là bệnh não chất trắng đa nang. Cũng có thể gặp bệnh cảnh này ở : - Trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh tim bẩm sinh - Sơ sinh đẻ yếu bị chậm phát triển trong tử cung có hạ đường máu kèm theo - Sơ sinh đủ tháng bị viêm màng não mủ 2.3. Lâm sàng Giai đoạn đầu triệu chứng không có gì đặc hiệu, trẻ đẻ non có những cơn ngưng thở , tím tái, nhiễm toan và thiếu oxy, ngưng thở lập đi lập lại, nhịp tim chậm, ngưng tim, hạ huyết áp và suy hô hấp. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm thóp trước cho thấy: - Những vùng giàu Echo ở giai đoạn đầu của bệnh. - Tiếp đến giai đoạn tạo thành nang hoá, hốc hóa chủ mô não. EEG cho thấy những sóng bất thường. Theo dõi lâm sàng lâu dài trẻ chậm phát triển thần kinh( tinh thần và vận động) Trong tiến triển, siêu âm thóp trước và Scanner cho thấy hình ảnh giãn não thất có hoặc không kèm theo hốc hóa quanh não thất. 2.4. Điều trị Ngăn chặn quá trình thiếu khí, điều trị kịp thời các bệnh lý kèm theo làm suy hô hấp, không có điều trị đặc hiệu. BỆNH LÝ NÃO TRẺ SƠ SINH. CÂU HỎI KIỂM TRA 1. Bại não là một rối loạn chủ yếu về : A. Vận động và tư thế B. Hành vi và cảm giác C. Cảm giác và vận động D. Tư thế và cảm giác E. Tất cả các rối loạn trên 2. Nguyên nhân bại não có thể xãy ra : A. Trước lúc sinh B. Trong lúc sinh C. Sau lúc sinh D. Một trong 3 giai đoạn trên E. Không rõ lúc nào cả 3. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân trước lúc sinh gây bại não : A. Nhiễm trùng ở mẹ lúc mang thai B. Bất đồng nhóm máu mẹ - con ( Rh, ABO ) C. Mẹ bị đái đường D. Mẹ bị nhiễm độc thai nghén E. Mẹ bị chấn thương sọ não 4. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân trong lúc sinh gây bại não : A. Nhiễm trùng ở mẹ lúc đang sinh B. Thiếu Oxy ( ngạt ) lúc sinh C. Sang chấn sản khoa D. Sinh non E. Dây rốn quấn cổ 5. Nguyên nhân nào sau đây không phải là nguyên nhân sau sinh gây bại não : A. Sốt bại liệt ( Bệnh Polio ) B. Nhiễm trùng thần kinh C. Chấn thương sọ não D. Thiếu Oxy não E. U não 6. Nguyên nhân nào sau đây dễ gây bại não : A. Sốt bại liệt ( Bệnh Polio ) B. Sốt nhiễm trùng thần kinh C. Sốt xuất huyết D. Sốt rét E. Sốt cao co giật 7. Dấu hiệu lâm sàng nào sau đây được xem là dấu hiệu sớm trong bại não : A. Chậm phát triển tinh thần - vận động B. Khó khăn khi cho bú hoặc ăn C. Co giật D. Rối loạn nghe và nhìn E. Người mềm nhủn 8. Thống kê hiện nay trên thế giới tần suất bại não tính trên 1.000 dân ước chừng là: A. 0,5 - 1,4 B. 1,4 - 2,4 C. 2,4 - 3,4 D. 3,4 - 4,4 E. 4,4 - 5,4 9. Tính tình của trẻ bị bại não thường biểu hiện : A. Hay khóc B. Hay cười C. Hay giận dữ D. Hay hoảng sợ E. Tất cả đều đúng 10.Tổn thương não trong bệnh bại não chủ yếu là ở phần não điều khiển vận động do đó biểu hiện chinh của bại não trên lâm sàng là : A. Người mềm nhủn B. Người mềm nhủn hoặc co cứng cơ C. Co cứng cơ, cử động không kiểm soát được ( múa vờn ) D. Co cứng cơ, cử động không kiểm soát được ( múa vờn ), mất thăng bằng E. Người mềm nhủn hoặc co cứng cơ hoặc co giật ĐÁP ÁN 1A 2D 3E 4E 5A 6B 7E 8B 9E 10B TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. R. Perelman. Périnéonatologie, volume 2, 1990. Lesions cellulaires, pp. 1620 – 1628 2. Jean Laugier, Jean – Christophe Rozé. Soins aux nouveau – nés, 2002. Encéphalopathie anoxique et ischemique, pp. 263 - 270 3. P.Cloherty, R. Stark. Manual of neonatal care, 1993, pp. 49 - 85 BIẾNG ĂN Ở TRẺ EM Mục tiêu 1. Nêu được những nguyên nhân thường gặp gây biếng ăn ở trẻ em 2. Chẩn đoán được các loại biếng ăn ở trẻ em 3. Xử trí được các loại biếng ăn ở trẻ em 1. Những nguyên nhân chính gây biếng ăn ở trẻ em 1.1. Nguyên nhân tâm lý 1.1.1 Chán ăn có nguồn gốc tâm lý ở trẻ nhỏ: Hay xảy ra ở trẻ 6-9 tháng trong bối cảnh đang được thay đổi chế độ ăn. Trẻ có thái độ chống đối việc ép ăn của bố mẹ. 1.1.2 Chán ăn có nguồn gốc tâm lý ở trẻ lớn: Xảy ra chủ yếu ở các trẻ gái ở tuổi thiếu niên. 1.2. Các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng: Biếng ăn là một triệu chứng xảy ra trong hầu hết mọi bệnh nhiễm trùng. Tình trạng này thường mất đi khi trẻ bắt đầu hồi phục. Nhiễm giun đũa cũng là một nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến ở trẻ em nước ta. 1.3. Bệnh lý tiêu hoá và răng miệng Biếng ăn là một triệu chứng luôn có khi trẻ bị một số bệnh răng miệng : - Viêm miệng áp tơ - Herpangina - Viêm lưỡi bản đồ - Viêm loét họng-amiđan -Mọc răng 1.4. Bệnh mãn tính nặng - Suy tim - Hen vừa và nặng 1.5. Các nguyên nhân khác 1.5.1. Biếng ăn do sinh lý: Trẻ thường biếng ăn khi trẻ biết lật, biết ngồi, biết đi v.v.. 1.5.2. Biếng ăn do thuốc: Các kháng sinh uống thường gây loạn khuẩn ruột, giảm quá trình lên men thức ăn. 1.5.3. Biếng ăn do sai lầm trong chế độ ăn và cách chế biến thức ăn. 1.5.4. Biếng ăn bẩm sinh: khoảng 5% trẻ không bao giờ đòi bú hay đòi ăn. 2. Chẩn đoán biếng ăn 2.1. Lâm sàng 2.1.1. Biếng ăn do tâm lý ở trẻ nhỏ: Đây là loại biếng ăn phổ biến nhất ở trẻ em. - Thường xuất hiện khi trẻ trong khoảng 5-8 tháng, thường có liên quan đến sự thay đổi chế độ ăn hay các đợt bị bệnh. - Thường liên quan đến một thái độ chống đối lại việc ép ăn của bố mẹ. Sự chống đối này có thể có tính chất chung, nhưng thường chỉ nhắm vào mẹ. - Sự tăng cân và tầm vóc thường vẫn đảm bảo. - Trẻ vẫn linh hoạt, mạnh mẽ, đôi khi còn trội hơn so với lứa tuổi. Chỉ biểu hiện sự chống đối trong các bữa ăn mà thôi. - Về phía gia đình, mẹ của trẻ tường rất lo lắng và không chịu được sự chống đối của trẻ. Để chẩn đoán, cần tìm hiểu về tình hình nuôi dưỡng của trẻ và khám để loại trừ các trường hợp biếng ăn có nguyên nhân thực thể, nhiễm trùng, rối loạn hấp thu. 2.1.2. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ thiếu niên: Đây là loại biếng ăn xảy ra ở trẻ thiếu niên, với hai đỉnh điểm là 14,5 tuổi và 18 tuổi. 25% xảy ra ở trẻ dưới 13 tuổi. Tình trạng này có yếu tố gia đình. Chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn sau: (1) Rất sợ bị mập phì, không giảm lo sợ khi đã gỉam cân (2) Sự sợ tăng cân dựa trên những nhận xét chủ quan trong khi trên thực tế có thể là thiếu cân (3) Không chịu duy trì cân nặng ở mức tối thiểu của cân nặng bình thường theo tuổi và chiều cao (4) Không thấy kinh trong 3 chu kỳ liên tiếp trong lúc lẽ ra phải có. Loại biếng ăn này kéo theo rối loạn ở nhiều cơ quan. Tỷ lệ tử vong khoảng 10%, thường do rối loạn điện giải nặng, loạn nhịp tim, hoặc suy tim trong giai đoạn hồi phục. Nhịp tim chậm và hạ huyết áp tư thế cũng thường gặp. Tất cả đều hồi phục sau điều trị phục hồi dinh dưỡng. Điện tim có những biểu hiện như: điện thế thấp, sóng T đảo ngược hoặc dẹt, ST lõm, rối loạn nhịp thất và trên thất v.v... Suy tim dẫn đến tử vong có thể xảy ra khi bồi phụ nước hoặc cho ăn lại quá nhanh (chế độ ăn không được gây tăng cân trên 0,4kg/ngày) 2.1.3. Biếng ăn do các bệnh nhiễm trùng, bệnh lý răng miệng, bệnh mãn tính nặng: - Biếng ăn do bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng: + Biếng ăn là một triệu chứng xuyên suốt từ khi khởi bệnh cho đến khi bệnh hồi phục của hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn và virus. Trẻ bắt đầu thèm ăn trở lại là dấu hiệu của sự lui bệnh. + Nhiễm giun: Trẻ chán ăn, xanh xao, hay đau bụng, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa. - Các bệnh lý tiêu hoá, răng miệng: + Viêm miệng áp tơ, herpangina :Là tình trạng viêm loét niêm mạc miệng do virus herpes. Trẻ không chịu ăn vì thức ăn làm trẻ đau. Đi đôi với chán ăn trẻ đùn nhiều nước bọt và miệng có mùi hôi. Khám niêm mạc miệng, lưỡi hoặc vòm khẩu cái mềm thấy có những vết loét có kích thước đa dạng từ 1-5 mm, phủ lớp bựa vàng nhạt, đường viền chung quanh chỗ loét có màu đỏ. + Viêm lợi: Lợi sưng đỏ và dễ chảy máu ở chân răng. Trẻ cũng chán ăn và đùn nhiều nước bọt. + Nấm miệng (nhiễm Candida albican): Niêm mạc miệng phủ một lớp bựa trắng, mỏng và dễ chùi sạch. Thấy nhiều nhất là vùng mặt trong má, hai bên lưỡi, vòm khẩu cái mềm. + Viêm họng do liên cầu khuẩn hay virus: Trẻ sốt, đau họng tự nhiên hay khi nuốt. Họng đỏ đôi khi có lớp xuất tiết trắng. Amiđan thường sưng đỏ và có thể có lớp xuất tiết phủ bên trên. Do đau họng và tình trạng nhiễm trùng làm trẻ chán ăn. - Bệnh mãn tính nặng: Biếng ăn đi đôi với mức độ khó thở. + Suy tim nặng: Trẻ khó thở, tím tái, nhịp tim nhanh, gan lớn và đau, tiểu ít, nghe tim thấy nhịp tim nhanh, có tiếng ngựa phi. + Hen vừa và nặng: Khó thở chủ yếu kỳ thở ra, sò sè, vã mồ hôi, tím tái, phổi nhiều ran ngáy rít, lồng ngực căng dãn và có thể bị biến dạng. 2.2. Cận lâm sàng 2.2.1. Các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng: Tuỳ theo bệnh mà có những xét nghiệm thích hợp. Chung nhất, có thể làm các xét nghiệm để xác minh một tình trạng nhiễm trùng và đánh giá mức độ tiến triển: Công thức máu, tốc độ lắng máu, CRP v.v.... Đối với ký sinh trùng đường ruột, có thể làm xét nghiệm soi phân tìm trứng giun. 2.2.2. Các bệnh lý tiêu hoá và răng miệng: Các bệnh lý răng miệng thường có thể chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng. 2.2.3. Các bệnh mãn tính nặng: - Suy tim: Cần làm một số xét nghiệm giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của suy tim: X quang tim-phổi, siêu âm tim, điện tim v.v... - Hen vừa và nặng: Cần làm các xét nghiệm : + Xác định bệnh nguyên: IgE đặc hiệu, test lẫy da, test gây hen thử + Đánh giá độ nặng: Đo chức năng hô hấp bằng máy phế dung kế (FEV1) hay máy đo lưu lượng đỉnh (PEFR) 3. Nguyên tắc xử trí 3.1. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý 3.1.1. Ở trẻ nhỏ: Đa số các trường hợp biếng ăn ở trẻ em là loại này. Trẻ mất sự thèm ăn là trẻ có cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi hay bị đánh lừa. Do đó, để xử trí loại biếng ăn này, bố mẹ cần: - Hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn. - Cần tránh những hành vi ép buộc trẻ. - Cố gắng thay đổi hành vi thái độ: Mẹ dành nhiều thời gian chơi với trẻ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi trẻ ăn, cho trẻ tự do chọn thức ăn. - Đừng bao giờ lén pha thuốc vào thức ăn của trẻ. 3.1.2.Ở trẻ thiếu niên: Cách điều trị hiện nay là: - Tâm lý liệu pháp, các kỹ thuật thay đổi thái độ. - Phục hồi dinh dưỡng. - Các thuốc chống trầm cảm rất có ích đối với những bệnh nhân bị trầm cảm kết hợp biếng ăn do tâm lý. Tử vong có thể xảy ra trong giai đoạn cấp hay trong quá trình phục hồi dinh dưỡng. 3.2. Biếng ăn do bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, bệnh lý tiêu hoá, răng miệng - Chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng ( đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn) - Bổ sung các vi chất dinh dưỡng mà trẻ thiếu (các vitamin nhóm B, các acid amin, đặc biệt là lysin, kẽm v.v...) - Xổ giun định lý mỗi 6 tháng. - Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Điều trị sớm các bệnh lý ở răng miệng bằng các biện pháp thích hợp. - Bổ sung các vi khuẩn lactobacillus để tái lập thế quân bình của khuẩn giới ở ruột bị rối loạn sau điều trị kháng sinh. 3.3. Biếng ăn do bệnh lý mãn tính nặng - Điều trị sớm và tích cực các bệnh lý mãn tính. - Bổ sung các vi chất giúp trẻ thèm ăn: Các vitamin nhóm B, các acid amin tối cần, đặc biệt là lysin, kẽm v.v... 3.4. Biếng ăn do các nguyên nhân khác 3.4.1. Biếng ăn do sinh lý (khi trẻ biết ngồi, biết lật, biết đi,v.v...) Hãy cho trẻ ăn từng bữa nhỏ, làm các món ăn lạ và hấp dẫn. Giai đoạn này sẽ qua đi một cách tự nhiên. 3.4.2. Biếng ăn do sai lầm trong chế độ ăn và cách chế biến thức ăn: Cần tránh những sai lầm sau: - Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn xác. Lâu ngày gây thiếu dưỡng chất. - Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo, nước hầm xương làm trẻ khó tiêu hoá. - Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm. - Chất và lượng thực phẩm trong chén cháo hoặc bột không đủ. - Thức ăn đơn điệu làm cho trẻ chán ăn. - Bữa ăn qua nghèo nàn (chỉ có bột và thịt hoặc cá) làm trẻ bị thiếu một số acid amin tối cần và các vitamin. Sự thiếu hụt này có thể dẫn đến tình trạng chán ăn. BIẾNG ĂN CÂU HỎI KIỂM TRA 1. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ nhỏ có những đặc điểm sau : A. Trẻ thường vẫn phát triển tốt, linh hoạt, năng động. B. Là phản ứng của trẻ đối với sự thiếu quan tâm của mẹ C. Xảy ra ở lứa tuổi trên 1 tuổi. D. Câu B và C đúng. E. Câu A và B đúng 2. Biếng ăn sinh lý là biếng ăn : A. Không có nguyên nhân rõ rệt. B. Xảy ra khi trẻ chuyển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác C. Xẩy ra khi trẻ mọc răng D. Xảy ra khi trẻ biết bò, biết lật, biết đi v.v.. E. Tất cả đều đúng 3. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ lớn xảy ra ở : A. Trẻ gái trong độ tuổi thiếu niên B. Trẻ trai trong độ tuổi thanh niên C. Trẻ trai trong độ tuổi dậy thì D. Trẻ gái trong độ tuổi mẫu giáo E. Tất cả đều sai 4. Biếng ăn bẩm sinh là biếng ăn với những đặc diểm sau: A. Xảy ra ở trẻ dưới 1 năm tuổi B. Xảy ra ở 5% trẻ em C. Trẻ chỉ thích bú mẹ D. Trẻ không chấp nhận các thức ăn đặc E. Câu B và C đúng 5. Herpangina là bệnh về khoang miệng với đặc điểm : A. Các vết loét nông ở môi B. Các vết loét ở vòm khẩu cái mềm do virus herpes C. Các vết loét ở môi lưỡi gây bởi virus herpes D. Gây bởi các vi khuẩn kỵ khí E. Câu B và C đúng 6. Các bệnh răng miệng có thể gây chán ăn gồm, ngoại trừ: A. Sâu răng B. Herpangina C. Viêm lưỡi bản đồ D. Viêm loét họng-amiđan E. Viêm miệng áp tơ 7. Để chẩn đoán biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ nhỏ: A. Cần tìm hiểu kỷ việc nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là thái độ của bà mẹ lúc cho trẻ ăn B. Cần khám xét cẩn thận để loại trừ các nguyên nhân thực thể, nhiễm trùng, rối loạn hấp thu v.v... C. Cần khám xét trẻ về mặt tâm lý. D. Câu A và B đúng. E. Tất cả các câu trên đều đúng. 8. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ nhỏ có những đặc điểm sau, ngoại trừ: A. Thường xuất hiện khi trẻ trong khoảng 5-8 tháng B. Thường có liên quan đến sự thay đổi chế độ ăn hay các đợt bị bệnh. C. Liên quan đến một thái độ chống đối lại việc ép ăn của bố mẹ D. Sự chống đối chỉ xảy ra trong các bữa ăn mà thôi E. Sự tăng cân và tầm vóc bị giảm sút 9. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ thiếu niên có những đặc trưng sau, ngoại trừ: A. Đây là loại biếng ăn xảy ra ở trẻ thiếu niên B. Hai đỉnh điểm là 14,5 tuổi và 18 tuổi. C. Trẻ rất sợ bị mập phì D. Có yếu tố gia đình. E. 25% xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi 10. Chẩn đoán biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ lớn dựa vào các tiêu chuẩn sau: A. Rất sợ bị mập phì, hết lo sợ khi đã gỉam cân B. Cố giảm cân nặng thấp hơn mức tối thiểu của cân nặng bình thường theo tuổi và chiều cao C. Sự sợ tăng cân dựa trên những nhận xét khách quan D. Không thấy kinh trong 2 chu kỳ liên tiếp trong lúc lẽ ra phải có. E. Tất cả các câu trên đều đúng. 11. Trong biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ lớn, suy tim trong giai đoạn hồi phục thường xảy ra do: A. Bồi phụ nước quá nhanh B. Cho ăn lại quá nhanh C. Viêm cơ tim do dinh dưỡng D. Chỉ câu A và B đúng E. Tất cả các câu trên đều đúng 12. Sai lầm trong chế biến thức ăn có thể gây biếng ăn ở trẻ nhỏ là, ngoại trừ: 2.8b A. Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn xác. Lâu ngày gây thiếu dưỡng chất. B. Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc hoặc pha sữa bằng nước cháo, nước hầm xương làm trẻ khó tiêu hoá C. Pha sữa vào nước hầm xương làm trẻ khó tiêu hoá D. Thức ăn đơn điệu làm cho trẻ chán ăn. E. Pha bột quá ít khi trẻ mới tập ăn dặm 13. Biếng ăn do nhiễm giun có đặc trưng sau, ngoại trừ: A. Hay bị nôn mửa B. Hay đau bụng C. Thường xuyên rối loạn tiêu hoá D. Hay đi cầu ra máu E. Trẻ xanh xao 14. Viêm họng do virus hoặc liên cầu khuẩn có đặc trưng sau, ngoại trừ: A. Trẻ sốt B. Đau họng tự nhiên hay khi nuốt C. Họng đỏ đôi khi có lớp xuất tiết trắng. D. Amiđan thường sưng đỏ và có thể có lớp xuất tiết E. Vòm khẩu cái mềm có những vết loét nông 15. Điều trị biếng ăn do nguyên nhân tâm lý ở trẻ nhỏ gồm, ngoại trừ: A. Hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn. B. Đừng bao giờ lén pha thuốc vào thức ăn của trẻ. C. Cố gắng thay đổi hành vi thái độ: Mẹ dành nhiều thời gian chơi với trẻ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi trẻ ăn, cho trẻ tự do chọn thức ăn. D. Cho uống thêm các thuốc có lysin để kích thich thèm ăn E. Cần tránh những hành vi ép buộc trẻ. 16. Trẻ dễ bị thiếu lysin khi : A. Chế độ ăn nhiều bột, ít đạm B. Cơ thể không tổng hợp được khi bị các bệnh nhiễm trùng. C. Chế độ ăn quá giàu đạm D. Chế độ ăn nhiều canxi E. Câu B và D đúng 17. Điều trị biếng ăn do điều trị kháng sinh kéo dài gồm: A. Dùng các biện pháp tâm lý B. Dùng các thuốc kích thích thèm ăn C. Bổ sung vi khuẩn lactobacillus để tái lập quân bình khuẩn giới ở ruột D. Dùng các men tiêu hoá E. Tất cả các biện pháp trên 18. Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong cơ chế gây chán ăn là: A. Đồng B. Kẽm C. Magnesium D. Lysin E. Câu B và D đúng 19. Điều trị nấm miệng do candida albican bằng cách: A. Rà miệng với mật ong B. Chùi sạch miệng hằng ngày C. Làm sạch miệng ngay sau mỗi lần bú D. Rà miệng với nystatin E. Tất cả đều đúng 20. Cách điều trị biếng ăn sinh lý tốt nhất là: A. Hãy cho trẻ ăn từng bữa nhỏ B. Làm các món ăn lạ và hấp dẫn C. Cho uống thêm kẽm và lysin D. Chỉ cho trẻ ăn khi trẻ thèm ăn E. Câu A và B đúng ĐÁP ÁN 1A 2D 3A 4B 5E 6A 7D 8E 9E 10B 11D 12E 13D 14E 15D 16A 17C 18E 19D 20E Tài liệu tham khảo 1. Harrison’s principles of internal medicine, 15th edition (2000) 2. Pédiatrie, ELLIPSES/AUPELF. 1998. 3. Nelson Textbook of pediatrics, 16th edition (2000) CHĂM SÓC SỨC KHOẺ BAN ĐẦU TRẺ EM Mục tiêu 1. Trình bày được các khuyến cáo, định nghĩa và nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu trẻ em. 2. Nắm được mục tiêu sức khỏe trẻ em năm 2000-2010 và tình hình sức khỏe trẻ em nước ta. 3. Nắm được bảy biện pháp thực hiện Chăm sóc sức khỏe ban đầu trẻ em. 4. Xác định vấn đề ưu tiên trong công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu trẻ em 5. Liệt kê được các chương trình y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em. 6. Giáo dục sức khỏe tại cộng đồng và tổ chức triển khai nội dung CSSKBĐ cho trẻ em tại cơ sở. 1. Đại cương Chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra tại Hội Nghị Alma- Ata vào năm 1978 nhằm thực hiện mục tiêu “ Sức khỏe cho mọi người năm 2000”, nhiều quốc gia đã chấp nhận và thực hiện có kết quả. Việt Nam chúng ta cũng đã thực hiện và từng bước thành công. Trong lãnh vực nhi khoa Bộ Y Tế cũng đã vận dụng CSSKBĐ của TCYTTG vào việc chăm sóc sức khỏe trẻ em đồng thời Quỷ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng đã đề xướng CSSKBĐ cho trẻ em. 2.Tinh thần và nội dung cơ bản của CSSKBĐ. 2.1. Định nghĩa sức khỏe của TCYTTG “ Sức khỏe là trạng thái hoàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không đơn thuần là không có bệnh tật “. Tuyên ngôn Alma – Ata còn nhấn mạnh sức khỏe là quyền cơ bản của con người và việc đạt được mục tiêu sức khỏe cao nhất là mục tiêu xã hội toàn cầu quan trọng nhất, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, của nhiều ngành chứ không phải riêng ngành Y tế. 2.2. Định nghĩa ý nghĩa và nội dung của CSSKBĐ 2.2.1 Định nghĩa của CSSKBĐ: Theo điều VI của bản tuyên ngôn Alma – Ata: “ CSSKBĐ là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu dựa trên những phương pháp và kỹ thuật học thực tiễn, có căn cứ khoa học và chấp nhận được về mặt xã hội, được đưa đến mọi người và gia đình trong cộng đồng một cách rộng rãi thông qua sự tham gia đầy đủ và với một chi phí mà cộng đồng và quốc gia có thể chi trả được ở mọi giai đoạn phát triển của họ trong tinh thần tự lực và tự quyết “. 2.2.2 Ý nghĩa của CSSKBĐ : - Góp phần thực hiện công lý và công bằng xã hội bằng cách giảm đi sự chênh lệch giữa người có thể tiếp cận với cấp chăm sóc y tế thích hợp và người không thể, bằng giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh tật của trẻ em và bà mẹ. - CSSKBĐ là chăm sóc sức khỏe thiết yếu nhằm giải quyết những vấn đề sức khỏe có tính phổ biến và quan trọng của cộng đồng. - CSSKBĐ phải dựa trên kỹ thuật thích hợp. - Phải có sự tham gia của mỗi cá nhân, cộng đồng. 2.2.3 Mười nội dung chăm sóc SKBĐ ở Việt Nam: - Giáo dục sức khỏe. - Cải thiện điều kiện ăn uống dinh dưỡng. - Cung cấp nước sạch, thanh khiết môi trường. - Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. - Tiêm chủng mở rộng. - Phòng chống bệnh dịch lưu hành ở địa phương. - Chữa bệnh và chăm sóc vết thương. - Cung cấp thuốc thiết yếu. - Quản lý sức khỏe. - Củng cố mạng lưới y tế cơ sở. 3. Bối cảnh của chiến lược CSSKBĐ cho trẻ em 3.1. Tình hình sức khỏe trẻ em trên thế giới Trong nhiều thập niên trước đây, với sự nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, tình hình sức khỏe trẻ em ở các nước phát triển đã được cải thiện rõ rệt, nhưng về phương diện toàn cầu thì chưa được cải thiện bao nhiêu. Lấy ví dụ : qua điều tra tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới trong hai thập kỷ 1963 - 1973 và 1973 – 1983 cho thấy là 42,7% so với 42,3%, nghĩa là không thay đổi. 3.2. Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi còn rất cao Chung cho toàn thế giới là 6,1%, các nước công nghiệp; 0,7%, các nước đang phát triển là 6,7%, các nước kém phát triển là 10,9%. ( số liệu của TCYTTG năm 1997 ) 3.3. Nguyên nhân tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Hằng năm có khoảng hơn 12 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị chết, trong đó bị chết trong giai đoạn sơ sinh khoảng 4 triệu, từ 1-11 tháng là 4.110.000 và từ 1- 5 tuổi là 4.110.000. Như vậy 2/3 số tử vong trẻ dưới 5 tuổi xảy ra trong năm đầu. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là SDD và các bệnh nhiễm khuẩn trong đó đứng hàng đầu là nhiễm khuẩn hô hấp cấp ( 25%), tiêu chảy 23%), uốn ván sơ sinh (5%), sốt rét ( 8%), sởi (9%). Một số bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng biện pháp tiêm chủng, tình trạng SDD sẽ được cải thiện bằng cách cho trẻ bú mẹ và thức ăn bổ sung. 4. Chiến lược CSSKBĐ cho trẻ em. Chiến lược CSSKBĐ cho trẻ em được tổ chức UNICEF đề xướng và được OMS chấp nhận. Nội dung cơ bản của chiến lược này bao gồm 7 biện pháp ưu tiên dưới đây. Bảy biện pháp này thường được gọi tắt là GOBIFFF: 4.1. G: Giám sát tăng trưởng : bằng cách sử dụng cân và biểu đồ cân nặng để giám sát sự tăng trưởng của trẻ, phát hiện kịp thời tình trạng SDD để can thiệp sớm. 4.2. O : Cách pha ORS và bù nước.Thực hiện bù nước bằng đường uống, bằng các dung dịch muối đường ( ORS ) để chống tình trạng mất nước và điện giải khi trẻ bị ỉa chảy cấp, nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ỉa chảy 4.3. B : Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú, nhằm góp phần làm giảm các bệnh nhiễm khuẩn và SDD. 4.4 .I : Thực hiện tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng các bệnh nhiễm khuẩn chủ yếu như lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sỏi cho tất cả trẻ em dưới một tuổi. 4.5. F : Giáo dục cho bà mẹ về chăm sóc và giáo dục trẻ em.. 4.6. F : Hướng dẫn dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cũng như thức ăn sam cho trẻ. 4.7. F : Tư vấn truyền thông về kế hoạch hóa gia đình. 5. Mục tiêu sức khỏe trẻ em từ nay đến năm 2020 Theo nghị quyết 37/CP ngày 20/6/1996 của chính phủ, mục tiêu sức khỏe trẻ em đến năm 2000 và 2020 là: Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống 35 %0 vào năm 2000 và 15 – 18 %0 vào năm 2020. Hạ thấp tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi xuống 30% vào năm 2000 và 15% vào năm 2020. Phấn đấu chiều cao trung bình của nam đạt 165cm và nữ là 155 cm vào năm 2020. Thanh toán các rối loạn do thiếu iode vào năm 2005, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8 – 10 tuổi còn dưới 5%. Thanh toán các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh vào năm 2000. Thanh toán cơ bản bệnh dại, sốt rét, tả, thương hàn, dịch hạch, viêm gan B, viêm não Nhật Bản vào năm 2020. Trước mắt phải khống chế tớï mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết các bệnh trên. 6.Tình hình sức khỏe và bệnh tật trẻ em nước ta. Nước ta, nếu xếp theo tổng sản phẩm quốc nội ( GDP ) thì thuộc vào một trong 10 nước có thu nhập tính theo đầu người thấp nhất ( 200 USD / năm )nhưng chỉ số sức khỏe nói chung và của trẻ em nói riêng lại thuộc loại trung bình của thế giới (xếp 70 / 129 nước ). 6.1.Một số chỉ số sức khỏe và xã hội của nước ta Theo “ Tóm tắt số liệu thống kê Y tế” năm 1999 của Bộ Y Tế Dân số chung 77.263.000 Nam : 38.013.000 ; Nữ : 39.250.000 Tổng sản phẩm quốc nội năm 1998 là 368.692 tỷ đồng; năm 1999 là 399.492 tỷ đồng. Tỷ lệ tiêm chủng qua các năm Vaccin 1995 1996 1997 1998 1999 BCG 95,7 95,50 96,40 93,50 85,50 DPT3 93,40 94,40 94,90 93,69 83,70 Bại liệt 3 93,60 94,50 95,20 93,83 81,10 Sởi 95,50 96,00 96,00 96,25 85,20 Tiêm đầy đủ 93,40 95,10 95,40 95,53 84,40 Mắc chết của các bệnh có tiêm chủng Bệnh 1997 1998 1999 Bạch hầu : mắc 152 130 25 Bạch hầu : chết 14 33 4 Ho gà : mắc 1565 1182 744 Ho gà : chết 6 3 3 Uốn ván sơ sinh : mắc 257 266 197 Uốn ván sơ sinh : chết 183 188 138 Bại liệt : mắc 1 0 0 Bại liệt : chết 0 0 0 Sởi : mắc 6.507 11.690 12.784 Sởi : chết 0 8 10 6.2. Tình hình bệnh tật Mô hình bệnh tật của trẻ em nước ta chủ yếu là mô hình bệnh tật của nước đang phát triển, đứng hàng đầu là các bệnh nhiễm khuẩn và SDD. Trong các bệnh nhiễm khuẩn đứng hàng đầu vẫn là các bệnh NKHHCT, bệnh tiêu chảy cấp và một số bệnh dịch như sốt rét , sốt xuất huyết, thương hàn, viêm gan do virus, viêm não... Các bệnh SDD rất nặng và nặng đã giảm rõ rệt, số trẻ SDD vừa và nhẹ còn khá cao ( 32% ), các bệnh thiếu máu dinh dưỡng còn rất cao trên dưới 60% tùy vùng, bệnh thiếu Iode còn cao. Bệnh thiếu vitamin A đã giảm rõ rệt. Bên cạnh đó một số bệnh thường gặp ở các nước phát triển như tim mạch, ung thư, tai nạn được phát hiện ngày càng nhiều. 6.3. Nguyên nhân tử vong Theo niên giám thống kê của bộ Y tế năm 1995, có 10 nguyên nhân gây tử vong chính, xếp theo thứ tự ưu tiên là: Bệnh lý chu sinh và thai nhi Tai nạn, chấn thương và ngộ độc. Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Bệnh hệ tuần hoàn. Bệnh hệ hô hấp. Bệnh hệ tiêu hóa. Các hội chứng lâm sàng và xát nghiệm không xếp loại. Khối u. Bệnh hệ thần kinh. Bệnh hệ tiết niệu sinh dục Đối với trẻ em, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là bệnh lý trẻ sơ sinh trong đó chủ yếu là do thấp cân, đẻ non, rồi đến viêm phổi và các bệnh nhiễm khuẩn, SDD nặng. 7.Các chương trình y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em và tổ chức triển khai nội dung CSSKBĐ tại cơ sở. Việt Nam là một trong những nước tham gia đầu tiên phê chuẩn công ước về quyền trẻ em. Bộ Y tế đa có nhiều chương trình quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe trẻ em : chương trình CDD, chương trình ARI, chương trình phòng thấp, chương trình phòng chống SDD, chương trình phòng chống thiếu vitamin A , chương trình phòng chống thiếu máu trẻ em, chương trình phòng chống bệnh bại liệt, chương trình phòng chống sốt rét, bướu cổ và thiếu iode....Và gần đây là chương trình lồng ghép xử trí trẻ ốm (IMCI), dự án về dân số và sức khỏe sinh sản. Từ những thành quả trong thời gian qua chúng ta có thể rút ra những bài học để tổ chức triển khai tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu: - Phải xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em. Cần làm cho mọi người, mọi ngành, mọi nghề nhận thức rõ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em là cần thiết “ Sức khỏe trẻ em hôm nay, không phải ngày mai” ( child health today, not tomorrow). - Phải lồng ghép về mặt tổ chức, nhân lực và các chương trình sức khỏe đặc biệt có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể. - Phải tranh thủ sự viện trợ quốc tế về mặt tài chính và kỹ thuật. CHAM SÓC SỨC KHOẺ BAN ĐẦU CÂU HỎI KIỂM TRA 1.Chiến lược chăm sóc sức khoẻ ban đầu của trẻ em được đề ra bởi A. WHO B. PAM C. UNESCO D. UNICEF E. Tất cả đều sai 2.Khi đánh giá sự tăng trưởng điều quan trọng nhất là dựa vào: A. Cân nặng tuyệt đối. B. Xu hướng của đường biểu diễn cân nặng C. Chiều cao so với tuổi D. Chiều cao cân nặng so với tuổi E. Tất cả đề đúng 3.Bù nước bằng đường với dung dịch muối đường trong tiêu chảy cấp dựa trên cơ sở: A. Trẻ tiêu chảy hay bị hạ đường máu. B. Trẻ thích uống nước hơn vì có vị ngọt trong dịch pha C. Hấp thu muối nhờ đường không bị rối loạn D. Đường cung cấp năng lượng cao phòng được suy dinh dưỡng E. tất cả đề đúng. 4.Dung dịch dùng để pha ORS được khuyến cáo phải là: A. Nước sôi. B. Nưới sôi để nguội C. Nước khoáng D. Nước sạch E. Nước tiệt trùng 5.Sữa mẹ là rất tốt với trẻ NGOẠI TRỪ: A. Sữa mẹ dễ tiêu hoá dễ hấp thu B. Có đầy đủ các chất dinh dưỡng đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện C. Sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ phòng chống được các bệnh nhiễm khuẩn
DMCA.com Protection Status Copyright by webtailieu.net